Đại tá Phạm Quế Dương không thể là một tội phạm

Bà Đỗ thị Cư - nguyên phó giám đốc Lâm trường Yên Bái, đảng uỷ viên đảng bộ Bộ Lâm nghiệp– đã viết về chồng mình- đại tá Phạm Quế Dương- như sau : “Gia đình tôi tự hào có người chồng chung thuỷ, người cha mẫu mực, người ông hiền hoà. Đối với họ tộc giữ được nếp gia phong, kính trên nhường dưới. Đối với bạn bè chân thành cởi mở. Đối với cấp dưới khoan dung độ lượng. Không ỷ quyền nạt nộ kẻ dưới. Biết thương yêu đồng đội lúc khó khăn. Không phân biệt kẻ sang người hèn. Đối với cấp trên, anh Dương có cá tính đặc biệt, không cơ hội, khom lưng, nịnh hót, cầu lợi cá nhân, chỉ phục tùng người thực sự có tài và rất tôn trọng người tài. Nếu như ai đó bất tài, thất đức thì dù ở cấp cao đến mấy cũng không thần phục được anh Dương. Chính vì thế mà anh luôn bị thiệt thòi và gặp rất nhiều gian truân trong suốt quá trình công tác của mình … Anh là người dám nói trước những điều nhiều người biết nhưng không dám nói, dám làm những việc nhiều người thấy cần phải làm nhưng không dám làm …”.

Niềm tự hào của phu nhân Phạm Quế Dương được xem là chính đáng khi bản nhận xét của tướng Hoàng Phương – bí thư đảng uỷ Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam – cũng từng ghi nhận : “– Nhiệt tình công tác tốt, có sáng kiến và tháo vát trong điều kiện rất thiếu người, thiếu phương tiện và kinh phí - Sống chan hoà với anh em, trong sinh hoạt không có hiện tượng vun vén cá nhân, mặc dù gia đình có rất nhiều khó khăn … - Còn ương khi có việc mình chưa thông …

Vậy mà, chồng bà, một con người như thế, nay đã quá tuổi “thất thập cổ lai hy” lại đang bị giam cầm, tù tội.

Không phải nhà tù của kẻ thù ngoại bang mà nhà tù của những người cầm quyền ở một chính quyền do chính đại tá Phạm Quế Dương chinh chiến từ buổi đầu, đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu mình góp phần xứng đáng tạo dựng nên !

Nước mắt giàn giụa, bà nghẹn ngào nói lên nỗi lo lắng sắp tới đây không biết chồng bà có còn đủ sức lực để đứng vững trong một phiên toà quái ác không.

Bà gần như gục hẳn xuống khi mô tả cảnh bà gặp chồng hôm 14 tháng 2 mới đây. Bà liên tưởng một lần đưa chồng đi cấp cứu “vì bệnh của anh Dương đã có tiền sử về tim, lúc đó cấp cứu vì nghi nhồi máu cơ tim, bản thân rất nhiều bệnh : viêm gan, viêm túi mật mãn, viêm đại tràng, gai đôi cột sống, rối loạn tiền đình”. Ông là một thương binh 4/4.

Một người làm sử xả thân bảo vệ sự thật

Ông Phạm Quế Dương từng được cử giữ các chức vụ : Trợ lý tuyên huấn Trung đoàn 240, sư đoàn 367; Trưởng phòng tuyên huấn Quân khu 2; Phó chính uỷ sư đoàn 243 … Nhưng có lẽ nhiệm vụ giao phó hợp sở trường, sở đoản nhất đối với ông là cương vị Tổng biên tập tạp chí Lịch sử Quân sự. Ông có trí nhớ rất tốt, trong đầu ông chứa một kho sử liệu không nhỏ.

Ngày 10 tháng 7 năm 1986, tổng bí thư Lê Duẩn từ trần, trong tiểu sử ông ta, các cơ quan ngôn luận đều công bố : “Năm 1960, tại Đại hội lần thứ 3, … đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư Thứ nhất và Bí thư Quân uỷ Trung ương …”. Với cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự, đại tá Phạm Quế Dương đã công phu đi tìm để trao đổi cùng nhiều quan chức cao cấp của Đảng : ông Chu Huy Mân, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ông Đào Duy Tùng. trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, ông Hoàng Tùng, Bí thư Trung ương Đảng, phụ trách khối Tuyên huấn … kiên quyết đề nghị phải đính chính cho đúng sự thật và ghi rõ : tổng bí thư Lê Duẩn chỉ kiêm chức Bí thư Quân uỷ Trung ương từ năm 1978 đến năm 1984.

Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự tuyên bố dứt khoát: "Nếu không sửa lại cho đúng lịch sử, chúng tôi không cho đăng tiểu sử Lê Duẩn như trên trong tạp chí khoa học về lịch sử quân sự"

Trong dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, ông Lê Đức Anh, với tư cách cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm Viện Bảo tàng Quân đội. Ngày 14 tháng 2 năm 2000, báo Nhân Dân, báo Quân đội Nhân dân đăng lại trên trang nhất bài nói này, trong đó có đoạn : “… Về đồng chí đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên bộ trưởng Bộ Quốc phòng, các đồng chí thể hiện khá rõ, nhưng cần tập trung để làm rõ vai trò của dồng chí là người trực tiếp thực hiện quyết định của Bác Hồ về tổ chức thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân (22-12-1944), người chỉ huy chiến dịch Điện Biên phủ 1954 chấn động dư luận thế giới". Câu nói này nếu của người khác thì không ai chú ý mấy, nhưng vì dư luận xã hội lâu nay đã ghi nhận một hệ thống chủ trương vùi dập, hãm hại đại tưóng Võ Nguyên Giáp thông qua việc vu cho Đại tướng là Việt gian vì từng làm con nuôi cho mật thám Pháp; việc biến ông thành "Ông tướng đặt vòng"; việc bầy ra vụ Năm Châu-Sáu Sứ để giăng bẫy Đại tướng …” mà người ta dị nghị rằng chủ mưu là các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh, cho nên người ta hiểu ngay đây cũng là một hành động nằm trong hệ thống mưu đồ ấy, nhằm phủ định cương vị Tổng tư lệnh các Lực lượng Vũ trang của đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Câu nói trên phải được hiểu là : về đồng chí đại tướng Võ Nguyên Giáp các đồng chí đã thể hiện khá rõ, nhưng thật ra chỉ nên tập trung làm rõ vai trò của ông trong viêc thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân (theo quyết định của Bác Hồ) và chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Nếu không như vậy thì hẳn ông Lê Đức Anh phải nói : “… cần tập trung để làm rõ hơn vai trò của đại tướng Võ Nguyên Giáp trong việc tổ chức thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân và chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ …" (so với nhiều vai trò khác mà đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đóng góp lớn lao cho cách mạng Việt Nam)

Hầu hết những người am hiểu đều biết vậy nhưng không dám hé răng. Riêng đại tá Phạm Quế Dương không kìm chế nổi, lại đùng đùng nổi trận xung thiên.

Tiếc rằng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương đã không vì lẽ phải, không vì tôn trọng sự thật lịch sử mà lên tiếng, lại phù hoạ rất sai trái. Ban TTVHTU, qua Báo cáo nhanh số 05/BC-DLXH của mình, chỉ đạo một cách áp đặt : “Bài viết của cố vấn Lê Đức Anh được dư luận của các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm và đánh giá cao. Dư luận chung rất tâm đắc với các quan điểm của đồng chí Cố vấn … Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Chính trị quan tâm chỉ đạo việc trưng bầy ở Viện Bảo tàng Quân đội và việc viết lịch sử quân đội theo các yêu cầu nói trên của đồng chí Cố vấn vì đó cũng chính là nguyện vọng chung của toàn dân, không để cho các quan điểm đánh giá phiến diện : đề cao một vài cá nhân, xuyên tạc lịch sử, coi nhẹ sự lãnh đạo của Đảng, của Bác đối với quân đội chen vào”. (Báo Nhân Dân đăng ý kiến ông LĐA ngày 14/2, ngày 23/2 Báo cáo nhanh đã ấn hành. Không biết bằng phương pháp nào ban TTVHTƯ chỉ trong chưa đầy một tuần lễ (trừ thời gian viết bài và in ấn) đã thu thập được dư luận của các tầng lớp nhân dân ? Vấn đề này có thực sự nóng hổi và tác động trực tiếp thiết thực đến đời sống xã hội như chuyện tăng giá điện, nạn dịch cúm gà không mà chỉ trong mấy ngày đã có nhiều ý kiến đề nghị Bộ Chính trị đến thế ?).

