Sau khi Nguyễn
Khắc Viện đi thăm Cuba về, Fidel Castro nói với Ðại sứ quán ta tại Cuba
rằng: Ðời tôi bị thiệt thòi là không được gặp chủ tịch Hồ Chí Minh khi ngài
còn sống, nhưng để bù lại, tôi được gặp ba người làm cho tôi rất vui lòng:
một là đại tướng Võ Nguyên Giáp, hai là ông Nguyễn Khắc Viện, ba là lão anh
hùng Núp.
Tiến sĩ sử học Pháp Charles Fourniau gọi Nguyễn Khắc Viện là "Bậc thầy về
những vấn đề Việt Nam”. Hai nhà văn Mỹ David Marr và Jayne Werner khi đề tựa
cuốn Tradition and Revolution in Vietnam đã viết: Nguyễn Khắc Viện là
người duy nhất có tư cách nói về Việt Nam với công chúng phương Tây.
Cho đến bây giờ người ta vẫn không biết dùng tước danh nào đối với bác sĩ
Nguyễn Khắc Viện cho thoả đáng nhất.
Vì ông viết nhiều về lịch sử Việt Nam bằng tiếng Pháp và dịch Truyện Kiều
sang tiếng Pháp với cả tâm hồn rất thi sĩ nên Viện Hàn lâm Khoa học Pháp gọi
ông là nhà thơ, nhà sử học. Vì ông có nhiều bài viết giầu chất suy nghĩ đăng
trên các báo trong, ngoài nước nên nhiều người gọi ông là nhà báo. Vì ông đã
sáng lập và lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em nên một số cơ quan y tế,
giáo dục gọi ông là nhà tâm lý học. Một số trí thức trong và ngoài nước hiểu
thấu đời ông gọi ông là một sĩ phu hiện đại. Học giả Ðào Duy Anh gọi Nguyễn
Khắc Viện là học giả. Nhà báo Trường Giang gọi ông là nhà văn hoá.
Giáo sư Vũ Ngọc Khánh thấy ở Nguyễn Khắc Viện: “Một nhà nho trong một người
cộng sản, một trí thức cao cấp trong một cán bộ bình thường, một nhà nghiên
cứu trong một ký giả”. Năm 1993, trong lễ mừng thọ ông 80, một người bạn tâm
đắc đã tặng đôi câu đối:
“Trí ngoại hạng. Dũng siêu cường. Chí khí như Anh, Trời một góc.
Gần thấy vui. Xa tìm đến. Tinh thần thế ấy, Người muôn năm.”
Một thầy đồ già tặng bức trướng đỏ thêu mấy chữ Hán: “Học nhi bất quyến,
hối nhi bất quyện”.
Thật vậy, chính cái đức “Học không biết chán, dạy người không mỏi” cùng với
cái tư chất “Chí khí trời một góc” đã tạo nên một Nguyễn Khắc Viện như tấm
gương sáng để đời.
Một nghị lực phi thường
Nguyễn Khắc Viện sinh ngày 5 tháng 2 năm 1913 tại làng Gôi Vỵ, xã Sơn Hoà,
huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông học trung học ở Collège Vinh rồi chuyển
vào Quốc học Huế học để thi lấy bằng Thành chung vào năm 1931. Sau khi đỗ
xuất sắc ba bằng tú tài ở Trường Bưởi (1934) và học hết năm thứ hai ở trường
đại học Y Hà Nội (1937), ông du học tại Pháp và đã lấy thêm hai bằng: bác sĩ
nhi khoa và bác sĩ về các bệnh nhiệt đới vào năm 1941.
Trong thời gian học nội trú rồi làm việc tại Bệnh viện Trẻ em Trousseau ở
Paris, do ít người, nhiều việc, ban ngày làm việc liên tục lại cứ hai đêm
phải trực một ca nên một buổi sáng tháng 1 năm 1942, ngủ dậy, ông khạc ra
máu. Thời bấy giờ lao bị xem là một trong tứ chứng nan y. Tuy nhiên, mặc dầu
chưa có thuốc đặc trị nhưng nhờ được nghỉ ngơi tại viện điều dưỡng ở thành
phố Grenoble suốt hơn một năm trời, vốn có thể trạng tốt và nhờ kiên trì
luyện tập dưỡng sinh, đầu năm 1943 sức khoẻ của ông tạm thời ổn định. Ra
viện, ông lao vào công tác Việt kiều trong hoàn cảnh vật chất thiếu thốn nên
cuối năm 1943, bệnh lại tái phát nặng hơn trước. Lần này, cả một thuỳ bên
phổi phải bị xơ hoá, đờm khạc ra đầy vi khuẩn BK. Vì vẫn chưa có thuốc đặc
trị, thầy thuốc đề ra biện pháp là phải giữ tư thế gần như bất động và cấm
khẩu. Suốt một năm trời nằm im trong phòng một mình và hầu như không nói một
câu nào với bất cứ ai, bệnh có thuyên giảm. Sau khi sức khỏe tương đối được
hồi phục, bệnh viện lại yêu cầu phải phẫu thuật mà trước hết là cắt sườn.
Lần thứ nhất cắt 2 xương sườn với điều kiện chỉ được dùng thuốc tê chứ không
được gây mê. Kéo cắt sườn giống chiếc kéo cắt sắt được chọc xuyên vào xương
giữa cột sống. Cắt xong khâu lại, chờ một thời gian sau lại mổ ra để cắt
tiếp 2 cáí nữa. Riêng việc cắt 6 sương sườn đã cần phải mổ tất cả 3 lần,
ròng rã trong một năm.
Năm 1946, ông được chuyển sang làm việc tại một viện điều dưỡng ở thành phố
Lourdres, vùng Pyrénées. Ðược gần một năm, sức khỏe có đỡ hơn nhưng vẫn khạc
ra đờm có BK. Lại phải phẫu thuật. Lần này ông bị khoét một lỗ lớn sau lưng.
Hàng ngày bác sĩ nhét đầy gạc vào trong phổi để hút hết đờm và các phần phổi
đã hư nát ra ngoài. Chỗ phổi nào thấy bắt đầu có sẹo thì dùng nitrat bạc để
đốt cháy. Qua 4 năm trời liên tục như vậy những miếng phổi hư nát bị tống
hết ra ngoài. Ðầu năm 1957 ông lại phải lên bàn mổ để vá vết thương lưng,
cắt 2 cơ lớn sau lưng, ép nó vào cái lỗ, bịt lại, khâu da. Ít lâu sau, phần
màng phổi bên phải, ở chỗ cơ hoành bị tê liệt, phát mủ và tuôn sang bên trái
làm cho phổi trái bị nặng hơn. Phần màng phổi bị xử lý trong giải phẫu nhiều
lần đã dày lên rất nhiều, thuốc không vào được nên lại phải giải phẫu.
Sau tất cả 7 lần mổ, toàn bộ lá phổi phải và một nửa lá phổi trái bị cắt bỏ
hoàn toàn khỏi cơ thể ông. Ông phải chủ động vận dụng phần cơ hoành là
chính, kết hợp với phần cơ bụng để nâng cao hiệu suất thở, cung cấp nhiều
dưỡng khí cho cơ thể để sức khoẻ phục hồi nhanh.
Ðối với Nguyễn Khắc Viện, để duy trì cuộc sống, vấn đề quan trọng nhất là
phép dưỡng sinh.
Luyện tập dưỡng sinh đã có từ xa xưa ở Trung Quốc và Ấn Ðộ. Tuy nhiên, đọc
lại những sách xưa và nay về khí công, yoga ta cảm thấy rất nhiêu khê, phức
tạp, lẫn lộn giữa chuyện đời với chuyện thần bí rất khó hiểu. Nguyễn Khắc
Viện đã tham khảo tất cả và trình bầy rõ thêm về các vấn đề như: có đi được
vào khoa học cơ bản hay không? Nguyên lý nằm ở đâu? Giữa 2 cách: tập luyện
thể dục thể thao như châu Âu và cách tập cổ truyền Á Ðông khác nhau thế nào?
Cách nào để giữ gìn sức khoẻ, để giải quyết bệnh tật? Ông đã đúc kết thành
bài vè cho dễ phổ biến:
Thót bụng
thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Mặt Phật ung dung
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Êm chậm, sâu, đều
Ðứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được
Hồi mới từ Pháp về nước nhận công tác, Cục Bảo vệ Sức khoẻ xếp ông vào loại
mất sức lao động 100%, không được làm việc. Vậy mà sau đó 30 năm, cho đến
tuổi 80, ông chỉ phải vào viện một lần. Cho đến khi biết mình sắp phải ra
đi, ông chủ động viết sẵn lời thỉnh cầu: “Tôi đã già, lại bị thiếu thở
trầm trọng từ hơn 40 năm nay, sắp tới, giả thử có tai biến gì hoặc mắc thêm
các chứng bệnh khác thì xin các cơ sở y tế đừng khám nghiệm, đừng phẫu
thuật, truyền máu hoặc bơm oxy gì thêm. Xin để tôi ra đi nhẹ nhàng, đỡ khổ
cho vợ con, bạn bè và cả bản thân tôi. Tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn về
tôi ”.
