XIN ĐỪNG ĐÁNH ẨU

Sau những vụ Công an bắt bớ những chiến sĩ dân chủ, có thể nói tháng 12 năm 2008 là tháng của những thử thách gay gắt nhất đối với phong trào dân chủ ở trong nước. Ngày 06/12/2008, trước ngày nhân quyền thế giới ít ngày, Báo Nhân dân, báo Hà Nội Mới, báo Đất Việt, các báo của Công an gồm báo Giấy và cả báo Điện tử… Sau đó ít ngày là báo An ninh thế giới, báo Pháp luật đã đồng loạt ra đòn bôi bác ông Nguyễn Thanh Giang, bôi bác giáo sư nhà văn nổi tiếng Nguyễn Đăng Mạnh ở trong nước, là mạ lị ông Nguyễn Gia Kiểng - đại diện của Tập hợp Dân chủ Đa Nguyên ở Pháp quốc, là phỉ báng tờ Bán Nguyệt San Tổ quốc cùng hàng loạt các trí thức, các bậc nhân sĩ, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo ở nhiều lứa tuổi trên nhiều vùng đất nước. Nói tóm lại thông điệp của cuộc đàn áp bằng bạo lực báo chí lần này là: Những người dân chủ trong nước, những trí thức dũng cảm như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh với tập hồi ký gây chấn động dư luận của ông, như tiến sĩ Địa Vật lý Nguyễn Thanh Giang, như Học giả Nguyễn Gia Kiểng… là bọn chẳng ra gì! Là bọn cơ hội chính trị! Bọn ăn chặn đô la! … Những người có lương tri, những nhân sĩ lớn, những nhà hoạt động tôn giáo, những lão thành cách mạng, những cựu chiến binh đã kịp thời lên tiếng phê phán gay gắt đợt đàn áp đại quy mô này. Cá nhân tôi với cách sống của một ông giáo trường huyện, tôi nhất nhất tuân thủ theo châm ngôn: “Biết thì thưa thốt – Không biết thì dựa cột ngồi nghe”. Hôm nay, khi “sóng to và gió lớn” đã tràn qua, tôi xin thể tình đôi điều mà tôi thực sự biết, thực sự là một chứng nhân và tôi cũng trung thành với tiêu chí: “Biết mà không nói là bất nhân – Nói mà không nói hết là bất nghĩa – Nói ngược với điều mình biết là bất đạo”. Là người đã gắn bó cả đời với trường ốc, với những cuộc thi cử, với bằng cấp, chứng chỉ… chẳng khó khăn gì tôi đã nhận thấy ông Nguyễn Thanh Giang đã bị báo chí sờ gáy về cái danh xưng tiến sĩ của ông. Hãy đọc lại một vài trường đoạn của CAND: “Để lừa gạt những người thiếu hiểu biết khác, ông ta (NTG) luôn khoác trên mình tấm áo “Tiến sỹ Địa chất” (!?). Một đoạn khác: “Ngay cả cái danh hiệu Tiến sỹ địa, vật lý, hầu hết những người từng bị NTG lôi kéo đều bảo, họ chỉ biết ông ta khoe khoang vậy chứ không ai rõ thực hư ra sao” (!?). Riêng chuyện đoạn trích trên nói ông Giang là Tiến sỹ Địa chất, đoạn trích dưới lại nói ông Giang là Tiến sỹ địa, vật lý! Sự bất nhất này đủ để nói người viết chẳng hiểu thế nào là Địa chất (Geology), thế nào là Địa lý (Geography), thế nào là Địa - Vật lý (Geophysics). Để bôi bẩn một trí thức khoa bảng, tốt nhất là đặt văn bằng của người đó vào tình trạng có vấn đề! Và trên thực tế với những đòn đánh rất ẩu của một số báo chí kể trên, người ta đã ít nhiều thành công khi thổi vào công luận một đám mây mù hư hư thực thực đầy nghi hoặc: Nguyễn Thanh Giang chỉ là một kẻ dùng văn bằng dởm, văn bằng “Đểu” như vô khối các quan chức hiện nay vẫn đang dùng.