Việc một cơ quan khoa học nước ngoài nào đó chọn 10 danh tướng thế giới, trong đó riêng Việt Nam có 2 (Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp) là hoàn toàn có thể có thật, và là chuyện bình thường thôi. Viện Khoa học nước ấy chọn thế, Viện Khoa học nước khác có thể chọn khác. Cũng như cuối mỗi năm báo chí Việt Nam chọn 10 sự kiện quốc tế tiêu biểu trong năm kiểu này, báo nước khác chọn khác. Thế mà khi đại tá Phạm Quế Dương cùng một số người hùn nhau bỏ cả tiền túi ra để in cho được cuốn “Mười danh tướng thế giới” thì bị An ninh Văn hoá mời lên mời xuống hạch sách, hăm doạ. Sách vẫn “ương ngạnh” xuất bản. Để rồi … bị thu hồi ! Nếu trong cuốn sách kiểu như thế mà có tên các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh thì ngày ấy chắc người ta đã phóng tay đổ công, đổ của của nhân dân mặc sức tuyên truyền rùm beng. Bảo rằng để khuyếch trương niềm tự hào dân tộc.

Khi đại tướng Hoàng Văn Thái từ trần, được tướng Hoàng Phương đồng ý và sau khi trao đổi với Cục Tuyên huấn, đại tá Phạm Quế Dương viết bài tưởng niệm. Trong đó, có những đoạn rất xúc động: “Tuổi già hạt lệ như sương. Các cán bộ cũ ở Bộ Tổng Tham mưu nghe tin Anh ra đi, đã bàn bạc cùng nhau để cô đặc giọt lệ tuổi già viết thành tám chữ "Tron nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội” trên bức trướng khóc Anh. Nào ai hay những giọt lệ ấy đã nói hộ nỗi lòng của toàn dân, toàn quân trong việc đánh giá công lao, đức độ của một trong những vị Tướng tài! Cũng phải thôi. Vì lòng Dân vẫn là ý Đảng. Trước sự ra đi của một vị tướng như Anh, công luận bao giờ cũng là công bằng, chính xác"

Ông tướng Nguyễn Đình Ước tìm mọi cách ngăn trở không cho đăng bài tưởng niệm đó ngay cả trên Tạp chí Lịch sử Quân sự. Nhà báo Phạm Quế Dương loay hoay thế nào vẫn quyết tâm đăng bằng được, sau đó ít lâu. Bởi vì ông cho rằng "Chẳng phải ông Hoàng Văn Thái bị thù ghét mà các ông Lê Trọng Tấn, Chu Văn Tấn, Trần Văn Trà, Lê Quảng Ba, Lê Thiết Hùng, Vương Thừa Vũ … cũng bị như vậy. Vì họ cho là các ông ấy thân ông Giáp. Có thế thôi.".

Một tín đồ có tâm Phật.

Trong lý lịch, ông Phạm Tiến Phúc (tên khai sinh của đại tá Phạm Quế Dương) khai là mình theo đạo Phật. Thực tế, ông quả là người rất từ bi, bác ái.

Bà Cư kể rằng ông Dương không những đã từng góp hết lương của mình mà còn bán cả quân trang, cho đến chiếc mũ cối, đôi giầy vải để trả lương cho anh em trong Ban Biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự. Thế mà, sau 2 năm, vào khoảng 1985-86, Tạp chí được thưởng 4 xe đạp Đi-a-măng, anh em bình bầu cho ông, ông nhất quyết nhường cho người khác

Là đại tá, Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự, ông Phạm Quế Dương được phân phối một căn hộ tầng một khép kín ở Khu Tập thể Thanh Xuân bắc. Vợ con khấp khởi chờ đợi ngày dọn nhà. Cuối cùng tất cả thất vọng vì ông đã nhường cho một gia đình có mẹ già bị bại liệt và 3 con nhỏ.

