Đôi lời về tác giả và tác phẩm Suy Tư và Ước Vọng

 

Kính thưa Quý Vị và các Bạn,

 

Tên tuổi Nguyễn Thanh Giang, tiếng nói ôn tồn, trí thức nhưng bừng bừng nhiệt huyết của NTG cho tự do, nhân phẩm, nhân quyền; những ý kiến xây dựng giàu tính thuyết phục của NTG cho dân, cho nước và cả cho đảng CSVN, quý vị và các bạn ở đây đều đã nghe, đã đọc. Hôm nay, nhà xuất bản Quê Hương cho phép chúng ta có trong tay một số bài viết vào những năm áp chót thế kỷ 20 và những ngày đầu thiên niên kỷ thứ ba, do chính tác giả NTG chọn lọc và sắp đặt.

 

 1 - -Suy tư và Ước vọng: một tên sách hiền hoà, gần như vô thưởng vô phạt. Đã là người, ai không ước muốn, hy vọng và không suy nghĩ hòng tìm cách thoả mãn những ước vọng của minh ? Nhưng với NTG và những chiến sĩ dân chủ trong nước, suy tư và ước vọng hàm chứa một sự dồn nén, một nỗi u uất khôn nguôi. Ngay trong Lời nói đầu, NTG kể: khi kháng chiến chống Pháp  chuyển mạnh sang Tổng phản công, anh đang công tác trong ngành giáo dục thì khăng khăng xung phong đi bộ đội. Anh mơ ước xả thân, cho dù chỉ làm quân độn, để giải phóng quê hương. Mấy vần thơ anh sáng tác hồi đó:

 

                                Ước làm một nhịp cầu

Dù trưa mai đổ gục

Đêm nay trăm toa tầu

Lao trên mình sầm sập

 

Sau này, những năm trèo đèo lội suối làm công tác địa chất, NTG “vẫn cồn cào trong ngực những hoài bão thật thiêng liêng”.Mấy vần thơ khác, cũng trong Lời nói đầu:

 

Tổ quốc ơi ! Sau trầm luân thế kỷ

Cần bao nhiêu vàng đựng túi ba gang ?

Ước xoè tung đôi cánh đại bàng

Vượt trùng dương, dẫu gồng lưng vác nặng

Lật tầng đất xạm đen dạn dày bom đạn

Cho ánh kim soi rạng mặt tương lai

 

Lạc quan và bừng bừng dũng khí ! Dễ hiểu. Tuổi trẻ là thùng thuốc nổ. Chỉ đợi một cái ngòi. Khi cái ngòi ấy lại mang bộ áo huy hoang của lý tưởng, thì những thanh niên, thanh nữ, những Trần Độ, Xuân Quý, Bùi Minh Quốc chen chúc nhau lên đường. (Tuổi hai mươi khi nghĩa đời đã thấy / Thì gian lao biết mấy cũng lên đường. BM Quốc). Chàng thanh niên NTG cũng thế. Sống chết cho Độc lập, Tự do, Hạnh phúc, có gì đẹp hơn ? Nhưng cũng như Bảo Cự, Bùi Minh Quốc, Trần Độ, Nguyễn Hộ, Nguyễn Văn Trấn… NTG cay đắng thú nhận trong Lời nói đầu: “Thế rồi… không biết tự bao giờ, có thể từ một đêm ngủ rừng gần ga Pom Hán hay Diêu Trì nào đó, nghiêng tai vào tĩnh lặng “để lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ” từ những đoàn tàu, tôi bỗng giàn giụa nước mắt liên tưởng đến Tổ quốc tôi:

 

Tôi thấy tôi thương những con tàu

Ngàn đời không đủ sức đi mau

Có gì vướng víu trong hơi máy

Mấy chuyến toa đầy, nặng khổ đau (Thơ Tế Hanh).

 

2.-  Độc lập, Tự do, Hạnh phúc: ước muốn mãnh liệt của dân tộc đã bị một chính quyền ma mãnh, độc ác, lừa đảo vận dụng và lợi dụng vào những mục tiêu đen tối. Bao nhiêu xương máu để  rồi độc lập thành công cụ giết chết tự do, chôn vùi hy vọng. Đến nỗi 25 năm sau ngày 30/04/1975 Dương Thu Hương phải viết: “Xấp xỉ một phần tư thế kỉ nhưng những người nông dân mặc áo lính vẫn đứng dưới ruộng bùn. Bóng cuộc chiến tranh đổ xuống ngôi đền cho bọn cướp bóc trú ngụ, còn đám người ngu ngơ nhát nhúa vẫn sống bởi ánh hồi quang của những chân trời đã mất, bởi niềm tự an ủi "sống khổ nhục còn hơn là chết". Và như thế, nền dân chủ càng bị đẩy lui về phía xa, cơ hội xây dựng một xã hội văn minh càng mờ mịt. (…) Con chim (hoà bình) chưa bay tới xứ sở của chúng ta, những kẻ yên tâm lội dưới bùn, những kẻ thờ ơ với chính máu mình đổ ra, ngoan ngoãn chịu đựng mọi sự cướp bóc, hài lòng với bát cơm chan nước mắm cua đồng, chưa bao giờ dám mở to mắt để ngắm nhìn và ước ao cuộc sống như một giá trị đáng phải có”.