Người ta không quá thô thiển, thô bạo như có người đã soi xét cả một mớ bằng đại học của bà Trương Mỹ Hoa. Nhưng với những ai thiếu thông tin, những ai cả đời chẳng sờ đến sách báo, các “Sát thủ” báo chí đã thành công ít nhiều trong cú đánh ẩu và rất hiểm độc này. Vậy sự thể thế nào! Tôi xin thưa…

Từ năm 1977, tôi từ Lạc Sơn - Vụ Bản – Hà Sơn Bình chuyển về giảng dạy Địa lý cho trường cấp 3 Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Sơn Bình. Một lần tôi đến thăm thày học cũ của tôi là nhà Địa lý nổi tiếng Lê Bá Thảo để nhờ thầy tư vấn cho một ngoại khoá khoa học mà tôi phải trình bày với đề tài “Thuyết trôi dạt lục địa”.

THUYẾT TRÔI DẠT LỤC ĐỊA: Vào thập kỷ 1960, khi chưa được tiếp cận với những thành tựu của Địa Vật lý về cổ từ (địa từ trường trái đất trong quá khứ) sinh viên Địa lý chúng tôi tiếp nhận thuyết này hết sức trực giác, mơ hồ và thô sơ. Khi quan sát bằng mắt thường trên bản đồ người ta thấy bờ biển phía Đông của Châu Mỹ có dạng tương tự như bờ biển phía Tây của Châu Phi và Châu Âu. Từ quan sát này, những người chủ xướng “Thuyết trôi dạt lục địa” lý luận: khởi thuỷ các lục địa trên trái đất là liền thành một khối có tên Pangea. Sau những biến động địa chất trong quá khứ xa xưa, khối lục địa đó rạn nứt và gãy vỡ dần và trôi dạt trên Đại dương thành từng khối, từng mảng. Sau nhiều tỷ năm diện mạo của các lục địa có hình dạng như ta thấy hiện nay.

Tôi vẫn nhớ sau khi chỉ bảo tôi phải tìm tài liệu gì, bản đồ gì… thầy tôi bảo: Một học thuyết khoa học không thể hình thành mà chỉ dựa vào những trực giác đầy chủ quan. Người làm khoa học phải tìm bằng được những bằng chứng thuyết phục mang tính định lượng chứ không thể chỉ là những mô tả định tính. Những chứng lý cho “Thuyết trôi dạt lục địa” sẽ tìm thấy rất nhiều trong những nghiên cứu về cổ từ. Tức là phải tìm những bằng chứng về vectơ địa từ trường đã từng có trong quá khứ. Qua những chứng cứ khách quan đó mà Địa lý học hiện đại mới có thể xác lập được cơ sở để ra đời học thuyết của mình. Thầy tôi còn giới thiệu tôi đi dự lễ bảo vệ luận án Phó tiến sỹ (Candidate) trong nước của ông Nguyễn Thanh Giang – nhà Địa Vật lý hàng đầu của Việt Nam lúc đó. Sau này người ta bỏ học vị Phó tiến sỹ cho tương hợp với cách phân định học vị của thế giới và vì thế tất cả các Candidate đồng loạt được gọi là Docter - Tiến sỹ.