Một chị thường đến lấy nước gạo ở Khu Tập thể 37 Lý Nam Đế bỗng nhiên bị mất cả xe đạp, lẫn thùng nước gạo, ông Phạm Quế Dương liền đưa cho chị chiếc xe đạp của Kiều Anh- con gái út của ông- nói là cho mượn. Sau mấy ngày phải nhờ bạn đèo xe đi học, cháu năn nỉ ông đòi xe về. Ông tuyên bố đã cho chị ấy.

Một người thỉnh thoảng đến thăm tôi, mà tôi nghi là công an chìm, kể lại. Một hôm, anh đang cùng ông đi trên hè phố, gặp một cháu gái chân quê đi bán rau, bị công an thu giữ. Cháu khẩn khoản kêu xin, trình bầy rằng đây là toàn bộ vốn liếng của cháu. Ông Phạm Quế Dương cũng xin hộ không được. Ông đành móc túi còn khoảng gần trăm ngàn, đưa cho cháu hết.

Bà con từ nhiều tỉnh xa về đội đơn đến Mai Xuân Thưởng trình lên lãnh đạo không được, đến nhờ vả đại tá Phạm Quế Dương. Ai cũng được ông tiếp đón ân cần. Chẳng những thế, người đói còn được ông mời cơm, người rách được ông cho quần áo. Gặp mưa, ông tặng áo mưa. Tiếng lành đồn xa, bà con bảo nhau kéo đến ngày càng đông. Vợ con khổ sở, ông phát ốm vì không được nghỉ ngơi. Đã thế còn mang vạ là bị quy tội kích động nhân dân khiếu kiện ! Trong 902 đầu tài liệu tuyên bố tịch thu được ở nhà ông có một số nhiều những đơn thư đó.

Vợ chồng ông Phạm Quế Dương được mời đi lễ hội Đình Tổ Bắc Ninh, nhân đó rủ nhau ra viếng mộ cụ nghè Lê Văn Thịnh. Thấy cảnh mộ hoang sơ, trong đoàn hơn chục người đi viếng lại chỉ có mỗi cô giáo Cấp Một cầm nhang ra thắp, ông Dương bỗng sụp xuống nức nở. Khi về lại Đình Tổ thụ lộc, nghe ông từ kể về công đức Cụ Nghè, ông Dương lại oà khóc và khởi xướng ngay việc tôn tạo mộ cụ Lê Văn Thịnh. Bà Cư hỏi : ông định lấy tiền đâu ra để làm việc này. Ông ngước nhìn lên bàn thờ, vẻ thành kính : "Rồi Cụ sẽ cho mình". Mấy tuần sau, được truy lĩnh mấy triệu bạc tiền "Tiền khởi nghiã". Ông Dương khoe với vợ con : "Đấy bố nói Cụ sẽ cho có đúng không !” . Rồi ông đem nộp cho ban tôn tạo mộ cụ nghè Lê Văn Thịnh.

Ông còn chủ trì cùng Hội Sử học tổ chức hội thảo và sau đó đứng ra góp viên gạch đầu tiên tôn tạo mộ bà Nguyễn Thị Lộ- vợ yêu danh nhân Nguyễn Trãi- tại Khuyến Lương.

Đền thờ danh nhân Nguyễn Trãi vừa được Nhà nước cho xây dựng khang trang dưới chân Côn Sơn cũng có phần nhờ Phạm Quế Dương là người tích cực góp công đề xướng, xuất phát ngay sau chuyến ông hành hương cùng Hội Dưỡng sinh lên Côn Sơn.

Chùa Diên Hựu (tức chùa Một Cột) - ngôi chùa có thời kỳ từng được xem là biểu tượng của Hà Nội- còn tồn tại được như ngày nay là nhờ công đức rất lớn của phật tử Phạm Quế Dương. Năm 1985, khi xây Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ đã có chủ trương phá bỏ khuôn viên chùa Một Cột. Y kiến đề đạt của phật tử Phạm Quế Dương không được xem xét đúng mưc. Ông phản ứng ngày càng gay gắt và đấu tranh ngày càng quyết liệt, bất chấp mọi sự va chạm với những quyền lực tối cao có nguy cơ đe doạ tính mệnh mình. Ông bảo : "Ai cho phép khoanh cả khuôn viên chùa Diên Hựu- Một Cột vào khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh ? Bảo tàng Hồ Chí Minh dù có vĩ đại bao nhiêu cũng mới có 12 tuổi vì khánh thành 1990. Không thể áp đặt Bảo tàng Hồ Chí Minh ngồi trên chùa Diên Hựu-Một Cột có gần 1000 năm tuổi của vua Lý Thái Tổ gửi cho đời sau được ”.

