"Chia tay ý thức hệ" để "Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ"

 

Đấy là lời kêu gọi thiết tha của tiến sỹ sinh vật học Hà Sỹ Phu - nhà trí thức uyên thâm, nồng nàn yêu nước.

Hà Sĩ Phu tên thật là Nguyễn Xuân Tụ, sinh ngày 22-4-1940 tại thôn Lạc thổ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình nhà nho nghèo. Cha dạy chữ nho, bốc thuốc, làm ruộng, có khoảng mười năm làm hàng mã ở Lạng Sơn. Mẹ buôn bán nhỏ, khi Bắc Ninh - Lạng sơn, lúc Kiến An - Hải Phòng - Hà Nội.

Năm tuổi bắt đầu học chữ nho. Bảy tuổi đi học quốc ngữ ở trường tiểu học Lạc Thổ. Học thành trung (đệ thất đến đệ tứ) tại trường Ngô Quyền (Hải Phòng) và Nguyễn Trãi (Hà Nội), tức là trong vùng Pháp chiếm đóng. Sau 1954, dưới chính quyền mới, tiếp tục học cấp 3 (tú tài) tại trường cấp 3 Trần Phú, Vĩnh Phúc.

Giai đoạn này Xuân Tụ ở với gia đình người anh cả. Do anh cả lương thấp lại đông con, ngay trong những ngày còn học cấp 3 Xuân Tụ đã rủ một bạn cùng lớp mở một cửa hiệu kẻ biển, vẽ quảng cáo để có tiền mua sách vở. Tốt nghiệp phổ thông, xin làm giáo viên cấp 2 hai năm rồi tiếp tục đi học đại học. Chàng sinh viên nhỏ nhắn, tài hoa vừa học vừa nhận vẽ tranh cho nhà trường. Năm 1965 tốt nghiệp khoa Sinh học tại Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Quãng đời học sinh-sinh viên của anh là một quãng đời oanh liệt. Học giỏi cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, năm nào cũng đứng nhất nhì lớp. Bài làm văn của anh thường được thầy đem đọc cho các lớp khác nghe. Ban nhạc, ban kịch, ban báo của lớp không thể thiếu mặt anh. Hiền lành, yêu thầy mến bạn và được bạn mến thầy yêu là những ký ức về anh ở trường.

Tốt nghiệp đại học, Nguyễn Xuân Tụ làm giảng viên Đại học Dược khoa Hà Nội, rồi làm cán bộ nghiên cứu ở Viện Dược liệu Trung ương. Với tư chất trác tuyệt, anh được cử đi làm nghiên cứu sinh ở Viện Hàn lâm Khoa học Tiệp Khắc (1978-1982) về ngành Nuôi cấy mô và tế bào. Nguyễn Xuân Tụ là người đầu tiên đưa cây Tam thất của Việt Nam vào quy trình nghiên cứu nuôi cấy in-vitro tức nuôi cấy trong ống nghiệm (1977) để thu sinh khối và nhân giống.

Về nước với văn bằng Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) ông được giao phụ trách nhóm Nuôi cấy mô những cây thuốc quý tại Viện Khoa học Việt Nam rồi được đề bạt phó giám đốc Phân viện Sinh học Đà Lạt. Năm 1993, do kiên quyết đấu tranh và phản đối những việc làm phi lý, hại cho khoa học, ông nghỉ hưu khi mới 53 tuổi.

Một số bạn bè khoa học ở Tiệp Khắc kể rằng, suốt bốn năm làm nghiên cứu sinh, ông say mê miệt mài đèn sách, không hề biết đến vui chơi, giải trí. Ông tâm sự rằng lúc ấy tâm trí bị lôi cuốn hết vào một ước mơ, khi về nước sẽ phát triển ngành Nuôi cấy Mô và Tế bào mà ông là một trong hai phó tiến sĩ đầu tiên của đất nước về chuyên ngành mới mẻ này. Nhưng, khi về nước ông thấy xã hội đã đổi khác, không còn là cái xã hội đầy lý tưởng và trong sáng như lúc ra đi.

Thế là, ôm trùm lên cái hoài bão nuôi cấy mô và tế bào sinh học là nỗi trở trăn da diết ngày đêm về sự phát triển dị dạng đau lòng của cơ thể xã hội Việt Nam. Và, ông quyết tâm đi tìm cái nguồn cội sâu xa của tội trạng đó.

Cơ duyên của Hà Sĩ Phu với lý luận xã hội học thực ra nẩy sinh đã từ lâu. Ông nói với bạn bè: học bạ của tôi ở Đại học Tổng hợp các môn học đều đạt điểm tối ưu, riêng triết học chỉ đạt điểm trung bình. Ngay khi học triết học mác-xít ở Đại học tôi đã thấy nó vương vướng thế nào ấy. Nó chống lại những tư duy khoa học tự nhiên mà tôi tiếp nhận được, nhất là chống lại Tiến hóa luận rất khoa học của Darwin.

Khi con đường nghiên cứu sinh học bị tắc nghẽn thì cái bào thai lý luận xã hội học đã nảy mầm từ những năm trai trẻ ấy cứ hấp thu sinh khí của cuộc sống mà lớn dần lên. Và, đến ngày tháng nó phải đạp thủng mọi chướng ngại để ra đời.

Năm 1988, cách đây 14 năm, bài Dắt tay nhau, đi dưới những tấm biển chỉ đường của Trí tuệ xuất hiện. Bài viết chỉ vỏn vẹn mười trang. Năm năm sau, Hà Sĩ Phu bồi thêm hai bài nữa, dài hàng trăm trang, toàn diện hơn, sâu sắc hơn, quyết liệt hơn, giàu tính học thuật hơn. Đó là các tác phẩm: Đôi điều suy nghĩ của một công dân Chia tay Ý thức hệ.

Ba bài lý luận cơ bản đó thể hiện quá trình diễn giải và quy nạp xã hội học một cách khoa học và hệ thống của nhà trí thức tài năng và can trường này.

