Đại tá Phạm Quế Dương

Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự

 

Trao đổi với nhà báo Nguyễn Như Phong - An ninh thế giới.

Kỷ niệm của tôi về

Hà Sĩ Phu, Nguyễn Gia Kiểng, Nguyễn Thanh Giang.

                                              ( Trích )

Đọc báo An Ninh Thế Giới, bài “Mặt thật của một vài người mượn danh hiền sĩ khoác chiêu bài dân chủ” ” của nhà báo Nguyễn Như Phong, trong 3 số 4/1, 11/1 và 18/1/2001, tôi được thêm nhiều thông tin rất vui lạ. Bài này động đến nhiều người nhưng tôi chỉ có kỷ niệm với ba bạn: Hà Sĩ Phu, Nguyễn Gia Kiểng và Nguyễn Thanh Giang nên chỉ xin có cảm tưởng về ba bạn này thôi.

Trước hết, xin phép nói, tôi vốn không hề quen biết các bạn này vì họ ít tuổi hơn tôi và không cùng nghề với tôi. Nhưng có lẽ vì mê chữ nghĩa nên có duyên tôi được tìm hiểu và quí các bạn ấy.

( ............ )

Còn bạn Nguyễn Thanh Giang. Tôi cũng chẳng hay biết gì. Tôi có chú em ruột là kỹ sư địa chất từ những năm 60 cũng là cấp uỷ và lãnh đạo gì đó. Khi Đại hội 6 của Đảng, 1986, tôi bị xử lý vì đụng chạm đến một số vấn đề gọi là quan điểm, chú ấy bảo tôi là ở Tổng cục Địa chất cũng có một cậu rất giỏi chuyên môn nhưng cũng hay lý luận nên anh ấy bị theo dõi lỉnh kỉnh lắm. Anh ấy tên là Nguyễn Thanh Giang. Chú ấy bảo sẽ dẫn tôi đến thăm, nhưng bẵng đi, tôi cũng chẳng nhớ. Sau này, khoảng 1995 - 1996, tôi tình cờ được đọc sách “Khát vọng ngàn đời ” của anh ấy. Tập sách tập hợp nhiều bài của anh bàn về vấn đề nhân quyền, dân chủ, xây dựng kinh tế tri thức... nhất là đòi hỏi nước ta, dân ta phải có quyền tự do, dân chủ, trước hết là tự do ngôn luận, tự do báo chí. Hay quá! Rất ý hợp tâm đầu. Đó chính là điều tôi trăn trở bao lâu nay. Rõ ràng Nguyễn Thanh Giang là một con người không những có “ Tâm ” mà còn có “ Tầm ”, không những đáng quý mà còn đáng phục. Đọc xong, tôi tìm đến thăm, gặp một số bạn bè cũng đang đến mừng anh ấy vừa được Viện Hàn lâm  Khoa học New York công nhận là Viện sĩ. Như vậy, trong tôi bạn Nguyễn Thanh Giang không chỉ là nhà khoa học tự nhiên mà với tác phẩm “Khát vọng ngàn đời” còn là nhà khoa học xã hội nữa. Nay, báo An ninh Thế giới lại cho bạn Nguyễn Thanh Giang như là tòng phạm với bạn Hà Sĩ Phu của tôi, cũng phạm tội “ phản bội Tổ Quốc ” thì ghê thật. Xin phép ghi lại băng tôi trả lời phỏng vấn đài RFI, tiếng Việt, khi bạn Nguyễn Thanh Giang bị “tóm” ngày 4 tháng 3 năm 1999 để tặng bạn Nguyễn Thanh Giang:

Xin cảm ơn ông Phạm Quế Dương đã nhận trả lời phỏng vấn Ban Việt ngữ đài RFI. Trước hết ông nghĩ gì về cá nhân ông Nguyễn Thanh Giang và những bài viết của ông ấy ?

