Trần Khuê- Nhà khoa học ham tranh luận

 

Trong "Thư ngỏ gửi bạn đọc" in ngay trang đầu tập "Đối thoại năm 2000" dầy 200 trang vi tính khổ A4, Trần Khuê đã bố cáo một cách hơi gay gắt :

"- Bạn là người không thích thảo luận và tranh luận ?
- Xin vui lòng đừng đọc bản văn này để khỏi ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm thần
- Bạn là người không quan tâm đến vấn đề đáng lẽ phải quan tâm ? Tất cả với bạn đều là "vặt vãnh" phải không ?
- Cũng xin bạn vui lòng đừng đọc văn bản này ..."

Ông ham tranh luận và thích phê phán nên ông rất khoái triều Mạc. Ông biểu dương: "tôi thấy triều Mạc có sự cởi mở khá rộng rãi về mặt tư tưởng và ngôn luận. Đặc biệt có sự phê phán chỉ đích danh từng đại thần. Đáng kinh ngạc là sự phê phán cả nhà vua". Ông thích thú trích dẫn sớ của Lại bộ thượng thư Nghĩa sơn bá Trần văn Nghi, dám phê phán thẳng thắn cả Đức Vua: "Những tờ sớ của đình thần trước sau đã tâu bầy, đều nói thẳng những sự sai lầm, có thể như những liều thuốc hay rất đáng cứu xét để tu tỉnh. Bệ hạ ban chỉ dụ khen ngợi mà vẫn chưa thấy mở rộng lượng theo lời can gián ... Không biết đó có phải do ý định của bệ hạ mà tạo ra tình trạng đó hay là hoặc có kẻ làm mờ ám thông minh, lùa dối bệ hạ chăng ? Những việc như thé rất trái với đường lối trị nước. Cho nên thể thống triều đình ngày càng rối loạn, những lời công luận ngày càng bế tắc ..." (Cần hiểu đúng Nguyễn Bỉnh Khiêm và vương triều Mạc).

Đấy là cái tư chất đáng quý và cần có của người làm khoa học. Chính vì thế tôi trân trọng Trần Khuê hơn khá nhiều nhà khoa học xã hội khác vì lý do nào đó được gắn đầy đủ các học hàm, học vị: viện sỹ, giáo sư, tiến sỹ ... mà chỉ sản xuất ra hàng loạt những bản minh hoạ, những lời tụng ca vô hồn, đầy tính tư biện.

Ông đã thực hiện khá nhiều công trình nghiên cứu công phu và có giá trị về Nguyễn Du và Truyện Kiều, về Văn hoá và Danh nhân văn hoá, về Tư tưởng Hồ Chí Minh ... như: "Trao đổi với ông Hoàng Tuệ về "Ngữ pháp Truyện Kiều", "Về thái độ chính trị của Nguyễn Du đối với các triều Lê, Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn Gia Long", "Về hiện tượng thơ Nôm Mạc Thiên Tích", "Vị thế của Nguyễn Tri Phương trong lịch sử dân tộc", "Cần hiểu đúng Nguyễn Bỉnh Khiêm và vương triều Mạc", "Nguyễn Trường Tộ - nhà kiến trúc tư tưởng Việt Nam ở thế kỷ XIX", "Tuệ Trung thượng sỹ với tư tưởng và sức mạnh văn hiến Việt Nam", "Khổng giáo và vấn đề nữ quyền ở Việt Nam", "Nho giáo và sự phát triển của Việt Nam", "Tư tưởng Hồ Chí Minh với vấn đề giải phóng phụ nữ và xây dựng gia đình ở Việt Nam"...

Đặc biệt là mấy tập chính luận: "Đối thoại năm 2000", "Chỉnh đốn để tồn tại và phát triển", "Đối thoại năm 2001" ...

Những đóng góp khoa học

Trần Khuê quả là một học giả rất ham tranh luận. Để tranh luận với ông Quang Đạm và Đỗ văn Hỷ về chữ "đàn" trong câu Kiều: "Giang hồ quen thói vẫy vùng. Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo", ông đã cất công suốt 8 năm trời (từ 10-8-1966 đến 23-3-1974) khảo cứu và hoàn thiện một bài viết (Gươm đàn hay gươm cung ?). Đến tháng 11 năm 1974 ông lại bồi thêm một bài nữa (Gươm đàn không bao giờ là gươm cung) để khẳng định chữ "đàn" trong câu thơ trên không thể có nghĩa là chiếc cung bắn bằng viên đạn mà phải là cây đàn, một nhạc cụ.

Ông phê phán gay gắt việc cổ suý phục hồi Khổng giáo và hương ước. Ông cho rằng "những sỹ tử được đào tạo trong nhà trường Nho giáo thường chỉ được rèn luyện trí nhớ chứ không được tăng cường trí tuệ, sao chép giỏi mà phát minh kém" (Trao đổi với ông Phan Ngọc về vấn đề Nho giáo). Ông chỉ trích "Ông Lý Quang Diệu và một số thủ lĩnh các nước con rồng lại muốn dựa vào vốn và kỹ thuật của phương Tây phối hợp với phần tiêu cực nhất của đạo lý Nho giáo phương Đông để tạo ra bước thần kỳ về kinh tế! Không giải phóng lực lượng sản xuất ra khỏi ý thức hệ phong kiến mà lại mong phát triển chủ nghĩa tư bản nhanh hơn cả bậc thầy của mình nghĩa là họ định tạo ra một phương thức sản xuất TBCN Châu Á ... Thực ra duy trì đời sống tâm linh xã hội như cũ, với đạo lý cũ, với lễ hội cổ truyền, với các phong tục tập quán cổ xưa thì tạo ra được sự ổn định nhất thời, nhưng đó là mặt thứ yếu. Mặt chủ yếu là các chủ doanh nghiệp, chủ trang trại ... tha hồ bóc lột, tha hồ làm mưa làm gió mà thu lợi nhuận. Tại sao lại dám phản đối ông chủ bằng đình công bãi công? Tại sao lại đòi bản quyền bằng sở hữu trí tụê ? Cắn răng chịu đựng là đạo lý, đừng đòi hỏi quyền lợi cá nhân là đạo lý!" (Chỉnh đốn để tồn tại và phát triển) (1). "để phát triển kinh tế TBCN, giai cấp tư sản một số nước phương Đông lại khéo léo sử dụng xiềng xích phong kiến để vắt kiệt sức lao động của họ" (Nho giáo và sự phát triển của Việt Nam) (2). "Về mặt vật chất, quả là những người lao động cũng được hưởng đời sống khá hơn. Nhưng còn về mặt tinh thần ? Những dây xiềng Khổng giáo tuy có được nới lỏng nhưng vẫn còn nguyên vẹn trên cổ họ. Những cuộc biểu tình mang tính chất bạo động của công nhân và sinh viên Nam Triều Tiên biểu hiện cái tâm lý đối với quan hệ giữa người với người chẳng mấy tốt đẹp ở đất nước này. Và mưu đồ dùng kỷ cương Khổng giáo để ổn định trật tự xã hội đâu có phải dễ dàng duy trì mãi mãi" (2)