Tuy là một người có thể xem là tàn phế nhưng hồi ở viện Saint Hilaire du
Touvet, trong điều kiện vừa làm việc, vừa chữa bệnh, Nguyễn Khắc Viện vẫn
miệt mài đọc và học. Nhờ có thư viện lớn tại đây với nhiều sách của các
ngành khoa học, đặc biệt là y học và triết học, ông không những nghiền ngẫm
nhiều sách triết học của Trung Quốc, Ấn Ðộ, Phật giáo, Nho giáo… mà còn học
chữ Hán với một giáo sư Trung Quốc cùng nằm viện. Nói là học với giáo sư
Trung Quốc nhưng thật ra ông tự học theo cái “nghiệp” khổ học của thầy đồ
Nghệ. Gần nửa thế kỷ sau người ta còn tìm được một chồng vở học chữ Hán của
Nguyễn Khắc Viện. Ðấy là loại vở đóng sẵn như sách in, 120 tờ giấy kẻ carô,
bìa dày, gáy bọc vải. Vở chia 2 nửa, viết từ hai phía vào. Một nửa ghi học
Bạch thoại (tức tiếng Trung Quốc hiện đại), nửa kia là phần ghi học chữ Hán.
Ông đã chép bằng chữ Hán toàn bộ cuốn Chinh phụ ngâm của Ðặng Trần
Côn, toàn bộ tập Thiên tự văn là sách vừa dạy kiến thức, vừa dạy từ
bằng văn vần để dễ thuộc, toàn bộ Sở từ, Hạc lâu và Tiền
hậu Xích bích cùng rất nhiều thơ của các nhà thơ Ðường, Tống tiêu biểu.
Phần trích kiến thức từ Tứ thư, Ngũ kinh lại càng phong phú. Từ Luận ngữ,
Mạnh tử, Trung dung, Ðại học đến Kinh thi,
Kinh thư, Lễ ký, Nhạc ký, Nam Hoa kinh đến Hán
thư, Chiến Quốc sách, Sử ký, Thanh nang thư…
Trong những năm làm giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn và tổng biên tập hai tờ
báo, phòng làm việc của ông vẫn chỉ là cái gác xép nhỏ gần cầu thang tầng
ba. Trong phòng chỉ có một chiếc tủ thường kê làm tường ngăn, một chiếc máy
chữ cũ kỹ trên một chiếc bàn cũ kỹ. Ghế ngồi là một thanh ván kê ngang. Quạt
máy không, ấm chén không. Ông nổi tiếng “siêu nhân” với huyền thoại: “Tức
không cáu, nóng không quạt, ngứa không gãi”, (có người còn “sáng tác” thêm:
bẩn không tắm).
Thấm
đượm hồn quê
Chuẩn bị lên đường sang Pháp, Nguyễn Khắc Viện được cụ thân sinh tiễn chân
đến tận Sài Gòn và mua cho một vé hạng ba trên một chuyến tầu thuỷ. Lên tầu,
ông đổi sang vé hạng tư để vừa dôi ra ít tiền, vừa được tha hồ ngắm trăng
sao, trời biển cùng các hành khách hạng nghèo và một số lính Pháp hồi hương.
Sang đến Pháp, với số tiền dôi ra, Nguyễn Khắc Viện mua được một chiếc xe
đạp để có dip ngao du hầu khắp nước này trong các kỳ nghỉ hè.
Hồi đỗ được ba bằng tú tài, cụ thân sinh đã căn dặn: “Học gì thì học, nhưng
tránh học làm quan như thầy”, nay, trên bến Nhà Rồng cụ lại đưa cho con một
lá thư và yêu cầu ra ngoài biển hẵng mở ra đọc. Ðại ý cụ viết: Sang bên
Pháp, việc học hành thầy không phải dặn, thầy tin con thành công. Thầy chỉ
dặn một điều là nhất thiết đừng lấy vợ đầm.
Thân sinh Nguyễn Khắc Viện tên là Nguyễn Khắc Niêm, sinh năm 1889. Từ nhỏ
Nguyễn Khắc Niêm đã thông minh tuấn tú hơn người. Năm 18 tuổi cụ đã đỗ Hoàng
Giáp và được xem là một thần đồng hoá thân. Dân làng thời bấy có người có
con cái hay đau yếu đã đem bán khoán cho cụ như bán cho thần linh. Có người
xin một mảnh vải cắt ra từ quần áo của cụ về làm bùa cho con cái đeo để trừ
tà. Cụ đã được bổ nhiệm nhiều chức vụ như: Ðốc học Nghệ An, Tư nghiệp Quốc
Tử Giám, hai lần giữ chức tham tri, hai lần giữ chức Phủ Doãn… nhưng cụ vốn
không tha thiết với quan trường. Năm 1941, khi được bổ nhiệm quyền Tổng đốc
Thanh Hoá, nghe người đến chúc mừng, cụ bảo: “Mừng gì đâu! On peut mettre
n’importe qui pour faire n’ importe quoi!" (Người ta có thể đặt bất cứ ai ở
bất cứ chỗ nào để làm bất cứ gì!).
Theo lời kể của một số bà con ở xã Sơn Hoà, trong một cuộc gặp gỡ với các
tiến sĩ tân khoa, khi vua Thành Thái đề nghị mỗi vị hãy góp kế sách để phục
hưng quốc gia, cụ Nguyễn Khắc Niêm đã dâng “Tứ tôn châm”:
Tôn tộc đại quy
Tôn lộc đại nguy
Tôn tài đại thịnh
Tôn nịnh đại suy
Nghĩa là:
Tôn trọng nòi giống, ắt đại hoà hợp
Tôn trọng bổng lộc, ắt đại nguy nan
Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh
Tôn trọng siểm nịnh, ắt đại suy vong
Trong bài thơ “Thăm động Từ Thức”, cụ viết:
Tiếu ngã đương đồ quy khứ vãn
Tương phùng động khẩu tịch vô ngôn
Giáo sư Vũ Ngọc Khánh dịch là:
Ta chưa về cũng đáng cười
Gặp nhau cửa động khôn lời nói năng
Quả nhiên, cụ đã xin về hưu sớm, lúc tuổi mới chỉ 53.
Cách mạng tháng Tám thành công, cụ lại hăng hái đứng ra nhận bất cứ việc gì
được giao phó: Ủy viên Hội đồng Nhân dân xã, Ủy viên Hội đồng nhân dân tỉnh,
Ủy viên Ban Chấp hành Liên Việt Liên khu IV... Tiếc rằng khi cải cách ruộng
đất cụ vẫn bị đầy ải khổ nhục nên đã mất sớm.
Ðược giáo dưỡng trong một gia đình Nho học, gia giáo tại một vùng quê êm
đềm, thơ mộng bên con sông Ngàn Phố thường vọng vang những câu hò:
Ðôi ta cùng nợ nước non
Chàng đà trả sạch, thiếp còn long đong
Bao giờ sông lặng nước trong
Bõ người chèo chống đêm đông nhọc nhằn.
tâm hồn Nguyễn Khắc Viện vốn thấm đẫm tình quê.
Ông tâm niệm: “Học Racine, Hugo chỉ chú ý đến tác phẩm và lời văn. Nhưng
khi học về Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát, Nguyễn
Công Trứ, Ngô Thì Nhậm, Phan Ðình Phùng, Phan Bội Châu … chủ yếu là nhớ đến
những con người, những thân phận người, con người mà xưa gọi là nho sĩ”.
“Ðọc sách vở của họ, thấy vẫn thiếu một cái gì, họ vẫn đứng ngoài mà nhìn
vào, hiểu được học thuyết triết lý mà không nắm, không thấm được đạo lý. Họ
thiếu cả một chiều dày truyền thống”.
