Tôi phớt
lờ như không nhìn thấy, đạp qua cái biển gỗ chắn ngang cửa ghi dòng chữ
thật to : “BỆNH NHÂN NặNG, MIỄN VÀO THĂM” để vào thăm ông mấy lần. Người
con dâu thứ hai cuả ông yêu cầu tôi : “Chú nói chuyện với bố cháu lâu
lâu để bố cháu thức. Không ai nói chuyện, cụ ngủ li bì, đêm lại trằn
trọc”. Một đêm trằn trọc bây giờ của Trần Độ khổ gấp trăm nghìn lần
ngưòi khác. Khổ hơn không chỉ vì nỗi trằn trọc của ông lớn hơn mà còn vì
ông không thể thực hiện những trằn trọc cơ học để giải toả bớt nỗi trằn
trọc trong tinh thần. Ông phải nằm gần như bất động. Cựa rất nhẹ cũng
đau. Năm canh chày vắng lặng bây giờ đối với Trần Độ sẽ hun hút chán chê
biết chừng nào. Nó thực sự là những liều độc dược khủng khiếp đẩy ông
vào cõi chết nhanh hơn.
Vậy thì, muốn cứu chữa ông bây giờ không chỉ cần có thầy, thuốc mà còn
cần các liệu pháp y tế khác, trong đó, sự hỏi han chăm nom thường xuyên
cũng là quan trọng. Nhưng mà, tại sao bệnh viện lại dựng tấm biển như
thế trước lối vào phòng ông? ? ?
Quả nhiên, tấm biển chống lại nghiệp vụ, phản lại y đức kia đã không
ngăn được bất cứ ai thực lòng yêu quý và quan tâm đến Trần Độ. Hầu như
bên ông lúc nào cũng có bạn hữu. Già có, trẻ có... cả những người ở tận
các miền quê xa xôi.
Lần nào đến, tôi cũng gặp một người cỡ ngoại ba mươi dáng vẻ mới từ nông
thôn lên. Tôi tò mò hỏi mới biết anh quê Nam Định. Bố vợ anh trước đây
là cần vụ của tướng Trần Độ. Nghe tin chủ tướng cũ ốm đau, hoạn nạn, ông
bầy tỏ nguyện vọng trở lại công tác như xưa nhưng không hưởng lương.
Riêng dịp này vì bản thân ông cũng đang ốm, ông phải cử con rể lên thay.
Người con rể đành để vợ và hai con nhỏ ở quê, lên Hà Nội trả nghĩa thay
cho bố vợ. Anh túc trực 24/24 ở đây, ngoại trừ những lúc đi ăn cơm bụi.
Lần này, tôi không mua quà bánh gì cho Trần Độ mà biếu anh một phong bì
nhỏ. Bạn tôi phải động viên mãi anh mới nhận. Tôi nói sang : “ Để thỉnh
thoảng anh làm một cốc bia hơi thôi mà !”. Nhưng rồi, không biết anh có
dám uống bia hơi một cách thỉnh thoảng không?
Có những người dân bình thường nhưng sống rất nghĩa tình như vậy.Trong
khi đó! ... ! Tôi thật không còn giữ nổi bình tĩnh để viết một cách bình
thường nữa, mà muốn văng ra hàng loạt câu chửi thô bỉ, thậm tệ.
Đâu rồi? Đâu rồi! Mấy kẻ quyền cao chức trọng, mấy kẻ danh nọ tước kia,
mấy kẻ thường cao giọng rao giảng “ uống nước nhớ nguồn”, “ tình đồng
đội, tình giai cấp “, “ đạo lý xã hội chủ nghĩa “... vân vân...và vân
vân. Sao không mấy ai vào thăm Trần Độ ? Đâu rồi những người ở các cơ
quan cũ? Đâu rồi mấy người đồng cấp nhưng là hậu thế Trần Độ ? Hiện có
bao nhiêu phó chủ tịch quốc hội, tất cả đều bận hàng tháng trời liền sao?
Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá hôm qua đâu? Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá hôm
nay đâu? Các tướng tá Binh đoàn 312 đâu? Ban chỉ huy Mặt trận Giải phóng
Miền Nam xưa kia đâu? ..... ! Tấm lòng của họ chết cả rồi sao? Tinh thần
của họ chết cả rồi sao? Bộ nhớ của họ liệt cả rồi sao? .... Hay là họ sợ
? Sợ gì? Sợ bị theo giõi à? Sợ bị ghi sổ đen à? Ngưòi đương quyền đương
chức thì sợ tuyệt đường thăng tiến, người đã nghỉ hưu thì sợ ảnh hưởng
đến con cái, có phải không? Chảng nhẽ cái chế độ này vẫn còn man dại thế
ư, bất nhân, thất đức thế ư ? Hay là chỉ vì các người đã mất hết nhân
cách, không còn nhân phẩm; các người vì quá nhu nhược nên sợ bóng sợ gió
? Tôi chân tình khuyên các người hãy thành khẩn tự vấn, hãy đứng thẳng
lên mà chiêm nghiệm cho được một nỗi sợ thiêng liêng hơn : nỗi sợ lương
tâm. Nếu các người không còn lương tâm thì các người hãy biết sợ lương
tâm của con cháu các người, nếu bản thân con cháu các người cũng không
có lương tâm thì các người hãy biết sợ lương tâm của lịch sử.
Vì sao Trần Độ bỗng nhiên rơi vào thảm cảnh này? Hãy nghe ông trần tình
trong bức thư đề ngày 10 tháng 7 năm 2001 gửi các ông Nông Đức Mạnh,
Nguyễn văn An, Phan văn Khải :
“... một điều không thể tưởng tượng nổi đã xẩy ra đối với tôi. Ngày 12
tháng 6 năm 2001, trên đường đi photocopy về, tôi bị xe công an bám theo,
ép xe tôi vào lề đường, hai người lạ mặt từ hai phía mở cửa bước lên, ép
tôi vào giữa, tự xưng là nhân viên an ninh, rồi giống như một vụ bắt cóc,
buộc lái xe đưa tôi về trụ sở công an phường 12, quận Tân Bình. Tại đây,
họ đã lập biên bản tịch thu toàn bộ tài liệu của tôi... “
Tại sao công an thành phố Hồ Chí Minh dám ngang ngược, hỗn láo, bạo hành
như vậy? Họ không chỉ hung hăng xé bỏ luật pháp mà còn man rợ chà đạp
lên đạo lý! Trần Độ có đáng tuổi cha, tuổi chú, tuổi ông bọn chúng không?
Thì ra, chẳng qua chỉ vì chúng đã không được dạy dỗ đúng đắn. Nhẽ ra,
theo lẽ đời chính cha chú chúng cũng phải tôn quý Trần Độ thực lòng, bởi
vì, nói chung cha chú chúng hầu như cũng chỉ thuộc loại bố vợ người
thanh niên tôi gặp trên kia thôi mà
Làm sao có thể xác định được tài liệu của Trần Độ là những tang vật phạm
pháp khi người ta chưa đọc nó? Mà dẫu đọc rồi thì không những mấy anh
công an nọ mà ngay cả thủ trưởng cao nhất của họ cũng làm sao đủ trình
độ phán xét ngay rằng đấy là những “ tài liệu có nội dung xấu “?. Xác
định thế nào là ma tuý, thế nào phế liệu hay rác thải công nghiệp đã
không hoàn toàn đơn giản, huống chi đối với một tác phẩm văn học hoặc
một tập chính luận như của Trần Độ. Nhận định một ý tưởng kinh tế- chính
trị như của Kim Ngọc mà đến một nhà lý luận cự phách của Đảng là Trường
Chinh cũng còn mắc sai lầm, huống chi đây chỉ là mấy kẻ võ biền cấp thấp!