Ông lên án: "... những con người thông tuệ và có ý thức dân tộc sâu sắc như Nguyễn Trãi mà bị chặt đầu, như Ngô Thì Nhậm bị đánh chết ở Văn Miếu thì sau này những Bùi Viện, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ phải ôm hận cũng là điều bình thường ở xã hội Khổng nho", Ông biểu dương "Hồ Quý Ly thực là người kiệt xuất trong lĩnh vực tư tưởng. Chính ông là người đầu tiên ở Việt Nam lên tiếng phê phán Khổng Tử." (2)

Ông chứng minh rằng tư tưởng Phật giáo hay Khổng giáo không hề làm cho nước ta mạnh lên, bởi vì trong triều đại Tống, chính cái nôi Khổng giáo cũng đã không cứu được đất nước Trung Hoa khỏi sự xâm lấn của Hoàng đế nhà Nguyên. Ông tìm thấy sức mạnh độc đáo của nước mình qua 3 lần đại thắng quân Nguyên trong "Tư tưởng văn hiến Đại Việt" do ông đề xuất.

Một nhà nghiên cứu kinh tế-xã hội Việt Nam hiện ở nước ngoài cũng "đồng thanh tương ứng" khi phát biểu về Khổng giáo: "Trong vòng hơn hai ngàn năm chúng ta được nhào nặn bởi văn hoá Khổng giáo, một văn hoá vong thân, vị kỷ và phủ nhận đất nước. Từ gần một nửa thế kỷ nay chúng ta bị áp đặt văn hoá cộng sản không khác với Khổng giáo bao nhiêu về bản chất. Cả hai đều là những văn hoá kỳ thị, đặt nền tảng trên một giai cấp chứ không phải trên tinh thần dân tộc. Một kẻ sỹ Việt Nam ngày xưa gắn bó với một kẻ sỹ Trung Hoa hơn là một thứ dân Việt nam. Một bần cố nông Việt Nam gần đây được nhồi sọ để coi mọi người vô sản thế giới là anh em và coi người tư sản Việt Nam là kẻ thù" (Tổ quốc ăn năn - Nguyễn Gia Kiểng).

Bước sang lĩnh vực kinh tế ông cũng tỏ ra am tường khi viét: "Chương trình một triệu tấn đường thất bại có nhiều nguyên nhân nhưng có một nguyên nhân mà người ta không dám nói đến, đó là hậu quả trực tiếp của tư duy kinh tế xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô-viết. Nếu người ta biết dùng và biết nghe những chuyên gia giỏi thực sự, có tư duy kinh tế thị trường, hẳn người ta sẽ tính toán khác đi mà không bao giờ lấy việc sản xuất một triệu tấn đường làm mục đích, không tính gì đến sự biến động giá cả của thị trường trong nước và thị trường thế giới. Nếu có sự bàn bạc dân chủ thì làm gì có chuyện xây dựng nhà máy đường ở những khu không thuận tiện giao thông để cho giá vận tải đội giá thành lên. Nếu biết tuân theo luật cung cầu của kinh tế thị trường đâu dám ngồi ở năm 1995 mà định giá đường cho tận năm 2000". (Đối thoại năm 2000) (3)

Ông có vẻ rất chí lý khi mạnh mẽ chỉ trích: "Không rõ chuyên viên nào lại đưa vào nghị quyết ĐH VI mệnh đề: "Cần phải đẩy mạnh sản xuất hàng hoá". Chẳng lẽ người tham mưu cho Trung ương này lại không hiểu được rằng hàng hoá là thứ không thể hò nhau "đẩy mạnh sản xuất" là trở thành tốt đẹp. Chẳng nhẽ họ lại không hiểu một chút nào về luật cung cầu của kinh tế hàng hoá. Đáng buồn là báo chí của ta lúc ấy cũng đồng thanh nhắc nhở mọi ngươì ra sức đẩy mạnh sản xuất hàng hoá. Cho đến khi bên thống kê báo động là đã tồn kho hàng ngàn tỷ đồng hàng hoá không tiêu thụ được, bấy giờ người ta mới giật mình thấy rằng không thể tiếp tục hô hào đẩy mạnh kiểu đó" (1)

Ông càng tỏ viễn kiến khi giãi bầy: "Cũng đã nhiều năm tôi băn khoăn tự hỏi "Tại sao sống trên một vùng đất có tới hàng nghìn Km bờ biển mà dân tộc Việt Nam mình hàng nghìn năm qua cứ quay lưng ra biẻn rồi cam tâm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ?". Mà dân tộc mình đâu có kém cỏi về mặt sông nước, thời đức tổ Hùng Vương đã từng vẽ mình để cự nhau cùng thuỷ quái, thời Trần và thời Nguyễn Tây Sơn thì đã từng có những đội thuyền chiến làm kẻ thù khiếp vía. Kỹ thuật đóng thuyền còn lưu trong sổ sách hoặc ghi trên mặt trống đồng" (Nguyễn Trường Tộ và nhu cầu của thời đại).