Đã từng miệt mài trong nghiên cứu khoa học tự nhiên, Hà Sĩ Phu hiểu khoa học ứng dụng chỉ có thể xuất hiện và phát triển trên nền tảng của khoa học cơ bản. Ông cho rằng trong khoa học xã hội cũng vậy, muốn xử lý những vấn đề của con người và xã hội trước hết phải hiểu đúng bản chất con người, bản chất xã hội cùng những quy luật cơ bản chi phối hoạt động và sự tiến triển của con người và xã hội. Vì thế, Hà Sĩ Phu không dành tâm lực bàn về những vấn đề chính trị và xã hội của Việt Nam hiện nay, mà quyết định trước hết phải cày xới lại những nhận thức cơ bản kia, những nhận thức mà ngày nay người thì cho là không cần bàn tới, người thì cho rằng những nhận thức ấy đã được nhân loại giải quyết xong từ lâu, hoặc cho đó là những vấn đề viển vông, hoặc cho rằng trong chủ thuyết Mác-Lê thì những vấn đề cơ bản ấy đã được nhận thức đúng, nếu có điều gì chưa đúng thì chỉ thuộc những phần vận dụng thôi. Hà Sĩ Phu cho rằng nguyên nhân dẫn dến những trục trặc khi vận dụng nằm ngay trong điểm xuất phát, từ những nhận thức cơ bản, từ trong nguyên lý thiết kế, nên đã kiên nhẫn lục soát lại từ gốc, đặc biệt là phần Duy vật lịch sử - phần triết lý về xã hội của Mác. Cứ thế, lần lượt từng công đoạn ông đã chỉ ra cho công chúng những lỗ hổng, những sai lạc, những ngộ nhận, những vết kém phẩm chất ngay tại những hòn đá tảng dùng để thiết kế nên cái đại công trình nhân loại có tên là Chủ nghĩa Xã hội. Trong đó, quan trọng hơn cả là ba luận điểm cơ bản sau đây:

I) Trí tuệ là yếu tố quyết định sự tiến hóa của xã hội:

Theo Hà Sĩ Phu thì toàn bộ vũ trụ, cả thế giới vô sinh và hữu sinh, trong đó bao hàm cả hai mặt vật chất và tinh thần không thể tách rời, đều tiến hóa từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp lên cao.

Về quy luật tiến hóa của giới sinh vật thì khoa học tự nhiên đã khảo sát rất kỹ. Trong thế giới sinh vật, loài người là dạng cao nhất nhưng cũng không vượt ra ngoài những quy luật tiến hóa của sinh giới nói chung như học thuyết Darwin đã tổng kết. Tuy nhiên, ở loài người xuất hiện bước tiến nhảy vọt mang tính đặc thù là trí tuệ. Trí tuệ được lưu truyền và tích lũy trong ngôn ngữ, văn tự cũng như trong công cụ sản xuất và tư liệu tiêu dùng. Vì thế trí tuệ là dãy số cộng dương cứ tăng liên tục, khiến cho xã hội sau nhất định tiến hóa cao hơn xã hội trước. Các tập đoàn người khác nhau có thể dùng trí tuệ để tiêu diệt nhau nhưng chính trí tuệ thì không bị tiêu diệt; chẳng những thế, không lùi mà chỉ gia tăng. Chính dòng gia tăng không ngừng của trí tuệ mới thực sự là "cái lõi bên trong của dòng tiến hóa. Sự đấu tranh nói chung (trong đó có đấu tranh giai cấp) chỉ là cái vỏ bên ngoài, là hiện tượng kèm theo của sự tiến hóa, chứ không phải động lực của sự tiến hóa như học thuyết Mác-Lê đã lầm tưởng và khẳng định". Học thuyết mác-xít nói đến tiến hóa của loài người mà không thừa nhận những quy luật tiến hóa của Darwin (trước hết là quy luật đấu tranh sinh tồn) là một sai lầm tai hại. Không thấy rõ hạt nhân của tiến hóa là trí tuệ, quy cho hạt nhân tiến hoá xã hội là đấu tranh giai cấp, học thuyết Mác chẳng những đã coi nhẹ vai trò hợp tác toàn cầu của trí tuệ mà còn dẫn dắt toàn cầu vào trận chiến đấu tranh giai cấp một mất một còn triền miên. Cho nên, dù muốn hay không, ở đây cũng biểu hiện tính phi nhân bản của chủ nghĩa Mác.

Hà Sĩ Phu còn vạch rõ rằng ngay cả khi phân tích về sự bóc lột giá trị thặng dư, Mác cũng bộc lộ sự coi nhẹ vai trò của trí tuệ. Đây cũng lại là lỗ hổng rất lớn của học thuyết kinh tế mác-xít.

Đưa trí tuệ thành hạt nhân, thành động lực tiến hóa thay thế cho đấu tranh giai cấp có thể được coi là hòn đá tảng trong nhận thức tiến hóa của Hà Sĩ Phu, đối chọi quyết liệt với hòn đá tảng của học thuyết mác- xít. Vì thế không có gì lạ khi bài Dắt tay nhau, đi dưới những tấm biển chỉ đường của Trí tuệ (1988) vừa ra đời đã bị các nhà lý luận mác-xít tập trung phê phán quyết liệt trên các báo và tạp chí lý luận. Người ta công kích rằng: học thuyết Mác đã là kết tinh cao nhất của trí tuệ rồi, theo chủ nghĩa Mác là đủ, nhấn mạnh trí tuệ nữa là thừa!. Tuy nhiên, phê phán Hà Sĩ Phu thì cứ phê phán nhưng Đại hội Đảng lần thứ 7 cũng đã lần đầu tiên phải đưa trí tuệ thành một tiêu chí của Đại hội !. Đến nay, các nhà lý luận mác-xít ngày càng ít nói tới đấu tranh giai cấp, trong khi đó, những khái niệm kỷ nguyên văn minh tin học, toàn cầu hóa, kinh tế tri thức đang tràn ngập xã hội. Phải chăng luận điểm của Hà Sĩ Phu về trí tuệ trong tiến hóa mặc nhiên đã được chứng minh ?.