Khi cuộc đấu tranh thắng lợi, Chùa Diên Hựu được bảo toàn, ông cười hoan hỉ. Bảo rằng đấy là nhờ ơn Đức Phật tổ.

Dẫu sao, ông vẫn chưa thôi ấm ức. Tuy chùa Một Cột không bị phá bỏ hoàn toàn, nhưng nhà thờ Tổ và khu nhà Tăng đã bị triệt tiêu. Bài vị của các sư tổ của Chùa - những vị trụ trì ở đây từ thế kỷ 11- nay phải thờ chung ở nhà thờ Mẫu. Đồng thời, sư không có chỗ ở, phải khoanh bằng gỗ ghép để ở trong Tam Bảo, trước ban thờ đức Đại tạng Đại Bồ Tát và vong linh các gia quyến đưa lên chùa.

Năm 1996, một cơn bão lớn bỗng quật đổ cây bồ đề cổ thụ của chùa Một Cột. Lời thỉnh cầu của sư sãi không đem lại hiệu quả. Lại cũng chính phật tử Phạm Quế Dương phải sắn tay vào cuộc. Không quản ngại, ông chạy đủ mọi cửa, chắp tay vái tứ phương mới cứu được cây bồ đề Diên Hựu.

Cuộc đấu tranh lâu dài, gian nan nhất, được khởi sự ngay từ sau ngày về hưu của người con hiếu đễ dòng họ Phạm là cuộc đấu tranh đòi Tử Dương Vọng đình. Ngôi đình vọng của làng Tử Dương, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín đã từng toạ lạc tại số 8 Hàng Buồm. Đình được xây dựng từ thời Hậu Lê, 1767, thờ Tuệ trung thượng sỹ Trần Tung, anh cả của Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Đình này bị một hộ chiếm đoạt, phá đình làm nhà, quét vôi che phủ bia, làm phi tang tất cả báu vật trong Đình. Có ý kiến của cố vấn Phạm Văn Đồng, có công văn của UBND TP Hà Nội, Thanh tra thành phố Hà Nội, yêu cầu quận Hoàn Kiếm giải quyết. Song, qua hàng chục năm trời, dân làng Tía đi lại, lên xuống cầu xin mà lãnh đạo quận Hoàn Kiếm vẫn không đoái hoài.

Ông Dương đã từng tuyên bố sẵn sàng hiến toàn bộ số tiền 7000 USD giải thưởng nhân quyền của tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watchs để làng nộp cho toà án quốc tế La Haye làm án phí xử kiện đòi Tử Dương Vọng đình. Đây là nỗi khắc khoải, day dứt hết sức lớn trong lòng ông Phạm Quế Dương.

Ngày 14 tháng 2 vừa qua trong buổi gặp gia đình tại trại giam B14, sau khi thuật lại nội dung bản cáo trạng Viện Kiểm sát Nhân dân gửi ngày 3 tháng 2 năm 2004, ông đã thiết tha nhắn gửi : "Thôi thì mọi tội lỗi quy kết bố đành chịu hết. Chỉ mong sao Nhà nước trả lại Tử Dương Vọng đình cho dòng họ Phạm quê ta".

Nói phỉ phui, nếu vì sự đàn áp quá dã man của chính quyền này mà dẫn đến cái chết của ông thí xin hãy mai táng ông tại làng Tử Dương; bên mộ là một miếu thờ; trong miếu thờ đặt pho tượng đồng của ông; dưới bức tượng là dòng chữ mạ vàng kể trên. Không chỉ để dòng họ Phạm tưởng nhớ ông mà để các thế hệ noi theo một tấm gương nghĩa hiệp, một tấm lòng tha thiết vì quê hương đất nước.