Sau này, tôi cũng đã được đọc những ý kiến tương đồng của ông Nguyễn Gia Kiểng trong cuốn "Tổ quốc ăn năn": "Biển là tài sản quý báu nhất của non sông hoa gấm, có khả năng cao hơn nhiều so với nông nghiệp ... Biển là kho tàng hải sản vô tận, là sự nới rộng của bờ cõi ..."

Ngoài những vấn đề lý luận chung, Trần Khuê còn có những phát hiện nhân sự tinh tường. Ông từng dâng trảm sớ đối với Nguyễn Thiện Luân. Chẳng tư thù tư oán gì, chỉ vì quyền lợi của nhân dân, của đất nước, ông đã khăng khăng truy xét kẻ tội phạm này: "Việc Trung ương ta chưa công khai thi hành kỷ luật ông Nguyễn Thiện Luân (đương kim thứ trưởng bộ Nông nghiệp) có là điều bình thường không? Trước khi được đề bạt thứ trưởng ông Luân còn là giám đốc nhà máy bột ngọt Thiên Hương. Do một báo cáo dối trá của ông mà 51 tấn bột ngọt trong kế hoạch hoàn thành của nhà máy chỉ có trên giấy, sau đó được báo cáo là bị mất trộm ... kỳ họp Quốc hội nào cũng lên tiếng kiến nghị. Thế mà đột nhiên có một lệnh riêng nào đó từ Hà Nội (chúng tôi đang điều tra để có chứng cứ đích xác là ai đã ra lệnh phi pháp này), báo chí im tịt luôn, đoàn đại biểu Quốc hội cũng im tịt luôn ... Vụ 51 tấn bột ngọt của ông Nguyền Thiện Luân mà chúng tôi phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần là vì đó là nỗi nhức nhối của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chứ nó đã thấm gì so với hàng trăm ngàn vụ khác. Vấn đề là: 51 tấn bột ngọt gian lận làm tù oan bao nhiêu người lại được trả lời dư luận bằng sự khen thưởng, thăng chức và lấy chuyện "tình nghĩa" mà lờ đi hơn chục năm trời" (Đối thoại năm 2000) (3).

Tiếc rằng những khuyến cáo cương trực quý giá như thế dã không thể lọt tai bầy lũ gian thần. Và cậu quý tử, con rể cựu chủ tịch nước cứ được cất nhắc lên cao hơn để tàn phá đất nước dữ dội hơn khi đồng loã với Lã thị Kim Oanh.

Tha thiết với sự nghiệp dân chủ hoá đất nước

"Nhiều bạn đã thân ái phê bình chúng tôi hay đi lan man. Quả có thế. Tản mạn, lan man và cả trùng điệp là một nhược điểm không thể ngày một ngày hai mà khắc phục ngay được khi cứ phải bàn đi bàn lại một vấn đề quá trọng đại của dân tộc và thời đại: vấn đề dân chủ. Biết là quá tải, vượt tải mà vẫn cố sức làm, không tính đến thành bại, chẳng kể đến mất còn, chỉ sao noi theo được chút nào tấm gương sáng của cụ Nguyễn Trường Tộ để tránh được cái tiếng bất nhân bất nghĩa (Lời cụ Nguyễn Trường Tộ: Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không nói hết là bất nghĩa); đặng có thể yên tâm nhắm mắt khi từ giã cõi đời này" (Đối thoại 2001) (4).

Trên đây có thể xem là tuyên ngôn, là thề nguyện của Trần Khuê.

"Không tính đến thành bại, chẳng kể mất còn". Đáng quý biết bao ! "Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh" là lời thề vì độc lập dân tộc của các chiến sỹ quyết tử quân Liên khu 1 Thủ đô anh hùng. Đây là lời thề của những quyết tử quân vì sự nghiệp dân chủ hoá đất nước.

Có lời tuyên thệ quyết liệt đó vì như ông từng day dứt "Chúng tôi xin phép nhắc lại không biết mệt mỏi một điều mà chúng tôi đã nhấn mạnh trong Đối thoại năm 2000: Có tự do dân chủ là có tất cả ! Mất tự do dân chủ là mất tất cả! Vậy còn lại gì ? - Chỉ còn lại một bầy nô lệ mới cho bọn tài phiệt bản xứ và tài phiệt quốc tế mà thôi !" (4).

Nỗi lòng tha thiết với tự do dân chủ thường trực giúp ông khi đọc cuốn "Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" của cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu ông phát hiện ngay được thiếu sót trong mấy dòng sau đây: "Đảng ta là đội tiền phong của giai cấp công nhân, hết lòng phục vụ nhân dân. Mục tiêu chiến đấu của Đảng ta là vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của đồng bào; không có mục tiêu nào khác".

Không biết có phải ông Lê Khả Phiêu huý chữ tự do hay như ai đó giải thích rằng phải hiểu trong mục tiêu hạnh phúc đã có mục tiêu tự do rồi nhưng Trần Khuê đã dựng ngay được một tiểu phẩm hài như sau: "Chúng tôi bảo không được! Vì nếu cứ phải hiểu ngầm ý nhau như thế thì các tiêu đề trên các công văn đơn từ hẳn phải viết gọn là:

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Hạnh phúc
và cái khẩu hiệu lừng danh của cụ Hồ hẳn cũng phải "cập nhật" thành:
Không có gì quý hơn độc lâp, hạnh phúc!
" (4)

Quả tình, ông là một người hơi quá ham tranh luận và phê phán.

Thường trực với yêu cầu dân chủ hoá đất nước, ông còn xăm soi vào lời phát biểu của các vị lãnh đạo và hơn một lần đã hạch sách ông Đỗ Mười về chuyện này.

Trong bài phát biểu tại hội nghị lần thứ 8, ban Chấp hành Trung ương khoá 7, tổng bí thư Đỗ Mười nói: "Động viên nhân dân ra sức phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc, dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta".

