DÒNG SÔNG XANH CHẨY MÃI 

 Trần Khải Thanh Thuỷ
( Viết  tặng chú Nguyễn Thanh Giang -  nhân kỷ niệm hai năm ngày ra  báo Tổ Quốc )


Sinh năm 1936, đúng ngày 6-7-2008 , ông tròn 72 tuổi. Nói theo cách nói của người Việt, bông hoa cuộc đời ông đã tròn đầy 6 cánh, mỗi cánh ứng với một giáp (12 năm)...cánh nào cũng  đẹp, cánh nào cũng đau.Với những  người hiểu ông, thương ông, gần gụi ông ( từ họ hàng, bố mẹ anh em, vợ con trong nhà đến bạn bè tri âm, tri kỷ ), có khả năng cảm nhận được nỗi đau của một trí thức yêu nước trong lòng cách mạng, hẳn không khỏi rưng rưng lệ khi ngắm nhìn bông hoa  cuộc đời ông vào độ tuổi ...lục giáp này
 Cánh đầu tiên, ông chứng kiến cảnh tổ ấm của gia đình mình bị xé toang, bố ông, ngay từ nhịp đập rung cảm đầu tiên đã đem lòng yêu thương mẹ ông, song  lại bị coi là không môn đăng hộ đối, nên bị đánh đuổi ra khỏi nhà không thương tiếc. Một cuộc chia ly đầy uất hận, đau thương, cay đắng, một vết hằn trong ký ức ông, một vết sẹo không bao giờ có thể mọc da non
 Từ đó ông sống trong cảnh dì ghẻ con chồng, trong khi người cha bị kẹt lại thủ đô kháng chiến thì ông ở nhà với người dì độc ác và 3 đứa em cùng cha khác mẹ. Mười tuổi đầu đã phải cày thuê, cuốc mướn, để lấy tiền ăn học. Còn trước đó, trong cảnh đói nghèo, cùng kiệt, một nách 4 đứa con thơ, mẹ ghẻ ông phải bươn chải, kiếm sống bằng đủ các nghề: Bán bún, bán xôi, bánh đúc nơi góc chợ, đầu đường thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá. Vì thế mới 4 giờ sáng ông đã phải trở dạy sửa soạn làm hàng cùng mẹ, rồi bê các thứ ra chợ cho mẹ ghẻ bán, hòng có tiền độ nhật qua ngày...
Có thể nói, suốt 12 năm đầu của cuộc đời ông là những trang đầy nước mắt, ông không hề có tuổi thơ đã đành, còn bị ăn đòn nhiều hơn ăn cơm.Nếu cô gái Nguyễn thị Thông ( tức Bình- Vĩnh Phúc) trong 13 năm đi ở bị hai vợ chồng nhà chủ hàng phở ( Thanh Xuân - Hà Nội) Trịnh thị  Hạnh  Phương và Chu văn Đức hành hạ dã man, để lại trên lưng hàng trăm vết sẹo lớn nhỏ ) thì ông cũng nhận được những trận đòn roi như thế. Từ gót chân đến mặt, đầu, cổ đều bị xưng vêu bởi sự độc ác, sinh ra từ sự nghèo túng, bi phẫn của người mẹ ghẻ, một nghệ sĩ buộc phải giải nghệ.vì chiến tranh tao loạn, vì gia đình, chồng con...
 Giữa thời buổi chiến tranh, giặc giã, ngồi canh gánh hàng của mẹ kế - nguồn sống duy nhất của gia đình - nhưng hễ có báo động, mọi người nhào xuống hố tăng xê bên cạnh để trú ẩn, thì ông, theo lệnh mẹ phải xếp hết mẹt bánh đúc vào nồi, đậy thúng mủng, dần sàng, mâm đồng cẩn thận mới được nhảy xuống. Có vội vàng sơ xuất, rơi vãi ra ngoài miếng nào là bị đòn roi quật xuống tới tấp ngay sau đó
 Cảnh tượng oan nghiệt ấy chỉ tạm thời được giải cứu khi bố ông từ Hà Nội trở về, và ông thoát ra khỏi gánh nặng áo cơm, cũng là trụ cột gia đình thay bố, để lao vào học  tiếp.
