Vũ Hoàng Phương

Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Đà Nẵng

Ngày 9 tháng 10 năm 1999

Kính anh Thanh Giang

Nhân có nhà tôi ra Hà Nội thăm con gái ( cháu dạy tại khoa Tiếng Việt cho người nước ngoài của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, con dâu ông bà Đặng Vũ Khúc). Cháu vừa sinh con đầu lòng. Tôi viết đôi lời thăm anh, gởi lời đồng cảm cùng anh trong nỗi niềm ưu tư của “số phận”.

Người viết những dòng này chưa có dịp gặp anh, nhưng từ thời còn trẻ, khi còn là sinh viên đã chép thơ anh vào sổ của mình. Trong những năm của thập kỷ này được đọc các bài viết về thế sự và cảm nhận của anh do các bạn của tôi từ Hà Nội gởi vào. Tôi rất cảm kích về suy tư, cách nhìn cùng sự từng trải, hiểu biết của anh trước cuộc sống của nhân quần, trước vận mệnh của đất nước và dân tộc, trước xu thế phát triển dữ dội của thời đại. Nếu tôi được như anh, có lẽ tôi cũng chịu số phận bất hạnh ( nhưng lại là anh hùng thời đại ) như anh.

Tôi nhớ Gơt có nói, đại ý: “ Không phải vĩ nhân đi theo bước đi của nhân loại mà ngược lại nhân loại đi theo bước đi của vĩ nhân ”. Mà vĩ nhân, số phận của họ lắm truân chuyên, chẳng mấy ai thuận buồm xuôi gió. Tôi nghĩ như vậy có đúng không anh? Ngay cả gần ta một con người huy hoàng, đầy vinh quang như Tướng Giáp chẳng hạn, xa ta như Ưc Trai tiên sinh cũng vậy. Đời bao giờ cũng có hậu, Tướng Giáp ngay bây giờ được cả dân tộc sùng kính. Uc Trai trở thành khai quốc công thần của chính triều đại nhà Lê. 600 năm sau được nhân loại bầu là danh nhân văn hoá thế giới. Thanh Giang anh ạ, tôi nghĩ rằng hậu vận của anh ắt sẽ đẹp đẽ.

Tôi vừa nhận được thiên ký sự của anh do bạn tôi cũng từ Hà Nội gửi vào, cách đây chưa đầy một tháng. Tôi, các bạn của tôi kể cả các cụ lão thành cách mạng đồng cảm với tôi, đọc say sưa, biết thêm số phận đắng cay của anh và cả chị ( cùng các cháu ), của kẻ sỹ. Chính được đọc thiên ký sự đó, tôi viết những dòng này cho anh. Xin anh nhận ở tôi tấm lòng, sự đồng cảm của một kẻ sĩ – một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động khoa học xã hội và nhân văn đã bước vào tuổi 70 của đất Quảng, vùng đất nổi tiếng sản sinh ra không biết bao nhiêu nhân cách, danh nhân.

Trong khi nghĩ về anh, tôi liên tưởng đến anh Hoàng Minh Chính, vốn  thủ trưởng của tôi lúc anh ấy làm Tổng Thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bí thư Trung ương đoàn Thanh niên; tôi nghĩ đến GS. Nguyễn Hoàng Phương mà tôi đã tìm cách bênh vực. Với tư cách là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật của một thành phố lớn, tôi đã đề nghị với GS. Hà Học Trạc khi còn là Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tìm cách bênh vực và mở đường tiếp tục sáng tạo khoa học cho anh ấy. Thế nhưng chẳng có ai dám đứng ra bảo vệ, tất cả sự phản ứng, tấn công đến cả cơ quan chóp bu đều đi vào im lặng. Thật đáng buồn và cũng thật đáng trách.

Anh Thanh Giang ơi ! Theo tôi anh có cả niềm vui và hạnh phúc trong cay đắng nghiệt ngã, anh được cả một thế giới kẻ sĩ quốc tế và các cộng đồng đấu tranh cho nhân quyền lên tiếng bênh vực cho anh. Nhờ hành động ấy mà anh được tự do và trở thành “ người hùng ” của những kẻ sĩ Việt Nam trong thời kỳ đất nước bị khủng hoảng, bị một cơ chế quan liêu mất lòng dân ngự trị. Anh cũng như tôi chính là một thành viên của chế độ cộng hoà này, đồng thời cũng là nạn nhân của chế độ ấy. Trong lịch sử của nhân loại xưa nay đều như thế, nên phải dấu tranh và đấu tranh như Các Mác từng dặn lại cho hậu thế.

Anh hãy nhận ở tôi một sự mến mộ, một sự đồng cảm, một nỗi niềm day dứt, và một sự cổ vũ ... của một đồng niên, đồng sĩ của xứ Quảng từ phương nam gởi ra, hy vọng những dòng tâm sự này đến được với lòng anh.

Kính chúc anh, chị và gia đình sức khoẻ, may mắn.

Kính anh

 

Vũ Hoàng Phương