Các vị lãnh đạo Đảng CSVN có một thời kỳ rất huý kỵ các từ Tự do, Dân chủ. Thế là ông Trần Khuê lại "sôi tiết" lên mà té tát: "Tại sao năm 1995 rồi mà đồng chí Đỗ Mười còn đưa ra mục tiêu "vì độc lập dân tộc" trong khi chúng ta đã giải quyết xong mục tiêu hoà bình thông nhất độc lập từ sau đại thắng 30 tháng tư/1975? Cái mà chúng ta đã làm xong rồi thì đồng chí Đỗ Mười bảo ra sức làm tiếp. Còn cái mà chúng ta phải làm tiếp là dân chủ và giầu mạnh thì đồng chí lại bỏ qua.. Mục tiêu dân chủ mà thay bằng dân giầu nước mạnh rồi lại thêm vào 4 chữ công bằng văn minh là rất khó thực hiện. Thực tiễn đã xác nhận nếu không có dân chủ thì không thể phát triển, không thể giầu mạnh được.

Như trên đã nói, cái vĩ đại nhất của nghị quyết Đại hội VI là thực hiện dân chủ với nông dân, do đó đã đưa nước ta từ nước đói kém trở thành thừa gạo xuất khẩu. Đáng lẽ phải tiếp tục thực hiện dân chủ ở các lĩnh vực khác để tạo ra một sự phát triển thần kỳ thì người ta lại gạt dân chủ sang một bên. Không có dân chủ thì lấy cơ sở nào để tạo nền cho dân giầu. Còn dân giầu theo cái nghĩa là một số ít trở nên giầu thì làm sao lại tạo nên nước mạnh được. Và nếu chỉ 5% là dân giầu, còn 95% là dân nghèo thì làm thế nào để tạo ra sự công bằng ? Và nếu một nước mà 95% thuộc diện nghèo khổ thì lấy cơ sở nào để tạo ra văn minh ?" (1).

Ông cũng không kiệm lời biểu dương để cổ suý cho những thành tựu dân chủ của Đảng: "Vấn đề khoán hộ trong nông nghiệp chính là cởi trói cho lực lượng sản xuất, thực chất là dân chủ. Đã dân chủ tất yếu phải phát triển. Từ một nước nghèo đói kinh niên mà chỉ khoán chưa đầy một năm đã dư một triệu tấn gạo, đưa nước ta lên hàng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo, thật là một điều kỳ diệu không thể tưởng tượng nổi" (1).

Ba cái vạ tầy đình

Để kích động toàn Đảng, toàn dân căm thù Trần Khuê, ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương đã đổ cho Trần khuê ba cái vạ tầy đình: Một là đòi bỏ điều 4 của Hiến pháp nước ta. Hai là đòi đổi tên Nước và tên Đảng. Ba là đòi hoả táng thi hài chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hãy xét từng tội trạng của những kẻ gắp lửa bỏ tay người đó:

1- Về việc đòi bỏ điều 4 của Hiên pháp nước ta:

Trước hết phải nói rằng cái Điều 4 kệch cỡm kia không hề có trong các bản Hiến pháp nước ta trong những năm người lãnh đạo tối cao của Đảng Hồ Chí Minh còn sống.

Từ 1946 và cho đến 31 tháng 12 năm 1959, điều 4 Hiến pháp nước ta vẫn được ghi: "... Tất cả quyền lực trong nước VNDCCH đều thuộc về nhân dân". Thế rồi, cái nguyền ước "Tất cả quyền lực ... đều thuộc về nhân dân" ấy bỗng nhiên bị trùm lên, bị khoá lại bằng một lệnh cưỡng chế: "Đảng CSVN là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội"!

Không biết ngẫu nhiên hay trời xui đất khiến thế nào mà lịch sử lại để phơi ra sự mỉa mai, chua chát trong một nghịch cảnh đầy kịch tính như vậy ? Sao cái xiềng đó, cái lệnh đó không đặt ở đâu mà lại đặt ngay vào chính Điều 4.

Việc này xẩy ra dưới triều Lê Duẩn- Lê Đức Thọ!

Cần thực sự cầu thị mà thấy rằng Trần Khuê không thù ghét gì ĐCSVN. Ông cũng không chống Đảng và không hề nói xấu Đảng. Tuy nhiên, tôi rất đồng ý với Trần Khuê khi ông rành rọt: "Đảng thì dứt khoát là sáng suốt rồi. Nhưng từng ban chấp hành, từng uỷ viên trung ương thì cũng là người thường cả thôi, có lúc đúng lúc sai, lúc sáng suốt, lúc kém sáng suốt, phải chân thành mà khen ngợi hay phê phán cho khách quan công bằng, giúp đỡ nhau tiến bộ" (4); "... đừng nói Đảng sai. Nếu có sai thì do ban chấp hành trung ương nào sai, bộ chính trị nào sai, uỷ viên trung ương nào sai phải quy cho rõ, cứ nói chung chung là Đảng sai thì không ổn! Đồng chí Lê Duẩn kế thừa vai trò của Bác, lãnh đạo toàn dân chống Mỹ thắng lợi, rõ ràng phải ghi công cho đồng chí. Đồng chí Trường Chinh chủ trương "Đổi mới hay là chết" là cống hiến rất lớn cho sự nghiệp đổi mới đất nước, rõ ràng là phải ghi công. Nhưng cả hai đồng chí đàn áp đồng chí Kim Ngọc- một trí tuệ lớn của Đảng và Dân tộc -, thử hỏi có cần ghi tội không ?" (1).

"Đàng thì dứt khoát là sáng suốt rồi", "đừng nói là Đảng sai". Những câu nói đó của Trần Khuê rất đúng.