II) Xã hội là một hệ thống phân cực:

Từ sự tiến hóa của tất cả tất cả các loài động vật có đời sống xã hội mà đỉnh cao là xã hội loài người, Hà Sĩ Phu khái quát rằng thuộc tính tất yếu của đời sống xã hội là tính có tổ chức, trong đó tất yếu hình thành hai cực thống trị và bị trị (hoặc lãnh đạo và bị lãnh đạo). Đó cũng là thực chất của sự phân chia giai cấp. Nhưng, đối lập với học thuyết đấu tranh giai cấp mác-xít, Hà Sĩ Phu không cho rằng hai giai cấp thống trị và bị trị là đối kháng một mất một còn, mà có quan hệ vừa tương sinh vừa tương khắc, vừa mâu thuẫn vừa thống nhất, không thể tách rời nhau; vừa đấu tranh với nhau vừa là tiền đề của nhau, nương tựa vào nhau mà phát triển. Thế mới là biện chứng. Coi giai cấp thống trị là kẻ thù một mất một còn của giai cấp bị trị và chủ trương xóa bỏ giai cấp, để cho giai cấp bị trị tự quản như chủ nghĩa Mác-Lê là hoàn toàn phi thực tế, phi khoa học. Bởi vì, chính từ chỗ tự quản này sẽ lại hình thành sự phân cực mới, lại hình thành giai cấp bị trị và thống trị mới. Nó cũng giống như khi chặt bớt một cực của thanh nam châm thì chính tại chỗ chặt sẽ hình thành cực khác vì các thanh nam châm bao giờ cũng có hai đầu. Thực tiễn dường như đã chứng thực luận điểm này của Hà Sĩ Phu.

Tuy nhiên, hệ quả của luận điểm cơ bản này mới đáng quan tâm hơn. Thừa nhận tính phân cực là tất yếu thì sự đấu tranh để phát triển không dẫn tới sự loại trừ nhau, mà dẫn tới một tương quan hợp lý hơn trong đó có quyền lợi hợp lý của cả hai bên. Từ đó bảo đảm sự phát triển bền vững hơn của toàn xã hội. Theo ông, sự thừa nhận lẫn nhau này chính là cội nguồn của dân chủ. Đây là một trong những luận cứ quan trọng để Hà Sĩ Phu kết luận chủ nghĩa Mác đã giải sai bài toán của nhân loại. Đây cũng đồng thời là một luận điểm quan trọng để Hà Sĩ Phu nói rằng, trong triết học mác-xít thì phần Duy vật lịch sử đã chống lại phần Duy vật biện chứng vì đã đưa ra những giải pháp ảo tưởng cực đoan phi biện chứng.

Nhận thức như Hà Sĩ Phu thì dân chủ không chỉ là một phong trào, không chỉ là xu hướng của tổ chúc này hay tầng lớp nọ, không chỉ là con đường của quốc gia này hay dân tộc kia, mà dân chủ là con đường tiến hóa tất yếu, là đáp án không thể khác để giải bài toán khó nhất về tổ chức xã hội của loài người đối với quan hệ giữa hai cực lãnh đạo và bị lãnh đạo. Từ đây thấy rằng, lấy tính đặc thù của quốc gia để ngăn chặn sự phổ cập của dân chủ chỉ là sự ngụy biện mờ ám.

Hà Sĩ Phu không hề phủ nhận đấu tranh giai cấp mà còn coi sự đấu tranh giữa hai giai cấp đối lập là tất yếu và luôn luôn cần thiết. Nhưng chủ trương đấu tranh giai cấp một mất một còn để xây dựng một xã hội mới không còn giai cấp thì chỉ là ảo tưởng về mục đích và quá tả về biện pháp. Mặt khác, khi kiềm chế sự tranh đấu của giới bị trị (vì cho rằng không còn giai cấp đối kháng) thì tức là lại chuyển sang quá hữu vì nó triệt tiêu lực thúc đẩy từ tầng lớp bị trị. Hà Sĩ Phu kết luận: về mặt đấu tranh giai cấp thì Chủ nghĩa Mác phạm cả hai sự thiên lệch cực đoan: vừa tả khuynh vừa hữu khuynh !.

III) Chuyên chính vô sản là biến tướng của nền đức trị phong kiến:

Hà Sĩ Phu cho rằng các nền chính trị xưa nay chung quy đều thuộc về một trong hai hệ: Đức trịPháp trị.

Bắt cả xã hội phải quy về một mối dưới sự hướng đạo của một cái thiện độc tôn, đó là đức trị. Đức trị không thừa nhận sự đa dạng của xã hội, không thừa nhận đối lập chính trị.

Trong nhiều thế kỷ, người ta cho rằng ép xã hội vào cái khuôn thiện như thế là đạo đức. Dần dần con người mới nhận ra tư duy này thật là ấu trĩ. Điều nghịch lý đã hiện hữu trong nhiều triều đại: đức trị thường dẫn đến cực đoan, tàn bạo và chống lại quyền con người.

Không chấp nhận có cái thiện độc tôn, mà thừa nhận tính đa dạng của xã hội, trong đó tất yếu có đối lập; từ đấy chủ trương xã hội phải được điều hành bằng một khế ước xã hội do cả cộng đồng đa dạng và đối lập tạo nên. Đấy là cơ sở hình thành pháp trị. Nền chính trị pháp trị là bước tiến nhảy vọt của nhận thức xã hội. Nó phù hợp với thực tế khách quan và mở đường cho sự phát triển như vũ bão của trí tuệ, của nhân quyền và văn minh nói chung.

Pháp trị chính là sự triển khai về chính trị của quy luật dân chủ hóa như cách phân tích ở trên. Nó là hệ quả tất yếu của tính phân cực. Do vậy dân chủ tất yếu phải đa nguyên. Điều này đối lập hoàn toàn với tất cả các nền đức trị, luôn chủ trương nhất nguyên, hoặc ở dạng này hoặc dạng khác. Theo Hà Sĩ Phu, nền đức trị đạt đến cực thịnh ở chế độ phong kiến và, chuyên chính vô sản là một biến tướng của đức trị ở thời điểm mà chế độ phong kiến đã cáo chung nhưng nền pháp trị mới hãy còn manh nha. Ông gọi chuyên chính vô sản là triều đại phong kiến cuối cùng, là phép thử cuối cùng của triết lý đức trị trước khi tắt hẳn.