Một chiến đấu tính mạnh mẽ của người cựu binh tái ngũ chống Tàu

Năm 1960, sĩ quan chiến binh chống Pháp Phạm Quế Dương chuyển ngành về làm cán bộ tuyên truyền Tổng cục Lâm nghiệp. Năm 1965, tiếng gọi tiền phương lại thôi thúc ông tái ngũ. Ông đánh giặc cho đến khi thành thương binh. Xuất ngũ, máu chiến binh có chiến đấu tính rất mạnh mẽ lại thúc đẩy ông lao vào cuộc đấu tranh xoá bỏ áp bức, bất công, bảo vệ nhân phẩm, đòi tự do, dân chủ cho nhân dân.

Góp ý với đại hôi IX đảng Cộng sản Việt Nam, trong bài "Phải cải cách chính trị cùng với cải cách kinh tế" ông viết : " … cầm quyền như hiện nay Đảng ta trở thành một thứ Đảng độc quyền, Đảng trị. Gọi là Đảng độc quyền vì khi Bác Hồ còn sống, còn có đảng Xã Hội, đảng Dân Chủ. Nay chỉ còn có 1 đảng Cộng Sản. Gọi là đảng trị vì Đảng thống trị, ngồi lên đầu dân, quyết định hết nhưng không chịu trách nhiệm trước dân … Tình hình đất nước ta ngày càng tụt hậu xa so với thế giới về kinh tế, ngay cả những nước gần cận trong khu vực. Nạn tham nhũng tràn lan không bài thuốc chũa trị, từ người lái xe ôm đến bà bán nước vùng quê đều rõ, sao những người lãnh đạo đảng CSVN không thấy mà lúc nào cũng chỉ muốn người ta tung hô Đảng sáng suốt, Đảng quang vinh, đời đời nhớ ơn Đảng … Muốn cứu vãn tình thế không thể chỉ đổi mới bằng cải cách kinh tế mà phải nhanh chóng triệt để cải cách, đổi mới chính trị. Phải nói thẳng là cải cách-đổi mới chính trị, không thể nói là cải cách-đổi mới hành chính, một kiểu nói lừa dối lương tâm … Người đứng đầu Đảng và Nhà nước (Chủ tịch nước hay Tổng thống) phải là một. Đảng cử ra ba bốn người rồi để dân trực tiếp bỏ phiếu. Không thể như hiện nay, Đảng cử ra Tổng Bí thư thì tự nhiên dân phải nhận là Vua của mình rồi. Sự thật đó là Vua của ĐCSVN chứ có phải của dân đâu …. Phải thật sự bầu cử tự do. Người dân được tự do ứng cử, xoá bỏ việc mọi danh sách phải thông qua Mặt trận Tổ quốc. Đó là một việc làm lùa bịp, trấn áp trắng trợn người tài một cách bẩn thỉu, đáng khinh mà những người cầm đầu Mặt trận Tổ quốc đã có lúc tự nhận mình chỉ là "cây cảnh" … Quân đội, công an là công cụ vũ trang của Nhà nước, không phải của riêng Đảng. Trả lại câu nói của Bác Hồ : ”Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân”. Tự sửa câu nói lịch sử của Bác Hồ là bất hiếu, bất trung … ĐCSVN phải xin lỗi vụ Nhân văn-Giai phẩm, vụ Xét lại, vụ Kim Ngọc, vụ án Trường Xuân. Các vụ này xử lý oan bao nhiêu hiền tài của đất nước. Dân sẽ thông cảm, tha thứ cho Đảng, coi đấy là những sai lầm của sự ngây thơ một thời, nếu ĐCSVN thành thật xin lỗi, rút bài học cho bản thân …".

Trong bài "Tôi tự ứng cử Quốc hội để làm gì ?" ông viết : "Rồi lại gần đây, việc ký hiệp định biên giới và vùng biển Việt – Trung. Dư luận xôn xao, Quốc hội Việt Nam đã thông qua chưa ? Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ chỉ là hiệp định buôn bán giữa hai nước mà còn làm đủ mọi thủ tục trình, rồi thông qua Quốc hội như diễn kịch. Vậy sao cái Hiệp định Biên giới và Hải phận quan trọng ngàn đời đốí với danh dự và lương tâm Non sông đất Việt mà lại ký vụng trộm như vậy sao ?"