Học trò trường Bưởi hồi nào còn nhớ một học trò xứ Nghệ gầy guộc, đầu húi
kiểu ca-rê, trong khi bạn bè nếu không để tóc kiểu “nhà triết học” (tóc dài
chải lật ra sau để trưng cái trán cao cho có vẻ thông thái) thì cũng để tóc
dài, rẽ ngôi. Ở Pháp lâu năm nhưng ông vẫn không để phôi phai đi cái chất
thổ ngơi Việt Nam, vẫn giữ cái giọng Nghệ với ít nhiều phai bạc như một thứ
“hương âm vô cải”. Một Việt kiều ở Pháp sau này gặp lại ông đã mô tả ông:
“Người cao và gầy, da thịt trông giống như những bức tượng Tuyết Sơn ở chùa
Tây Phương”. Cái chất “cá gỗ” của ông cho đến sau này nhiều khi vẫn được
biểu hiện như một khía cạnh đạo đức. Nhà báo Lê Phú Khải kể: “Một lần bác
xuống nhà tôi chơi ở Mỹ Tho. Vợ tôi làm cơm đãi khách. Mâm cơm chỉ có một
đĩa thịt bò xào, một đĩa rau muống xào và một tô nước rau muống luộc vắt
chanh với mấy quả cà! Ðó là một mâm cơm đãi khách không dễ gì có được trong
thời bao cấp với một phóng viên nghèo như tôi. Nhưng than ôi! Khi tôi gắp
miếng thịt bò đưa vô miệng nhai thì… dai như chão rách. Nuốt vô thì tội mà
nhả ra thì bất tiện. Tôi liếc mắt nhìn, thấy vợ tôi rất lúng túng. Bỗng bác
Viện nói: Dai thế này thì để đĩa thịt bò này lại, chỉ ăn rau muống xào thôi,
chiều nay băm thịt bò thật nhỏ rồi đúc trứng mà làm bữa chiều”.
Giữa Paris tráng lệ, ông vẫn viết những câu thơ man mác tình quê:
Ðêm khuya nghe giọng ai hò
Nhớ sông Ngàn Phố, nhớ đò chợ phiên.
Mối tình nồng nàn ấy còn trẻ trung sâu lắng mãi đến khi ông đã ngoại tám
mươi:
Nước Ngàn Phố khi trong khi đục
Xóm làng quê soi bóng dọc đôi bờ
Ðẹp chi cho lắm sông ơi !
Ðể lòng ta cả một đời thương nhớ
Ðẹp chi cho lắm các o ơi
Ðể lòng ta, ngày lại ngày sóng sánh đầy vơi
Hồi học tiểu học, Nguyễn Khắc Viện rất mê đá cầu. Ông đá rất tài, bằng mu
bàn chân, bằng gan bàn chân, bằng gót chân, bằng đầu gối… Hàng năm bẩy phút
không để quả cầu rơi xuống đất. Sau ngày ông mất, một môn sinh còn hồi tưởng
lại: “Nói đến đá cầu, cho đến nay, tôi chưa phải đứng vào hàng các cao thủ
nhưng cũng đã là hạng không phải tầm thường trong giới “cầu lâm” là nhờ một
phần nắm được những nguyên tắc chung do bác Viện “chỉ điểm” về sự phối hợp
chặt chẽ giữa các cơ và hơi thở, bắt được đúng cái nhịp bên trong và bên
ngoài của nó làm giảm bớt mệt mỏi và bớt chảy mồ hôi, đồng thời luyện được
tính bền bỉ, nhanh nhạy, phản xạ kịp thời và một tinh thần tỉnh táo trước
mọi biến cố. Bác đá rất tài, đá đông đỡ tây, đá nam đón bắc, quả cầu cứ vun
vút xoay quanh mình, rất nhịp nhàng, chính xác và đẹp mắt. Xem bác đá cầu cứ
như một diễn viên xiếc tung hứng bằng chân trên sân khấu. Ðiểm đặc biệt ở
bác là phong cách đá rất ung dung, bình tĩnh, đá nhẹ mà cầu lên cao, nhanh
mà không vội, di chuyển chứ không với, lúc di chuyển, chân bác lướt trên mặt
đất như thuật “khinh không” trong các truyện võ hiệp”.
Một lần ông xuống Hải Phòng, bí thư thành uỷ Ðoàn Duy Thành khoe với ông về
một bãi đá bóng mới được chỉnh trang. Ông nói: “Bãi đá bóng của anh mất bao
nhiêu triệu thì ngày chủ nhật cũng chỉ có 22 người chơi, còn mấy chục vạn
trẻ em thành phố, anh có chỗ nào chơi không?”. Rồi ông hiến kế: “Cha ông ta
có cái chơi là đá cầu rất đơn giản. Thứ nhất là nó rẻ tiền, một quả cầu giá
chỉ bằng hai quả chuối thôi, đứa bé nào cũng mua được. Cái rẻ tiền thứ hai
là bất kỳ chỗ nào, một vỉa hè nho nhỏ, một sân be bé, sân trường, sân chùa…
cũng có thể chơi được”. Ông giảng giải rằng: “Ðá cầu vừa có tính đại chúng,
rẻ tiền, vừa vận động đôi chân rất phức tạp, chạy nhảy lên xuống, quay trái
quay phải rất toàn diện. Ðến mức, ngày xưa quân đội đời nhà Lý, nhà Trần lấy
đá cầu làm môn bắt buộc cho binh lính, tướng tá. Ba môn cưỡi ngựa, đấu kiếm
và đá cầu là ba môn rất coi trọng rèn luyện đôi chân, tức là cước pháp”.
Vào khoảng 1960-65, ông viết một bài báo nêu vấn đề tổ chức lại môn đá cầu,
nhưng mãi đến sau 1970 ông mới có điều kiện lo việc tổ chức thực hiện. Ông
không những phải lo nghiên cứu quả cầu sao cho rẻ và được chuẩn hoá mà còn
lo tổ chức tiếp thị. Ông đem cầu đi bán dạo và bán ngay cả ở nhà. Có lần ông
đang ngủ trưa nghe trẻ con réo: “Ông ơi, bán cho cháu quả cầu”. “Ôi, đang
ngủ trưa, hai giờ trở lại”. “Ông ơi! ông bán cho cháu đi, cháu ở xa lắm,
không đợi được”. Thế là ông phải vùng dậy. Cho nên gặp ông ngoài đường, trẻ
con bảo nhau: “Ðấy, ông già đá cầu đấy”. Không chỉ trẻ em mà có cả ông già
cũng viết thư cho ông: “Từ ngày bác sĩ phổ biến phong trào đá cầu, tôi sung
sướng nhất trên đời này. Trước đây, tôi hay chơi cái này, nhưng it ai để ý.
Nhưng tôi xin lỗi, tôi mới tập đọc tập viết, tôi viết thư này phải thức đến
3 giờ sáng. Khi nào ông về Hậu Giang, ông cứ hỏi ông Sáu bán bánh tráng từ
mấy chục năm rồi, ở thị trấn này ai cũng biết... Cứ đến tôi mà chơi, chơi
bao nhiêu ngày cũng được, tôi cũng nuôi được”.
Một chuyên gia thể thao Liên Xô sang Việt Nam nhận thấy môn đá cầu có khả
năng rèn luyện thể lực tốt và nhận xét môn này có những cú đá không có trong
môn bóng tròn; ông xin một quả cầu cùng thể thức thi đấu mang về nước nghiên
cứu phổ biến. Sau ngày đất nước thống nhất được vài năm, thủ tướng nước cộng
hoà Gabon thuộc châu Phi sang dự hội nghị ACCT ở Việt Nam đến làm việc rồi
tình cờ được xem đội đá cầu của nhà xuất bản Ngoại văn chơi. Thủ tướng ngắm
cái sân chơi, gang tay đo chiếc lưới, vuốt vuốt quả cầu và nói: “Thật là
tuyệt vời, một môn thể thao của các nước nghèo”. Từ Hội khoẻ Phù Ðổng lần
thứ 3, môn đá cầu được đưa vào chương trình thi đấu chính thức, được Tổng
cục Thể dục Thể thao xét phong đẳng cấp vận động viên. Ðội tuyển đá cầu Việt
Nam đã đi thi đấu quốc tế và giành thứ hạng cao.
Một buổi sáng mùa xuân năm 1997, khi ông đã nằm liệt giường, người chỉ còn
da bọc xương, ông gọi bà Nguyễn Thị Nhất - vợ ông - đến lấy cho một chiếc
hộp sơn mài mầu đen, bên trong đựng 3 quả cầu và hai tấm huy chương: huy
chương Vì Thế hệ trẻ và huy chương Vì Sự nghiệp Thể dục Thể thao. Ông chọn
một quả cầu có đế bằng 4 miếng cao su ghép lại với những tua bằng dây
ni-lông xé nhỏ rồi với sắc mặt rạng rỡ hẳn lên, ông giơ cao nói với đoàn làm
phim:
“Ðây mới là quả cầu mà chúng tôi đã trắc nghiệm nhiều lần. Một quả cầu chuẩn
xác. Một quả cầu…”
Ðồ sộ những công trình
2 giờ 45 phút ngày 10 tháng 5 năm 1997, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã ra đi.