Khái niệm Đức trịPháp trị được Hà Sĩ Phu dùng với một nội hàm triết học như đã trình bày. Không thể hiểu chung chung rằng một xã hội có pháp luật hay đề cao pháp luật là một xã hội pháp trị. Nếu pháp luật xây dựng từ một quyền lực độc tôn, dựa trên một ý thức hệ độc tôn, với những đặc trưng cơ bản của triết lý đức trị thì xã hội đó không thể là xã hội pháp trị, nhà nước đó không thể là nhà nước pháp quyền. Do vậy, một khi đã chủ trương chuyên chính vô sản thì không thể nói đến nhà nước pháp quyền theo nghĩa chân chính đích thực của từ này. Và, khi không xây dựng một nhà nước pháp quyền chân chính vững mạnh thì không thể có khả năng quản trị một xã hội hiện đại với văn minh tin học, thị trường toàn cầu, pháp lý toàn cầu, cạnh tranh khốc liệt và đòi hỏi nhân quyền cao như hiện nay. Đó là ý nghĩa thực tiễn trong quan điểm lý luận này của Hà Sĩ Phu.

***

Ngoài ba luận điểm chính kể trên, trong ba tiểu luận của mình, Hà Sĩ Phu đã đưa ra rất nhiều kiến giải có tính triết học, chính trị học, văn hóa học, tâm lý học Chúng tôi lưu ý hơn cả đến mấy luận điểm sau đây:

1) Thuyết tam duy

Hà Sĩ Phu phân chia mọi người trong mọi xã hội thành 3 loại: người duy lý lấy nhận thức lý trí làm chuẩn, người duy tín lấy tình cảm và niềm tin làm chuẩn, người duy lợi lấy lợi ích làm chuẩn. Ông liên tưởng ba bộ phận xã hội đó qua các bộ phận trong cơ thể: khối óc, con tim và cái dạ dày. Ai cũng có đầy đủ ba bộ phận tương thích với 3 yếu tố xã hội nhưng tùy theo độ trội của yếu tố nào mà con người có kiểu suy nghĩ và hành động khác nhau. Dẫu sao, yếu tố nào khi trở nên cực đoan, thái quá đều không thể chấp nhận. Người duy lợi dễ cuồng nhiệt với cuộc đấu tranh giai cấp. Chủ nghĩa đấu tranh giai cấp khó có thể xử lý tốt mối quan hệ với người duy lý và duy tín nên dễ có xung đột với trí thức và tôn giáo. Loại người nào thì có sự nhạy cảm với loại ngôn ngữ ấy. Chẳng hạn với người duy lợi hoặc duy tín mà dùng ngôn ngữ duy lý thì sẽ chẳng đạt được mấy hiệu quả.

Dựa trên luận điểm này, Hà Sĩ Phu cho rằng đảng Cộng sản sẽ không bao giờ mắc bệnh giáo điều. Khi thấy Mác-Lê có lợi thì dùng, phần nào không có lợi nữa thì bỏ, lúc Mác-Lê ngáng trở quyền lợi của mình thì bỏ hẳn, thậm chí chống lại mà không tuyên bố hoặc cứ tiếp tục tán dương đầu lưỡi!. Cho nên, khi bàn về tính tiền phong của đảng Mác-xít ông viết: Lý thuyết đó bản chất phi khoa học nên không thể là tiền phong. Không tiền phong nhưng muốn đoạt lấy tiền phong thì quy trình đoạt tiền phong phải gồm 4 công đoạn: 1/ Thấy cái tiền phong thật trái với mình nên quy là phản động và cấm. 2/ Cái tiền phong thật chính là quy luật nên không diệt được, phải để nó tồn tại một cách không chính thức. 3/ Thấy cái tiền phong thật rất hữu hiệu nên cũng làm theo. 4/ Công khai hóa việc làm theo này bằng cách bảo cái tiền phong thật này là của mình, do mình khởi xướng. (Từ chỗ coi kinh tế hàng hoá là phi XHCN đến tung hô kinh tế thị trường XHCN là một trong những ví dụ).

Vậy thì, dù diễn biến thế nào mặc lòng, tất cả những luận điểm mà Hà Sĩ Phu phát hiện có thể cuối cùng Đảng rồi cũng phải chấp nhận hết, miễn đừng phát hiện sớm quá, khi Đảng chưa thể tiếp nhận hoặc chưa thu xếp được để đồng hóa nó. Và, điều quan trọng hơn nữa là, không được lấy những phát hiện đó để chứng minh Mác-Lê sai từ gốc, mà phải nói cách nào đó để chứng minh rằng tất cả những phát hiện này đều đã có trong kho tàng Mác-Lê hay của Đảng từ lâu rồi. Phải biết khôn vặt như mấy kẻ cơ hội, bất kể lẽ phải, bất chấp lương tri, cứ phồng mang lên mà tung hô, cứ một mực cúc cung ra sức tô vẽ thật đắc lực cho cái sự ưu việt của Đảng thì chẳng những không bị trừng phạt mà còn được ban thưởng hậu hĩnh !.

Nhưng là người duy lý, Hà Sĩ Phu đã không ép nổi mình dùng thứ ngôn ngữ của người duy lợi. Sự bi quan và đau đớn của Hà Sĩ Phu là ở chỗ ngay khi viết ông đã biết trước kết cục này. Mâu thuẫn trong Hà Sĩ Phu là mặc dù đã cho rằng cả người lãnh đạo và bị lãnh đạo ở nước Nam này đều ở trong lò võ Trạng Quỳnh mà ra, nhưng vẫn không chịu nương theo ngón võ đó mà hành xử. Ông bảo ông chỉ muốn bộc lộ nhận thức của mình theo đúng tinh thần khoa học chứ không muốn làm chính trị. Thực ra, ông đã không biết làm chính trị theo cái nghĩa thực dụng, cái nghĩa cơ hội đang tồn tại rất phổ biến của nó trong xã hội ta !.

