Hoàng Minh Chính - Từ nhà tù Sơn La đến trại giam B-14 Hà Nội

Mừng thượng thọ 80 của Hoàng Minh Chính, tiến sỹ sinh vật học Hà Sỹ Phu tặng đôi câu đối :

MINH tâm như MINH nguyệt, hà cầu Bắc đẩu bội tinh
CHÍNH khí hựu CHÍNH danh, đích thị Nam thiên hào kiệt

Nhà thơ Bùi Minh Quốc tặng bài thơ :

Minh Chính đường ngay một chí bền
Lão niên phong khí vận thanh niên
Lao lung lòng vẫn linh Hồng Ngọc
Bão táp ung dung bước đại thiền
Háy mắt khinh trò khua mác rỉ
Nhích cười nghe hú lưỡi lê điên
Xem đi xét lại đời vui thế
Vạch ác phơi gian xử nhãn tiền

Ðúng vậy, ông là người "Minh tâm như minh nguyệt. Chính khí hựu chính danh", lại cũng có cái khí phách rất ngang tàng khi "Háy mắt khinh trò khua mác rỉ. Nhích cười nghe hú lưỡi lê điên". Phải chăng vì vậy mà thân phận ông cứ "Ba nổi bẩy chìm với nước non. Rắn nát mặc dù tay kẻ nặn" trong khi luôn giữ mãi tấm lòng kiên trinh, son sắt.

Quật khởi từ trước mùa thu tháng tám

Trong một buổi tổ chức đấu tố luật gia trẻ tuổi Lê Chí Quang gần đây tại phường Phương Liệt, người ta đã thuê mướn và mớm lời cho mấy tên cò mồi mạt hạng xỉ vả, lăng nhục gia đình anh rất thậm tệ. Ngoài ra, có kẻ còn dám xưng xưng kết tội Lê Chí Quang : thường xuyên quan hệ với những phần tử xấu, trong đó có tên Hoàng Minh Chính đã từng có nợ máu với nhân dân.

Vậy, Hoàng Minh Chính là ai ?

Ông tên thật là Trần Ngọc Nghiêm, tuổi Canh Thân, sinh tại Nam Ðịnh. Năm 1939 là cán bộ phụ trách Ðoàn Thanh niên Phản đế Hà Nội. Hoạt động trong Phong trào Dân chủ-Bình dân từ 1936, viết bài, in truyền đơn, rải truyền dơn, gián áp phích chống đế quốc. Năm 1940 được kết nạp vào đảng Cộng sản và đứng trong tổ lãnh đạo chuẩn bị khởi nghĩa ở Hà Nội để hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Tổ này khi ấy gồm 4 người trong đó có Hoàng Minh Chính phụ trách Thanh niên Phản đế và bà Hằng ( vợ tướng Trần Ðộ hiện nay ) làm giao liên. Trụ sở Tổ lãnh đạo chuẩn bị khởi nghĩa bí mật đặt tại một căn phòng nhỏ chừng 12 mét vuông, trong góc sâu cuối sân thượng tầng 4 số nhà 36 Hàng Nón, ngay ở một ngã ba trông tnẳng ra phố Hàng Hòm. Từ giữa phố Hàng Nón nhìn lên, căn phòng trông chỉ như một chuồng gia cầm. Vậy mà đó vừa là cơ quan ấn loát, vừa là nơi ở của 4 thanh niên tuổi từ 16 đến 20.

Sau mấy năm hoạt động bí mật, bỗng nhiên, 9 giờ tối ngày Tết Tây năm 1941, phó chánh mật thám sở mật thám Hà Nội tên Brear dẫn đầu một tốp lính cẩm ập vào bắt gọn cả bốn chiến sỹ cộng sản đưa về nhốt vào 4 xà lim ngay trong khuôn viên của sở công an Hà Nội bây giờ. Sau hơn một tháng tra khảo, không lấy được lời khai nào về các cơ sở bí mật và về các đồng chí khác, bọn chúng đưa ra xử ở toà án binh đại hình. Bị coi là một tội phạm nguy hiểm cho chế độ thực dân, mức án dự định có thể là chung thân hoặc tử hình. May sao , ông đã được luật sư Phan Anh nhận bào chữa. Măc dầu vậy, trong một lần được tiếp xúc vói luật sư Phan Anh trong nhà tù, Hoàng Minh Chính vẫn căn dặn : " Ông muốn cãi thế nào cũng được, miễn là mong ông đừng làm thương tổn danh dự Ðảng của tôi ". Rồi Hoàng Minh Chính tiếp tục chuẩn bị tinh thần chịu đựng cực hình để quyết chí giũ gìn bí mật cho Ðảng trong bất kể tình huống nào. Ông tự đặt hòn than đỏ lên cánh tay, lên đùi và nghiến răng chịu đựng. Thịt cháy còn để lại vết sẹo trên da cho đến ngày nay. Nhờ tài biện hộ của người trí thức yêu nước Phan Anh,.Hoàng Minh Chính chỉ bị kết án 10 năm tù khổ sai và 10 năm biệt xứ.

Nhà tù Sơn La trước đây chỉ có khoảng vài chục tù nhân. Ðến nửa đầu thập niên 1940, khi Hoàng Minh Chính góp mặt thì con số đã tới 150, trong đó có cả Trần Ðộ và Lê Ðức Thọ . Sếp ngục người Pháp cho tù nhân cộng sản được cử ra hai người làm công việc y tá lo nhận , giữ thuốc của nhà tù, phát thuốc và chữa trị cho các bệnh nhân trong tù theo y lệnh của y sỹ chính quyền. Anh em tù cử Nguyễn Lương Bằng và Hoàng Minh Chính nhận nhiệm vụ đó. Sau một năm rưỡi làm nhiệm vụ y tá, Hoàng minh Chính lại được phân công làm đại diện đấu tranh đòi cải thiện đời sống, đòi có sách báo để đọc. Sau ba ngày rưỡi tuyệt thực, viên công sứ Pháp đã phải nhượng bộ.

Giữa năm 1943, thực dân Pháp chuyển tuyệt đại đa số tù cộng sản Sơn La về Hoả Lò, chuẩn bị đưa đi Côn Ðảo. Vì cầu Hàm Rồng bị bom Mỹ đánh sập nên Hoàng Minh Chính và nhiều anh chị em khác vẫn được ở lại Hoả Lò. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, lợi dụng sự bỡ ngỡ ban đầu của lính canh Nhật, 12 giờ 30 đêm ngày12 tháng 3 năm 1945 ông đã cùng 9 anh em tù cộng sản vượt ngục để ngay sau đó liên lạc với Xứ uỷ và Trung ương đảng tiếp tục nhận nhiệm vụ cách mạng.

