Thổn thức Vũ Cao Quận
 

Nhân đọc tập sách
“Gửi lại trước khi về cõi”

 

Vũ Cao Quận yêu cuộc đời này tha thiết quá. Nghe ông thầm thĩ:

Trái Đất ơi!
Sao quay mãi không ngừng?
Nỡ bỏ lại nhữmg nỗi buồn vạn kiếp!

(Đời tôi ... Mùa thu vàng)

Tôi bỗng liên tưởng đến những đam mê níu kéo của Xuân Diệu thuở nào:

Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời

Xuân Diệu đã từng đam mê níu kéo vì sợ mầu nhạt mất, sợ hương bay đi, Vũ Cao Quận vì yêu cuộc đời này tha thiết quá nên đã từng :

Ta dấn thân ta vào chinh chiến
Đốt tuổi xanh cho năm tháng trôi qua
Trai chưa vợ, đâu nghe chinh phụ khóc
Vòng tay bái biệt mẹ cha già
Gác bút nghiên.... xa cô bạn nhỏ
Không một lời thơ, một nụ hoa
Thân tráng sỹ đâu hẹn ngày trở lại
Không thanh gươm, không voi trận lên đường
Nguyện thề... da ngựa bọc thây đời hiệp sỹ
Nấm mộ vô danh giữa sa trường !

(Bảng lảng ... Mùa thu)

Mười ba tuổi đi làm liên lạc viên Tự vệ thành. Mười sáu tuổi nhập ngũ. Năm 1953 là lính của anh hùng pháo binh Phùng Văn Khầu. Năm 1957, được cử đi học khoá 1 trường sỹ quan pháo binh ( khoá đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam ). Năm 1961, vào Đảng. Năm 1964 là đại đội trưởng pháo binh chiến đấu ở Tây Nguyên .

Ôi chao ! cái thời trai trẻ
Cái thời bẻ gẫy sừng trâu
Cái thời không hề biết sợ
Cho dù đi bất cứ đâu ! ..
Cái thời đầy trời bom đạn
Cái thời lưả máu căm thù
Dấn thân lao về phía trước
Đi theo tiếng gọi Mùa thu !

(Trăn trở về đời)

Vậy mà, giật mình quay lại bỗng sững sờ :

Đâu rồi ? những người Tháng Tám
Đấu tranh cho lẽ công bằng
Cho dân : Tự do – Hạnh phúc
Chung vui Thế giới đại đồng
Bây giờ ! người xưa ... bao kẻ
Bon chen bổng lộc, ghế ngồi …
Nghĩa tình, đo bằng “ cây, chỉ ”
Những người Tháng Tám đâu rồi ?

Cho nên

Thế sự bây giờ đa đoan lắm !
Vui thì còn ít, khổ thấy nhiều
Đồng đội lắm người gieo neo quá !
Bữa sáng chưa xong, chạy bữa chiều
Nhiều bác còn nghèo nơi ngõ nhỏ
Lắm kẻ nguy nga gác mấy tầng
Cửa hàng phố lớn là ai đó ?
Công bằng xã hội thế này chăn !

(Bài thơ Cựu chiến binh)

Thân phận tác giả nghĩ cũng đã tủi buồn, heo hắt :

Cha tôi đã chết trong đau khổ
Mẹ tôi mất trí xót thương chồng
Anh tôi, liệt sỹ, hồn vương vất ...
Tổ quốc này buông một chữ: Không !
Bốn anh em ruột đều cầm súng
Xông lên góp sức diệt quân thù
Tháng Tám, cờ sao bay rực rỡ
Cuối đời, buồn như lá mùa thu !

Vậy nhưng ông vẫn tự an ủi rằng dẫu sao mình cũng còn được ngồi bán cà phê để kiếm sống, trong khi

Biết bao tướng tá rất oai hùng
Trận tiền sống chết vẫn ung dung
Mà nay kiếm sống gian nan thế !
Nhìn bạn mà thương đến não lòng
May có căn nhà bán cà phê
Hơn nhiều chiến hữu những miền quê
Chạy mánh, bơm xe cùng bán nước
Hoàng hôn hắt bóng lối đi về !