Tôi không biết nhiều về Thanh Giang . Nhưng từ khi tôi đọc một loạt bài, đặc biệt là bài “ Nhân quyền - Khát vọng ngàn đời ” của Thanh Giang, tôi thấy rất quý và trân trọng. Cái       “ Khát vọng ngàn đời ” của anh ấy nội dung là gì? Nội dung chủ yếu là vấn đề dân chủ, vấn đề tự do. Cái quý của con người ta là dân chủ và tự do. Hàng nghìn đời nay người ta đấu tranh là đòi dân chủ và tự do. Các cuộc chiến đấu của Việt Nam để giành độc lập xong rồi, thống nhất đất nước rồi, hoà bình rồi, cái tự do của con người mà cứ bị bưng bít, bị trói buộc thì giới trí thức như Thanh Giang nào có chịu. Vì thế cho nên chả cứ mình Thanh Giang mà cả Phan Đình Diệu, cả Hà Sĩ Phu, cả những ông Trần Độ, Hoàng Hữu Nhân, ... đều phải phát biểu. Đó là chuyện bình thường. Cá nhân tôi, tôi cũng tán thành quan điểm của Thanh Giang. Chính vì thế mình mới trân trọng, mình đến chơi và mình đến thăm. Và khi anh ta bị bắt thì mình phải đến thăm gia đình anh ta thôi. Cái đó là cái nghĩa. Con người Việt Nam là phải như thế. Còn nếu vấn đề đó không phải là chân lý, là công lý thì cùng nhau trao đổi làm rõ ràng ra. Con người ta sợ là sợ lẽ phải, sợ lương tâm, chứ người ta đâu sợ hơi một tý là bắt người ta, là còng người ta.

Về phía cách đặt vấn đề của ông Nguyễn Thanh Giang, là một nhà trí thức có gì khác so với cách đặt vấn đề của những người như tướng Trần Độ không?

Về bản chất chẳng có gì khác nhau cả. Ngay như ông Phạm Hồng Sơn, ông tướng đánh nhau tơi bời như thế nhưng bài của ông cũng là “Đảng lãnh đạo để dân làm chủ”. Tức là ông ấy cũng phải bắt đầu bằng dân làm chủ. Tức là phải có dân chủ thực sự. Thanh Giang cũng như thế thôi. Anh ta chống đối gì với Đất nước này, chống đối gì Tổ quốc mình. Vấn đề dân chủ bị bó thì người ta không nhất trí, muốn đưa Đất nước mình đi theo kịp với nhân loại, đi theo kịp tiến bộ của loài người thì anh phải tôn trọng trí thức. Tôn trọng trí thức là tôn trọng cái đầu người ta, trí tuệ của người ta chứ không phải nghĩ thay người ta và bắt người ta phải theo anh thì đời nào người ta chịu. Do đó cho nên nó đầy mâu thuẫn. Anh dùng quyền lực anh bắt người ta thì dễ, còn bắt cái đầu người ta phải theo cái đầu của anh thì đâu có dễ.

Còn các cán bộ đảng viên nói chung thì họ phản ứng như thế nào về vấn đề tướng Trần Độ hay gần đây là vấn đề ông Nguyễn Thanh Giang ?

Thực ra có hai thái độ phản ứng. Một thái độ phản ứng công khai dám nói ra, còn thái độ kia lặng lẽ ở trong lòng. Họ nói với nhau bên hàng nước. Nói chung người ta biết thừa vấn đề của anh là không có dân chủ. Ví dụ ngay như chiều hôm nay vừa mới xem tivi đưa tin ông Trần Đức Lương nói chuyện ở Quảng Ngãi. Ông cũng phải nói vấn đề thiếu dân chủ. Ông cũng phải nói quan ăn cắp của dân. Trần Đức Lương - Chủ tịch nước còn nói như thế cơ mà. Cho nên cái chuyện này không phải do ai bịa ra được. Đất nước đã có dân chủ thì không ai dám bảo là anh không dân chủ. Mà Đất nước không có dân chủ, anh bịt mồm người ta, bắt người ta phải ca ngợi anh có dân chủ thì ai ca ngợi! Tôi không hề nói xấu Đất nước nhưng Đất nước còn chưa có tự do dân chủ tại sao cứ bắt tôi phải ca ngợi.

Kết luận của các nhà lãnh đạo Việt Nam sợ rằng nếu để dân chủ tự do sẽ phá mất cộng sản và gây đến hỗn loạn.

Dân chủ và tự do là chuyện bình thường ở hầu hết trên các nước trên thế giới nhưng họ vẫn phát triển có hỗn loạn đâu. Ta đã có dân chủ đâu, đã có tự do đâu mà trước hết là tự do báo chí đâu. Có nước nào trên thế giới nói báo chí là tiếng nói của Đảng và đưa câu đó vào Luật báo chí không? Có nước nào cấm tự do ra báo dân lập và tư nhân không? Không nhất trí anh có thể dùng quyền lực trấn áp tôi, tôi cho là chuyện bình thường. Nhưng mà tôi thách anh nào tranh luận với tôi công khai về ý này. Quy luật là phải có tự do dân chủ. Thiếu dân chủ tự do thì dân mất niềm tin thì cộng sản mới đổ vỡ chứ đâu phải cộng sản đổ vỡ vì có dân chủ tự do.

Vậy theo ông cần phải ổn định chính trị xã hội để phát triển kinh tế ?