2) Luận điểm về quyền sở hữu và sự chiếm hữu.

Trên cơ sở nhận thức quyền sở hữu cá nhân đối với tư liệu sản xuất là cơ sở vật chất để cá nhân đó tự giành được quyền con người của mình trong cộng đồng xã hội, Hà Sĩ Phu cho rằng vì chủ nghĩa kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể không công nhận quyền sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất chính và kiềm chế kinh tế tư nhân (như trước đây) cho nên ở đây không còn cơ sở vật chất để nói đến nhân quyền.

Phân tích quan điểm mác-xít coi sự chiếm hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất là cội nguồn của bóc lột nên phải xóa bỏ, Hà Sĩ Phu viết: Sự chiếm hữu như căn nhà có hai buồng thông nhau là chiếm hữu tư liệu (có thể quy hết thành tiền) và chiếm hữu quyền lực. Giữa quyền và tiền có quan hệ tương sinh. Mác quá khắc nghiệt với sự chiếm hữu tiền nhưng lại quá nuông chiều đối với sự chiếm hữu quyền. Thử hỏi trong một chế độ tập trung quyền lực thì kẻ nắm hết quyền dại gì mà không sử dụng quan hệ tương sinh vô hạn độ đó để trở thành kẻ chiếm hữu cả quyền lẫn tiền lớn nhất trong xã hội. Cho nên phác định xây dựng một xã hội ưu việt đặc trưng bởi tính công bằng thì thực tế lại tạo nên một xã hội bất công tàn khốc hơn đâu hết !. Đấy cũng là lý do để Hà Sĩ Phu khẳng định sự cần thiết phải phân quyền và tản quyền.

3) Quan hệ khăng khít giữa chính trị và văn hóa.

Quan hệ giữa chính trị và văn hóa tuy không được Hà Sĩ Phu tập hợp thành một chuyên mục nhưng lại thể hiện hầu như xuyên suốt trong tư duy, lý luận của ông. Cảm xúc về văn hóa cứ thấm đượm vào từng dòng từng chữ như một chất men, cả ở những bài nghị luận triết học và chính trị, cả những bài văn theo thể tự do, cả những bức thư gủi cho bè bạn... Tư tưởng văn hoá-chính trị Hà Sĩ Phu chứa đựng các nội dung sau:

a - Trên bình diện vĩ mô thì văn hóa quyết định chính trị:

Lúc đầu không khỏi có người ngạc nhiên khi thấy trong các bài nghị luận triết học-chính trị học, Hà Sĩ Phu đã giành một khối lượng to lớn và bao trùm cho những vấn đề văn hóa: tính cách Á đông, tính cách Việt Nam, ba loại người (tam duy), tầm văn hóa của trào lưu cộng sản, vấn đề dân trí, vấn đề nhân cách, quân tử và tiểu nhân, quốc nạn dối trá, sự ngụy biện, lò võ Trạng Quỳnh ... vân vân. Thực ra Hà Sĩ Phu muốn biểu đạt rằng mọi biến cố về chính trị và kinh tế dẫu thiên hình vạn trạng vẫn diễn ra trên một cái nền cố kết, đó là bản chất văn hóa, là thực trạng văn hóa của cả cộng đồng dân tộc trong một quốc gia. Trong tác phẩm Đôi điều suy nghĩ của một công dân ông viết: Kẻ chiến thắng cuối cùng là văn hóa. Khi nói về nhân dân, ông hiểu linh hồn của nhân dân là văn hóa, sức mạnh thực chất của một nhân dân là ở nền văn hóa của nhân dân ấy, cho nên nhân dân nào thì thành tựu ấy, nhân dân nào thì tai vạ ấy. Việc đổi mới, nếu thực là một sự nghiệp lớn thì phải là sự kiện cả dân tộc chuyển mình, tự vượt qua mình mà đi lên, chứ không phải chỉ là thay đổi một đường lối, thay đổi các chính sách. Chính sách nào thì cũng chính những con người ấy thực hiện. Không thay đổi được nhận thức, tâm lý, tập quán thì quanh đi quẩn lại vẫn như thế mà thôi.

Cho rằng một dân tộc muốn chuyển mình và vượt qua mình, tất nhiên phải biết rõ mình, nhất là biết rõ các cố tật đã ghìm chân mình bao đời nay. Dân tộc ấy, do vậy, phải biết tự phê phán. Thế là, Hà Sĩ Phu xung phong đứng ra tự phê phán dân tộc mình.

Theo Hà Sĩ Phu, tật xấu của người Việt nam cần phê phán nhất là tính thực dụng, sự khôn vặt. Con người Việt Nam tuy rất thông minh nhưng vì chủ yếu hướng trí thông minh vào mục tiêu thực dụng và biện pháp khôn vặt nên hình thành một loạt biến chứng như:

- Không có tư tưởng, chỉ thích nghi vặt, chắp nhặt, vá víu, dung hòa, pha trộn, tùy tiện, thiển cận, gặp đâu thì đối phó đấy, khi cần lại thay đổi như không, miễn sao thấy lợi trước mắt là được, còn bản chất nó là cái gì thì không quan trọng. Vì thế mà một mặt rất coi trọng cái thiện cái mỹ, nhưng mặt khác lại coi nhẹ cái chân. Theo Hà Sĩ Phu thì đặc điểm này giúp cho sự bảo tồn, nhưng không thể độc lập tiến lên thành một bản lĩnh gì mới được !. Từ đây mà đành chỉ ký sinh vào những giá trị văn minh của người khác, tuy rất thông minh và đầy khả năng sáng tạo.

- Tuy giầu tình người, tình làng nghĩa xóm, nhưng thiếu ý thức xã hội nên rất cục bộ-địa phương.