Qua cuộc đời hơn tám thập kỷ của mình, ông đã để lại gần trăm cuốn sách và
hàng trăm bài báo về nhiều lĩnh vực khác nhau. Có thể kể ra một số tác phẩm
tiêu biểu:
-
Bàn về đạo
Nho - Xuất bản bằng tiếng Pháp. Bản dịch tiếng Việt dày 170 trang được
ấn hành tại Việt Nam năm 1993
- -Việt
Nam - Tổ quốc được tìm thấy
- Xuất bản bằng tiếng Pháp dày 300 trang
- -Kinh
nghiệm Việt Nam - Xuất
bản bằng tiếng Pháp và tiếng Anh dày 300 trang
- -Thông
sử Việt Nam - Dày 500
trang, xuất bản bằng nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Ðức, Tây Ban Nha.
- -Ước
mơ, kỷ niệm, bình luận -
Tiếng Pháp, dày 300 trang
- -Kể
chuyện đất nước - dày
200 trang
- -Lòng
con trẻ (dành cho những
người làm cha, làm mẹ)
- -Từ
điển chuyên ngành, Từ điển Tâm lý học
Ngoài ra, ông
còn cùng học giả Hữu Ngọc tuyển chọn tuyển tập Một nghìn năm văn học Việt
Nam gồm 4 tập, tổng cộng non 3.000 trang, trong đó riêng phần giới thiệu
văn học sử của ông đã ngót 200 trang. Tuyển tập này được một số nhà văn, nhà
thơ nước ngoài dịch ra tiếng Pháp. Vốn là một dịch giả có uy tín, ông được
giao việc dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp. Bản dịch này được tái bản
tới lần thứ năm.
Ông viết cuốn Bàn về đạo Nho là để thảo luận với nhà văn lớn của Pháp
Albert Camus khi ông này đưa ra nhận xét rằng hoà bình thế giới có thể bảo
vệ, nếu những người có thiện chí ở các nước thành lập được một thứ hội đoàn
quốc tế theo kiểu các sĩ phu nho học và dựa trên cơ sở thuyết của Khổng Tử.
Nguyễn Khắc Viện viết: “Nho giáo còn hơn là một thứ học thuyết ghi chép
trong sách của thánh hiền, đó là một di sản của lịch sử, một di sản cơ bản
để tiếp thu, để chống lại, để vượt qua trong quá trình chuyển biến lịch sử
mà đất nước đang phải trải qua trong thời đại hiện nay”. Ông thấy được
cái chông chênh, gập ghềnh giữa hai mệnh đề trong triết lý Nho học: “giữa
lý, tức nguyên lý của sự vật và khí tức thực chất của sự vật. Những kẻ đề
cao lý, thì chủ trương quyền của vua theo mệnh trời; còn những kẻ đề cao khí
thì nghiêng về phía nhân dân”. Ông vạch ra một trong những yếu kém nhất
của Nho giáo: “Trên phương diện chính trị, Nho giáo chủ yếu là bảo thủ.
Nó bỏ qua vấn đề luật pháp và thiết chế, từ chối mọi sự cải cách. Ðạo lý về
chính trị chủ yếu là bảo thủ, hướng tư tưởng vào việc tu thân nhằm mục đích
cải thiện xã hội mà không muốn đặt vấn đề thiết chế, là đặc trưng của những
kẻ sợ những biến động xã hội”. Ông phê phán: “Trên thực tế, Nho giáo
còn hơn cả sự bảo thủ, nó quay hoàn toàn về quá khứ. Bảo vệ lễ nghi của các
triều đại xưa là mối quan tâm lớn của Khổng Tử. Trong chữ lễ, vương triều
Trung Hoa cũng như Việt Nam đã tìm thấy biện pháp tốt nhất để duy trì sự ổn
định của ngai vàng ”. Ông liên hệ và tìm ra các lỗ hổng cuả Ðạo Nho và
của Chủ nghĩa Mác: “Ðạo là con đường. Nhân văn là tìm hiểu con người về
cả ba mặt sinh học-xã hội-tâm lý để cố gắng luyện mình theo 3 hướng dưỡng
sinh (thầy Khổng bỏ qua mặt này), xử thế, tu thân (Mác xem nhẹ mặt này)”.
Bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp của ông được độc giả và giới
nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá là hay nhất trong tất cả 7 bản dịch
Kiều ra tiếng Pháp từ xưa tới nay. Không chỉ bởi đã lột tả được thần thái
của nguyên bản mà còn vì bản dịch của ông rất giàu chất thơ.
Thử lấy khổ thơ đầu: “Trải qua một cuộc bể dâu”. Nhiều tác giả trước, ví dụ
Xuân Việt và Xuân Phúc dịch đúng từng chữ: “À travers tant de
bouleversements - mer devenues champs du murier”. Câu thơ dịch của Nguyễn
Khắc Viện đầy hình tượng và âm thanh: “L’océan gronde là où verdoyaient
les muriers" (Ðại dương gầm lên nơi xưa kia ngàn dâu xanh tốt).
Những câu như:
Au rythme des sons, la lampe semblait briller ou s’obscurcir
Plongeant l'homme qui écoutait dans une mélancolique revêrie
Có thể xem là
còn sinh động hơn các câu:
Ngọn đèn khi tỏ, khi mờ
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu
Ngày 18 tháng 6 năm 1997, trong lễ tưởng niệm Nguyễn Khắc Viện tại Paris,
tiến sĩ sử học Charles Fourniau phát biểu: “Nguyễn Khắc Viện, một học giả
Việt Nam cũng là văn sĩ Pháp, và là một nhà văn chính hiệu. Một phần tác
phẩm của ông được trực tiếp viết bằng tiếng Pháp, với một ngôn ngữ truyền
thống trong sáng, chính xác của các tác giả thế kỷ 18. Ðồng thời, Nguyễn
Khắc Viện cũng là một dịch giả phi thường. Chính ông đã cho phép ta tiếp cận
với không chỉ câu chuyện, mà cả với nét kiều diễm và cảm xúc của Kim Vân
Kiều. Thêm vào đó, nhờ sự chỉ đạo của ông mà các nét phong phú của nền văn
minh Việt Nam được mở ra cho chúng ta qua Tuyển tập văn học Việt Nam
được Nhà xuất bản Ngoại văn, do ông làm giám đốc, ấn hành”.
Nhà xã hội học Hoa Kỳ Frank Schurmann đã tuyển dịch những bài viết xuất sắc
của ông ra tiếng Anh trong một tuyển tập nhan đề: Tradition and
Revolution in Vietnam (Truyền thống và cách mạng tại Việt Nam) với lời
đề tựa: “Ðọc Nguyễn Khắc Viện là nhìn thấy, cảm thấy, là hiểu cái logic,
quyết tâm không nguôi và chủ nghĩa nhân đạo bình dị của Việt Nam cách mạng”.
Không chỉ là dịch giả, là nhà nghiên cứu…, Nguyễn Khắc Viện còn là một nhà
báo thực thụ. Khi được giao nhiệm vụ tổng biên tập, ông đã đề nghị đổi tên
tờ Le Vietnam en marche thành tờ Le Courrier du Vietnam đồng
thời phát triển thêm một tạp chí có tầm khái quát hơn: Etudes
Vietnamiennes. Etudes Vietnamiennes, thời Nguyễn Khắc Viện phụ
trách được các giới ngoại giao của ta ở nước ngoài đánh giá là ấn phẩm giới
thiệu Việt Nam tốt nhất và được độc giả nước ngoài liệt vào loại sách tham
khảo giá trị. Một độc giả Nhật Bản đánh giá là tạp chí đã “trình bầy một
cách tuyệt vời nền văn minh cổ và những thành tựu mới của Việt Nam”, một trí
thức Pháp đánh giá Etudes Vietnamiennes là một trong những tạp chí
rất có chất lượng trong thế giới thứ ba.
Có thể ít người biết rằng Nguyễn Khắc Viện còn là nhà văn viết cho thiếu
nhi. Trong “Tủ sách Vàng” của Nhà xuất bản Kim Ðồng năm 1997 có tập truyện
mỏng của Nguyễn Khắc Viện mang tên Trâu đánh Cọp gồm 4 truyện kể giản
dị mà giầu ý nghĩa giáo dục; gắn với truyền thống lịch sử mà rất đậm ý vị
thời đại; gắn thường thức khoa học với văn chương mà không gượng ép. Ðó là
các truyện: "Quyết chiến giữa muỗi và người", "Trời Phật xử kiện", "Chiếc
gương soi lòng".