Biết được thời cơ vàng của đời mình, ông học với tốc độ siêu tốc, phi mã, ăn trong chữ, ngủ trong chữ, đêm nằm còn nhai các định luật công thức hoá học cùng câu cú văn phạm tiếng Pháp rau ráu.Vì thế tròn 11 tuổi ông đã đỗ bằng Primaire. Trong khi con nhà khá giả phải chầy chật đủ 7 năm, thì ông đánh vật trong vòng vài ba năm để đoạt được bằng, với chất lượng cao hơn hẳn
Sống giữa  bố và mẹ kế, cùng 3 đứa em, ông vẫn không nguôi ngoai nỗi đau thiếu vắng, cho dù mẹ ông bỏ đi khi ông  chưa hề lẫm chẫm biết đi, trong ông vẫn đau đáu hình  ảnh một người đàn bà vẫn thường hay lén đến gặp ông tại nhà. Thực chất chỉ là đứng chờ ông phía cửa và hễ nhìn thấy ông là giơ tay vẫy vẫy rồi  khi ông bước ra lập tức dúi vội vào tay ông một thứ quà gì đó, và chưa để ông kịp hiểu  ra điều gì đã vội quay người chạy biến trong hàng nước mắt chứa chan... Thế là 14 tuổi, trong  bộ quần áo cũ kỹ, đôi chân trần  không dép, ông lặn lội đi tìm khắp các vùng huyện của tỉnh Thanh Hoá cũng như quê mẹ Thái Bình để gặp bằng được  mẹ  đẻ mới thôi
 17 tuổi ông thoát ly gia đình, trở thành giáo viên trường huyện rồi tình nguyện đi bộ đội, cho đến khi tim yếu, phải xin ra khỏi quân đội, tiếp tục học đại học, trở thành một trong những kỹ sư đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (năm 1962) chuyên ngành địa vật lý máy bay ( giao ngành giữa địa chất và vật lý ), nói chính xác hơn là dùng kiến thức vật lý, khoa học để khảo sát địa chất.
Ngay sau  đó là cảnh ăn bờ, ngủ bụi, ăn đói mặc rét, bất chấp nguy hiểm, thú dữ trước mặt, sau lưng. Chỉ có tình yêu thiên nhiên, tình yêu khoa học, tình yêu tổ quốc vẫy gọi. Nhiều lần ông kể: 9,10 giờ đêm không ngủ được vì đói, dạ dày thũng thẵng thành hình dấu phẩy, đói thắt gan, quặn ruột, đến mức anh em phải rủ nhau ra bờ suối, hái rau dền cơm, dền dại, rau tàu bay, rau muối, rau mản cộng để luộc lên, thả nhúm muối vào, cả đoàn sì sụp ăn vã, hòng kiếm giấc ngủ đêm, để mai có sức làm việc, cống hiến tiếp. Một lần trong số hiếm hoi những buổi chiều ông cùng anh em trong đoàn mò vào bản mua được đôi chim bồ câu cải thiện sau cả tháng trời đói ăn, đói chất, không ngờ vừa quay về liên hoan xong, nằm lăn trên sàn nứa ngủ ngon lành thì phía dưới hổ xông vào vồ lợn của chủ nhà. Hú vía, có lẽ vì sợ đông người, mà hổ chỉ dám rình ở bên bờ suối, khi ông cùng anh em làm thịt chim, chứ không dám nhảy xổ vào vồ ông ngay lúc đó. Lần này cũng như những lần chết hụt trước đó, giữa cảnh bom đạn chiến tranh tao loạn bời bời, ông phải bảo vệ nồi bánh đúc - nguồn sống của cả nhà - hơn cả tính mạng mình, mà bom đạn giặc giã vẫn chừa ông ra, trong khi bao nhiêu người kịp nhảy xuống hầm ngay từ hồi kẻng báo động đầu tiên lại bị chết ngạt vì bị bom đánh. Khi mọi người sau hồi kẻng báo yên tìm đến thì chỉ còn biết lôi ra cả dãy người ôm nhau co quắp như những con nhái bén nơi hầm tối
 14 năm leo đèo, lội suối, khảo sát các vùng miền tìm quặng cho tổ quốc, cũng là 14 năm ông miệt mài viết luận án phó tiến sĩ rồi tiến sĩ. Cứ hết giờ làm việc, anh em trong đoàn lại thấy ông ra mảnh đất sau nhà hái vội nắm rau, về hì hục thổi nấu, mà thức ăn duy nhất  khi đó chỉ là rau lang luộc chấm muối trắng, rồi cặm cụi lục tìm tài liệu, viết luận án đến 2-3 giờ sáng. Chính  vì có công mài ...sách, kết hợp với sự trải nghiệm ngoài đời, qua bao nhiêu chuyến  thâm nhập rừng rú,  mà ông tìm được mỏ uranium đầu tiên ở Quảng Nam tại mỏ than Nông Sơn. Ngay sau đó, được đề nghị phong anh hùng lao động và cũng  được anh em trong Tổng cục Địa chất tín nhiệm “ xui ” ra ứng cử đại biểu quốc hội khoá 9.