Trong bài "Đại tướng quân Võ Nguyên Giáp không phải là Bí thư Quân uỷ Trung ương mà cũng chẳng phải là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ?", ông viết : "Vừa rồi tivi ta có chiếu bộ phim về đại tướng Lê Đức Anh. Họ ca ngợi ông ta đẹp làm sao, hay làm sao, vĩ đại biết bao ! Với ông ta, loại như tôi, xa vời quá cho nên không dám bình luận. chỉ xin phép nhắc lại cái thời tôi làm Tổng biên tập tạp chí Lịch sử Quân sự thuộc Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, ông ta là đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, siêu cấp trên của tôi. Tôi được ông Ngọc, thiếu tướng, thư ký của ông ta gọi lên mấy lần để gặp ông ấy. Tôi đều cảm ơn xin cáo vì quá bận việc. Sự thật là vì lúc ấy tôi biết họ đang làm quyển sách "Đường thời đại”, bốn tập, do nhà xuất bản Quân đội Nhân dân xuất bản. Nếu gặp, e rằng ông đại tướng Lê Đức Anh ấy ra lệnh phải tham gia thì bỏ xừ. Nhận thì là kẻ vô lương tâm với lịch sử, mà từ chối thì đừng có đùa. Do đó, xin cáo vậy”.

Đại tá Phạm Quế Dương có tội không ?

Con người trung thực, thánh thiện như thế chắc chắn chưa hề phạm tội. Tuy nhiên, nếu xét "phạm thượng" là tội lớn thì, nếu không được Trời Phật phù hộ độ trì, hẳn ông đã mắc vòng lao lý từ lâu rồi. Ông tuổi Tân Mùi (1931). "Tân biến vi toan, hiển vinh thì it, gian nan thì nhiều", các cụ xưa bảo thế. Riêng cái tội khinh khi đối với ông Lê Đức Anh như thế, nếu không cao số, nhiều người đã đủ chết rồi. Huống chi ông thường nhiều khi gay gắt, khinh mạn một cách quá trớn, không nên, mà cũng không cần thiết. Cũng trong bài vừa kể, có đoạn ông viết : "Không biết ông Hà Đăng có đi lính không ? Và nếu đi lính thì ông có là lính đánh nhau không hay chỉ làm "phóng văn lình". Các cụ xưa có câu : "Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi". Lính có loại kia, loại nọ. Loại "phóng văn lình" tức là lính văn phòng, không trực tiếp đánh nhau nhưng gần cấp trên, giỏi nịnh hót nên lên cấp chức vù vù, thậm chí lính đào ngũ vẫn lên tướng. loại tướng ấy gọi là "tướng lên đài", tức là đái lên tường". Trong bài "Xin mời làm rõ ai là kẻ cơ hội", có đoạn ông viết : "… Sự việc nếu chỉ thế thôi thì cũng chẳng cần quan tâm. Vì đối với những người lính dám đánh nhau thì Lê Đức Anh dù có là cái tướng gì cũng chẳng để lại dấu ấn tốt đẹp nào đối với lịch sử trong sáng của dân tộc, của quân đội ta”. Trong bài "Xin mời cùng làm rõ ai là "Kẻ lén lút" ", sau khi vạch rõ chân tướng cái ông tướng Nguyễn Đình Ước xuất phát từ một tên lính đào ngũ, cái ông phó giáo sư Nguyễn Đình Ước nhờ xin xỏ được đặc cách, được chiếu cố (có khoảng chục bài của Tào Mạt, Đào Thái Tôn, Nguyễn Hữu Đức … từng đề cập đến việc này), can cớ gì ông Dương lại đi cà khịa lung tung "Cái lũ phong cho ông hàm phó giáo sư cũng câm miệng cả ! … Bọn phong tướng cho ông cũng chả nói chi ! … Và cái Quốc hội mà công dân nghiêm chỉnh viết bức thư kia gửi cả niềm tin vào cơ quan quyền lực tối cao của nhà nước pháp quyền cũng câm tịt" ! Tiêu đề một số bài viết của ông Dương cũng thật là khinh mạn : "Viện kiểm sát Nhân dân tối cao nên đi học thêm văn hoá và pháp luật", "Kẻ lưu manh, dối trá” … Thậm chí, đối với tổng bí thư Nông Đức Mạnh, ông cũng nỡ lòng nào trích từ đâu đó đoạn thơ “Tài Nông mà đức cũng Nông …" !