Nhưng, Đảng dường như chỉ có thể dứt khoát là sáng suốt và luôn luôn đúng nếu quả thực Đảng là của hơn hai triệu đảng viên. Chúng ta ai cũng có thể biết họ vì họ là vợ, chồng ta, là bạn bè ta, con cháu ta ... Nói chung họ đều tốt, đều giỏi giang, có thể là phần nào nhỉnh hơn mặt bằng dân trí chung. Song vì đại đa số trong họ bị mê hoặc, bị cùm trói về tư tưởng còn ghê gớm hơn người ngoài Đảng (Cứ xem 19 điều cấm kỵ đối với đảng viên cũng thấy được đôi phần); lại vì không có dân chủ, vì bị cái chiêu bài tập trung dân chủ lợi dụng nên rất nhiều việc nhân danh Đảng mà không phải từ trí tuệ, từ tâm tư, nguỵện vọng, không phải là cô đúc tinh hoa của hơn 2 triệu đảng viên. Thậm chí có một thời gian dài Đảng bị khuynh loát bởi tập đoàn Lê Duẩn-Lê Đức Thọ ... đến nỗi không chỉ hàng loạt đảng viên kỳ cựu, trung ương uỷ viên, đại công thần của Đảng, của dân tộc mà ngay cả người khai sinh ra Đảng cũng bị trù dập, uy hiếp, trừ khử ...!

Đảng dứt khoát sáng suốt, Đảng không bao giờ sai thì khả dĩ (chỉ khả dĩ thôi), Điều 4 có thể chấp nhận được. Nhưng ác thay, thực tế lại như trên đây, cho nên, đã hơn một lần Trần Khuê khăng khăng: "Căn cứ vào kinh nghiệm lịch sử cũng như tình hình toàn cầu hoá hiện nay, một lần nữa chúng tôi vẫn đề nghị rằng bỏ điều 4 trong Hiến pháp hiện nay vẫn tốt hơn là giữ lại vì nó tạo thuận lơi cho tình hình đối ngoại và đối nội. Sự lãnh đạo của Đảng không hề mất đi mà chỉ mất chỗ dựa pháp lý của bọn "nội xâm" và những thế lực chống cộng quốc tế" (4).

Cái Điều 4 tệ hại kia không chỉ làm chỗ dựa pháp lý cho bọn nắm được quyền bính tối cao khuynh loát Đảng; không chỉ làm chỗ dựa pháp lý cho một lũ gian thần ở mọi cấp ức hiếp dân lành và chèn cạnh nhau; không chỉ tạo ra một bầy đàn tham quan ô lại vơ vét bóc lột nhân dân, tàn phá đất nước mà còn làm cho Đảng cảm thấy yên tâm ung dung ngủ trong chiếc lồng thép bảo vệ kiên cố, không cần phấn đấu, không cần vận động rồi cứ thế thoái hoá cho đến ngày diệt vong không xa.

2 - Về việc đòi đổi tên Nước, đổi tên Đảng:

Trước hết lại cũng phải thấy rằng việc đổi tên nước thành nứơc Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đổi tên Đảng thành đảng Cộng sản Việt Nam đều không có ý kiến của chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều người cho rằng đây là hậu quả cái trò hợm hĩnh của Lê Duẩn. Sau chiến thắng 30 tháng 4, ông ta muốn lịch sử phải xét rằng ông ta vĩ đại hơn Hồ Chí Minh. (Hồ Chí Minh chỉ khai sinh được nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Duẩn ta đây khai sinh ra cả một nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam kia!)

Trần Khuê không chống chủ nghĩa xã hội, cũng không phỉ báng Mac-Lenin. Ông từng dóng dả: "Không thể căn cứ vào sự tan rã của Liên Xô và sự sụp đổ của Đông Âu rồi kết luận rằng đó là sự phá sản của chủ nghĩa Mac-Lenin rồi mưu toan phủ định sạch trơn chủ nghĩa Mac-Lenin ... Học thuyêt Lenin vẫn là "cái cần thiết nhất" cho tất cả các dân tộc bị áp bức và bi lệ thuộc ... Cho nên những người trí thức Việt Nam chân chính cùng với nhân dân mình thấy cần phải tiếp tục học tập chủ nghĩa Mac-Lenin, ra sức bảo vệ chủ nghĩa Mac-Lenin không phải do lệnh của cụ Hồ hay của Trung ương đảng Cộng sản mà xuất phát từ tình cảm chân thành của lòng mình" (4).

Có chăng ông chống sự hợm hĩnh, sự kệch cỡm, sự phi thực tế. Ông chất vấn dồn dập :

- Kinh tế ở trình độ nào mà cứ nói là xây dựng CNXH ?
- Xây dựng thành công CNXH ở miền Bắc hồi nào mà dám đưa cả nước lên CNXH ?
- Xây dựng xong CNXH hồi nào mà dám đổi tên nước do cụ Hồ đặt: nước VNDCCH thành CHXHCN Việt Nam ?
- Tài sản XHCN là thế nào mà lại ghi vào trong luật hẳn một tội danh: xâm phạm, chiếm đoạt tài sản XHCN ?...

Rồi nào là công nghiệp XHCN, nông nghiệp XHCN, văn hoá XHCN, tư tưởng XHCN, giáo dục XHCN, thương mại XHCN, đạo đức XHCN ... cứ làm như nói thật nhiều XHCN thì XHCN càng chóng trở thành hiện thực! (4).

Ông phàn nàn: "Làm kinh tế XHCN ở miền Bắc ngót 20 năm đã thấy không thích hợp, làm tiếp 10 năm nữa trong cả nước lại thấy càng không thích hợp, lâm vào tình trạng khốn đốn, khủng hoảng, trì trệ. Đại hội VI khẳng định là sai lầm, phải sửa sai, phải đổi mới. Nhưng rồi các văn kiện Đại hội VII, Đại hội VIII, và nay là Đại hội IX vẫn không dám bỏ mấy chữ XHCN, cũng chẳng xác định chính xác đó là chủ nghĩa xã hội nào" (4). Ông mỉa mai: "CNXH gì mà lạ thế! Hợp tác xã thì có làm mà không có hưởng, phương án nổi, phương án chìm, chỉ béo các vị quản trị tham ô. Xí nghiệp quốc doanh không sản xuất đủ hàng tiêu dùng, tư doanh sản xuất thì lại "kiểm tra hành chính", tịch thu gia sản rồi cho đi tù" (4).