(Vô đề)

Số phận anh, số phận tôi dù rách nát những vẫn may là chúng ta còn sống, trong buổi gặp lại đồng đội cũ của Trung đoàn anh hùng E. 158 PB, Vũ Cao Quận càng ngậm ngùi hơn khi ông lầm rầm khấn vái :

Hồn thiêng bạn hỡi có hay
Chiến trường xưa dưới đất dày ngủ yên
Máu xương đã trải khắp miền
Hiển linh xin hãy về bên bạn bè

(Đến hẹn... ta lại gặp nhau)

Là người rất có nghĩa, có tình cho nên khi nghe tin người đồng đội, người thủ trưởng cũ tướng Trần Độ- bị khai trừ, ông sụt sùi, nức nở :

Giọt lệ hay giọt máu này ...
Tôi khóc cho Ông

(Thương tiếc một đời người)

Bởi vì, trong ông, Trần Độ là một người :

Dòng dõi Đông A tự ngàn xưa
Sức tận, chân suy, trí vẫn thừa
Bút thép vẫn vung, tim vẫn đập
Lo đời, sớm nắng đã chiều mưa

……...
Sừng sững như tùng vươn đón nắng
Đồng bào, đồng đội vẫn bên ông
Một cây đại thụ trong giông bão
Vẫn trơ như đá, vững như đồng

(Trần Độ – Lão tướng không ngã ngựa)

Nghe tin Trần Độ bị khai trừ, ông viết huyết lệ thư, trước sự hạ nhục, đoạ đầy đằng đẵng gần hết nửa cuối cuộc đời đối với đại tướng Võ Nguyên Giáp ông không thể khóc được nữa mà chua chát mỉa mai:

Khởi đầu binh nghiệp vĩ đại từ cây đa Tân Trào..... kết thúc binh nghiệp vẻ vang tại cây đa Nhà Bò.... Đầu đời là những chiến tích chỉ huy hàng binh đoàn xe tăng đại bác với kẻ địch là Nhật, Pháp, Mỹ; cuối đời, vũ khí là bao cao su để chống kẻ thù đông hơn..., đó là tinh trùng bác ạ! .... Nghĩ cũng lạ, suốt mấy chục năm đánh đông dẹp bắc, đạn lửa của địch phun phì phì vào mặt, mình cũng dùng súng các cỡ nhổ nước bọt vào mặt chúng để bảo vệ sự vẹn toàn của tổ quốc, bảo vệ danh dự cho các chỉ huy của mình.... Thế mà, khi thấy rõ ràng làn đạn của “đồng chí” bắn vào vị chỉ huy kính yêu của mình, ... khẩu AK câm lặng, ông tên lửa, tầu bay cũng câm lặng luôn.... Và một nỗi buồn sâu thẳm là người bị làm nhục cũng im lặng ...
(Một nền dân chủ nhọc nhằn)

Thân cận với ông hơn, trong bài chính luận mang tiêu đề “Những trở trăn - trăn trở muộn mằn” ông đã dành những dòng hồi ức thật xúc động cho một người chỉ huy cũ từ ngày đầu cách mạng của mình: “ Khi đó là khoảng 9 giờ sáng, tiếng liên thanh và môoc- chi-ê của quân Pháp bắn dữ dội về phía trận địa làng Cấm. Khi lao ra trận địa, anh thấy một chiến sỹ đầu trần không đội mũ, anh vội lấy cái mũ sắt đang đội trên đầu chụp vào đầu người chiến sỹ nọ và lấy chiếc mũ rộng vành xì-cút đeo lơi sau lưng đội lên đầu rồi chạy ra trận địa. Chiếc mũ sắt dành cho chiến sỹ là cả tấm lòng đầy nhân ái của người chỉ huy đã dẫn đến cái chết của anh. Một mảnh moóc-chi-ê oan nghiệt đã xuyên qua trán trên hốc mắt trái của anh. Ôi ! giá như có cái mũ sắt... Một sự hy sinh cao cả mà suốt năm mươi lăm năm qua không một ai nhắc đén, không một dòng tin trên báo chí. Âu cũng chỉ vì cái chữ Phú. (Nguyễn Sơn Lâm là con trai nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà). Những dòng này tôi dâng anh, anh Lâm ơi ! thay cho một nén hương thắp tưởng nhớ hương hồn anh của người lính bé bỏng cũ của anh