Tháng 12 năm 1946 Hoàng Minh Chính được giao nhiệm vụ thành lập đôi Quyết tử quân. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã quy tập được gần 200 thanh niên, tuổi từ 18 đến đôi muơi gồm đủ mọi thành phần từ nội ngoại thành sẵn sàng chiến đấu hy sinh với khẩu hiệu " Quýêt tử cho tổ quốc quyết sinh ". Vũ khí chủ yếu do tự tạo : dao găm, chai cháy, lựu đạn cùng mấy quả bom ba càng và một khẩu phóng lưu đạn của Nhật. Một đêm giáp tết âm lịch năm 1947, ông mang biệt danh Lê Hồng cùng với Ðặng Việt Châu ( sau này giữ chức Phó Thủ tướng ) chỉ huy đội quân quyết tử đột kích đánh sân bay Gia Lâm. Ðây là một trong những trận đánh đầu tiên ta dùng các đội quân đặc biệt đột kích vào sâu trong lòng địch. Một chiến sỹ tên là Ðỗ Bàng hy sinh, Hoàng Minh Chính bị thương nhưng tin chiến thắng sân bay Gia Lâm vang dội làm cho địch rất hoang mang và động viên tinh thần quyết chiến quyết tháng của quân dân ta rất mạnh mẽ lúc bấy giờ.

Rời quân ngũ, ông được giao làm Tổng Thư ký Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới, rồi Tổng Thư ký đảng Dân chủ Việt Nam. Những năm 1957- 1960 ông được cử đi học Trường Ðảng cao cấp, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô. Về nước, ông được gợi ý giũ các chức vụ : thứ trưởng Bộ Giáo dục, phó giám đốc trường đảng Nguyễn Ai Quốc, phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Kỹ thuât Nhà nước. Tuy nhiên, vì ham mê lý thuyết Marx- Lenin, ông đã xin nhận chức viện trưởng Viện Triết học. Năm 1994, sau 30 năm trở lại, trong một buổi lễ kỷ niệm ở Viện, một cán bộ đã phát biểu về ông như sau : " Anh ( HMC ) về phụ trách Viện được vẻn vẹn có mấy năm rồi phải ra đi. Tuy nhiên, ấn tượng sinh hoạt khoa học ở Viện vài năm đó thật là sôi nổi, hào hứng. Mọi người, và từng người làm việc hết mình. Ba bốn năm đầu của Viện Triét đẻ lại một ấn tượng không phai mờ trong lòng mỗi người dù ở hay đi ".

Vậy đấy, một con người như thế mà họ dám xui đám tay sai khuyển mã lăng mạ ông là tên phản nghịch có nợ máu với nhân dân và năm 1993, ngài đồn trưởng công an phường Lê Ðại Hành tên là Nguyễn văn Giản dám chỉ vào mặt ông quát lớn giữa đường phố Hà Nội : " Mày câm mẹ cái mồm mày đi ". Năm ấy ông đã gần 70, và ngài công an kia thì nhỏ tuổi hơn con ông ! .

Người chiến sỹ cộng sản quyết tử cho tổ quốc quyết sinh bị cộng sản bỏ tù ba lần.

Sau Ðai hội XX đảng Cộng sản Liên Xô họp hồi tháng 2 năm 1956, phong trào Cộng sản quốc tế bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt, dần dần dẫn đến cuộc đấu tranh một mất một còn giữa những người giáo điều trong ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc vối những người theo chủ nghĩa xét lại trong ban lãnh đạo đảng Cộng sản Liên Xô. Ðể chuẩn bị tham dự Hội nghị 81 Ðảng Cộng sản họp tại Moskva tháng 11 năm 1960, một ngày giữa tháng 9 năm 1960, sau 2 ngày thảo luận bế tắc của Bộ Chính trị, chủ tịch Trường Chinh gọi điện thoại mời Hoàng Minh Chính lên giao nhiệm vụ chuẩn bị lý luận diễn giải và phân tích về những nội dung ý kiến bất đồng trong phong trào cộng sản.

( Những điểm cơ bản bất đồng giữa các bên là : Chủ nghĩa xét lại hiện đại Liên Xô cho rằng :

1- Chiến tranh không phải là định mệnh. Các chế độ xã hội khác nhau có thể cùng tồn tại hoà bình
2- Các nước xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa không cần đối đầu quân sự mà có thể đua tranh nhau bằng kinh tế.
3- Các nước có thể tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng phát triển trong hoà bình chứ không nhất thiết qua đấu tranh vũ trang.
4- Ðiều kiện quyết định để chiến thắng chủ nghĩa tư bản là các nước xã hội chủ nghĩa phải tạo ra một năng suất xã hội cao hơn hẳn so với các nước tư bản chủ nghĩa
5- Chống sùng bái cá nhân. mở rộng dân chủ trong đời sống xã hội và trong các đảng cộng sản và công nhân quốc tế.

Chủ nghĩa giáo điều Mao-it thì cho rằng :

1- Bản chất chủ nghĩa tư bản đế quốc là xâm lược. Còn đế quốc, còn chiến tranh, chiến tranh là tất yếu
2- Chiến tranh hạt nhân không đáng sợ. Ðế quốc Mỹ chỉ là con hổ giấy có răng nguyên tử. Chiến tranh nguyên tử nổ ra thậm chí còn có lợi vì nó sẽ chôn vùi đế quốc sạch sành sanh để sau đó trên trái đất chỉ còn chủ nghĩa xã hội trăm lần tốt đẹp hơn.
3- Các dân tộc A, Phi , Mỹ La tinh đoàn kết lại chống hai siêu cường là đế quốc Mỹ và đé quốc xã hội xô viết
4- Liên xô là con ngựa thành Troa , kẻ thù nguy hiểm số một của cách mạng thế giới
5- Chính quyển nở từ họng súng. Giành được chính quyền là được tất cả. Chiến tranh cách mạng là con đường duy nhất giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp
6- Làm cách mạng thường trực, tạo thời cơ giải phóng toàn nhân loại. Chủ nghĩa Marx- Lenin, tư tưởng Mao Trạch Ðông là thống soái. Gió Ðông thổi bạt gió Tây. )