Ông phát biểu như một luận điểm rất đúng: "Xây dựng CNXH ở những nước như nước ta - tiền tư bản và phong kiến tiên thiên bất túc - theo quan điểm của Lenin thực chất là xây dựng TBCN dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản và sự quản lý, điều tiết của nhà nước dân chủ nhân dân" (3).

Không thực tế nào, không lý lẽ nào biện hộ được cho CNXH ở nước ta, người ta đành nói liều để trấn áp dư luận: Bác Hồ đã chọn con đường này. Trần Khuê lại quyết liệt đưa ra nhiều dẫn chứng chứng tỏ cụ Hồ chỉ sử dụng cách mạng vô sản hay cách mạng xã hội chủ nghĩa làm phương tiện đấu tranh giải phóng dân tộc. Đối với cụ Hồ, XHCN không phải là mục đích. Ông viện dẫn Di chúc để biện giải: "Chẳng lẽ đã hoàn thành được sự nghiệp độc lập thống nhất rồi tất yếu phải xây dựng một nước Việt Nam XHCN mà Cụ lại viết nhầm, dặn nhầm con cháu phải xây dựng một nước Việt Nam hoà bình thống nhất độc lập, dân chủ và giầu mạnh ?" (4)

3- Về việc đề nghị hoả thiêu thi hài của Bác

Trước hết cũng lại phải nhắc lại rằng đây là Trần Khuê đòi hỏi phải thực hiện đúng di chúc của Bác. Chỉ khác là Trần Khuê đề nghị sau khi hoả táng, tro cốt chia làm 4 phần, 3 phần đặt ở ba nhà tưởng niệm 3 miền Bắc, Trung, Nam. Một phần đặt ngay trước lăng Bác để khách quốc tế đến thăm dâng hương tưởng niệm.

Ông nêu đề nghị hoả thiêu thi hài Bác tuyệt nhiên không một chút ác ý nào mà chính vì ông nghĩ rằng: "Hồ Chí Minh tức là Đức thánh Hồ của dân tộc ta, cũng như bao nhiêu Đức thánh đã hiển linh trước, Người có giây phút nào không sống trong tâm khảm con dân Việt Nam" (3). "Nên nhớ rằng, khi nhân dân ta thờ Đức thánh Hồ Chí Minh, không phải chỉ trong đền đài mà ở trong lòng mỗi người thì không được coi đó là sự mê tín. Ngược lại, đó là một niềm tin hết sức sáng suốt, một tâm thế rất cao của toàn thể dân tộc trong suốt trường kỳ lịch sử" (3)

Lòng tự tôn dân tộc cộng với sự yêu kính tột cùng còn khiến ông thấy bực tức vì cho rằng đặt thi hài Cụ trong lăng tức là "nông nổi hạ thấp một vị lãnh tụ vĩ đại của cả dân tộc, một danh nhân văn hoá kiệt xuất của nhân loại ngang tầm với mấy ông vua Ai Cập cổ đại" (3).

(Kể ra thì mọi sự so sánh đều không khỏi khập khiễng. Cách đây ít năm, những người hiểu biết đã thấy xấu hổ khi nghe bà Trương Mỹ Hoa chủ trương đặt bát hương thờ bà Nguyễn thị Định bên cạnh bát hương trong đền thờ Hai Bà Trưng!)

Lòng ngưỡng mộ quá cao còn khiến ông không chỉ đồng ý tôn Hồ Chí Minh là Đức thánh, là nhà tư tưởng mà còn là nhà khoa học đã khai sinh ra một chủ nghĩa: chủ nghĩa xã hội dân tộc Hồ Chí Minh. Hãy nghe ông hô lớn khi kết thúc tập chính luận "Đối thoại năm 2000" vào ngày 25 tháng 3 năm 2000: "Phất cao ngọn cờ dân chủ hoá đất nước để phát huy mọi tiềm năng, tiềm lực của dân tộc chính là phương sách duy nhất và tốt nhất để làm toả rạng ánh sáng Hồ Chí Minh, thực thi cái Đạo Hồ Chí Minh, cái chủ nghĩa xã hội dân tộc Hồ Chí Minh" (3).

Song le, ông cũng như những người tỉnh táo, có cái tâm trong sáng, có tấm lòng nhân ái bao dung toàn xã hội không thể không đắn đo "tính sổ xem 30 năm qua, ta đã tiêu tốn vào lăng Người tổng số là bao nhiêu tiền của, Và từ nay đến năm 2000, chúng ta dự toán sẽ chi tiếp là bao nhiêu, Và thử đem riêng ngân sách dự chi cho năm 2000 xem có thể xây được bao nhiêu trường học cho 1000 xã hãy còn trắng về giáo dục ở vùng cao, Có thể xây được bao nhiêu căn nhà để nuôi trẻ mồ côi đang lang thang ở các đô thị, có thể xây bao nhiêu căn nhà dưỡng lão cho người già lão cô đơn không nơi nương tựa, Có thể xây bao nhiêu nhà thương làm phúc chữa bệnh cho người nghèo" (3)

Ngoài ba cái vạ tầy đình, Trần Khuê còn mắc một cái vạ khủng khiếp nữa khiến ông bị trục xuất ngay khỏi Hà Nội về thành phố Hồ Chí Minh nhận lệnh quản chế sau chuyến đi thị sát biên giới Việt Trung.