Với tấm lòng yêu trẻ thiết tha, ông đã cống hiến phần lớn khoản tiền thưởng
400 000 francs (khoảng gần một tỷ đồng Việt Nam) trong giải thưởng Grand
prix de la Francophonie của Viện Hàn lâm Pháp tặng ông (Ðây là giải thưởng
lớn mà Nguyễn Khắc Viện là người thứ 7 trên thế giới được nhận) cho quỹ của
Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em (Trung tâm N-T).
Vượt lên trên những trở ngại ban đầu để khai sinh cho được Trung tâm N-T
cũng đòi hỏi một nghị lực phi thường. Vào năm chủ trương thành lập Trung tâm
N-T, nhà nước chưa hề cho phép tổ chức cơ quan nghiên cứu khoa học kiểu dân
lập. Chật vật lắm mới xin được quyết định cho thành lập của Uỷ ban Khoa hoc
Kỹ thuật Nhà nước thì hoàn cảnh ban đầu là ba không: Không trụ sở, không có
biên chế cán bộ, không có kinh phí Nhà nước. Nhờ sự giúp đỡ của anh em Việt
kiều và đặc biệt là khoản trợ giúp 300.000 francs của một phái đoàn Pháp,
trung tâm mới thuê được một căn phòng ở 46 Trần Hưng Ðạo và cấp kinh phí cho
một số triển khai ban đầu. Vậy mà, chỉ nửa năm sau ngày ra đời, Trung tâm
N-T đã xuất bản được hai cuốn sách về tâm lý: Một quyển về phát triển tâm lý
trẻ con từ 0-3 tuổi, một quyển về phát triển tâm lý trong năm đầu, từ 1-12
tháng.
Trước ngày mất ba năm, trong tình trạng sức khoẻ đã suy giảm rõ rệt, ông vẫn
tập trung chỉ đạo việc tổng kết đề tài “Bước đầu nhận dạng phân loại các rối
nhiễu tâm lý thường gặp ở trẻ em Việt Nam hiện nay”. Ðề tài được tiến hành
trong suốt hai năm 1994-1996 không kể giai đoạn chuẩn bị, biên soạn thuật
ngữ, đưa 10 phòng khám tâm lý y học vào hoạt động, xây dựng hồ sơ và Việt
hoá các thử nghiệm tâm lý… Ðây là một công trình khoa học lâm sàng đầu tiên,
nhằm đặt nền tảng cho chuyên ngành tâm bệnh lý trẻ em về các mặt phương pháp
luận, xây dựng thuật ngữ và xếp loại lâm sàng. Với sự cộng tác nhiệt tình
của nhiều nhà trí thức trong các ngành y tế, giáo dục, khoa học xã hội,
Trung tâm N-T đã đặt những viên gạch đầu tiên cho nền móng xây dựng ngành
khoa học tâm lý, tâm bệnh lý và tâm lý lâm sàng trẻ em Việt Nam.
Thiết tha với sự
nghiệp giải phóng dân tộc
Năm 1941, sau khi bảo vệ thành công luận án bác sĩ y khoa, Nguyễn Khắc Viện
chuẩn bị về nước thì đúng vào dịp quân Ðồng minh chặn đường biển, không có
tầu thuỷ về Việt Nam. Ông bị mắc kẹt và đành ở lại Pháp tiếp tục làm việc
tại bệnh viện Trousseau. Sau khi Liên Xô đánh thắng Ðức, uy tín của Liên Xô
và của Đảng Cộng sản Pháp lên cao. Không chỉ công nhân mà nhiều trí thức lớn
như Pierre Curie (giải Nobel về Vật lý), danh hoạ Picasso, nhà thơ lớn
Aragon cũng tham gia Đảng Cộng sản. Năm 1949, Nguyễn Khắc Viện cũng xin gia
nhập và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp. Ông sinh hoạt ở chi bộ khu phố
Ile verte. Chi bộ này có 5 người: ông, một kế toán viên, một bà nghỉ hưu và
hai công nhân ở xí nghiệp. Chi bộ chia nhau đi bán báo, rải truyền đơn. Ðêm
đêm còn bí mật đi kẻ khẩu hiệu ở các nơi công cộng: "Phải ngừng chiến tranh
ở Việt Nam".
Một hôm có vị nghị sĩ, chủ tịch Ủy ban về Ðông Dương của quốc hội Pháp đến
nói chuyện tại bệnh viện, tuyên truyền rằng Bảo Ðại là đại diện cho dân tộc
Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ là một nhóm phiến loạn. Vị nghị sĩ Pháp vừa diễn
thuyết xong, Nguyễn Khắc Viện liền xin đăng đàn. Ông nói rất hùng hồn trong
hơn 15 phút. Bằng những thực tế đã nắm được qua nhiều nguồn thông tin, dẫn
chứng cả báo cáo mật của tướng Revers (tướng chỉ huy quân sự ở Ðông Dương)
mà anh em Việt kiều thu được, ông đã chứng minh rằng 90% nhân dân Việt Nam
đều đi theo chính phủ Hồ Chí Minh.
Ngay từ đầu năm 1943 sức khoẻ chỉ mới tạm thời ổn định ông đã lao vào hoạt
động bí mật chống thực dân Pháp trong các trại tập trung công binh và chiến
binh Việt Nam bị bắt đi làm bia đỡ đạn cho Pháp. Ông dạy học, giác ngộ chính
trị cho anh em, đẩy mạnh phong trào đòi chính phủ Pháp chấm dứt chiến tranh
xâm lược Việt Nam. Hoạt động của tổ chức Việt kiều sôi nổi và hữu hiệu đến
mức một người cũng ở xứ thuộc đia Pháp khác đã so sánh: “Ở Grenoble cộng
đồng Việt Nam chỉ có 30 người, thế mà làm được bao nhiêu việc: mít tinh, văn
nghệ, viết báo, được nhân dân Pháp ủng hộ và yêu mến, trong lúc đó hàng ngàn
người chúng ta cũng kháng chiến chống thực dân nhưng làm được gì, chỉ biết
có dao găm!”
Ðể hạn chế tác dụng của phong trào Việt kiều ngày càng lớn mạnh, chính phủ
Pháp ra tay đàn áp. Cuối năm 1952, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp ở Việt Nam chuyển mạnh sang tổng phản công, nhằm ngăn cản tổ chức Việt
kiều liên hệ với Đảng Cộng sản và các tổ chức tiến bộ Pháp để vận động ủng
hộ kháng chiến và chính phủ Hồ Chí Minh, họ càng truy lùng ráo riết. Năm giờ
sáng một sớm tháng 12 năm 1952, họ bắt giữ 12 người. Sau khi hỏi cung, họ
trục xuất ông Phạm Huy Thông ra khỏi Pháp, đưa về giam ở Sài Gòn cho đến khi
ký kết Hiệp định Genève mới thả. Nguyễn Khắc Viện trốn thoát về nhà một bà
công nhân làm bảo vệ ở một trường tiểu học ngoại ô Paris. Cảnh sát đến tra
hỏi: “Tại sao bà dám chứa chấp một anh Việt Minh chống chính phủ Pháp?”. Bà
trả lời: “Ðấy là quyền của tôi. Nếu tôi chứa chấp một thằng ăn trộm ăn cướp
thì tôi phạm tội, còn mời một người ở nhà tôi, ý kiến chính trị của người ấy
như thế nào, chuyện này không có tội gì cả”.
Sau khi Phạm Huy Thông bị trục xuất, Trần Thanh Xuân cũng bị cảnh sát vây
chặt vì đã từng liên hệ với chính phủ và Đảng Cộng sản Pháp nên trong nước
đành gọi về. Nguyễn Khắc Viện phải đứng ra phụ trách anh em để cùng nhau
khôi phục lại tổ chức hoạt động Việt kiều trong hoàn cảnh bí mật. Sau Hiệp
định Genève tháng 7 năm 1954, sự truy nã của chính phủ Pháp giảm bớt. Tuy
nhiên, lệnh trục xuất đối với Nguyễn Khắc Viện vẫn duy trì cho nên ông vẫn
là người sống bất hợp pháp và nguy cơ bị cảnh sát bắt là thường trực. Mãi
đến năm 1956, nhà cầm quyền Pháp mới cho tổ chức Việt kiều ra hoạt động công
khai, đồng thời Nguyễn Khắc Viện cũng được cấp giấy phép cư trú.