Thời gian gấp nên thời hạn chuẩn bị chỉ được phạm vi trong một ngày. Nghe Hoàng Minh Chính trình bầy xong, chủ tịch Trường Chinh triệu tập Bộ Chính trị lại ngay để báo cáo và đã đạt được sự nhất trí cơ bản. Ðoàn đại biểu cấp cao của đảng Cộng sản Việt Nam do chủ tịch Ðảng Hổ Chí Minh dẫn đầu. Thành viên có tổng bí thư Lê Duẩn và uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Chí Thanh. Kết thúc hội nghị, một bản tuyên bố chung ghi đầy đủ các quan điểm của đảng Cộng sản Liên Xô đã được thông qua. Cả 81 Ðảng nhất trí ký kết Tuyên bố chung, trong đó có đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, cuối năm 1963, không hiểu do đâu, Bộ Chính trị bỗng nhiên triệu tập hội nghị Ban Chấp hành Trung ương IX, khoá III. Bản nghị quyết IX của hội nghị này quay ngoắt từ lập trường đã thóng nhất với tuyên bố chung của 81 đảng Cộng sản sang lập trường của chủ nghĩa giáo điều Mao-it. Ðiều đáng lưu ý là chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều uỷ viên trung ương đã không tham gia biểu quyết nghị quyết IX, và, một phần nội dung rất quan trọng không được ghi trong văn bản mà sau đó chỉ được phỏ biến bằng miệng. Tại Hội nghị các cán bộ cao cấp và trung cấp gồm chừng 400 người họp tại hội trường Ba Ðình trong tháng 1 năm 1964 để học tập Nghị quyết IX lớp đầu tiên, chủ tịch Trường Chinh tuyên bố " Các đồng chí cần đặc biệt lưu ý một điều là Nghị quyết IX, do tình hình phức tạp trong phong trào cộng sản quốc tế, không thể viết hết ra những điều cần nói nhưng phải hiểu rằng : đường lối đối ngoại và đối nội của Ðảng và Nhà nước ta là thống nhất cơ bản với đường lối đối ngoại và đối nội của đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc ".

Trước tình hình đó, Hoàng Minh Chính đã gửi hai bản kién nghị. Một bản phế phán Bộ Chính trị của ta đã tự ý từ bỏ nguyên tắc đồng thuận đã được cam kết trong bản Tuyên bố chung 81 đảng Cộng sản. Một bản phê phán những sai trái của trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc trong chiến dịch đả kích đường lối của đảng Cộng sản Liên Xô mà đường lối này là được thưc hiện theo tinh thần Tuyên bố chung.

Kết quả là ông Hoàng Minh Chính bị ông Lê Ðức Thọ bất chấp luật pháp, không đếm xỉa gì đến Hiến pháp, không cần xét xử, ra lệnh bắt bỏ tù và đích thân tuyên án : cách chức viện trưởng Viện Triết học, khai trừ đảng tịch, tước quyền công dân, biệt giam cho đến khi nào chịu hối cải.

Lần này ông bị ngồi tù 5 năm và sau đó là tiếp tục lệnh quản chế.

Tháng 6 năm 1981, nhân kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội khoá VII, ông lại gửi bản kiến nghị nêu lên những sai sót khuyết điểm trong các chủ trương chính sách đối nội và đối ngoại do rập khuôn theo Mao-it Trung Quốc đẩy đất nước vào khổ nghèo nghiêm trọng, lại do mất cảnh giác nên đã bị Trung Quốc đưa 6 vạn quân đánh vào 6 tỉnh biên giới phía bắc gây cảnh chết chóc tan hoang. Ông yêu cầu phải sớm cải thiện đời sống nhân dân, phải đổi mới cơ cấu tổ chức, giải quyết hiệu quả các vụ bê bối nghiêm trọng cấp nhà nước đồng thời mở rộng tự do dân chủ cho nhân dân. Ông cũng thẳng thừng tố cáo ông Lê Ðức Thọ về tội lộng quyền, bất chấp luật pháp, bất kể đạo lý, tuỳ tiện bắt bớ, giam cầm, đầy đoạ nhiều ngưòi vô tội, có công với cách mạng.

Thế là cuối năm 1981 ông lại bị bỏ tù lần thứ hại mà không hề được đưa ra xét xử . Lần này họ đưa ông đi biệt giam ở Hải Hưng với những đòn tra khốn khổ gấp bội lần trước. Ông viết thư kể: ".... Từ nước ăn uống đến tắm giặt đều phải dùng thứ nước cống rãnh chảy xuống giếng. Nhiều bữa bắt ăn cơm nhạt không cho tới cả hạt muối. Nhiều ngày bắt nhịn khát khô cổ. Ôm đau không cho khám bệnh, không cho thuốc uống. Từ những lời nhục mạ hèn mạt đểu cáng trắng trợn đến những đòn tâm lý chiến đánh vào lòng tự trọng và tình cảm thiêng liêng của con người, thậm chí đưa cả đàn bà con gái tham gia vào tâm lý chiến, từ việc gây tiếng ồn phá giấc ngủ mỗi đơt từ dăm bẩy ngày đến nửa tháng liền cho đến việc khiêu khích có tổ chức, cho cả chục công an tham gia lăng nhục, cho tới cả việc đầu độc hai lần tù nhân chính trị Hoàng Minh Chính trong năm 1984 (có bác sỹ khám nghiệm liền đó và chứng nhận ), rồi vụ cho một chục nhân viên CA xông vào bẻ tay nắm tóc lôi và bóp cổ công dân Hoàng Minh Chính tới chết giấc ( lúc 9 giờ sáng ngày 30 tháng 3 năm 1986 ). v.v... ". Có công an viên từng tuyên bố thẳng thừng : " Tôi sẽ giết anh, tay tôi đã từng vấy máu. Anh là tên phản cách mạng ".

Tuy không có án, ông vãn bị cầm tù 6 năm và sau đó bị quản chế tại nhà cho đến năm 1990.

Lần tù thứ ba, chỉ 12 tháng, và là lần tù duy nhất được đem xét xử tại toà.

Tuy nhiên, hãy xem tội trạng đưa ông vào tù được ghi trong bản án xử ngày 8 tháng 11 năm 1995 là như sau :

" Ngày 26 tháng 11 năm 1993, Trần Ngọc Nghiêm mang 12 loại tài liệu ( trong đó có tài liệu đòi xoá bỏ điều 4 Hiến pháp đã được Quốc hội nước CHXHCNVN cơ quan đại diện cho ý chí của nhân dân thông qua ngày 15-4-1992 ) đi phôtô để tán phát, thì bị công an phường Lê Ðại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phát hiện, lập biên bản thu giữ.