Trái tim nhậy cảm của Vũ Cao Quận không chỉ luôn thổn thức cùng đồng đội cũ mà còn đễ dàng rung lên thương cảm cùng một cô gái Nga vì theo chồng mà phải chấp nhận cuộc đời vất vả lam lũ trên vùng đất than Cẩm Phả:

Chuyện về người con gái Nga gần gũi
Dám vì chồng, vì con ...
Sống cuộc đời lầm lũi
Nơi phương xa đất khách, quê người
Gửi tới cô...
Thơ có mấy vần thôi

(Hoa tuyết Xibia)

Ông càng chua xót trước những thân phận trớ trêu của các em nhỏ lang thang ngoài xã hội:

Một cái hòm gỗ nhỏ
Nhốt cuộc đời ...
Một em bé đánh giầy

(Hạt bụi vỉa hè)

Từ đây, ông xuống đường, đứng ngang vai cùng em bé để quắc mắt nhìn lên

Hình như...
ở trên những lễ đài cao
Lấp ló những “ lòng thương chính trị
Cho nên, Vũ Cao Quận cứ trăn trở mãi
Khúc “Tiến quân ca” sáng mùa thu
Chí trai háo hức diệt quân thù
Gần hết cuộc đời khi ngoảnh lại
Xã hội ta tìm.... thế này ư ?

(Hoàì cảm)

Chính vì thế mà :

Niềm vui, tự hào đôi chút
Nỗi đau kể mãi khôn nguôi

(Trăn trở về đời)

Buổi hoàng hôn chạng vạng, lính cũ thường tìm đến thăm nhau để giốc bầu tâm sự :

Bác đến nhà chơi, tôi quý bác
Đâu phải Tử Kỳ, đâu Bá Nha
Không có cung đàn buông thánh thót
Chỉ chuyện buồn vui dứt chẳng ra

(Mòn mỏi ....)

Nhưng rồi hàn huyên giãi dề chẳng qua cũng chỉ:

Để thương, để tiếc một thời đã qua
Tỉnh, say thì cũng đã già
Nửa đêm chén rượu, tách trà sớm mai

(Nuối tiếc một thời)

Nhiều khi người đọc thấy như Vũ Cao Quận tỏ ra rất yếm thế:

Vòng đời là chuỗi bể dâu
Mà nay thế sự nông sâu khó lường
Dại khôn tóc đã điểm sương
Cam lòng đi nốt đoạn đường đã qua!
Nghĩ chi thì cũng đã già
Như con tầu đến sân ga cuối cùng

(Đến hẹn.. ta lại gặp nhau)

Nhưng rồi chẳng thể đặng đừng, ông lại quằn quại đứng lên với ý thức trách nhiệm công dân

Phải nói gì đi chứ !
Hay ngậm miệng ăn tiền ?
Nhìn gương Thầy Chu đó
Kẻo thẹn với thánh hiền!

Đã đứng trong trời đất
Là mang nợ non sông
Đào non và lấp biển
Không thẹn giống Lạc Hồng

Đừng sống như bầy cú
Lặng lẽ nấp trong đêm
Nỡ nào đành ngoảnh mặt
Khi máu chảy, ruột mềm ...


(Này ! Đừng như ...)