Tập tài liệu mà công an thành phố Hồ Chí Minh càn rỡ tịch thu của Trần
Độ là gì.? Đó là 83 trang vi tính tập nhật ký mà Trần Độ cặm cụi ghi
chép ròng rã suốt 6 tháng trời trong thời gian trước, trong và sau Đại
hội IX, từ tháng 11 năm 2000 đến tháng 5 năm 2001. ở đấy là những cảm
xúc chân thành, những suy tư sâu sắc của ông qua quá trình nghiên cứu
văn kiện, lắng nghe các thông tin truyền đạt từ các cơ quan tuyên huấn
của Đảng, Chính phủ, cũng như dư luận của các nhà trí thức yêu nước, các
lão thành cách mạng và các tầng lớp nhân dân trước một kỳ Đại hội Đảng
mà ông cho là có tầm quan trọng đặc biệt.
Hành động bạo ngược của công an thành phố Hồ Chí Minh đã gây một cú sốc
quá mạnh đối với Trần Độ. Thật vậy, ngay đối với một người bình thường,
trẻ tuổi thì hành động đó cũng đã là một sự sỉ nhục ghê gớm. Huống chi
đây là một ông già tiết tháo đã từng thể hiện khí phách ngoan cường
thuộc loại hàng đầu của dân tộc.... Cho nên, chỉ mấy ngày sau đó, ông
đái ra máu và phải cấp cứu, đưa ra điều trị ở bệnh viện Hữu Nghị tại Hà
Nội. Ông viết thư trần tình gửi các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn văn An,
Phan văn Khải nhưng chẳng hiểu vì sao không có hồi âm ! Nỗi dằn vặt, bức
bối, tủi hận trong con người đang đau yếu như ông càng nhức nhối bội
phần. Nó tiếp tục tăng cường tàn phá sinh lực ông, làm rối loạn các chức
năng trong cơ thể ông. Và rồi, thế là ông lại bị ngã. Nhìn ông nằm bất
động, mặt hốc hác, mắt thâm quầng, tôi phải nghiến răng lại để không bật
lên tiếng thét đau lòng giữa phòng bệnh của ông :
· Chúng mày là những kẻ giết người! Giết một trí thức đã từng hô hào
nông dân Thái Bình đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật, giết một tướng tài chỉ
huy binh đoàn 312 anh dũng, giết một phó chính uỷ các đạo quân giải
phóng Miền Nam, giết một Trưởng ban Văn hoá- Văn nghệ Trung ương của
Đảng, giết một Phó Chủ tịch Quốc hội, giết một công thần trên ngực còn
lấp lánh huân chương Hồ Chí Minh....
Vào bệnh viện thăm Trần Độ, nhà văn - đại tá Nguyễn Trần Thiết quá xúc
động đã viết một bức thư dài gửi chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh
Hải : “... Hơn một năm qua, chú không gặp anh Trần Độ. Đến tháng 7-
2001, chú được tin anh Trần Độ bị ốm rất nặng, bệnh viện Chợ Rẫy không
chữa nổi đã chuyển ra Việt Xô. Đồng đội, đồng chí đến thăm anh nườm nượp
về kể cho chú nghe : “ Cụ mệt lắm, nằm thiêm thiếp, mắt lim dim. Ngoài
bệnh hoại thư, đái tháo đường, hiện cụ bị đái ra toàn máu, khó chữa lắm
”. Chú thương anh Độ vô cùng. Sắp chết rồi, anh sẽ mang tâm trạng như
thế nào để về với Bác Hồ? Phải làm cách nào đó để anh Trần Độ hiểu là
những người trung thực, bạn đồng ngũ, đồng chí, đồng nghiệp ( các nhà
văn ) đánh giá về anh rất đúng mức. Chú đã làm xong bài thơ ngày
7-7-2001, trong đó có ý thú vị : người đại diện cho Đảng lại bị khai trừ,
người động viên cả triệu cán bộ, chiến sỹ vì nước quên mình lại là phản
bội.... Chú muốn Thanh Hải dẹp vụ này đi, chỉ cần cháu ngồi tại chỗ,
quay điện thoại, chỉ thị cho người làm sai trả tài liệu cho anh Độ là
xong. Chú kiến nghị là cháu làm cách nào đó để từ nay đến khi anh Độ rời
xa thế giới này sẽ không gặp gì trục trặc đến với Anh nữa .... “.