Từ năm 1994 và trong những tháng đầu năm 1995, Trần Ngọc Nghiêm đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận để trả lời phỏng vấn người nước ngoài như Italia, Pháp, Hoa Kỳ, Ba Lan, đều được ghi lại trên băng caset. Khi trả lời phỏng vấn, Trần Ngọc Nghiêm đã xuyên tạc sự thật về đất nước ta như : " ... dân không được nói ở đâu cả..." " Báo Ðảng, báo của nhà nước, không có một tờ báo nào gọi là báo tự do " ( Bản dịch băng số 6 ngày 23-6-1995 - Bút lục 117-121 ) "

Ngoài tội trên, Hoàng Minh Chính còn bị kết tội chỉ vì đã nhận và tán phát một số bài viêt của Ðỗ Trung Hiếu- một cán bộ công giáo vận tầm cỡ của ta trong kháng chiến chóng Mỹ ở Miền Nam –

Những số phận bị đầy đoạ trong cái gọi là vụ án Xét lại - Chống Ðảng

Cùng với Hoàng Minh Chính, những người bị bắt, bị hãm hại trong cái gọi là vụ án Xét lại- Chống Ðảng lên đến hàng trăm, gồm có : Ðặng Kim Giang - thiếu tướng, thứ trưởng Bộ Nông trường, bí thư khu uỷ Liên khu Ba, phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần mặt trận Ðiện Biên Phủ, tù nhân Sơn La thời Pháp thuộc; Vũ Ðình Huỳnh - Vụ trưởng Lễ tân Bộ Ngoaị giao, nguyên là bí thư riêng của chủ tịch Hồ Chí Minh, cựu tù nhân Sơn La. Nguyễn văn Vịnh – trung tướng, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ tịch Uy ban Thống nhất Trung ương. Nguyễn Minh Cần - uỷ viên thường vụ Thành uỷ Hà Nội, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Hà Nội, chủ nhiệm báo Thủ đô Hà Nội; Trần Minh Việt - Phó Bí thư thành uỷ Hà Nội, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Hà Nội; Dương Bạch Mai - Phó Chủ tịch Quộc hội, Tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt Xô ; Bùi Công Trừng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, Uỷ viên Trung ương Ðảng; Ung văn Khiêm - nguyên bộ trưởng Ngoại giao, nguyên bí thư xứ uỷ Nam Kỳ, Uỷ viên Trung ương Ðảng; Lê Liêm – Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Uỷ viên Trung ương Ðảng, nguyên Chính uỷ mặt trận Ðiện Biên Phủ; Lê Trọng Nghĩa - Cục trưởng Cục 2 ( Cục Tình báo quân đội ); Lê Minh Nghĩa - đại tá, Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng; Ðỗ đức Kiên - đại tá, cục trưởng Cục Tác chiến; Phan Kỳ Vân - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Học tập, cựu tù nhân Sơn La; Hoàng Thế Dũng – Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân; Nguyễn Kiên Giang - Phó Giám đốc nhà xuất bản Sự thật, nguyên tỉnh uỷ viên tỉnh uỷ Quảng Bình; Lê Vinh Quốc - đại tá, chính uỷ sư đoàn 308, phó chính uỷ khu Ba; Văn Doãn – thượng tá, tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân cuối thập niên 50; Minh Tranh - giám đốc nhà xuất bản Sự thật; Phạm Quang Ðức - cán bộ ngoại giao Vụ Bắc Mỹ. Các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ quân đội, nhà văn, nhà báo, nhà điệh ảnh : Vũ Huy Cương, Huy Vân, Vũ Thư Hiên, Ðinh Chân, Lưu Ðộng, Trần Thư, Nguyễn Hồng Sỹ, Trần Châu, Nguyễn Gia Lộc, Phùng văn Mỹ, Bùi Ngọc Tấn, Tuân Nguyễn, Phan Thế Vân, Nguyễn văn Thẩm, Phạm Viết, Nguyễn thị Ngọc Lan, Mac Lân, Trần Ðĩnh, Ðặng Cấn, Nguyễn Cận, Ðặng đình Cầu, Mai Luân, Mai Hiến, Quảng Hân, Khắc Tiếp, Ðào Phan ( tức Ðào Duy Dếnh) ...

Tất cả đều bị bức hại đoạ đầy thê thảm. Nhà báo Văn Doãn phẫn uất tự tử năm 1972. Phó chủ tịch Quốc hội Dương Bạch Mai đột tử ngày 4-4-1964 tại cuộc họp Quốc hội, giữa giờ giải lao ban sớm, sau khi uống một cốc bia tại hội trường, mà dư luận cho là bị đầu độc. Nhiều người đã lìa bỏ cuộc đời mà vẫn mang mối hận chất chứa trong lòng sang thế giới bên kia : Ðặng Kim Giang, Lê Liêm, Ung văn Khiêm, Nguyễn văn Vịnh, Trần Minh Việt, Tuân Nguyễn,Vũ Huy Cương, Hoàng Thế Dũng .....Hâu hết đều chết mòn chết mỏi trong cảnh " đắm đuối người trên cạn" ngay giữa xã hội mà mình từng hiến cả tuổi xanh xả thân vì nó.

Cảnh cầm cố, tù đầy dã man đã được mô tả trong mấy tác phẩm lớn : " Chuyện kể năm 2000 " của Bùi Ngọc Tấn, " Ðêm giữa ban ngày " của Vũ Thư Hiên, " Một người tù xử lý nội bộ " của Trần Thư. Sau đây là mấy tiếng kêu than của bạn bè, thân thích của một vài trong các đối tượng trên :

" Rồi " phúc bất trùng lại, hoạ vô đơn chí ", vài tháng sau ngày ông Huỳnh bị bắt, con trai tôi - Vũ Thư Hiên, biên tập viên Báo ảnh Việt Nam – cũng bị bắt trên đường về nhà, cũng bị biệt giam, cũng chẳng có một toà án nào xét xử xem nó bị tội gì ? Hai bố con bị biệt giam mỗi người một nơi. Vũ Thư Hiên sau đó bị nhốt chung với tù hình sự. Ðến năm 1976, sau 9 năm bị giam giữ không có án, con tôi mới được tha về.