Dù là đấu tranh chống cường quyền tôi cũng không ưa lối viết, lối nói quá bỗ bã, đốp chát. Tôi cũng không đồng tình với những chuyện đả kích cá nhân quá xô bồ.

Ngoại trừ vài ba nhân vật không ai không thể không oán giận, khinh ghét : một ông Tổng Bí thư Đảng, sau chiến thắng 1975, vì quá huênh hoang, hợm hĩnh đã đẩy dân tộc trầm luân thêm trong hai cuộc chiến rất không đáng có, đánh Campuchia và đánh Trung Quốc …; một ông Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng ám hại bao nhiêu hiền tài, vu cáo cả cho đại tướng Võ Nguyên Giáp là tay sai mật thám Pháp …; một ông Chủ tịch nước mắc rất nhiều lời đồn đại khả tín về khai man lý lịch vào Đảng, về liên quan trực tiếp đến cái chết của tướng Nguyễn Bình, đến vụ Năm Châu-Sáu Sứ … , hầu hết tất cả những người khác đều là những con ngưòi có ưu, có khuyết, có tốt có xấu như chúng ta. Rồi cũng như họ, nếu đặt chúng ta vào cương vị cao trong cơ chế này, hẳn chúng ta cũng phải nói gần như họ, làm gần như họ. Tôi đã từng quen một số người nay có chức tước rất cao, đang bị nhiều người oán giận, xỉ vả. Song, trước đây khi còn hàn vi với nhau, tôi từng yêu quý cả về tài năng lẫn đức độ của họ. Cho nên vấn đề cơ bản là phải đấu tranh, có thể rất gay gắt quyết liệt, với những đường lối, chủ trương, chính sách sai lầm cúa Đảng. Phải thuyết phục, thậm chí tạo sức ép mạnh cho đổi mới thực sự, cải tổ thực sự, sao cho đáp ứng được yêu cầu và khả năng thực sự của đất nước, hoà hợp thực sự được với trào lưu tiên tiến của thế giới. Trong một chế độ chính trị ưu việt thì người xấu cũng sẽ thành tốt, trong một cơ chế đúng đắn, minh bạch thì không những sẽ hạn chế được quan tham mà kẻ cơ hội, gian hùng cũng không thể trở thành độc tài, tàn bạo được.

Dẫu sao cũng không thể xem đại tá Phạm Quế Dương là một tội phạm. Ông ấy có những khuyết nhược điểm rất đáng chê trách. Tuy nhiên nếu vì bị xúc phạm mà trở nên hận thù, ỷ quyền, cậy thế tạo ra cả một "thế trận bát quái” giăng bẫy, vu khống, bôi nhọ, tuyên truyền tạo dư luận để hãm hại ông ấy, thậm chí ghép ông ông ấy vào tội tầy tròi không thể có : tội gián điệp thì thật là gian manh quá mức, độc ác quá mức. Lòng người tất sẽ oán thán mặc dù không dám biểu lộ công khai. Trờì rồi sẽ không dung. Đất rồi sẽ không tha.

Xin được dẫn ra đây đoạn kết bài viết ngày 15 tháng 2 năm 2004 của nhà văn, cựu chiến binh chống Pháp Hoàng Tiến : "Những người như ông Phạm Quế Dương là những người yêu nước. Trừng phạt những người yêu nước là một tội ác. Nếu cứ xét xử cho thoả lòng tức tối cuả lệnh trên, thì người viết bài bào chữa này xin chịu hình phạt cùng ông Phạm Quế Dương. Người Việt Nam coi trọng đạo lý, tôi xin dâng thân xác mình để cảnh tỉnh những nhà cầm quyền đừng nên làm điều thất nhân tâm quá đáng”.

Những kẻ lạm dụng quyền lực hãy biết tự răn để tỉnh táo nhận được ra rằng trong hơn tám mươi triệu người Việt Nam đang sống cả trong và ngoài nườc tất phải có biết bao nhiêu Hoàng Tiến.

Hà Nội 24 tháng 2 năm 2004
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Khu Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn - Từ Liêm – Hà Nội