      Và thế là ông cặm cụi viết thư góp ý với lãnh đạo Đảng, viết “Chủ nghĩa Mác ... Tản mạn ký”.... Ông có nhiều trang văn rất sinh động phê phán cái sai trong tư tưởng công hữu hoá của Marx. Từ cái sai trong nguyên lý này mà sau đó các thế lực cầm quyền đã ra sức khai thác để cướp bóc tài sản, xương máu của nhân dân thông qua một chu trình công nghệ chính trị : Công hữu hoá tài sản của nhân dân để rồi sau đó tư hữu hoá cho các quan chức và phe cánh. Thực tế quả có vậy: “công hữu của Marx” là “sở hữu của toàn dân”, mà “sở hữu của toàn dân” là “sở hữu của nhà nước” mà “sở hữu của nhà nước” là “sở hữu của chính phủ” mà “sở hữu của chính phủ” là “sở hữu của quan chức”.
      Ông liên hệ với thực tế trong nước “Công hữu của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm: tài nguyên , hầm mỏ, đất đai, nhà cưả, ruộng đồng được Đảng và chính phủ “giữ giùm” cho nhân dân. Nói chung là như vậy, nhưng Đảng và nhà nước cũng phải có một ông kèo, ông cột cụ thể rồi giao con dấu và các quyền hành quản lý cho ông ấy...... Khi có quyền hành, con dấu và chữ ký, việc đầu tiên của ông kèo ông cột nọ là xắn miếng công hữu ngon nhất cho xếp- người đã giao quyền hành và con dấu cho ông- Rồi tuần tự, ông tiếp tục tùng xẻo miếng công hữu, tuỳ theo” thăn thủ, tim, gan..”. cho vợ con, họ hàng, chú bác, cô, dì, tỷ muội... và các chiến hữu thân thiết của ông. Còn nhân dân- người chủ của ông- cứ yên trí đi, mỗi người sẽ được một mảnh vỏ sò là cái chắc! ”.
      (Công hữu và những tên “phú hộ vô sản” của Mã Khắc Tư tiên sinh)

      Cái vòng tư hữu hoá những tài sản vừa được công hữu hoá qua một quá trình sát phạt tàn ác còn được ông mô tả cụ thể hơn, thật đau lòng: “ Sau cái màn bi kịch đấu tố nhễ nhại, mới hôm qua được chia vài sào ruộng với một góc trâu, chưa kịp làm ăn tự do, thơ thới thì... hôm sau lại thu ngay, nhập vào hợp tác xã. Thay vào thằng địa chủ, cường hào túm đầu, túm cổ, làm khổ dân cày, lại là mấy “ông đầy tớ” chủ nhiệm và ban quản trị hợp tác xã . Đã tưởng thoát kiếp chị Dậu năm nào, lại rơi vào “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc!
      (Một nền dân chủ nhọc nhằn)

      Tư tưởng công hữu hoá của Marx và chủ trương công hữu hoá tràn lan, thậm chí triệt để ở các nước xã hội chủ nghĩa đã phá hoại nền sản xuất, kìm hãm sức phát triển của xã hội, bởi vì nó chống lại quy luật tự nhiên. Ông biểu đạt quả quyết nhận thức của mình “Với riêng Tễu tôi, xin viết hoa hai chữ Tư hữu vì đó là sáng tạo vĩ đại thiêng liêng nhất, vượt lên mọi thời gian, vĩ đại nhất của mọi vĩ đại, để từ đó con vật tiến lên trở thành con người. Hai anh em: “động lực cá nhân” và “tư hữu” chính là động lực phát triển của xã hội loài người....Tư hữu được các cụ loài vượn của chúng ta phát minh ra chúng và “vác” chúng lên vai lừng lững đi trên con đường tiến hoá của nhân loại. Xuyên qua bao chế độ xã hội, bao thể chế chính trị, cái vóc dáng Tư hữu trải qua bao nhọc nhằn, máu, mồ hôi , nước mắt... đưa cuộc sống từ buổi hồng hoang man dại đến thế giới văn minh hôm nay”
      (Tư hữu và khát vọng cá nhân).

Cái cuộc chiến tiêu diệt tư hữu ở nước ta diễn ra rất dã man qua các cuộc cải cách ruộng đất và cải tạo tư sản không những chỉ bất nhân ở chỗ đã giết chết hàng chục ngàn đồng bào, đồng chí, đồng đội mà còn bất nghĩa ở chỗ nó khởi sự bằng cuộc bắn giết một phụ nữ ân nhân của cách mạng bà Nguyễn thị Năm, người đã ủng hộ 110 lạng vàng, năm 1946, cho cách mạng trong Tuần Lễ Vàng, người đã góp đứa con trai cho lực lượng vũ trang ở cương vị Chính uỷ Trung đoàn – (Trong một tài liệu gần đây mang tiêu đề “Những kỷ niệm về Bác Hồ”, Hoàng Tùng kể lại rằng lệnh xử tử bà Năm của Việt Nam ta lại được quyết định bởi một ông cố vấn Trung Quốc tên là Lã Quý Ba. Chủ tịch nước ta là Hồ Chí Minh lúc đó không đồng ý, rất muốn can ngăn nhưng đành chịu. Ông Hoàng Tùng còn giải thích rằng Cải cách Ruộng đất không phải do Đảng ta chủ trương mà do Trung Quốc chỉ huy nhằm đánh vào Đảng ta ?!).