- Giàu bản năng hợp quần để chống kẻ thù xâm phạm bờ cõi, nhưng trong nội bộ dân tộc thì sẵn sàng chiều lòng bề trên để được yên phận. Anh hùng trước kẻ thù nhưng hèn nhát trước người cầm quyền. Đây là nhược điểm nghiêm trọng trong tiến trình dân chủ hóa xã hội.

- Sự thông minh khi đem trộn với những đặc điểm trên ắt sinh ra mẹo vặt, bạt ngàn mẹo vặt. Bước quá đà của mẹo vặt là dối trá. Hậu quả của dối trá là sự tàn phá nhân cách. Do vậy sẽ không thể nào hành xử như người quân tử, mà chỉ là những kẻ tiểu nhân. Điều hiểm ác là, kẻ tiểu nhân lại thường khi dễ dàng hạ đo ván các bậc quân tử.

Cho nên, trong khi khẳng định Người chiến thắng cuối cùng là văn hóa thì Hà Sĩ Phu lại nhận định: Trong một cuộc đối đầu trực tiếp, thì có tình trạng ngược lại, kẻ chiến thắng là cái thiếu văn hóa, thậm chí càng thiếu văn hóa càng dễ chiến thắng. (Xem Chia tay Ý thức hệ , phần Tầm văn hóa thấp của trào lưu cộng sản). Có chỗ ông viết dùng cái mặt trái của con người để chiến thắng cái mặt phải của con người. Điều này xét ra thật đau lòng, nhưng là thực tế không ít người từng trải nghiệm.

b) Trong những cục diện trước mắt thì chính trị quyết định văn hóa.

Khi bàn về Nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa Hà Sĩ Phu gọi đây là đứa con lai láu cá. Cho nên trong khi nhiều người lo sợ rằng như vậy kinh tế sẽ bị cản trở và không tiếp tục phát triển được, Hà Sĩ Phu lại tuồng như thản nhiên. Ông cho rằng khôn ngoan như người Việt Nam thì không phải lo về chuyện làm ăn kinh tế. Cái đáng lo là khi sự dối trá đã ở tầm quốc sách thì tất cả những quan hệ gia đình và xã hội cũng sẽ vỏ một đằng ruột một nẻo và thế thì xét về mặt văn hóa dân tộc mình là kẻ thua cuộc nhưng về mặt kinh tế thì có thể nhất thời thành đạt !. Dân tộc có thể trở thành kẻ giàu có nhất vùng nhưng sẽ không thoát khỏi tầm một kẻ làm giàu hãnh tiến. Cái gì rồi cũng có cả, đừng lo, có thiếu chăng chỉ thiếu một sự tử tế !. Nếu khôn khéo ta có thể thoát khỏi những cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng dân tộc lại phải đương đầu với một cuộc tổng khủng hoảng nhân cách !. Nhiều chỗ ông nhắc đến một "xã hội lộn ngược do thang giá trị bị lộn ngược !". Có lần ngồi tâm sự với bạn bè ông lo ngại: Ai cũng nói tình trạng dân trí thấp, tưởng như ý kiến thống nhất nhưng đến khi hành động để nâng dân trí lên mới thấy ý kiến ngược nhau hoàn toàn. Tuyên truyền cho dân chỉ biết tiếp thu một chiều, chỉ biết nghe theo, chỉ biết quan tâm đến cái gì đã được định hướng, ngoài ra không biết độc lập suy nghĩ, không biết tiếp nhận cái gì khác nữa thì chính là làm cho dân trí thấp đi chứ sao lại là nâng lên. Một lần khác ông lại viết: Nói những khiếm khuyết ấy là do truyền thống muôn đời để lại cũng chỉ đúng một phần, phần lớn là do người cầm quyền đã dày công tôn tạo !.

Tiếp tục biện giải, ông còn cho rằng sự du nhập của chủ nghĩa Mác-Lê đã củng cố mạnh mẽ hơn cho những nét tiêu cực của tính cách Việt Nam. Đến thời kỳ đổi mới thì đường lối kinh tế thị trường theo định hướng XHCN lại càng ảnh hưởng tiêu cực đến tính cách Việt Nam nhiều hơn nữa. Chính trị rõ ràng đã và đang chi phối văn hóa !. Vì vậỳ ông khẳng định: muốn có đổi mới phải bắt đầu từ dân trí.

Trong phần mở đầu bài Chia tay Ý thức hệ Hà Sĩ Phu đã bầy tỏ mối lo ngại rằng việc cố duy trì một chủ nghĩa vô hồn bị thời đại đào thải sẽ tạo ra một khoảng trống ghê rợn. Hà Sĩ Phu muốn nói đến một khoảng trống văn hóa, khoảng trống tâm hồn, khoảng trống lý tưởng, khoảng trống nhân cách.

Có người nhận định: Người ta quy cho ông tội phản quốc có lẽ do ông đã khơi ra và đi sâu vào vấn đề mang tính văn hóa này, chứ chưa hẳn chỉ vì ông đã phanh phui tính phi khoa học của một học thuyết.

***

Hà Sĩ Phu ra sức chứng minh chủ nghĩa Mác-Lênin là một học thuyết có nhiều thiện tâm nhưng ảo tưởng, thiếu khoa học, nên cuối cùng sẽ bị thời đại đào thải. Tuy vậy, cũng như nhiều người, ông thừa nhận ở giai đoạn đầu nó có tác dụng tích cực trong việc động viên phong trào dân tộc chống đế quốc, giành độc lập. Điều này quyết định tính hai mặt của nhiều đảng Cộng sản. Ở Việt Nam và các nước cùng hoàn cảnh, đảng Cộng sản đều đi lên bằng hai chân, từ hai nguồn gốc. Một từ tiếng gọi của chủ nghĩa yêu nước, một từ tiếng gọi của chủ nghĩa đấu tranh giai cấp để xây dựng thiên đường mới.