Tại sao ra nông nỗi này ? NTG nhận xét:“Chính vì Đảng chỉ vì Đảng, chính quyền chỉ vì chính quyền (…) cho nên quần chúng và, kể cả đảng viên, nếu không vùng lên đấu tranh thì cũng thái độ chán chường, thờ ơ, lãnh đạm”, và nhắc lại lời nhà chí sĩ Phan Bội Châu trong Hải Ngoại Huyết Thư:

 

Một là vua sự dân chẳng biết

Hai là quan chẳng thiết gì dân

Ba là dân chỉ biết dân

Mặc quân, mặc quốc, mặc thần, mặc ai (tr. 61)

 

Vậy phải bước ra khỏi vũng lầy đã thành nếp sống quen thuộc, phải phá vỡ cái cũi của thờ ơ lãnh đạm; phải đánh thức hy vọng, làm sống lại những hoài bão lớn lao của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Phải giải phóng ƯỚC VỌNG ! Và suy tư. Suy tư vì ước vọng. Suy tư, nghĩa là hiên ngang đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ, theo lối nói của HSP. Suy tư, nghĩa là sẵn sàng trả giá trong một chế độ cấm suy tư, một chế độ trong đó người dân chỉ có quyền nghĩ theo, không có quyền nghĩ khác. Suy tư, nghĩa là tim phải lớn để có gan dùng cái đầu của mình, trong một chế độ chỉ thực sự nghiêm khắc với những ‘tội’ từ cằm trở lên. NTG nói: “Tôi chỉ làm nô lệ cho cái đầu của tôi”.

 

3. Nguyễn Thanh Giang đã và đang ngang nhiên làm nô lệ cho cái đầu của anh thế nào ? Xin đọc mấy dòng trích từ lá thư ngày 05 tháng 05 năm 2000 gửi Quốc hội nước CHXHCNVN, yêu cầu xử lý Công an và Cán bộ Tư tưởng/Văn hoá vì tội bắt giữ anh ngày 04/03/1999 và sau khi thả anh còn vu khống và bôi nhọ anh:

“Tôi là Nguyễn Thanh Giang, sinh năm 1936, tham gia cách mạng từ Kháng chiến chống Pháp. Vốn là một cán bộ khoa học tự nhiên, những đóng góp của tôi trong quá trình công tác chủ yếu thuộc ngành giáo dục và khảo cứu địa vật lý. Tuy nhiên, do ý thức trách nhiệm công dân thôi thúc mạnh mẽ, hơn mười năm qua tôi thường viết một số bài mang tính chính luận gửi cơ quan ngôn luận và các đồng chí lãnh đạo tham gia bàn bạc những vấn đề quốc kế dân sinh. Tuy trình độ hạn chế do chỉ được học chính quy vê khoa học tự nhiên, nhưng thực tế những ý kiến phát biểu của tôi đã từng đóng góp không nhỏ giúp sửa đổi một số văn kiện lớn và điều chỉnh một vài chủ trương, chính sách chưa thật đúng đắn của Đảng và Chính phủ (tr.205).

 

NTG là nhà khoa học tự nhiên, chuyên về địa vật lý. Những công trình nghiên cứu của anh được giới đồng nghiệp thế giới trân trọng. Vợ và hai con cũng là cán bộ cao cấp của chế độ; con trai thạc sĩ địa vật lý, con gái thạc sĩ về dân số học (xem tr.234). Anh và gia đình anh đã công thành danh toại trong chế độ. Anh và gia đình anh cũng không hề làm điều gì trắc trách, trái với lương tâm. Tại sao không tiếp tục phục vụ trong lãnh vực chuyên môn của mình ? Tại sao không an phận làm công tác thuần tuý khoa học ? Như người ta thường nói: thuần tuý tôn giáo, thuần tuý nghệ thuật, thuần tuý văn chương… Nhưng nếu thế thì còn gì ý thức trách nhiệm ? Hai chữ ‘thuần tuý’ cao đẹp cũng có khi thành lá chắn cho hèn nhát. Tránh voi chẳng hổ mặt nào. Nhưng nếu không dám “mở to mắt để ngắm nhìn và ước ao cuộc sống như một giá trị đáng phải có”, tưởng cũng không nên nhân danh khoa học, tôn giáo hay văn chương nghệ thuật để bào chữa cho sự sợ hãi của mình. NTG mở to đôi mắt. Vì ý thức trách nhiệm công dân thôi thúc, anh mạnh mẽ lên tiếng về những vấn đề bên ngoài lãnh vực chuyên môn của mình. Ở điểm này anh vừa tiêu biểu cho người trí thức của thời đại, vừa nối tiếp thái độ sĩ phu của truyền thống. Người trí thức không chỉ là người giàu có về kiến thức. Kiến thức (khoa học, kỹ thuật, văn hoá, nghệ thuật..) chuyên môn đến mấy đi nữa cũng không làm nên người trí thức. Người trí thức là người vượt ra ngoài lãnh vực chuyên môn của mình để nói lên với tinh thần trách nhiệm và tất cả sự huy động của tri thức, những đòi hỏi của lương tri. Tất nhiên, làm thế là tự cho mình cái quyền có thể nói sai. Nhưng không có quyền nói sai, làm sao có thể có quyền nói đúng ! Nhân vô thập toàn. Có đúng, có sai mới cần trao đổi, nghị luận, tranh luận, đối thoại hòng đi tới gần sự thật và tìm ra lẽ phải. Còn như phải trả giá, thì NTG quá biết. Cũng trong Lời nói đầu, anh viết:

“Dẫu rằng vì những dòng suy tư này mà tôi từng chịu bao nhiêu lao lung, khổ ải, tôi vẫn không thể quên lời nhà chí sỹ Phan Bội Châu:

 

Sinh vi nam tử yếu hy kỳ

Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di !

Ư bách niên trung tu hữu ngã

Khởi thiên tái hậu cánh vô thùy

Nghĩa là:

Đã sinh ra làm trai thì cũng phải khác đời

Lẽ nào cứ để trời đất xoay vần ra sao cũng mặc

Trong khoảng trăm năm đã có ta (thì ta phải gánh vác lấy công việc)

Còn như chuyện ngàn năm sau thì có người sắp tới”.

 

Đúng là tinh thần kẻ sĩ. Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh. Huống gì khi giặc đến từ nhà, ở ngay trong nhà. Không riêng gì nam nhi, tất cả mọi người, đặc biệt những con người có ăn có học không thể đành nhắm mắt đưa chân / mà xem con tạo xoay vần ra sao. Hà Sĩ Phu, trong mấy dòng kết bài Đôi điều suy nghĩ của một công dân thổ lộ: “Tôi cũng toan xé bài viết này đi, vì nghĩ gì, nói gì cũng đều vô nghĩa cả. Nhưng chợt nhìn vào những thứ mình đang ăn đang mặc hàng ngày, nhìn vào cuốn sách đang xem, tôi tự biết mình là kẻ đã được ăn chịu ở ‘Quán đời’ này quá nhiều, nếu thản nhiên rũ áo ra đi thì hoá ra thằng ăn quịt, giữa buổi ‘kinh tế thị trường’ ! Nên đành phải nói tiếp câu chuyện trần tục”. Tâm trạng của công dân NTG không xa tâm trạng HSP. Trong câu kết Lời nói đầu của Suy tư và Ước vọng anh tha thiết: “Tôi vẫn ngày đêm không thể không trăn trở cùng tấc lòng của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu:

 

“Non non nước nước chưa quên lời thề”

 

Kính thưa Quý Vị, thưa các Bạn

Vì thời gian có hạn, tôi đã hạn chế cảm nhận của tôi vào tên sách và Lời nói đầu của tác giả Nguyễn Thanh Giang. Xin mời Quy Vị và các Bạn khám phá nội dung của 13 bài tiểu luận, bao trùm hầu hết những vấn đề cốt tử của đất nước: Tinh thần Việt Nam, Người Việt hải ngoại, Hội nhập và Chủ quyền, Hội nhập và Dân chủ; những vấn đề về Nhân quyền, về Giai cấp công nhân Việt Nam, về vai trò của doanh nghiệp nhà nước và có lẽ đáng lưu ý hơn cả, tầm quan trọng của hàm lượng trí tuệ trong lao động, và vì thế của kinh tế tri thức trong vấn đề phát triển đất nước. Đọc NTG có thể đồng ý hay không đồng ý nhưng phải công nhận tất cả được viết ra, hay đúng hơn được nói lên với tấm lòng thiết tha vì dân vì nước; lý luận lúc nào cũng dựa trên những dữ kiện khách quan và hàm chứa một lượng kiến thức thông tin dồi dào, chính xác.

Bên cạnh các bài tiểu luận, còn một thiên ký sự, một bài phỏng vấn và 8 lá thư giúp ta biết thêm về hành trình tranh đấu của NTG, về những khổ ải anh và gia đình anh đã và đang gánh chịu, về những người bạn dân chủ anh cùng sát cánh. Trước hiện tình đất nước, những lá thư này cũng như những tiểu luận kia góp phần củng cố xác tín của chúng ta về tiền đồ dân tộc, về sự tất thắng của con đường dân chủ. Cảm ơn Nguyễn Thanh Giang và những chiến sĩ dân chủ trong nước.

Cám ơn Qúy Vị và các Bạn.

 

                                                                             Paris 12/12/04. Đỗ Mạnh Tri.