Những năm sau đó, báo chí bị cấm không được nhắc tới cái tên Vũ Ðình Huỳnh, cấm không được đăng ảnh Bác Hồ mà trong ảnh đó có ông Huỳnh. Các báo và các nhà xuất bản bị cấm không cho cái tên Vũ Thư Hiên được xuất hiện trên sách báo – dù chỉ là dịch giả "Truyện ngắn Pautopxki " ( Tập truyện này theo yêu cầu của nhiều độc giả, đã được tái bản dưới cái tên Kim Ân, là vợ của Vũ Thư Hiên ) –

......Nhưng thiếu ăn, thiếu mặc không khủng khiếp bằng nỗi khổ tinh thần : bạn minh, bạn chồng xa lánh vì sợ liên luỵ, con cái bị trù dập...... " ( Trích đơn yêu cầu đưa ra xét xử công khai vụ án " Xét lại- Chống Ðảng " viết ngày 20-02-1994 của bà Phạm thị Tề )

" Phần vì nhiều năm tù tội quá - cả cuộc đòi 73 tuổi mà 12 năm tù đế quốc, 7 năm tù ta, kể cả cấm cố và quản thúc, tất cả ba lần tù là 25 năm - , phần vì bị chà đạp nhiều, phần vì cuối đời sống trong túng thiếu, cực khổ, thuốc men không có, bị truy bức hành hạ liên tục nên sau một đêm mưa gió, bị dột ướt người cảm lạnh rồi nhồi máu cơ tim, anh Ðặng Kim Giang đã chết. Chết chính trong túp nhà lá dột nát đổ nước vào người anh đó !

Từ khi được thả về , ốm liệt giường nhưng không có tiêu chuẩn điều trị, thuốc men ăn uống thiếu thốn... Lúc hấp hối vẫn có hai công an ngồi kèm. Tôi phải bảo họ ra ngoài anh ấy mới nhắm được mắt.

Ngày 16-5-1983, tôi có đánh 3 bức điện : một cho ông Lê Ðức Thọ- Ban Tổ chức Trung ương-, một cho ông Nguyễn Ngọc Trừu- Bộ Nông nghiệp-, một cho ông Chu Huy Mân ( quân đội ) báo tin chồng tôi chết. Nhưng không có ai đả động gì, Không một nén hương, không một bông hoa, không một đồng xu cho đồng chí xấu số !.Tôi đã bán quần áo và quyên góp trong số bạn bè tù cũ Sơn La để chôn cất.

Bao nhiêu công lao đóng góp cho dân cho nước mà khi chết đi, xác được liệm trong một cỗ quan tài gỗ tạp, ghép 11 mảnh. Con tôi phải giã gạch và cơm nếp để bít những khe hở ! Chôn anh ở nghĩa trang Văn Ðiển một ngày mưa hố đầy nước nhầy nhụa những mảnh quần áo của người vừa được cải táng sót lại !

Một tuần sau, Ban Tổ chức Trung ương cho người cầm đến 80 đồng đưa cho tôi , nhưng tôi không lấy vì việc chôn cất Ðặng Kim Giang đã xong rồi.

......Tôi được biết, ở Bộ Nông trường lúc đó , các đề nghị xây dựng của anh Ðặng Kim Giang như : khuyến khích vật chất, chia ruộng phần trăm cho nông dân, hợp tác với các nước trong khối SEV, đầu tư liên doanh cho các nông trường ( những việc này hiện nay đã làm ) đều bị coi là " chủ trương xét lại ". Những ai ủng hộ đều bị hành hạ, loại bỏ " ( Trích thư ngày 2-3-1995 của vợ ông Ðặng Kim Giang, bà Nguyễn thị Mỹ, gửi các vị lãnh đạo Ðảng và Nhà nước ).

Ðối xử với nhau dã man, tàn bạo đến cùng cực như vậy nhưng thư chia buồn gửi đến gia đình trong tang lễ ông Vũ Ðình Huỳnh, Lê Ðức Thọ viết : " Tôi rất thương và nhớ anh, anh là đồng chí tốt, khuyết điểm trong thời gian qua chỉ là nhất thời. Lúc anh ra tù trước cách mạng Tháng Tám năm 1945 và khi mới giành được chính quyền anh đã có công đóng góp phần mình vào công tác chung của Ðảng. Ðảng không bao giờ quên những đóng góp của anh trong thời gian đó ".

Ông Nguyễn Ðình Hương – trưởng Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ của Ðảng thì nói với bà Lê Hồng Ngọc ( bà là vợ ông Hoàng Minh Chính, kỹ sư Hoá, giác ngộ và tham gia cách mạng từ rất sớm, được kết nạp Ðảng năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc. Năm 1984 bà bị ép viết đơn xin ra khỏi Ðảng vì đã viết thư gửi lãnh đạo Ðảng và Nhà nước minh oan cho chồng ) : " Tôi kính trọng anh Chính và công lao thành tích của Anh, đây không phải là vấn đề địch ta, cũng không phải là tội , mà chỉ là khuyết điểm ".

Người đi giải oan cũng lâm cảnh lao lung

Ông Nguyễn Trung Thành, nguyên là vụ trưởng Vụ Bảo vệ Ðảng, thuộc Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Uỷ viên thường trực Ban Bảo vệ Ðảng Trung ương và là chuyên viên giúp Ban Tổ chức Trung ương về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, ngày 3 tháng 2 năm 1995 đã gửi thư cho tổng bí thư Ðỗ Mười, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cố vấn Ban Chấp hành Trung ương .... có nội dung cơ bản như sau :

" Từ năm 1963, tôi được phân công giúp việc cho Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương, theo giõi và làm một phần trong vụ án nói trên trong nhiều năm với sự phối hợp của các đồng chí : Trần Hữu Ðắc ( Uỷ ban Kiểm tra TW ), Trần Quyết – Cục trưởng-, Hoàng Thao- Phó Cục trưởng- và các cán bộ thuộc Bộ Công an nay là Bộ Nội vụ, Kính Chi- Cục trưởng, Tổng cục Chính trị

Trong hàng chục năm trước đây, do chỗ chỉ được biết từng bộ phận riêng lẻ của tài liệu nên tôi vẫn tin rằng các kết luận của Bộ Chính trị và của Trung ương đối với vụ án là đúng đắn, là chính xác.

Gần đây do có nhiều đơn khiếu nại liên tục của những người bị xử trí và thân nhân trong vụ án, do có thư đề nghị của nhiều cán bộ đảng viên và theo chỉ thị của trên, đồng chí Nguyễn Ðình Hương, trưởng ban Bảo vệ Chính trị nội bộ có giao cho tôi nắm lại toàn bộ vụ án để báo cáo với Ban Bí thư Trung ương. Trong hơn một năm qua, tôi có điều kiện và đầy đủ thời gian, nghiên cứu lại toàn bộ các hồ sơ tài liệu của vụ án, đi sâu phân tích các tài liệu, so sánh đối chiếu các tài liệu điều tra, các lời khai cung, các biên bản của những cuộc họp của ban chỉ đạo vụ án, các đơn khiếu nại trước và nay v.v...