Với đảng CSVN ông khẳng định chủ nghĩa yêu nước là chân trụ, nên đảng có một giá trị tự thân trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Không cần đến chủ nghĩa Mác-Lê, Đảng cũng tự khẳng định được chỗ đứng của mình trong dân tộc. Đứng vững trên chân trụ ấy, như đã qua sông thì bỏ con thuyền ở lại, Đảng có thể và cần khéo léo tháo bỏ cái chân ảo tưởng lỗi thời bên kia đi rồi thay thếù bằng một chủ nghĩa quốc tế khoa học và hiện đại, dân chủ pháp trị. Như vậy, đứng trên đôi chân mới, Đảng sẽ đoàn kết được toàn dân tộc, lấy lại được sức mạnh của mình, hòa nhập vào thế giới và đưa dân tộc vào nền văn minh toàn cầu.

Nhưng khốn nỗi, chính cái chân đang thoái hóa kia mới tạo ra đặc quyền đặc lợi mà không ai can thiệp vào được. Oái oăm thay, vì cái lợi ấy của Đảng, mà dân tộc phải trả giá. Vì cố giữ cái chân đang hoại thư đó mà cơ thể xã hội đã và đang sinh ra đủ thứ bệnh tật. Còn ngoan cố giữ cái chân ấy thì không thể nào chữa được các quốc bệnh nan y. Cho dẫu rằng quá trình đổi mới đã đưa ra được nhiều sách lược khôn khéo và tài giỏi giúp vượt thoát vòng tử nạn, nhưng nguồn bệnh tự tâm can mà chỉ lo đắp vá chạy chữa biểu bì thì những khốn nguy của bạo bêh vẫn ẩn tàng đâu đó. Chẳng chóng thì chày, lịch sử sẽ bắt ta quay trở lại, giải quyết đúng cái điều mấu chốt mà ta đã cố tình bỏ qua.

***

Trong cả tư duy lẫn cách diễn đạt, Hà Sĩ Phu thường rất chú trọng tính logic, tính hệ thống. Từ đây, ông đã có những phát hiện độc đáo. Tôi rất nhớ cái lập luận Hà Sĩ Phu dùng để tranh luận với Mác về động lực của tiến hóa. Theo Mác, trong cái dòng chảy bất tận của xã hội loài người thì chỉ có một giai đoạn là có giai cấp, trước đó chưa có giai cấp và sau đó thì không còn. Mác nói: trong giai đoạn có giai cấp thì động lực của tiến hóa là sự đấu tranh giai cấp. Hà Sĩ Phu nêu câu hỏi, vậy ở giai đoạn trước đó và sau đó thì động lực của tiến hóa là gì ? (tất nhiên Mác không trả lời được vì chưa thấy Mác nghĩ đến chuyện này). Mác chưa khảo sát cái toàn bộ mà đã khẳng định cái cục bộ thì sao gọi là biện chứng !. Hà Sĩ Phu thêm một lần lại khẳng định: nếu khảo sát cái toàn bộ hẳn Mác sẽ thấy sự tiến hóa chỉ có một động lực xuyên suốt từ đầu đến cuối là sự tích lũy và gia tăng không ngừng của trí tuệ.

Đấy là kết quả tư duy, lý luận hệ thống theo chiều dọc. Một ví dụ về hệ thống theo chiều ngang là khi Hà Sĩ Phu nói về tính tổ chức, tính kết cấu của xã hội loài người theo từng cấp độ từ thấp lên cao: cá nhân, vợ chồng, gia đình, dân tộc, giai cấp, quốc gia, quốc tế (nhân loại). Trong chuỗi tổ chức ấy chỉ có cá nhân và nhân loại là gần như vững bền tuyệt đối. Hai đơn vị này có phẩm chất tương thích với những giá trị nhân quyền thuần khiết. Thứ đến là vững bền kết cấu dân tộc, đơn vị có ý nghĩa văn hóa. Trong khi đó, quốc gia là đơn vị kết cấu hành chính nên ý nghĩa của nó đang có xu hướng giảm dần theo lịch sử. Ý nghĩa của lòng yêu nước cũng vậy.

Trong mỗi kết cấu ấy con người chịu một sự ràng buộc nhất định, nói khác đi là con người bị mất tự do vì rất nhiều tầng ràng buộc. Nhưng, xu hướng tiến hóa là cá nhân con người phải ngày càng được tự do. Cho nên, tiến hóa cũng đồng thời cuốn theo tiến trình giải phóng con người. Cuối cùng rồi sẽ chỉ còn là những cá nhân sống trong nhân loại.

Muốn giải phóng con người thì tất cả các tầng trói buộc đều cần được tháo gỡ. Chừng nào còn bất kỳ một tầng trói buộc nào là cá nhân vẫn chưa có tự do. Nắm vững ý nghĩa của sơ đồ tổng quát ấy ta có thể tự giải đáp nhiều vấn đề. Ví dụ khi nhà nước bị thế giới phê phán là đối xử với nhân dân mình (tức quan hệ trong một quốc gia) còn thiếu dân chủ mà ta lại cãi rằng nước mình đã chiến đấu giành độc lập tức là đã có thứ nhân quyền lớn nhất rồi, thì rõ là không thể thuyết phục nổi ai. Dùng thủ pháp vãn học, Hà Sĩ Phu hài hước: như thế khác nào anh chồng mở toang cổng chính bên ngoài nhưng vẫn nhốt chặt vợ mình trong buồng mà phân bua với hàng xóm rằng: cổng chính đã mở toang thế kia mà vợ tôi vẫn kêu chưa có tự do là nghĩa làm sao. Cho nên nói chủ quyền quốc gia cao hơn nhân quyền lại càng vô nghĩa nữa. Mà nói cho cùng, đối với người chồng gia trưởng kia thì chủ quyền quốc gia cũng chẳng quan trọng đâu, chỉ có cái gia quyền mà anh ta đang nắm giữ là quan trọng thôi !. Tung hô chủ quyền quốc gia chẳng qua cũng chỉ để ngụy biện, kẻ đang nắm giữ cái quyền gì cho mình thì bảo quyền ấy cao hơn tất cả.