Tổ chức Việt kiều ra công khai lấy tên là “Hội Liên hiệp Việt kiều vì hoà
bình, nhắm xây dựng tình hữu nghị Pháp-Việt” (Union des Vietnamiens pour la
paix au Vietnam et pour l’Amitié Franco-Vietnamienne). Trụ sở đóng tại số 4
Git de Coeur xóm La tinh, nơi có nhiều công nhân Việt kiều ở. Phòng trên là
văn phòng của Hội, phòng dưới có thể họp được 50-60 người, đồng thời là căng
tin. Một mặt để anh em đến đây vừa ăn uống, vừa trao đổi. Mặt khác bán cho
khách ngoài, lấy tiền đóng quỹ hội. Ông được bầu là Tổng thư ký Hội.
Phương thức hoạt động của Hội ngày càng đa dạng, quy mô ngày càng lớn, đặc
biệt là hai dịp biểu dương lực lượng hàng năm: ngày hội báo Nhân Đạo
(L’Humanité) vào đầu tháng 9, trùng với Ngày Quốc khánh của ta, và
Tết Nguyên đán. Ngày hội của báo Nhân Ðạo tổ chức tại công viên
Vincennes, ngay sát cửa ô thủ đô Paris có khi thu hút đến một triệu người.
Các bạn Pháp dành cho Việt kiều một khu rộng để triển lãm, cờ đỏ sao vàng
kéo lên bay phần phật giữa thủ đô nước Pháp. Hàng vạn người đi qua, ký tên
vào kiến nghị đòi chính phủ Pháp chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Năm 1962, do sự điều đình giữa chính quyền Ngô Ðình Diệm với nhà chức trách
Pháp, chính phủ Pháp lại ký lệnh trục xuất Nguyễn Khắc Viện. Ông nán lại một
thời gian để làm báo cáo công tác và giúp đỡ đoàn chính phủ Việt Nam Dân chủ
Cộng hoà do ông Mai Văn Bộ làm đại diện tại Paris. Ngày 27 tháng 4 năm 1963,
ông được Ðảng và Nhà nước ta đưa về nước qua đường Tiệp Khắc, Liên Xô, Trung
Quốc. Buổi ông rời Pháp lên đường, kiều bào và các bạn Pháp kéo đến tiễn
chân, đông như một cuộc biểu tình.
Về nước, ông được Ðảng và Nhà nước giao nhiệm vụ làm Ủy viên Ban Ðối ngoại,
trực tiếp phụ trách công tác tuyên truyền quốc tế. Ngoài nhiệm vụ tổng biên
tập báo Le Courrier du Vietnam và tạp chí Etudes Vietnamiennes
ông còn phải đảm trách chức giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn. Giáo sư Hoàng
Như Mai nhận xét: “Văn phong của anh Viện - khi viết Pháp văn - giản dị,
trong sáng, khúc chiết. Tôi nghĩ rằng anh Viện viết thứ văn của Jules
Michelet, Ernest Renan, một thứ văn thuần Pháp”.
Tiên phong trong sự
nghiệp đổi mới và dân chủ hoá đất nước
Năm 1963, khi mới về nước, Nguyễn Khắc Viện đã tuyên bố một câu mà sau đó
được giới trí thức ở Hà Nội lưu truyền: “Nếu mở mắt ra, nước Việt Nam biến
thành nước Pháp thì tôi đi theo chủ nghĩa tư bản, còn như phải đi 200 năm
đầy máu và nước mắt để Việt Nam trở thành nước Pháp thì tôi theo Liên Xô”.
Về sau, khi Liên Xô sụp đổ, nhà báo Lê Phú Khải thân tình hỏi ông: “Khi xưa,
mới về nước, bác đã nói một câu nổi tiếng về Liên Xô, nay Liên Xô đã tan rã
rồi… giờ ‘cụ’ nghĩ sao đây?”. Vẫn điềm đạm, chân tình, Nguyễn Khắc Viện trả
lời: “Giờ thì tôi đi theo kinh tế thị trường văn minh chứ không phải tư bản
hoang dã…”.
Cái thứ xã hội chủ nghĩa mà Nguyễn Khắc Viện cũng như nhân dân ta đã ngây
thơ kỳ vọng tới, đã đau đớn xả thân một cách lầm lạc vì nó, đã không hề có
trong thực tế ở Liên Xô, ở Trung Quốc… Về sống cùng quê hương xứ sở, Nguyễn
Khắc Viện mới bàng hoàng nhận ra: “Chủ nghĩa xã hội ngây thơ mang tính
hoàn toàn Nhà nước thúc ép tất cả mọi người vào một cái khung áp đặt từ trên
xuống, tạo ra một bộ máy quan liêu và hào lý nặng nề, tiêu diệt óc sáng kiến
của nhân dân”. Đường lối xã hội chủ nghĩa quái đản ấy đã buộc con người
phải thực thi những chủ trương, biện pháp sai lầm đến mức như là phản động.
Nguyễn Khắc Viện phát biểu: “… sau này theo dõi thực tế và nghĩ lại, tôi
mới thấy hợp tác hoá thực chất là tập thể hoá, tước đoạt quyền làm chủ của
người nông dân trên mảnh đất của họ. Quyền sử dụng ruộng đất ở nông thôn,
trồng gì, giá cả ra sao, chi phí thế nào… do bí thư, chủ tịch, chủ nhiệm hợp
tác xã quy định, dân không có quyền gì nữa. Bộ máy dần dần thoái hoá, tiêu
xài phung phí, lạm dụng quỹ chung của hợp tác xã, nông dân làm ra, cuối cùng
tính công điểm chẳng còn bao nhiêu. Người nông dân không hào hứng nữa, đánh
kẻng rồi mới đi làm, không còn cảnh ra đồng sớm như trước nữa. Cuộc sống
nhiều khi dựa trên thu nhập từ kinh tế gia đình, trên đất 5% là chủ yếu, mặc
dù nuôi được một con lợn, muốn bán cho ai, bán lúc nào, giá cả ra sao, cũng
không có quyền quyết định”.
Ở miền Bắc, hợp tác xã có điều kiện thuận lợi hơn nên lúc đầu cũng có một số
tác dụng, nhưng càng về sau càng bộc lộ những bất cập, kìm hãm sản xuất ghê
gớm. Thế mà sau khi giải phóng miền Nam, Ðảng vẫn chủ trương hợp tác hoá
nông nghiệp ồ ạt, đặt chỉ tiêu một cách ngông cuồng: Năm 1980 phải hoàn
thành hợp tác hoá nông nghiệp toàn miền Nam!
Ði theo đường lối tiến lên chủ nghia xã hội bằng những chủ trương, biện pháp
hết sức sai lầm, Ðảng đã nghèo khổ hoá nhân dân và đẩy đất nước đến bờ vực
thẳm. Tuy nhiên, khi chợt bừng tỉnh, Ðảng lại đi từ sai lầm tả khuynh đến
sai lầm hữu khuynh khi giương cao khẩu hiệu “Ðảng viên cũng phải biết làm
giầu”. Thực tế ấy làm Nguyễn Khắc Viện trăn trở: “Cách mạng Pháp nêu khẩu
hiệu “Tự do-Bình đẳng-Bác ái”. Trên cái nền “Tự do-Bình đẳng-Bác ái” ấy mà
nước Pháp trở thành giầu có. Nếu chỉ nêu khẩu hiệu làm giầu mà bất chấp mọi
thứ thì sẽ dẫn đến chụp giựt, sa đoạ, lừa đảo, phá hoại cả môi trường nhân
văn và môi trường sinh thái”.
Trong cơn khát làm giầu như thế, hàng loạt cán bộ, đảng viên đua nhau móc
ngoặc, tiếp tay cho con buôn, lạm dụng công quỹ, lợi dụng đất đai, tài sản,
phương tiện của nhà nước để vơ vét vào túi tham vô đáy của mình. Ông viết
bài “Chống tiêu cực” vạch rõ: “Tình trạng cán bộ tham ô, ức hiếp nhân
dân, không chỉ là trái đạo đức, mà còn là vấn đề chính trị”.
Khi tình hinh xã hội đã trở nên rất nghiêm trọng, ông viết “Thất trảm sớ”
gửi Quốc hội. Nội dung có thể tóm tắt như sau:
1.
Ðường lối đề ra tiến lên sản xuất lớn XHCN,
nhưng phải điều chỉnh lại để sản xuất nhỏ cũng có vị trí nhất định.
2.
Phải mở rộng quan hệ quốc tế rộng rãi, trước hết
là với các nước anh em đã có quan hệ lâu năm. Việc làm ăn với Liên Xô nên
đàng hoàng, thân tình, cởi mở hơn, không để cho tinh thần chống chủ nghĩa
xét lại khống chế một cách nặng nề.
3.