Qua nghiên cứu lại một cách tỷ mỷ, nghiêm túc và thận trọng, tôi nhận thấy một cách có căn cứ rằng Bộ Chính trị và Trung ương Ðảng tước đây khi kết luận về vụ án đã tin vào những báo cáo của ban chỉ đạo vụ án. Những báo cáo đó đã không dựa vững chắc trên những cơ sở khách quan có thực mà chỉ dựa trên một số lời khai ( Bản thân những lời khai này có nhiều mâu thuẫn giữa người này với người khác và giữa lời khai trước và sau của cùng một người ) mà không được xác minh cẩn thận. Hơn nữa, lời khai của can phạm khi đang bị công an bắt giữ không có giá trị pháp lý đích thực. Ngay lúc công bố kỷ luật, có người đã chối không nhận kết luận. Sau này hầu hết đã cùng thân nhân khiếu oan.

Do báo cáo của ban chỉ đạo thiếu những cơ sở chúng cứ nên các kết luận của Bộ Chính trị và của Trung ương đều thiếu cơ sở xác thực .

Từ việc phân tích, đối chiếu các tài liệu điều tra và các bản khai cung, rõ ràng không thể quy cho những người đã bị bắt về những tội : chống Ðảng, chống Nhà nước có tổ chức, có cương lĩnh, cung cấp tình báo cho nước ngoài v.v...

...... Với sự thôi thúc của lương tâm hàng ngày hàng giờ bị cắn rứt, tôi cho rằng vấn đề cấp bách hàng đầu hiện nay là phải khẩn thiết giải oan cho những đồng chí đã bị bắt và bị xử trí oan. Ðiều đó chỉ có lợi cho uy tín của Ðảng, cho sự đoàn kết trong và ngoài Ðảng, cho sự ổn định chính trị hiện nay.... ".

Nhận thư, ông Ðỗ Mưòi cho gọi ông Nguyễn Trung Thành lên. Ðây là đoạn đối thoại giáo đầu:

- Ðỗ Mưòi : Năm nay anh bao nhiêu tuổi ?
- Nguyễn Trung Thành : Tôi 72
- Ð M : Với cái tuổi này, anh nên nghỉ ngơi, làm thơ hoặc trồng cây có lẽ tốt hơn là ngồi viết thư như thế này !
- N T T : Anh 78 mà còn làm việc hết mình vì dân vì Ðảng, không lẽ tôi mới 72 mà đã cho mình là hết trách nhiệm với dân, với Ðảng
- Ð M : Nhưng tại sao lá thư này anh lại gửi công khai mà không gặp riêng tôi và các đồng chí trong Bộ Chính trị, trong Ban Bí thư, làm kiểu này hỏi rằng Liên Hiệp Quốc nó biết nó vu là ta vi phạm nhân quyền thì tác hại sẽ ra sao !

( Thế đấy, không biết vì sao các nhà lãnh đạo của ta rất sợ sự thật, rất sợ công khai. Cho nên tất cả những ai tôn trọng sự thật, muốn công khai, muốn quang minh chính đại đều không được phép tồn tại. Hoàng Minh Chính chết vì dám công khai nói lên ý kiến mình trên các đài phát thanh quốc tế. Nguyễn Trung Thành chết vì dám công khai nói lên những nhận thức đúng đắn của mình trước một sai trái trước đây. Hoa Kỳ gần đây bị sỉ vả hết lời vì dám nói lên sự thật về tình hình dân chủ và nhân quyền ở nước ta.trong " Ðạo luật Nhât quyền cho Việt Nam ". Mà cũng lạ, ta dõng dạc tuyên bố sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị, nhưng luôn luôn coi các nước Phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ, thậm chí cả Liên Hợp Quốc là những đối tượng bao giờ cũng có dã tâm đối với Việt Nam, là thù địch ).

Ông Lê Hồng Hà, nguyên Uỷ viên Ðảng đoàn Bộ Công an, nguyên Chánh văn phòng Bộ Công an, ngày 18-7-1995 đã gửi một bức thư cho Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khoá VII phân tích có cơ sở khoa học về những sai trái trong " Vụ án Hoàng Minh Chính " :

  • Nếu bảo rằng đây là hoạt động chống phá có tổ chức thì nó đã được hình thành như thế nào ? từ bao giờ ? ai lãnh đạo ? có điều lệ không ? có cương lĩnh không ? có cấp trên cấp dưới không ? ai là uỷ viên chấp hành ?

  • Việc quy tội làm tình báo cho nước ngoài có phần hồ đồ và không có căn cứ chính trị pháp lý. Nói hồ đồ là vì không thể quy hàng trăm người dính vào vụ án đều có tội làm tình báo được. Công tác tình báo chỉ có thể là việc làm của một vài người cá biệt nào đó mà thôi. Vậy đó là những người nào ? họ lấy tin tình báo gì ? họ chuyển giao cho ai ? ở đâu ? ngày giờ nào ?
    Sở dĩ nói không có căn cứ chính trị pháp lý vì tội tình báo bao giờ cũng gắn liền với việc phục vụ cho môt nước ngoài đối địch với nước ta. Ðây lại là Liên Xô, vốn là đồng minh chiến lược lúc bấy giờ đang dốc bao nhiêu nhân lưc, vật lực tài lực cho ta đánh Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

  • Người ta sau này cứ tưởng rằng Trung ương khoá III và Bộ Chính trị lúc đó tập thể lãnhđạo việc phá án này. Thực ra mãi tới háng 3 năm 1971, Bộ Chính trị mới họp đẻ nghe về vụ án và mãi tới tháng 1 năm 1972 Ban Chấp hành Trung ương mới hop , nghe báo cáo về vụ án