Cần hiểu ổn định chính trị xã hội theo quan niệm thế nào. Đất nước đã độc lập thì phải có tự do. Ví như nước Pháp, nước Mỹ khi có vấn đề họ cứ tranh luận loạn lên chứ đâu phải việc gì họ cũng thống nhất với nhau một trăm phần trăm. Nhưng họ có ổn định không nào? Cái quan trọng là lòng dân. Anh không cho người ta dân chủ, tự do thì như vậy loạn là loạn ngầm. Cái loạn ngầm mới đáng sợ. Tôi hỏi anh, anh ở xa nước, anh có biết cụ Nguyễn Trãi đã dạy một câu: Mến chữ nhân nhất là dân. Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân không?. Thế thôi ! Bây giờ mình là con cháu cụ Nguyễn Trãi, mình theo cụ Nguyễn Trãi chứ. Cái người ta mến nhất là chữ nhân mà anh đã vi phạm vào cái nhân thì làm sao bắt người ta quý anh được!

Sau khi xảy ra bạo động ở Thái Bình thì Đảng Cộng Sản Việt Nam có nói đến vấn đề dân chủ, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở, ở nông thôn thì theo ông họ đã tiến hành dân chủ hoá đó như thế nào?

Thực ra, vụ Thái Bình là một vụ cho nhiều bài học. Đầu tiên không phải người ta nhận thức ra vụ Thái Bình sớm như thế đâu. Người ta cũng cho là có lực lượng này lực lượng khác chọc ngoáy. Thậm chí báo Nhân Dân còn viết bài nói xấu Thái Bình. Nhưng dân Thái Bình cũng là dân tiêu biểu của Việt Nam, rất anh dũng và kiên cường. Do đó mà vụ Thái Bình không dễ yên đâu. Nhưng mà cũng may ông Trần Đức Lương về và nói một câu rất quý: Thái Bình cho chúng ta một bài học rất là quý. Bài học đó là gì? Bài học đó là anh đừng có phạm vào cái dân chủ của dân, đừng có bắt nạt dân. Có thế thôi. Bây giờ nói dân chủ ở cơ sở thì coi như đã nhận thức ra. Bảo là cơ sở thiếu dân chủ, nhưng còn ở trên cũng thiếu dân chủ cơ mà. Trên thiếu dân chủ thì làm sao ở dưới có dân chủ được. Một nước muốn dân chủ thì trước hết phải dân chủ ở trên đã chứ.

Mấu chốt vấn đề là ở chỗ đó, ở trên là sự độc quyền lãnh đạo của Đảng vì thế khi động đến dân chủ ở trên là động tới Đảng lãnh đạo?

Cơ bản là phải thay đổi cái thể chế của mình sao cho có dân chủ thực sự. Đã dân chủ thực sự thì dân người ta tin ngay, người ta tôn trọng, người ta quý ngay. Nhưng mà không thể một sớm một chiều đòi thay đổi thể chế được. Vậy bước đầu tiên các nhà lãnh đạo phải thật lòng đi theo con đường dân chủ hoá. Trước hết phải nhận ra là thiếu dân chủ, không có tự do. Anh phải nhận ra như thế đã. Khi anh đã nhận ra được rồi thì sẽ có bài chữa. Cái vấn đề cơ bản nhất là anh nhận thức được. Nếu anh không nhận thức được thì cái đấy mới là cái khó.

Giả dụ như các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhận thức được vấn đề thì nên có bước đầu tiên như thế nào để thiết lập các nền tảng cho xã hội dân chủ. Theo ông nói phải có sự xây dựng chứ không thể có ngay lập tức được. Vậy trình độ dân trí của người dân cũng phải có.

Dân chủ bao giờ cũng đi với dân trí. Dân trí biểu hiện tập trung trước hết là ở các thông tin. Muốn có thông tin thì phải có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Thời kỳ đầu những năm 1945 - 1946 sau Cách mạng tháng Tám thành công, Đất nước “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng cụ Hồ lại rất đảm bảo tự do ngôn luận, tự do báo chí. Còn bây giờ, cấm báo chí tư nhân, báo chí dân lập, lại ra một cái Luật báo chí bảo: Báo chí là tiếng nói của Đảng, ai cũng phải ca ngợi thì làm sao những anh Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc... họ chịu. Cho nên bước đầu tiên để thiết lập cho nền tảng cho xã hội dân chủ là phải có tự do báo chí, tự do xuất bản. Nghĩa là phải chấp nhận có báo chí, xuất bản dân lập, tư nhân.

Xin cảm ơn ông nhiều.

                                                               Tết Tân Tỵ - 2001

                                                              Phạm Quế Dương

                                                                 37 Lý Nam ĐếĐế

                                                           Điện thoại : 8 231 372