Đâu phải chỉ có Nguyễn thị Năm, vợ chồng nhà tư sản Trịnh văn Bô và Hoàng thị Minh Hồ đã từng cống hiến hàng triệu đồng Đông Dương và 5 147 lạng vàng để lập quỹ tài chính đầu tiên cho Chính phủ (trong quỹ lúc bấy giờ có 2 triệu đồng nhưng đã bị Nguyễn Tường Tam đào nhiệm mang đi), đã cống hiến mấy toà nhà, trong đó có nhà 48 Hàng Ngang là nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập. Đội ơn vợ chồng tư sản này, Bác Hồ từng nói “Cô chú là ân nhân của Đảng, của đất nước”. Vậy mà vợ chồng, con cái những người từng ban phát đặc ân, nuôi dưỡng cách mạng buổi trứng nước, cũng bị đối xử chẳng ra gì. Chỉ xin lại ngôi nhà 34 Hoàng Diệu lấy chỗ nương thân khi về già cũng không được!

Kết thúc bản viết trên, ông Hoàng Tùng nguyên bí thư Trung ương Đảng - đã phải ngậm ngùi than thở : “Sai lầm lớn nhất của chủ nghĩa xã hội là cứ xông thẳng tới chính quyền. Và khi đã nắm được chính quyền rồi, đáng lẽ phải thực hiện dân chủ thì lại nhấn mạnh chuyên chính..... Cái sai nữa là, sau khi giành được chính quyền rồi thì thực hiện công hữu ngay lập tức, công hữu cực đoan, tức là vô sản hoá hơn cả tư sản. Mọi người không ai có gì cả, chỉ là người làm công ăn lương, nên động lực mới yếu đi”

Không chỉ bàn về “Công hữu và những tên phú hộ vô sản”, “Tư hữu và khát vọng cá nhân”, “Lại bàn về nguyên tắc phân phối theo lao động”... trong nhiều trang viết sinh động thấm đẫm thực tế, ông còn vạch rõ những khuyết tật không thể dung thứ của một xã hội giả dối, bưng bít, bóp nghẹt tự do, thực thi dân chủ giả hiệu, vơ vét, bóc lột thậm tệ nhân dân “đã lạc hậu nghèo đói lại phải nuôi trên đầu mình 2 bộ máy cai trị: Đảng và Chính phủ chồng chéo, cồng kềnh ghê gớm”.

Trong bài thơ dài “Nghĩ về Đảng”, ông viết :

Đảng cứ một bên, nhà nước một bên
Bí thư thành uỷ, Chủ tịch uỷ ban
Hai cỗ máy đè nặng dân khôn kể
Đây nội ngoại thương, kia ban kinh tế
Nội chính bên này, bên nọ công an
Cứ dăng dăng bao dinh thự khang trang
Một cổ hai tròng, người dân tội nghiệp
Đảng dạy răn: giữ tấm lòng liêm khiết
Sao nhận quà hàng triệu đô la
Của tư bản vốn không phải bạn ta
Người nhận là Tổng bí thư của Đảng
Về bầu cử, Đảng có khuôn bằng sắt
Rất “tự do”, rất “dân chủ”. “khách quan”
Nhân danh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Duyệt danh sách cho phép ra ứng cử
Ôi thế là .... bao nhân tài tứ xứ
Đảng gạt loại ra hết sức thần tình

……...

Bởi vậy cho nên

Thời gian trôi như bóng câu qua cửa
Đảng cứ lụi dần chân lý trong tôi
Đau thắt lòng tôi, tôi muốn hỏi: Đảng ơi !
Sao lại thế, Đảng của Mùa thu Tháng Tám

………
Đảng ngày xưa ...
                  Đảng sẽ là bất tử
Còn Đảng hôm nay...
                  Ai sẽ trả lời ?