  • Không hề có một ban chỉ đạo với 8 uỷ viên trung ương để chỉ đạo vụ án mà mãi đến tháng 11-1968 ban này mới được lập ra để giải quyết những việc còn sót lại của vụ án. Vì vậy, trong cả quá trình, suốt từ 1963 đến cuối năm 1968, toàn bộ công việc điều tra, bắt bớ, quy tội đều do ông Lê Ðức Thọ quyết định. Tuy luôn luôn nhân danh Bộ Chính trị nhưng không hề có một nghị quyết nào của Bộ Chính trị cả. Ông Lê Ðức Thọ chỉ sử dụng một số cán bộ của ngành công an, bảo vệ, quân đội và tổ chức trung ương. Toàn bộ cán bộ của ngành kiểm sát, của toà án, không hề được tham dự, không hề được biết và được hỏi gì cả, nghĩa là bị gạt hoàn toàn ra khỏi vụ án.
    Chính vì vậy, chẳng có quyết định khởi tố, chẳng có quyết định truy tố, chẳng có cáo trạng, chẳng có phiên toà, chẳng có hội đồng xét xử, chẳng có người bào chữa, người bị cáo chẳng có quyền xem xét bản cáo trạng, bản kết tội đối với mình, chẳng có quyền kháng cáo gì cả. Cho đến ngày nay không ai biết là mình bị quy kết những tội gì ( Vì thực tế, không ai pham bất cứ tội gì so với luật pháp )

Ông Nguyễn Trung Thành không có quan hệ riêng tư gì với ông Hoàng Minh Chính. Ông làm việc lâu năm trong lĩnh vực này, lại từng là người trực tiếp tham gia xử lý vụ án nên nói chung ông hiểu biết công việc tường tận và nắm rất vững các nội dung cụ thể. Lý lẽ của ông Lê Hồng Hà, một người đã từng giữ những cương vị cao trong ngành công an cũng hết sức thuyết phục. Vả chăng, cứ nghe đoạn đối thoại giữa ông Ðỗ Mười với ông Nguyễn Trung Thành cũng đủ biết rằng trong thâm tâm, ông Ðỗ Mười cũng phải thừa nhận vụ án dựng lên là một sai trái. Khi đối thoại, không thấy ông Ðỗ Mười phê phán ông Nguyễn Trung Thành đã trình bày vấn đề sai ở chỗ nào mà chỉ quở trách ông sao lại dám công khai cái sai cái xấu của Ðảng. Ông muốn lẽ ra Nguyễn Trung Thành chỉ được đến nói riêng với ông để chúng ta cùng biết và cùng tìm cách ỉm đi.

Và, rồi thế là, cả Lê Hồng Hà lẫn Nguyễn Trung Thành đều bị khai trừ khỏi Ðảng. Khai trừ khỏi Ðảng, chỉ vì hai ông muốn phấn đấu sống có lương tri, tôn trọng sự thật, công lý và nhân phẩm.

Hoàng Minh Chính vẫn cứ " ở với lửa than cho vẹn kiếp. Thử xem sắt đá có bền gan "

Nhà thơ, nhà thư pháp Chu Thành viết tặng Hoàng Minh Chính hai câu thơ trên của Trần Khánh Dư. Hai câu này được treo ngay trước bàn làm việc của Hoàng Minh Chính, mà cả tôi cũng lấy làm tâm đắc.

Trong những ngày lục tìm tư liệu để cố hiểu cho được một cách đúng đắn rằng vì sao người chiến sỹ cộng sản đã từng xả thân quyết tử cho tổ quốc quyết sinh này lại bị chính cộng sản Việt Nam bỏ tù đến ba lần, tôi có đọc được một số bức thư riêng của ông :

Thư ông gửi cho trưởng Ban Bảo vệ Ðảng Nguyễn Ðình Hương đề ngày 5 tháng 12 năm 1995 : " ..... Có lẽ anh cũng đã nghe phản ánh rằng, trong phút đầu tiên của buổi đầu tiên, tôi đã nói ngay rằng " Cả cuộc đời tôi cống hiến vì dân vì nước, Bây giờ còn tháng năm cuối cùng cuộc đời tôi đặt trọn vẹn lên bàn thờ Tổ quốc, còn thân xác tôi, tôi đặt dưới chân nhân dân" ...... Lúc này, có lẽ nên bàn một vấn đề cấp thiết và thực dụng mà nhiều quốc gia/ dân tộc đặt lên hàng đầu, mà riêng với Việt Nam ta lại là yêu cầu bức xúc:

Làm sao thực hiện được phương châm/ mục tiêu tối thượng là phát triển xã hội với tốc độ tối ưu trong hoà bình, an ninh bằng cách huy động được tối đa tiềm năng, nội lực vô cùng phong phú của toàn dân ( đồng bào trong nước 73 triệu, đồng bào Việt kiều gần 2 triệu ) kết hợp với ngoại lực thế giới đầy năng động đang phát triển như vũ bão

Thời đại vòng cung lich sử hiện nay ( tournant historique ) có nhiều thời cơ tốt đẹp và cũng đầy rẫy thách thức rợn người .....

Chỉ có toàn thể nhân dân Việt Nam đồng thuận hiệp lực mới giải đáp nổi bài toán lịch sử của thời đại văn minh đang đặt ra đó. Toàn thể nhân dân là các giai tầng nào, các giới sắc nào, các thành tố nào ? Tiềm năng, tâm tư, thái độ của họ đã được nghiên cứu, phân tích khoa học để thấu hiểu được chưa ? ..... Muốn vậy tôi thiển nghĩ, trước hết phải thay đổi tận gốc phương pháp tư duy cũ ( duy ý chí/ chính trị là thống soái/ tư duy Mao-it ) và cách hành sự cũ ( tiểu nông/ kinh nghiệm chủ nghĩa/ nhìn cây, quên rừng ) ... "

Thư ông gửi Vũ Huy Cương đề ngày 25 tháng 10 năm 1997 ( do Vũ Huy Cương đưa cho tôi ):

" Tôi muốn thổ lộ với Cậu đôi điều bí mật của riêng tôi. Chẳng là, Nhà nước ta muốn bưng bít đièu gì thì đóng ngay vào đó cái dấu Bí Mật, thậm chí Tối Mật. Chính vì vậy mình phải phòng xa bằng việc giữ BM câu chuyện cách đây 5 tháng, hôm nay mới nói ra với Cậu.

Cuộc gặp giữa tướng LKP với tôi hôm 26/5/1997 có vài điều thú vị và khá quan trọng. Hôm đó tướng P. nhường lời cho tôi nói trong suốt cuộc gặp 1, 30 h, có để sẵn giấy bút và đã ghi những ý kiến của tôi.

Tóm tắt như sau :

  1. Tôi trình bầy khái quát về thế giới hiện đại ( sau sự sụp đổ của hệ thống CSCNTG ) và vị thế hiện nay của Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất. Hoa Kỳ hiện nay vẫn đang giữ vai trò chủ đạo trên các bình diên kinh tế, chính trị, khoa học, quân sự trên thế giới.