Ông xa xả xỉa xói khi tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân sang thăm Việt Nam hồi tháng 2 năm 2002: "Việc Bộ Chính trị Lê Khả Phiêu ký hai hiệp ước bất bình đẳng đã làm thiệt hại quyền lợi chung của dân tộc Việt Nam và hại uy tín và thể diện của đảng CSVN. Ký hai hiệp ước bất bình đẳng này, vô tình hay hữu ý, những người lãnh đạo đảng CS và nhà nước TQ đã đẩy người anh em đồng chí của mình ra trước vành móng ngựa của Toà án Nhân dân và Toà án Lịch sử. Một bên tự vạch áo cho thiên hạ thấy mình là kẻ Sôvanh nước lớn, còn một bên trở thành kẻ tội đồ bán nước" (Thư ngỏ gửi tổng bí thư Giang Trạch Dân) (5)

Ông còn nghiêm khắc cảnh báo: "Rõ ràng Quốc hội Việt Nam có thể giơ tay biểu quyết thông qua những hiệp định có lợi cho dân tộc và đất nước như hiệp định thương mại Việt Mỹ, chứ không thể muối mặt thông qua hai hiệp định bán nước Việt Trung. Nếu Quốc hội VN cả gan biểu quyết thông qua hai hiệp định bán nước này thì đúng là phản bội dân tộc và chỉ càng lộ rõ thêm bộ mặt bù nhìn của mình. Còn nhân dân Việt Nam thì dù sống ở trong nước hay ở hải ngoại, đời này hay đời sau dứt khoát không bao giờ chấp nhận những hiệp ước nhục nhã ấy" (5).

Không phải chỉ Trần Khuê mà Lê Chí Quang, Phạm Quế Dương, Nguyễn Vũ Bình bị tù tội oan uổng, phần nào đều do dám phản đối và vạch trần những mờ ám bị quy kết là nhượng bán lãnh thổ, phản bội quyền lợi dân tộc thông qua vụ Lê Khả Phiêu đi đêm với Trung Quốc dẫn tới các hiệp định nói trên.

Một người như thế sao có thể là gián điệp được.

Đọc kỹ sẽ thấy Trần Khuê vốn là người có tư tưởng bài ngoại. Ông bài ngoại từ trong lĩnh vực lịch sử. Ông không chỉ phản đối việc trùng tu ngôi nhà cổ mà vua Nguyễn Ánh đã tiếp ngài Bá Đa Lộc mà còn công kích việc tổ chức hội thảo để tưởng nhớ công ơn Alexandre de Rhode, dựng tượng và đặt tên ông cho đường phố Việt Nam để tưởng nhớ người đã có công lớn khai sáng ra chữ quốc ngữ cho dân tộc mình. Ông nặng lời truy kích ngoại bang đến cùng: "Tối dạ đến như ngài bộ trưởng Mắc Namara mà gần đây còn mở mắt ra được mà sám hối rằng: chúng tôi không hiểu lịch sử Việt Nam và văn hoá Việt Nam. Chúng tôi đã sai lầm một cách khủng khiếp" (4). Ông sang sảng lên án Hoa Kỳ: "chúng ta phải kiên trì giải thích cho mọi người hiểu rằng những người đang rêu rao bảo vệ dân chủ và nhân quyền lại sử dụng dân chủ và nhân quyền làm điều kiện bắt ép các quốc gia phải vâng theo ý họ. Họ vẫn muốn đóng vai trò "sen đầm quốc tế" lỗi thời bằng những hình thức mới, thủ đoạn mới, hy vọng lừa bịp được các dân tộc ...

Trong khi lên tiếng chỉ trích hết kẻ này đến người khác về dân chủ và nhân quyền thì ông (Bill Clinton) vẫn đẩy hàng triệu trẻ em Irak vào nạn thiếu dinh dưỡng khiến các em chết dần chết mòn mỗi ngày vài trăm trẻ". (3)

(Về điểm này, ông Trần Khuê tỏ ra "tiến bộ" và gần gụi lãnh đạo hơn tôi rất nhiều. Trong một buổi tiếp xúc với các quan chức của Tổng cục An ninh gần đây, sau hàng loạt lời răn đe nhắc nhở, một vị cục trưởng hỏi kháy tôi: "Anh có thấy cả thế giới đang kịch liệt lên án Mỹ vi phạm nhân quyền, đối xử tàn bạo với các tù nhân Irak không ? Sao không bao giờ thấy anh nói, anh viết về cái xấu xa, sai lầm của Mỹ ?".
Tôi trả lời: "Có phải các anh định lên án cái tội thân Mỹ của tôi phải không ? Tôi chơi với những người Mỹ như những người bạn ngang mặt nhau. Không có bất cứ lý do gì khiến tôi phải nịnh nọt, cầu cạnh, hay tuân phục Mỹ mà chỉ để Mỹ có dịp tham khảo và làm những việc theo tôi là có ích cho đất nước, cho nhân dân tôi. Tôi thấy Đảng đã đổ không biết bao nhiêu tiền của của nhân dân ra nuôi dưỡng một lực lượng đồ sộ đến hàng chục vạn người chuyên tụng ca Đảng và nói xấu Mỹ. Tôi, tôi đành tình nguyện nhận lãnh trách nhiệm nặng nề ghé vai kê bằng lại tình trạng lệch lạc đó; bổ sung cho được mảng thiếu sót rất lớn là: nói lên những cái xấu của đảng CSVN và cái tốt của Mỹ").

Ông quý trọng ông Hoàng văn Hoan là thế: "chúng tôi vẫn gọi Hoàng văn Hoan là đồng chí vì suốt đời ông là một chiến sỹ yêu nước, có tinh thần cách mạng kiên cường, ông sống trung thực, liêm khiết, xứng đáng là bạn chiến đấu, người học trò trung thành của chủ tịch Hồ Chí Minh" (3), đồng thời ông cũng "nhận định rằng do đồng chí Hoàng văn Hoan bất đồng quan điểm với các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, cảm thấy không đấu tranh nổi trong nội bộ nên đã bỏ chạy, chứ thực tế trong thâm tâm đồng chí không hề phản quốc hay phản Đảng" (3) nhưng ông vẫn kịch liệt lên án ông Hoàng văn Hoan vì đã chạy sang Trung Quốc.