Tôi nhớ khi tôi đến Hội trường lớn của Tổng cục Địa chất thì Hội trường đã tề tựu không dưới 200 người. Sau này vào thời lạm phát văn bằng, thời mà trên đường Đại Cổ Việt, hai bên ngách phố sát bên hông Bộ GD&ĐT là những siêu thị bán đủ loại phao thi, bán khoá luận, bán luận văn làm sẵn cần bao nhiêu cũng có, tôi cũng được mời dự nhiều lễ bảo vệ luận văn tiến sỹ, thạc sỹ của các thầy tôi cũng có, của cả học trò tôi cũng có. Tôi lấy làm lạ có những lễ bảo vệ cả chủ khảo, cả phản biện, cả dự khán không quá nổi 10 người. Xung quanh tôi lần ông Giang bảo vệ luận án tôi nhận ra không chỉ có cánh Địa lý (Geographer), cánh Địa chất (Geologist) và đương nhiên đông nhất là cánh Địa Vật lý (Geophysicist) đại diện của các Viện, các phân khoa ở các trường đại học khác ở trong nước cùng đến dự. Tôi nhớ các câu hỏi phản biện được tới tấp đặt ra. Ông Nguyễn Thanh Giang đã bảo vệ rất thành công luận án của mình. Rất nhiều hoa tươi đã được trao tặng cho ông, người đầu tiên lên tặng hoa cho ông Giang chính là nhà địa chất nổi tiếng Trần Đức Lương (Sau này ông Lương là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam). Thời gian sau tôi được biết ông Giang cũng là nhà địa vật lý đầu tiên của Việt Nam cộng sản được Liên hợp quốc mời đi báo cáo khoa học ở Maylaisia, được mời đi đọc giáo trình ở Washington DC. Nhiều thư viện của các trường đại học danh tiếng ở Mỹ hiện nay vẫn còn lưu giữ luận án tiến sỹ của ông Giang. Tất cả những sự kiện trên là hoàn toàn có thật, diễn ra công khai giữa thanh thiên bạch nhật và rất dễ kiểm chứng.

Giờ đây nghe những lời người ta nghi ngờ, người ta bôi bác ông Nguyễn Thanh Giang về chiếc áo khoác “Tiến sỹ Địa chất” (!?) chứ không phải là Địa - Vật lý, tôi thật buồn cho thế thái nhân tình. Để hạ uy tín của người khác hữu hiệu nhất là nhè vào những gì không thể kiểm chứng được, không thể xác minh được như kiểu báo chí tố cáo ông Giang là tay sai của Việt Tân, là đặc tình của Công an đánh vào phong trào dân chủ, là kẻ ăn chặn đô la, là kẻ chẳng ra gì… Còn để đánh bại uy tín của ông Giang lại nhè vào cả những sự kiện mà không dưới 200 người sẵn sàng đứng ra làm chứng như lần ông Giang bảo vệ luận án Phó tiến sỹ thì thật là một đòn đánh quá ẩu, quá liều. Trong võ học đôi khi vì quá ham đánh, đánh quá đà, kẻ ra đòn lại tự ngã sóng xoài trên xới đấu mà không thể nào gượng đứng dậy được. Nếu có loạng choạng mà đứng được thì cũng chẳng ra sao trong con mắt của người đời. Thế mới biết cũng cầm bút, cầm phấn, cầm sách như nhau mà đâu có phải ai ai cũng nhớ được câu “Hãy suy nghĩ ba lần trước khi nói! Bảy lần trước khi viết!” (Descartes). Người ta có thể vẫn cứ trơn chu mà nhân danh những tín điều cao thượng này, tín điều cao đạo khác, vậy mà có phải ai ai cũng ngộ được những triết lý của Đức từ bi về Nhân - Quả, về Phúc - Hoạ. Đây thực sự là những cảnh báo đầy ý nghĩa cho những ai còn muốn giữ được một lương tâm bình ổn, một cõi tâm linh an hoà cho muôn đời con cháu. Không biết những nhà văn, nhà báo, những người cầm bút mà như cầm dao găm, cầm kiếm thì họ đã nghĩ gì về điều này.