  2. Việt Nam rất cần coi Hoa Kỳ là đối tác chiến lược số một, quan trọng nhất của mình, vì nhu cầu tăng trưởng kinh tế bền vững lâu dài, vì an ninh trước mắt và mai sau trước ý đồ xâm lược của TQ đại bá. Do đó VN nên tích cực tranh thủ Hoa Kỳ trên bình diện ngoại giao và chiến luợc lâu dài.

  3. Nguy cơ TQ đối với VN là không nhỏ, trước mắt cũng như lâu dài. Chiếm doạt quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa chỉ là một phần của mưu đò TQ. Bá chủ Châu A mới là mưu đồ chính.

Ðiều quan trọng số một là phải nhận diện cho thật chính xác cục diện thế giới ngày nay trên các bình diện kinh tế, chính trị, khoa học, quân sự; phải phát hiện ra tương đối chính xác lực lượng chủ đạo nào đang chi phối chủ yếu tiến trình của thế giới hiện đại. Nhiều ông lãnh đạo hiện nay nhận diện thế giới ngược đời nên đã coi " cái đuôi vẫy con chó ", chứ không phải là con chó vẫy cái đuôi. Thế rồi mọi cái đều được các ổng đảo ngược và lãnh đạo ngược.

Cũng có một số người bi quan thái quá đặt toàn bộ hy vọng vào tác động của quốc tế xoay chuyển Việt Nam và ngồi chờ dưới gốc sung, tự vô hiệu hoá mình.

... Ngay khi đang bị giam cầm ở B14 tôi đã nghiền ngẫm về vai trò cực kỳ to lớn và nỗi bất hạnh địa ngục của nông dân ta; và tôi đã quyết tâm đứng trước toà để lên án chế độ đầy đoạ nhân dân- mà nhất là nông dân- trong cảnh đói khổ lầm than, mất sạch quyền làm người, quyến sống và quyền tự do dân chủ, mưu cầu hạnh phúc ..... "

Thế đấy, con người ông lúc nào cũng sôi sục, trở trăn vì đất nước, vì nhân dân. Cho nên, ông Nguyễn Khắc Viện trong bức thư gửi chủ tịch hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã tha thiết khẩn khoản " Chúng tôi không mong gì khác là công khai cho biết rõ anh Hoàng Minh Chính có tội lỗi gì, vì tất cả mọi người biét đến vụ này ( trong đó có riêng tôi ) đều nghĩ rằng anh ấy đã bị oan ". Cho nên, khi ông ra tù, bất chấp sự cảnh sát ngặt nghèo của công an, người người lũ lượt đến mừng ông, hoa tươi chật nhà, phải xếp đầy cả hiên trước.

***

Do bị Lê Ðức Thọ lũng đoạn và lộng hành, Hoàng Minh Chính và nhiều người con ưu tú của dân tộc, nhiều chiến sỹ dũng cảm, kiên trinh của cách mạng đã bị xử trí oan. Lẽ ra, Ðảng và Chính phủ cần xem xét nghiêm túc và khách quan để sửa sai và minh oan cho các ông ấy. Tiếc rằng, việc đó đã đang tâm bị bỏ lơ. Chẳng những thế, đối với ông Hoàng Minh Chính, mỗi ngày người ta càng chất chứa thêm sự tàn bạo lên con người ông và gia đình ông. Cho đến gần đây họ vẫn tiếp tục sách nhiễu, bắt bớ, tra hỏi, làm tình làm tội ông. Ơ khu phố ông, nguời ta đem bôi xấu ông một cách phi pháp trước cuộc họp ba tổ dân phố, không cho ông dự để được đối thoại mà bắt vợ ông ngồi nghe để chịu sự sỉ nhục. Tại khu phố nhà luật gia Lê Chí Quang, người ta mớm lời cho một vài tên cò mồi mạt hạng không chỉ lăng nhục vắng mặt Lê Chí Quang ( nhưng bắt mẹ Lê Chí Quang phải ngồi nghe ) mà còn tranh thủ vu khống, bôi bẩn Hoàng Minh Chính và một số nhà trí thức khả kính khác. Sao lại nhân danh hội nghị do chính quyền tổ chức để làm trò đê tiện như vậy?

Ðã qua rồi cái thời có thể hoàn toàn bưng bít thông tin để rồi cứ không ưa ai đều có thể trùm chăn đánh đến chết rồi vu cho là chống Ðảng, là gián điệp ....Thế giới ngày nay đã sát lại bên nhau đẻ có thể nghe rõ tức thời cả những suy tư thấm đậm nhân bản, rực rỡ trí tuệ của các bậc chí sỹ anh minh lẫn những thì thào mưu kế hèn hạ của những thủ đoạn vu khống, xuyên tạc bỉ ổi, những chủ trưong đàn áp tinh vi, man rợ thay vì bàn bạc dân chủ, tranh luận công khai. Sợ tranh luận công khai, sợ bàn bạc dân chủ chỉ có thể là biểu hiện của gian tà, xảo trá, bất minh, phi nghĩa, vô đạo.

Thông tin ngày nay không những có khả năng chuyển tải nhanh và rộng khắp mà còn đang được lưu giữ đầy đủ, chi tiết, chính xác trong hàng loạt ổ cứng, đĩa mềm. Có thể tạm thời sử dụng bạo quyền để lấn át, để vùi dập, đẻ xuyên tạc nhưng chắc chắn sẽ không thể nào chạy tội được trước nhân dân, trong lịch sử. Không phải chỉ có toà án lương tâm, mà khả năng của những phiên toà thực sự công lý ngay trên đất nước này sẽ trở thành hiện thực không sớm thì cũng chẳng còn lâu la lắm nữa. Hãy trông gương, có kẻ đã được vùi thây trong cái nghĩa địa cao sang nhất rồi mà phân người vẫn quết đầy lên đó.

Có sai thì hãy dũng cảm sửa sai để trở thành lương thiện. Ðức Thích ca Mầu ni nói : " Thắng một vạn quân không bằng chiến thắng bản thân ". Ðức Ðạt Lai Lạt Ma lại nói : " Luật nhân quả là không nhầm lẫn và không thể tránh : mỗi khi ta đang hại người ta là đang tự hại mình. Mỗi khi ta đem hạnh phúc cho người là ta đang đem lại hạnh phúc cho chính ta trong tương lai "

Hà Nội cuối thu Tân Tỵ

Nguyễn Thanh Giang
Nhà A13P9 – Tập thể Phòng không Hoà Mục
Phường Trung Hoà - Quận Cầu Giấy