Trong nỗi thất vọng xót xa, thấy Đảng không còn xứng đáng với dân tộc, mà ông thì không thể “xứng đáng” với Đảng nữa, ông viết đơn xin ly khai. Nhưng rồi, lại cũng giống như trường hợp đại tá Phạm Quế Dương, người ta không cho ông ly khai mà giữ lại để khai trừ! (Thật là cửa quyền một cách rất anh chị, hiếu thắng một cách rất trẻ con, trâng tráo phỉ nhổ vào lẽ đời đến không còn biết gì là hổ thẹn!).

Chi bộ họp bàn để xem xét, 16/16 phiếu kết luận Vũ Cao Quận không có khuyết điểm gì đáng phải thi hành kỷ luật. Cấp trên đành thẳng thừng ra tay. Thành uỷ chỉ thị cho quận uỷ, quận uỷ chỉ thị cho đảng uỷ phường, đảng uỷ phường chỉ thị cho chi bộ. Đúng ngày 30 tháng 4 năm 1999, Vũ Cao Quận đành nói lời từ biệt: “Thưa các bác (tôi không dùng chữ đồng chí nữa), cách đây một tuần lễ, cộng với 35 năm trước đây, tôi cùng 2 liên lạc viên và 3 chiến sỹ pháo thủ của tôi vai quàng AK, lưng đầy thủ pháo; trên thì trực thăng gọi loa chiêu hồi, vòng vây thì 4 phia, mấy đứa chúng tôi đã phá vây trở về và chién đấu tới ngày toàn thắng. Còn hôm nay, tôi đơn độc giữa “vòng vây” của chi bộ, tôi không trốn thoát được nữa rồi, tôi xin hạ súng đầu hàng!” Nói xong, ông rút thẻ Đảng đưa cho bí thư chi bộ rồi ra về.

E rằng trong phút xúc động đầy bi hài, Vũ Cao Quận đã trút tất cả hờn giận một cách có phần oan uổng cho những đảng viên bình thường cùng chi bộ như mình. Thực ra, họ bị dồn ra quây thành “vòng vây” chẳng qua chỉ vì bị cấp trên cưỡng bức, hoặc lường gạt. Nào phải chỉ có trường hợp của những Trần Độ, Phạm Quế Dương, Vũ Cao Quận..., Phạm Thế Duyệt khi nắm quyền “phó tổng bí thư trực” còn càn rỡ thẳng thừng khai trừ hàng loạt trong tập thể 11 cụ đi tiên phong chống tham nhũng. Anh ta lầm tưởng rằng bất kể dưới danh nghĩa “nợ nước hay thù nhà”, cứ phất càng cao ngọn cờ chống diễn biến hoà bình bằng trấn áp bạo tàn thì càng có cơ hội phấn đấu giành chức Tổng Bí thư. Bài học vừa qua và sắp tới của con người này hy vọng sẽ có sức cảnh tỉnh mạnh mẽ cho những cái đầu xơ cúng khăng khăng trung thành với cái gọi là chuyên chính vô sản – một vết nhơ nhầy nhụa máu trong lịch sử loài người -.

Vì Đảng không còn là Đảng của ngày xưa ông đã từng tuyên thệ dưới cờ, vì ông không còn thể nào “xứng đáng” với nó nữa nên Đảng khai trừ ông hay ông ly khai Đảng cũng còn có cái lý của nó, ngạc nhiên hơn là cả cái hội Cựu chiến binh của ông nó cũng khai trừ ông. Hội Cựu chiến binh là hội của những người lính đã từng chiến đấu trên cùng trận tuyến. Ông vẫn là một cựu chiến binh kỳ cựu đã từng đánh nam dẹp bắc qua mấy cuộc kháng chiến trường kỳ. Nếu người ta chưa đủ trí xét đoán để ghi nhận ông là một trong những người yêu nước thiết tha nhất, một trong những người có ý thức công dân cao nhất, một trong những cựu chiến binh có tinh thần chiến đấu dũng cảm, bền bỉ và đáng quý trọng nhất thì ngưòi ta cũng phải nhìn thẳng vào sự thực để thấy rõ là ông chưa hề can phạm đối với pháp luật, không hề có biểu hiện xấu về tư cách đạo đức xã hội. Vậy thì tại sao lại tước cái quyền là cựu chiến binh của ông. Ngang ngược đến thế là cùng ! bạo hành đến thế là cùng! khốn nạn đến thế là cùng ! Chắc chắn con cháu những người ra chỉ thị và những người thực thi lệnh này không thể không thấy nhục nhã thay cho cha ông chúng.