Ở các cấp có 2 bộ máy mà bộ máy Ðảng đứng trên
bộ máy Nhà nước thì bộ máy Nhà nước không thể có hiệu lực, không thể nào
phát triển kinh tế, văn hoá được.
4.
Thưởng phạt phải nghiêm minh.
5.
Báo chí chỉ thông tin một chiều nên không phản
ánh được dư luận của nhân dân. Chế độ kiểm duyệt quá sát sao, không cho đăng
ý kiến của quần chúng nên đã dẫn đến những sai lầm.
6.
Ðáng nhẽ khoa học xã hội phải đi trước một bước
nhưng vì phải đợi chủ trương đường lối để minh hoạ nên chẳng đóng góp được
gì xứng đáng.
7.
Ðại hội lần thứ 2 của Ðảng (1951) đã xác định
đường lối cơ sở Ðảng ta dựa trên căn bản chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao
Trạch Ðông. Cần nghiên cứu lại tác hại của tư tưỏng Mao Trạch Ðông để xoá bỏ
tàn tích của nó.
Trong bản kiến
nghị có một câu rất hay khi nói về quyền bình đẳng trước pháp luật: “Không
làm theo kiểu phong kiến: dân thì chịu hình pháp, quan thì xử theo lễ”.
Trong một bài viết nhan đề: “Then chốt: cải tổ bộ máy” ông vạch rõ: “Hai
nhược điểm cơ bản (của bộ máy Ðảng-Nhà nước) là: 1) Thiếu nhạy bén trước yêu
cầu của nhân dân, của tình hình mới của thời đại”, 2) Cơ cấu tổ chức ngăn
cản những tiến bộ của kinh tế xã hội. Bộ máy Ðảng-Nhà nước thiếu nhạy bén do
cách làm ăn thiếu dân chủ, thiếu khoa học.”
Ông nêu những nhận xét khái quát: “…Việt Nam có truyền thống yêu nước,
truyền thống đoàn kết với nhau, tức là có những thể chế bảo đảm quyền của
cộng đồng đứng trước bộ máy nhà nước, bộ máy tôn giáo. Nhưng khái niệm và
thể chế để bảo đảm quyền của con người, quyền của công dân thì chưa có… dân
chủ là một khái niệm mới thì chúng ta buộc phải nhập từ phương Tây. Việc gì
phải che giấu chuyện này… Nhân dân ta có nhiều truyền thống tốt đẹp,
như kiên cường đấu tranh chống ngoại xâm, sống có tình có nghĩa, nhưng
truyền thống dân chủ thì chưa có. Con chỉ biết phục tùng cha, dân phục tùng
vua quan, cá nhân phục tùng đoàn thể, vợ phục tùng chồng, trò phục tùng
thầy; phục tùng trong hành động, trong cả suy nghĩ. Bề trên vừa là chỉ huy,
vừa là thầy, là thánh, chân lý phát ra từ cấp trên. Không thể làm khác ý đồ
của trên”. Ông bác bỏ luận điệu xảo trá, hù doạ rằng dân chủ sẽ đưa đến
loạn lạc: “Ý kiến tôi cũng như nhiều anh em khác mong mỏi có dân chủ hoá.
Ai cũng muốn có ổn định, chứ không phải muốn cho xáo trộn loạn lạc lên đâu.
Nói như vậy chỉ là sự vu khống. Chính vì muốn tránh bùng nổ, mà tôi muốn
nhịp độ dân chủ hoá phải nhanh hơn, nếu không, bề ngoài cứ tưởng là ổn định,
nhưng tình trạng mất dân chủ gây nên phản ứng như những đợt sóng ngầm, đến
lúc nào đó không tránh khỏi bùng nổ. Kinh nghiệm Liên Xô và Ðông Âu rất đáng
cho ta suy ngẫm”.
Ông ngán ngẩm, nhưng lại kỳ vọng: “Một sự im lặng đáng sợ đang trùm lên
cả xã hội: ít ai chủ động đưa ra một sáng kiến, người thì chạy vạy cho cuộc
sống hết hơi, hết ngày, người thì chán nản bi quan, ngay cả phẫn nộ cũng
không còn sức. Ðất nước ta hiện nay đang cần những con người chủ động, có óc
sáng tạo để cải tổ mọi lĩnh vực trong cuộc sống xã hội. Làm sao khuấy lên
được sự hào hùng, tin tưởng, phẫn nộ.”
Ông hồ hởi mừng vui đón nhận từng tín hiệu nhỏ làm tiền đề cho cuộc đấu
tranh vì sự nghiệp dân chủ hoá: “Vụ đổi tiền tháng 9 năm 1985 quả là một
tai hoạ ập đến với nhân dân ta. Nhưng nói như một ngạn ngữ phương Tây, bao
giờ tai hoạ cũng có mặt hay của nó. Lần đầu tiên, ở nước ta, mọi người đều
thấy lãnh đạo tối cao cũng có thể phạm sai lầm nghiêm trọng. Trước đó một số
người đã suy nghĩ như vậy, nhưng cái mới là nay số đông bắt đầu suy nghĩ như
vậy. Và dĩ nhiên, tiếp theo là từ nay ta không thể khoán trắng cho lãnh đạo
suy nghĩ, động não thay thế cho mọi người”.
Ông hô hào: “Ðừng ngồi yên chỉ biết than phiền, kêu ca. Ðừng ngồi mong
chờ ở “ông” khác. Trên dưới đều có người tiến bộ, có người bảo thủ, dưới có
quậy, trên mới thay đổi… Từ bỏ chủ nghĩa xã hội nhà nước, từ trên áp
đặt xuống, ta sẽ xây dựng một chủ nghĩa xã hội trong đó Ðảng lãnh đạo, lãnh
đạo chứ không ôm lấy mà làm mọi việc. Ðảng với nhân dân cùng suy nghĩ, có
trao đi đổi lại, chứ không phải Ðảng phán ra, nhân dân cúi đầu vâng theo”.
Ông kêu gọi làm cách mạng: “Trước kia chúng ta đã dựng nên một cuộc cách
mạng dân tộc, nhân dân, quốc tế rộng lớn chống đế quốc ngoại xâm. Chúng ta
đã tiến hành mấy cuộc kháng chiến trường kỳ nhiều mặt. Để chống lại tư bản
man rợ, không để nó tác oai tác quái, nay phải dựng nên một mặt trận dân
tộc, nhân dân, quốc tế còn rộng hơn; tiến hành một cuộc kháng chiến mới lâu
dài hơn, đa dạng hơn, mới mong hạn chế được tham nhũng, bảo vệ được môi
trường, giảm nhẹ bất công xã hội, phân hoá giầu nghèo, giữ gìn được thuần
phong mỹ tục, phát huy tình người, tôn trọng quyền phụ nữ, trẻ em, các nhóm
thiểu số. Một cuộc kháng chiến nhiều mặt với báo chí, tivi, sách vở, phim
ảnh. Thành lập đủ các thứ hội đoàn, đình công, biểu tình… không bỏ sót ngóc
ngách nào, trong nước, ngoài nước, đứng ở bất cứ vị trí nào cũng có thể tham
gia… Chúng ta sẽ làm cho những tư tưởng dân chủ, công bằng xã hội, tinh thần
quốc tế, tình nghĩa giữa người và người thâm nhập vào đại chúng. Kỹ thuật
hiện đại trao cho chúng ta đầy đủ phương tiện làm việc này, biến tư bản man
rợ thành tư bản văn minh. Hãy cùng nhau bước vào cuộc kháng chiến mới”.
Ngoài kêu gọi bằng “ hịch ”, ông còn kêu gọi bằng thơ:
Có những người đã thức dậy
Lúc gà chưa gáy
Biết bao nhiêu còn ngái ngủ
Gáy lên đi, gà ơi !
Cho đời rộn lên, người người tỉnh thức
…
Cho con người đứng thẳng lên
…
Không cúi đầu trước quyền lực…
Ông vạch ra một tiến trình: “Quá trình dân chủ hoá thể hiện qua mấy khâu:
-
Ðầu tiên
là nhận thức của số đông là mỗi người có quyền làm công dân, có quyền
suy nghĩ, nói lên ý của mình, không ai được xâm phạm những quyền cơ bản
mà hiến pháp và pháp luật đã quy định.
-
Báo
chí trở thành công cụ sắc bén của dư luận.
-
Các
cơ quan dân cử như Quốc hội, các đoàn thể làm nhiệm vụ là thay mặt cho
dân, chứ không làm ‘cây cảnh’ nữa.
-
Những cơ quan tư pháp giữ tính độc lập, xử theo pháp luật, không chấp
nhận một sức ép nào do bất kỳ từ đâu.”
