Giáo sư  Vũ Ngọc Khánh

Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam   

 

 

Hà Nội ngày 5 tháng 5 năm 2001

 

Thanh Giang thân mến,

 

Viết cho anh dù chỉ vài dòng , tôi cũng thấy khó. Có nhiều lý do. Trước hết chúng ta đã có quan hệ thân tình ngay những ngày chống Pháp chống Mỹ, khi ở lớp học, lúc ở nhóm chơi thơ. Tuyết Mai với tôi là rất thân thương, các cháu Vũ và Thuỷ đều xem ông như ruột thịt. Do đó, chắc gì tôi đã bảo đảm được tính khách quan trong khi trao đổi.

 

Hai nữa, tôi là một đảng viên gần 60 tuổi Đảng, là lão thành cách mạng, từng là giáo viên chính trị nhiều cấp, nhiều năm, đến nay trên ngực vẫn sáng ngời huy hiệu, không bị khai trừ, cũng không xin ra Đảng. Tôi vẫn kiên trì lý thuyết, nhưng không như những bộ óc cổ hủ lúc nào cũng lấy “ tử viết ” làm chân lý ngàn đời. Tôi biết giá trị của Mác-Lênin, và bao giờ cũng bảo vệ lý thuyết Đảng của tôi, chứ không bảo vệ những ý kiến chỉ nhân danh Đảng. Có người không đồng tình với tôi- có cả ngờ vực- nhưng chẳng ai bắt bẻ được gì dù chẳng tỏ ra là trân trọng. Nhưng như thế, chưa có nghĩa là để cùng san sẻ những ý kiến hay phương pháp với anh.

 

Tôi thông cảm nhiệt tình của anh muốn đóng góp với đất nước. Tôi rất hoan nghênh sự độc lập tư tưởng của anh. Tôi nhớ Romain Rolland đã có lần đề cao sự độc lập trí thức này mà những người phái tả dù định kiến cũng không sao bắt bẻ được. Tôi thấy anh nắm khá vững tình hình trong nước, ngoài nước ( điều này thì tôi lại quá mơ hồ ). Tôi cũng nghe nói đến những người mà người ta xếp chung vào “ nhóm ” với anh. Nhưng thú thực, tôi chưa hề đọc họ. Kể cả Trần Độ, người đã từng làm thứ trưởng bộ văn hoá ( cũng là thủ trưởng trực tiếp của tôi ), tôi cũng không quen – chắc ông cũng chẳng biết tôi là ai. Tôi chỉ có đọc vài mẩu hồi ký chống Pháp của ông, những bài viết về sau, đăng hay lưu hành ở đâu, tôi không biết. Tôi vốn không biết gần gũi các quan chức, kể cả những bạn bè hay học trò làm công tác văn hoá mà được ngồi ghế cao. Tôi cũng không thân thiết với người nước ngoài nào. Các cuộc phỏng vấn nếu hỏi đúng chuyên môn học thuật thì tôi mới tiếp, và tôi cũng chỉ trả lời theo ý mình, không theo công thức chung chung.

 

Nhưng với anh, thì tôi đã hơn một lần suy nghĩ. Tại sao anh có những ý hay, những quan điểm đáng nghiên cứu, mà lại không được đón nhận, thậm chí còn bị gây khó khăn. Dù cuối cùng có “ tai qua nạn khỏi ” thì cũng thành vấn đề !  Có người nói chắc chắn sẽ đến lúc người ta phải trả lại cho anh phần vinh dự. Tôi cũng hy vọng cho anh như thế. Nhưng thâm tâm, tôi có sự cân nhắc riêng. Tôi có cảm tưởng như ở một số vấn đề, anh đã đúng mà không trúng. Chính đó mới là nguyên nhân khiến cho anh rất chân thành ( nói đúng điều mình nghĩ), rất đường hoàng ( gửi thẳng lên lãnh đạo, đưa ra công luận chứa không dấu diếm, không tránh né ), mà vẫn không được chấp nhận.

 

Đúng là vì có thể tiếp cận chân lý ở mặt này hay mặt khác. Nhưng phải trúng, là trúng với hoàn cảnh, với phương pháp, với vị trí của mình, với khả năng tiếp thu của người nghe.Trúng còn là ở chỗ thấy được trong cái chung chung đại trà, có những gì tất sẽ trôi qua, và cái gì mới là đọng lại. Trúng còn là sự nhận thức về tư cách hành động. Anh đang nói với tư cách nhà khoa học hay nhà chính trị, hay là nhà khoa học với người làm khoa học, người làm chính trị. Và anh muốn người ta nghe anh hay chỉ cần người ta phản đối anh ?

 

Tôi cho rằng, nhắc qua như vậy, đủ cho anh rút kinh nghiệm và sẽ tìm ra cách thức để sau này anh có thể tiếp tục – và cần phải tiếp tục. Nhiệt tình với đất nước phải làm sao cho có kết quả tích cực. Muốn như vậy phải có cách thức tế nhị : hợp cảnh, hợp tình, và phải tránh những gì có thể gây ra ngộ nhận.

 

Tôi không muốn đi vào cụ thể những vấn đề anh đã nêu ra. Tôi xin tặng lại anh một số ý kiến, tôi đã công bố hẳn hoi trên sách báo nhiều lần trong những năm thập kỷ 90. Tôi chưa thấy ai phản đối. Mà phản đối sao được ! Tôi đã bàn về trường hợp Nguyễn Trường Tộ và đã viết rõ : “ Chạy theo cái mới, vượt ra khuôn khổ văn hoá khu vực để vươn tới văn hoá thế giới, văn hoá hiện đại , mà không khai thác để nâng cao được tâm thức folklore : văn hoá bản địa, văn hoá dân tộc thì nhất định không thể thành công. Mối hận lòng của Nguyễn Trường Tộ có nguyên nhân ở đó, chứ không chỉ ở sự ngu tối và bế quan toả cảng của triều đình ” ( sách Minh triết Hồ Chí Minh, Nxb Văn hoá 1999, trang 99 – sách này năm nay sẽ cho tái bản ).

 

Anh thử ngẫm lại xem.

 

Thân ái

 

Vũ Ngọc Khánh