Nhân danh chế độ ưu việt, nhân bản ... nhưng người ta đối xử với đồng bào, đồng chí của mình tồi tệ hơn xã hội tư bản một triệu lần. Dù vô tội, dù vẫn là một công dân nhưng chỉ cần bất tuân, trái ý là họ sẵn sàng trù diệt đến cạn tầu ráo máng.

Đối xử một cách bất lương, vô đạo vẫn chưa thoả, họ còn tàn nhẫn đến mức hung hăng lục soát, bắt bớ rồi tống giam ông, một tấm thân tàn tuổi đã xấp xỉ 70, quắt queo, teo tóp chỉ còn cân nặng 36 kg; một người đã cùng cha anh họ xả thân cho độc lập dân tộc để hôm nay họ được thụ hưởng bổng lộc, được chức, được tước, được thoả sức lạm dụng quyền lực để bội bạc, để chà đạp lên nhân tâm, lên đạo lý !

Vậy mà trái tim Vũ Cao Quận cứ từ bi, bác ái quá. Ông không hờn trách, không giận dữ thét gào mà ngay trong song sắt xà lim vẫn thầm thĩ hát lên:

Tôi yêu cuộc đời này
Thế đó, tự nhiên bỗng ngồi tù
Một ngày như thể tựa ngàn thu
Ngẫm đời mới thấy hay hay nhỉ
Chẳng bạn, chẳng ta, chẳng phải thù !

Đứng lặng bên song sắt xà lim
Tán bàng lảnh lót vọng tiếng chim
Tự do.... những thấy xa vời quá
Xót cuộc đời ta, nhói con tim

Ta nghe còi rúc báo tầm tan
Nghe hè rộn rã tiếng ve ran
Phượng đỏ rực trời bên hè phố
Lửa lòng thiêu đốt, cháy tâm can

Dòng đời vẫn cứ trôi trôi mãi
Chân lý- Người ơi ! trốn nơi đâu ?
Cửa sắt dẫu nặng nề đóng lại
Đâu dễ gì giam được cái đầu

Sắp “cổ lai hy”, bỗng vào tù
Âu là ... kỷ niệm buổi tàn thu
Mùi đời đã trải bao sinh tử
Một kiếp nhân sinh-kiếp phù du

Tôi biết rằng tôi chấu đá voi
Nhưng vẫn là con của giống nòi
Thôi thì cờ đã đành lỡ bước
Tôi khép lòng tôi trong đơn côi

Ra tù, trong bức thu gửi người viết bài này đề ngày 28 tháng 5 năm 2001 ông viết : “ ... Mà tôi, thân phận chỉ nhỏ mọn như một chú dế mèn, nếu có nỉ non rền rĩ chút gì cũng là vì tôi yêu cuộc đời này, yêu nhân dân tôi, yêu những con người lam lũ vất vả, yêu chị gọng vó ngơ ngác, yêu chú dế trũi hiền lành, yêu anh xén tóc cương trực của Tô Hoài. Nói như Vincent Van Gogh: Trong tôi, nhiều tình yêu đến nỗi, nếu như xung quanh không có ai, tôi có thể yêu cả cái nắm vặn cửa”.

Cách đây chừng một năm, trong một chính luận mang tiêu đề “Công hữu và những tên phú hộ vô sản của Mã Khắc Tư tiên sinh”, ông đã từng thổn thức: “Tễu tôi luôn tự nghĩ thân phận mình như một con cóc nhỏ nhìn lên bầu trời mênh mông, nắng thì nóng như thiêu, như đốt chốn nhân sinh, cố đem chút sức tàn nghiến răng vài tiếng, hoạ chăng có vang tới trời cao. Mưa! tôi van xin trời hãy mưa đi ...”

Nguyễn Thanh Giang
Nhà A13P9 – TTPK Hoà Mục
Phường Trung Hoà- Quận Cầu Giấy