***

Tại Hội nghị Trung ương 5 bàn về công tác lý luận trong tình hình mới, tổng bí thư Nông Đức Mạnh kêu gọi: ... phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể, phân tích và đánh giá tình hình trong tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, thẳng thắn nêu lên các vấn đề cần tranh luận để đi đến chân lý, tập trung thảo luận vào những vấn đề mấu chốt .... Hưởng ứng lời kêu gọi đó, tôi đã bỏ khá nhiều công sức lục tìm và đọc lại mấy tác phẩm lý luận cơ bản của Hà Sỹ Phu. Tôi, thêm một lần, càng hết sức ngạc nhiên. Không chỉ vì cái tầm lớn lao, sâu sắc của tác phẩm mà còn vì không thể nào hiểu nổi vì sao lại có sự cay đắng đến nhường ấy cho số phận của tác phẩm và tác giả !.

Còn nhớ, vào thời gian tác phẩm triết luận đầu tay của Hà Sĩ Phu ra đời, trong một buổi đăng đàn của ông, một nhà lý luận văn học lão thành có uy tín lớn bỗng như ngộ ra và thốt lên: "Rất có thể từ buổi hôm nay sẽ hình thành một cái gì đây !". Nhà thơ Bùi Minh Quốc thì nói: "Đây là một quả bom! Chúng ta sẽ công bố, chính tinh thần cách mạng và cầu thị của Mác sẽ ủng hộ chúng ta !".Tạp chí Lang Bian định đăng vào số 4, nhưng đến số 3 đã bị đình bản. Tạp chí Sông Hương viết thư cho Hà Sĩ Phu đánh giá rất cao bài này và công bố sẽ đăng vào số 37, nhưng bị kiểm duyệt phải thay bằng bài khác của Hà Sĩ Phu, Biện chứng và ngụy biện trong công cuộc đổi mới. Rồi từ đấy bài viết không được đăng ở đâu cả. Thế nhưng, điều kỳ lạ là sau đó hàng loạt bài công kích lại rầm rầm nổ ra trên rất nhiều sách báo, tài liệu của Đảng, kể cả trên báo Nhân dân và trong tài liệu chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ 7. Hơn một năm trời bộ máy chuyên chính vô sản chống lại kịch kiệt bài viết này, đặc biệt là luận điểm Động lực của tiến hóa là trí tuệ chứ không phải đấu tranh giai cấp. Đây là một cuộc chửi nhau mà không có nhau. Người ta bịt miệng Hà Sĩ Phu lại rồi cứ thế te tát: mày nói thế này, mày nói thế kia. Cả vú lấp miệng em như thế, mồm loa mép dải như thế, nhưng bắt cả nước đứng nghe !. Cái thói cửa quyền, vô lương, bất chính này cho đến nay vấn tiếp tục được duy trì để hành xử với nhiều người khác, trong đó có tướng Trần Độ.

Ít thấy có nhà lý luận nào mà ngay bài viết đầu tiên đã làm bận lòng thiên hạ đến vậy. Kết quả là người ta càng tìm đọc Hà Sĩ Phu nhiều hơn.

Nước ngoài in và dịch thành tuyển tập, tiếng tăm các tác phẩm Hà Sĩ Phu vang dội khắp đông tây. Đau đớn thay, ảnh hưởng trong nước và quốc tế càng lớn, tai ương đến gõ cửa Hà Sĩ Phu càng khủng khiếp hơn. Khi bộ máy lý luận mác-xít của Đảng bất lực, người ta thác quyền cho công an và tòa án ra tay.

Người ta tông xe cho Hà Sĩ Phu ngã nhào để giật túi, cướp cho được lá thư của thủ tướng Võ văn Kiệt, tạo cớ đưa Hà Sĩ Phu ra toà. Nếu đúng lẽ đời thì việc gì phải bàn xem bức thư đó có phải là bí mật quốc gia không, ông Võ văn Kiệt vô tình (thật ra thì có lẽ cố ý) để lọt thư ra ngoài thì ông phải chịu trách nhiệm chứ. Hà Sĩ Phu có đến ăn trộm rồi đem đi bán lấy tiền đâu mà phải chịu tù tội. Tha thiết mong rằng lương tri hôm nay chưa đủ dũng cảm thì ngày mai hãy vì công lý, nhất định đừng quên xét lại tội ác vụ kỳ án này.

Hiện nay ông vẫn bị quản chế tại căn phòng 23 mét vuông thuê của nhà nước, trong khu chung cư của Viện khoa học Việt nam ở 4E Bùi thị Xuân, Phường 2, thành phố Đà Lạt. Căn phòng nhỏ đã chịu 3 lần khám xét, lục soát. Điện thoại bị cắt từ lâu. Hàng tháng phải lên trình diện ở phường, phải khai báo tất cả những ai đến thăm, nếu khai còn sót công an sẽ đưa sổ ghi ra đối chiếu và nhắc nhở. Mới 62 tuổi mà râu tóc bạc phơ, trong người mang đủ thứ bệnh tật. Sách có câu Nhất dạ sầu, tu mi tận bạch !. Huống chi nỗi sầu thế sự đã chục năm trời, tù túng đã 7-8 năm nay. Nhưng ai gặp gỡ, trò chuyện với ông vẫn thấy rất vui. Ông nói giữ được như vậy đến hôm nay là nhờ có sự động viên quý giá của những người hiểu biết và có tấm lòng, của bầu bạn khắp nơi, đặc biệt của bà Đặng Thanh Biên, người bạn đời dũng cảm rất hiểu chồng đã tận tuỵ chia ngọt sẻ bùi cùng ông suốt những năm tháng gian nan.

Có người bảo Hà Sỹ Phu là niềm tự hào của triết học nước ta. Tôi không được học khoa xã hội một cách hệ thống, không thông tuệ triết học nên không đủ khả năng ước định, song le, tôi vẫn mong sao Hà Sỹ Phu xứng đáng như thế.

Hà Nội, Xuân Nhâm Ngọ
Nguyễn Thanh Giang
Nhà A3P9 Tập thể phòng không Hoà Mục
Phường Trung Hoà- Quận Cầu Giấy