Nguyên chính uỷ binh chủng đặc công Trần Nhật Độ cũng kiến nghị : “ Đối
với bản hồi ký của anh Trần Độ, tôi đề nghị nên trả lại ngay cho anh ấy.
Một ông già, mình đầy chiến trận, đã gần đất xa trời, hì hục lắm mới
viết được bản hồi ký mà lại vô cớ bị tước đoạt thì thật là tàn nhẫn. Nếu
không trả lại, chắc chắn anh ấy lại viết lân 2, lần 3, lần 4... Tước
đoạt văn kiện, ta chỉ cắt được cái ngọn, mà ngọn thì cứ đâm chồi lên mãi.
Tôi không biết anh Độ viết gì, nhưng tước đoạt văn bản cũng không xáo
được tư duy trong đầu óc anh ấy. Nếu có biết nội dung thì ta chỉ đề nghị
anh ấy khoanh lại, không truyền bá rộng những ý kiến trái ngược... Việc
đó phải do cơ quan lãnh đạo làm chứ không phải do công an đem dùi cui
đến ngăn chặn “.
Cựu chiến binh Trần Đại Sơn, người từng được giao nhiệm vụ bảo vệ cách
mạng Việt Nam thầm lặng và đơn tuyến từ năm 1945 thì tuyên bố : “ Với
con mắt và bộ óc nghiệp vụ được Bác Hồ trực tiếp huấn luyện, tôi nhìn
rất rõ hành động của bon phá hoại đã luồn sâu leo cao trong ngành công
an trong quá khứ và hiện tại “. Ông nêu một nhận định sắc sảo: “ Chúng
lợi dụng quyền lực được giao, khủng bố, đe doạ, bắt bớ những trí thức,
lão thành cách mạng, những tín đồ đạo giáo để phá vỡ khối đại đoàn kết
toàn dân, gây hoang mang trong nội bộ, bôi xấu hình ảnh nước ta trên
trường quốc tế, làm cho ta tiếp tục bị cô lập hoá, ngăn trở đầu tư nước
ngoài, phá đường lối chiến lược xây dưng đất nước của Hồ Chí Minh :
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công “
Tôi không muốn nghĩ đến những gì bi quan về sức khoẻ Trần Độ, tôi mua
vui ông bằng sự tếu tác : “ Thôi cụ ơi! xin cụ tạm đừng trăn trở về đất
nước, về Đảng thân yêu xa ngái của cụ đi, cụ hãy cố nghĩ lấy ít chuyện
tiếu lâm, hài hước để có ai đến thì tuôn ra để tất cả cùng cười, xua tan
âm khí. Hãy quyết sống thêm ít nhất hai nhiệm kỳ Đại hội nữa thì đám
tang mới to được. Cụ mà vội tịch bây giờ thì nhiều người ngại đến viếng
lắm vì họ sợ bị quay phim chụp ảnh đấy cụ ạ “.
Trần Độ bổng mở choàng mắt nhìn tôi, miệng chóm choém như nhai trầu. Tôi
biết ông vẫn quyết sống. Như cuộc đời này, đất nước này đang rất cần ông.
Như tôi và tất cả những người tử tế tha thiết cầu mong.
Hà Nội 5 tháng 8 năm 2001
Nguyễn Thanh Giang
Nhà A13P9 - TTPK Hoà Mục
Phường Trung Hoà- Quận Cầu Giấy |