Lẽ ra bài viết này có thể khép lại ở đây thì thật bất ngờ, vào phút cuối cùng của cuộc quyết đấu trên sân túc cầu Mỹ Đình, Thượng đế đã như mỉm cười với người Việt Nam khi để danh thủ Lê Công Vinh - Đội tuyển bóng đá Việt Nam làm tung mành lưới của Đội Thái Lan. Vậy là sau 49 năm người Việt Nam khắc khoải chờ mong được đăng quang ngôi Quán quân Đông Nam Á, khát khao này bỗng vỡ oà và bất ngờ trở thành hiện thực. Tôi biết, tôi sẽ phải làm gì? Tôi lặng lẽ khép cửa đưa xe ra đường tìm đến cả biển người đang ngây ngất, đang mê man trong men say chiến thắng. Ở đời điều gì cũng thế thôi “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Điều gì phải đến rồi sẽ đến thôi dù cho có quá muộn. Bóng đá Việt Nam cũng như con đường dấn thân tranh đấu cho dân chủ hoá đất nước đã có quá nhiều thất bại, quá nhiều mất mát, quá nhiều mồ hôi, nước mắt và không thiếu cả sự phản bội. Nhưng! Tất cả đều đặt trên một mẫu số chung là khát vọng vươn lên mà không một mãnh lực nào có thể ngăn cản nổi để hôm nay cả dân tộc như có cánh để bay lên và tất cả như đang lịm đi trong một thứ hội chứng “Lên đồng tập thể!”.

Đêm nay! Tôi sẽ giành cả đêm nay để khóc, để cười, để lang thang với mọi người trên khắp mọi nẻo đường phố Hà Nội, mượn cái không khí đầy tính Liêu Trai của cuộc lên đồng tập thể kia để át đi, để khoả lấp đi những buồn chán, những thất vọng, những muộn phiền về nhân tình thế thái, về những điều tầm thường không xứng đáng mà tôi đã phải đối diện trong ghi chép này. Tôi nhanh chóng tan hoà vào đám đông phía trước. Tôi như hoá thân giữa biển người đang thăng hoa, đang phấn khích đến tột đỉnh trong những trào dâng đến nghẹt thở:

“Gió ơi gió hãy làm giông làm tố

Cuốn tung bay cờ đỏ máu thắm tươi

Vàng, vàng bay rực rỡ sao sao bay

Ta ngã vật giữa dòng người cuộn thác”.

Lạ quá! “Trong cơn mê này” (Trịnh Công Sơn) có lúc tôi như bừng tỉnh khi chạnh lòng: “Một ngày gần đây thôi, không chỉ trên lĩnh vực bóng đá mà ở cả những lĩnh vực nhạy cảm như tranh đấu cho Tự do – Dân chủ - Nhân quyền… người Việt Nam chúng ta cũng sẽ vụt đứng lên như những Phù Đổng của thế kỷ 21, cùng nhau bước ra khỏi những gì vừa vô lý, vừa trớ trêu không một ai mong muốn, điều mà nhà thơ Nguyễn Đình Chính (Nếu tôi không nhầm Nguyễn Đình Chính là con trai của cố nhà văn nổi tiếng Nguyễn Đình Thi) đã từng vì quá đau sót, vì quá thất vọng mà buộc phải đặt bút:

“Tám mươi triệu cái mặt không nhìn thấy mặt Tám mươi triệu cái mồm tự nguyện bịt mồm”.:

Và cũng chính nhờ cuộc dấn thân đó mà hình ảnh người trí thức trong con mắt của Nguyễn Đình Chính sẽ bớt đi cái sự xập xệ, u ám thật thê thảm: :

“Trí thức cụp tai! Xin phiếu bé ngoan! Ngòi bút trượt dài sợ hãi!”:

Không! Sẽ không thể như thế nữa! Chỉ những loại trí ngủ, trí sảo, trí xạo... mới hèn như thế. Tôi vững tin người trí thức Việt Nam chân chính, con Lạc cháu Hồng chân chính sẽ không bao giờ như thế và hỡi: “Những ngọn lửa đời thường! Hãy bùng cháy lên” (Bùi Minh Quốc). :

Thành phố Hà Đông – Đêm ăn mừng chiến thắng của Đội tuyển Bóng đá Việt Nam
trước đội tuyển Bóng đá Thái Lan (28/12/2008

Nguyễn Thượng Long

Nguyên giáo viên dạy Địa lý thuộc GD&ĐT Hoà Bình và Hà Tây
Nguyên Thanh tra chuyên môn GD&ĐT Hà Tây.

Thôn Văn La – P.Phú La- Tp. Hà Đông – Hà Nội.

ĐTNR: 0433.521 066 – D Đ: 0953 298 198