Hỏi ông có tin
vào hiệu năng đấu tranh của lực lượng dân chủ, ông trả lời: “Theo tôi,
nếu mọi người tiếp tục đấu tranh thì có 80% công cuộc đổi mới sẽ thành công,
nhưng cũng còn 20% bất trắc, chủ yếu do sức chống đối của những người được
hưởng đặc quyền đặc lợi mà bộ máy cũ mang lại cho họ”.
Vô cùng tiếc và thương một chí khí ngoan cường
Nguyễn Khắc Viện không chỉ mạnh dạn phê phán và đóng góp nhiều ý kiến mới lạ
so với chủ trương đường lối của Ðảng nên nghe rất “nghịch nhĩ” mà còn thẳng
thắn, chân tình góp ý với nhiều quan chức cao cấp trong Ðảng. Nghe tin Ðảng
định cơ cấu nhà thơ Tố Hữu làm thủ tướng chính phủ, ông gặp trưởng Ban Tổ
chức Trung ương Ðảng Nguyễn Ðức Tâm bầy tỏ ý kiến phản đối. Trước Ðại hội VI
ông đã từng viết một lá thư gửi ông Tố Hữu, đại ý như sau: Trước kia, tôi
rất mến phục tài thơ của anh, tôi thích thú một số bài thơ của anh và đã
dịch những bài đó ra tiếng Pháp đưa ra quốc tế. Nhưng anh làm lãnh đạo chính
trị, đặc biệt về văn hoá văn nghệ, rồi làm phó thủ tướng, làm kinh tế như
thế này, không ai đồng tình, nhiều người oán trách, anh nên biết rõ. Dịp này
anh nên tự nguyện rút lui, đừng ứng cử vào Trung ương nữa, trở lại làm nhà
thơ, chắc anh sẽ lại được lòng kính mến tài làm thơ của anh.
Ông hoạ thơ Tố Hữu:
Năm mươi năm ấy vẫn còn thơ
Từ bấy đua chen mãi đến giờ
Mái tóc pha sương chưa hết dại
Con tằm rút ruột chẳng còn tơ
Thuyền con quá tải không qua sóng
Mộng lớn tài hèn chớ ước mơ
Với giá, lương, tiền dân khốn đốn
Trăm năm bia miệng, hỡi nhà thơ!
(Nguyên văn bài thơ của Tố Hữu đăng trên báo Văn nghệ, lúc ấy được
rất nhiều người hoạ:
Trên năm mươi tuổi Ðảng và thơ
Từ ấy hồn vui mãi đến giờ
Mái tóc pha sương chưa cạn ý
Con tằm rút ruột vẫn còn tơ
Thuyền con vượt sóng không nghiêng ngả
Nghiệp lớn muôn đường lộng ước mơ
Mới nửa đường thôi, còn bước tiếp
Trăm năm duyên kiếp Ðảng và thơ)
Thế rồi… ! Không biết từ đâu, những tai ương bắt đầu bổ xuống đời ông.
Báo Nhân Dân và hầu hết các báo cấm chỉ không đăng bài ký tên Nguyễn
Khắc Viện nữa. Chẳng những thế, sau khi đài BBC phát thư kiến nghị của ông
gửi Ðại hội VII thì trong nước dấy lên một chiến dịch rầm rộ công kích, lên
án ông. Khởi đầu là báo Nhân Dân tung ra một loạt bài, tuy không nêu
rõ tên Nguyễn Khắc Viện nhưng trích một vài đoạn trong bức thư rồi quy chụp
rằng người viết những dòng như thế là có ý đồ thâm hiểm, mượn cớ dân chủ tự
do để chống cách mạng, chống Ðảng. Tháng 5 năm 1991, báo Công an Thành
phố Hồ Chí Minh loan báo trong màng lưới tay sai cho gián điệp, có một
tên gián điệp ở Pháp về. Cùng luận điệu đó, có bài ghi rõ tên đầy đủ, có bài
ghi tắt N.K.V. Cán bộ tuyên huấn của Ðảng đi nói chuỵện khắp nơi rằng trong
nước có một nhóm chống Ðảng, chống cách mạng mà Nguyễn Khắc Viện là một phần
tử. Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1 tháng 6 năm 1991, câu lạc bộ Liên hiệp các
Hội Khoa học Kỹ thuật tổ chức buổi nói chuyện về tâm lý trẻ con. Khi săn
biết diễn giả là Nguyễn Khắc Viện, lệnh trên truyền xuống phải huỷ bỏ buổi
nói chuyện này. Cuối năm đó, khai mạc Phòng khám Tâm lý Trẻ em tại bệnh viện
Ðống Ða. Ðây là Phòng khám Tâm lý trẻ em đầu tiên ở nước ta. Vô tuyến truyền
hình đến quay phim. Nguyễn Khắc Viện là người sáng lập tổ chức, chủ trì buổi
lễ và đọc diễn văn giới thiệu ý nghĩa, mục đích việc thành lập cơ sở này.
Nhưng, khi phát hình buỗi lễ lên sóng, người ta cắt đi tất cả những đoạn có
hình ảnh Nguyễn Khắc Viện.
Rồi Quận uỷ Hoàn Kiếm lôi Nguyễn Khắc Viện ra đấu tổ, bắt đứng lên kiểm
điểm. Ông từ tốn nhưng kiên nghị nói: Nếu Quận uỷ muốn sinh hoạt chi bộ trao
đổi quan điểm và thảo luận về những điều đúng, sai thì tôi làm, còn kiểm
điểm thì không, vì tôi không có lỗi gì.
Ông Hoàng Nguyên kể rằng một hôm vào khoảng cuối năm 1981, ông đang ngồi làm
việc tại toà soạn báo Le Courrier du Việt Nam thì nhà điện ảnh nổi
tiếng, lão thành P.V.K. hớt hải chạy vào hỏi: “Thế nào, anh Viện bị bắt rồi
à?”, trong khi ông Viện vẫn đang ngồi làm việc ở tầng trên. Cảm thương và
kính phục, nhiều người đã tặng thơ ông. Bà Phương Thảo - em gái ông - viết
những dòng bi tráng ca:
Ðứng giữa hai làn đạn
Vẫn mực thước, khoan dung
Với tấm lòng thanh thản
Với sĩ khí hào hùng
Ông Ðặng Minh Phương tặng đôi câu đối:
Kiến thức bách khoa phong phú, từng trải Ðông Tây, tác phẩm uyên thâm đồ
sộ, ở Pháp quốc kiên trì tranh đấu, tấm lòng với nước tận trung, vòng danh
lợi coi khinh, lương tâm toả sáng.
Tài năng đa dạng hiếm hoi, tinh thông kim cổ, tư duy sắc sảo tuyệt vời,
về Việt Nam bền bỉ dựng xây, ngòi bút vì dân cương trực, thói quan liêu căm
ghét , nhân cách ngát hương.
Một đêm tháng 4 năm 1988, được Nguyễn Khắc Viện đến thăm và ngủ lại nhà
mình, nằm thao thức trong đêm Mỹ Tho, nhà báo Lê Phú Khải đã viết bài thơ:
Ðãi ông một bữa cơm nghèo
Trải giường ông nghỉ, lòng nhiều xót thương
Lưng già ít thịt nhiều xương
Sáu, năm vết mổ sẹo còn đầy vai
Con đường dân chủ công khai
Ông như lão tướng một đời xông pha
Bọn quan liêu - lũ gian tà
Kính ông ngoài mặt, bỉ dè sau lưng
Núi sông được mấy anh hùng
Thế gian được mấy cõi lòng trinh trung!
*
Khi biết ông
chắc chắn sắp chết, Nguyễn Khoa Ðiềm vội vàng đến gắn tấm huân chương Ðộc
lập hạng Nhất lên bộ ngực ông đã dính đét xuống giường. Người ta chỉ thấy sự
mỉa mai với tấm huân chương Hồ Chí Minh, huân chương Sao vàng, huân chương
Ðộc lập hạng Nhất trên ngực Nguyễn Khắc Viện.
Thực ra, chỉ một cái tên Nguyễn Khắc Viện không thôi đã là một danh tính đầy
sự vinh quang.
Ghi chú: Các trích dẫn trong bài rút từ những tác phẩm sau đây của
Nguyễn Khắc Viện: Bàn về đạo Nho, 1993; Ðổi mới, Nhà xuất bản
Thanh niên, 1988; Ước mơ và hoài niệm, Nhà xuất bản Đà Nẵng (Phần
không được in); Nguyễn Khắc Viện, tác phẩm. Tập 2, Nhà xuất bản Lao động;
bài “Bước vào cuộc kháng chiến mới”, tháng 6 năm 1993.