Tinh thần cảnh giác của ông rất gần với các cơ quan an ninh của ta. Ông viết: "Ngay khi không thể đặng đừng, buộc phải quan hệ bình thường với Việt Nam, xoá lệnh cấm vận, thì tổng thống Clinton cũng không ngần ngại nói trắng ra trong thông điệp của mình rằng sẽ giúp các "chiến sỹ dân chủ lưu vong" mang lửa về Việt Nam giải phóng quê hương (?). Do đó giao lưu cứ giao lưu, bạn bè cứ bạn bè, nhưng không cảnh giác sao được. Không thể lơ là ảo tưởng dù chỉ một phút" (1). Ông còn chủ trương: "về đối nội bao giờ cũng phải trung thực với nhân dân, vì không có sự dối trá nào qua nổi mắt nhân dân, nhưng đối ngoại thì phải luôn luôn biêt vờ vịt" (3).

Ông phát biểu đôi khi đặc giọng kỳ thị của những phần tử cộng sản cực đoan: "... kẻ nào lợi dụng dân chủ, nhân quyền có đủ chứng cứ, xin cứ việc đưa ra toà, truy cứu trách nhiệm hình sự ... Ta không cho phép những kẻ chống lại nhân dân, thành lập đảng phản động để ngồi trong Quốc hội ta" (3),

Một người như thế thì đời nào chịu đi làm gián điệp. Mà nếu anh ta có muốn làm gián điệp đi nữa thì chắc cũng chẳng nước nào dám nhận anh này.

Thế mà ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương cứ xưng xưng thông báo đến toàn Đảng, toàn dân rằng Trần Khuê, Phạm Quế Dương là gián điệp. Một bọn thì làm công tác lý luận, tư tưởng quá kém, không thuyết phục nổi, không đấu tranh nổi phải cậy đến công an ra tay bắt bỏ tù để khoá mồm anh em lại. Một bọn bất tài, tham nhũng, khai man lý lịch, bị các ông này mắng nhiếc hơi quá thậm tệ nên nổi khùng trở nên cuồng bạo. Song, cuồng bạo đến đâu thì thiết nghĩ cũng không nên dã man, đểu cáng, ngu xuẩn đến mức trân trân gán tội gián điệp trong những trường hợp như thế này. Chắc chắn dư luận trong nước và thế giới sẽ không buông tha và rồi đây không bị trừng phạt kiểu này cũng sẽ bị trừng phạt kiểu khác mà thôi.

Mừng rằng, trong bộ phận quyền lực tối cao đã có những cái đầu tỉnh táo có lương tri không đặng đừng đã phải chính thức lên tiếng. Cuộc đấu tranh này vẫn còn gay go nhưng dường như chính khí đang áp đảo tà khí. Để thoát khỏi tình trạng lúng túng, tiến thoái lưỡng nan, "khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào" đối với học giả Trần Khuê, tôi xin phép nêu một giải pháp sửa sai như sau:

Đưa ngay Trần Khuê và Phạm Quế Dương ra toà xét xử. Để tránh vỗ mặt ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương và các thế lực cực đoan, cuồng bạo trong lãnh đạo, không cần xoá tội gián điệp và cứ giữ nguyên cáo trạng cũ. Nếu còn sợ, chưa dám mở phiên toà công khai thực sự thì cố gắng nới ra một chút. Hãy cho luật sư và một vài bào chữa viên chúng tôi được tranh cãi thoải mái (tất nhiên chúng tôi không chỉ phải nói đúng luật, đúng lý mà còn phải giữ chừng mực). Sau vài buổi xét xử tương đối công tâm, toà tuyên án và thả các ông Trần Khuê, Phạm Quế Dương như đã thả ông Trần Dũng Tiến.

Đưa ra sáng kiến này thực ra tôi vẫn rất không phải đối với các ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương. Đối với đất nước, trước nhân dân, trước công lý, các ông không những không có tội mà còn có công. Hãy nghe nhận xét của đại tá Trần Nhật Độ - P41,B, khu tập thể Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội: "Chỉnh đốn để tồn tại và phát triển" là một công trình biên soạn đồ sộ đáng nể. Công phu rất lớn. Cả một kho tư liệu và sự kiện. Có nhiều điều nay tôi mới biết. Anh chị có công sưu tập, lại có tư duy nhậy cảm, có chiều sâu, nhìn thấu bản chất của các sự kiện.

Đọc xong, tôi cảm nhận anh chị là những con người giầu tâm huyết, yêu nước nồng nàn, có nhiều trăn trở xốn xang với những tệ nạn, tha hoá, tiêu cực của đất nước đang cản trở con đường tiến lên của dân tộc ta. Anh chị có tấm lòng cháy bỏng mong sao nước ta sớm thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu bằng động lực dân chủ hoá".

Một trí thức nào đó ở Cục A25-Bộ Công an: "Chúng tôi thấy bản "Đối thoại năm 2000" lời lẽ rất tâm huyết và nêu những vấn đề có tính chất xây dựng. Cái tâm của tác giả rất sáng và đẹp nhưng không nên nghĩ ai cũng có cái tâm như thế để tránh bị lợi dụng".

Và để kết thúc bài viết, tôi xin phép trích thư đề ngày 27 tháng 4 năm 1999 của ông Nguyễn Trung - cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, hiện đang công tác tại Tổ nghiên cứu Kinh tế đối ngoại thuộc Văn phòng Phủ Thủ tướng: "Xin cảm ơn chị Nguyễn thị Thanh Xuân và anh Trần Khuê về việc tôi được đọc bài "Chỉnh đốn để tồn tại và phát triển". Bài viết là một cố gắng lớn, nhận dạng thực trạng đất nước - với tâm huyết tất yếu phải có của bất kỳ ai còn tự nhận mình là người dân Việt và càng phải như vậy nếu còn gánh trên vai mình trách nhiệm của người đảng viên chân chính của đảng Cộng sản Việt Nam. Xin chúc chị và anh mạnh khoẻ làm việc không mệt mỏi vì Tổ quốc yêu dấu của chúng ta, vì thế hệ con cháu của chúng ta mai sau".

Hà Nội, Ngày Báo chí Việt Nam năm 2004
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 - Khu tập thể Địa vật lý Máy bay
Trung Văn - Từ liêm - Hà Nội