Chỉ vì tấm lý lịch có vấn đề ( Bố, dì ghẻ và các em sang Mỹ ) mà ông không được kết nạp đảng viên, không được đề bạt cất nhắc, song không vì thế mà ông nản lòng,  thối chí, bỉ bai anh em đồng chí, những  người tuy kém ông về tài trí,  nhưng  may mắn hơn ông vì tấm lý lịch 3 đời trong sạch củ chuối măng mai ...Lại như những ngày thơ bé, càng gặp khó khăn, trở ngại, ông càng hun đúc trí tuệ mình, càng sải cánh bay cao, bay xa hơn vào bầu trời khoa học mà mình theo đuổi, vật lộn và đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, cũng là câu châm ngôn giản dị của đời mình: Học học nữa, học mãi, quyết biến bi kịch thành thiên tài, để  tìm được hướng đi của cuộc đời mình, dù bao nhiêu giông tố, bão bùng, gió quẩn đi chăng nữa, vẫn chọc trời như chim báo bão, quyết không chịu bò sát đất như giun, quyết không chịu nằm bẹp như những cánh chim bi thương vì trúng mũi tên, hòn đạn
Từ thập kỷ 80 là những năm đời ông mở ra bước ngoặt mới, bằng vào những thành tích cống hiến khoa học nổi trội, không ai có thể so bì, ông bắt đầu được cất nhắcvà được ra nước ngoài dự Hội thảo Quốc tế về Cổ từ học do một tổ chức của Liên Hợp Quốc tổ chức. Lúc này, ông mới thực sự thương tiếc cho người mẹ đẻ của mình. Mười bốn tuổi, khi ông ý thức mình có một người mẹ đẻ thực sự, lặn lội đi tìm, thì mẹ ông đã lấy một ông chủ tịch xã. Trước cải cách ruộng đất, bị quy sai thành địa chủ, cả hai buộc phải bỏ trốn từ Thanh Hoá ra Hà Nội, cho đến khi ông học đại học, mới thỉnh thoảng được gặp mẹ. Bởi không có con với người chồng sau, nên bao nhiêu tình cảm, nỗi cay đắng của cuộc đời, bà biến thành sức mạnh của tình mẫu tử, và dồn hết cho ông, đặt mọi hy vọng vào ông...  khiến ông cứ ân hận mãi vì gia cảnh mình nghèo nàn qúa, chưa báo đáp được cho mẹ thì mẹ đã qua đời (1980). Một chi tiết mà ông quặn lòng nhớ mãi là khi đón mẹ về trông cháu nội, bà mải quấy bột cho cháu dưới bếp, để kẻ trộm ăn cắp mất chiếc đồng hồ Liên xô, làm mẹ ông ngơ ngẩn nuối tiếc, ân hận mãi, như phạm phải trọng tội, dù ông đã mất công xoa dịu, an ủi giải thích thế nào cũng không vơi đi nỗi tiếc nuối, trách cứ trong lòng mẹ .
Từ  năm  1981, ông thực sự  thành đạt, phương trưởng, được đi đây đi đó, có khả năng  báo hiếu  thì mẹ lại chỉ còn là một nấm cỏ thôi. Một trang đời bạc mệnh tài hoa, hồng nhan đã vĩnh viễn khép lại, để lại cả khoảng trống trong ông, một người khao khát tình mẫu tử từ nhỏ, cả cuộc đời lặn lội đi tìm mà chỉ gặp toàn éo le ngang trái, trắc trở ở đời. Khi ông thực sự được sống trong  vòng tay yêu thương, trìu mến che chở của mẹ thì con tạo lại khéo trêu ngươi, cướp bà khỏi tay ông và con dâu, cháu nội, trong  một cơn huyết áp tăng vọt.
 Năm 1989, ông là một trong số 5 người Việt Nam đầu tiên được đặt chân lên đất Mỹ báo cáo đề tài khoa học về lĩnh vực địa vật lý, cũng là lúc ông cùng bố đẻ, mẹ kế và các em được đoàn tụ tại Mỹ sau hàng chục năm trời xa cách. Bà mẹ kế lúc này đã có tuổi, biết nhìn nhận lại sai lầm của một thời sống trong lòng cộng sản, bị bóc lột đến kiệt quệ, tỏ ra vô cùng thương quý ông. Nếu ông có ý định ở lại, chắc chắn sẽ được cả nhà ủng hộ, nghênh tiếp, trải chiếu điều, thảm đỏ để ông đi. Nhưng không, thói quen của một người làm công tác nghiên cứu khoa học trong điều kiện đạm bạc khắc khổ đã lôi kéo ông trở lại với mảnh đất nghèo nàn Việt Nam, với mái nhà nhỏ đầy tình thương yêu, cảm mến, phấn đấu hết mình của vợ con, học bằng mọi cách, tìm mọi cách để học tập, toả sáng, cống hiến..Cho dù ông có thể chỉ là tiểu nhân về đời sống, nghèo rớt mồng tơi về kinh tế, nhưng phải là vĩ nhân về đạo đức, đại phú ông về mặt tinh thần...
Thập kỷ 80 qua đi, đất nước đã chuyển sang một trang đời mới: Xoá bỏ nền kinh tế tập trung do nhà nước quản lý thành kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bài toán kinh tế, dù có phần khởi sắc xong bao nhiêu tiến bộ đạt được trong thời hội nhập lại bị cái đuôi định hướng kéo lùi lại, khiến không ít lúc mang nghiệm âm. Và ông, với khối kiến thức về mặt chuyên sâu cũng như đời sống, văn hoá xã hội lại lao vào viết hết bài này bài khác, tập này, tập khác, hết vấn đề trăn trở này đến vấn đề hóc búa khác để góp một tiếng  nói trung thực trong  điều kiện  ngặt nghèo của đất nước, xoá bỏ tư duy chiến thắng, tư duy nhân dịp, tư duy " hào hung " của một thời để trở về với tư duy hiện đại của thời hội nhập, đổi mới, đổi hướng, đổi luồng... vươn ra biển lớn
Dòng sông xanh đang êm đềm tha thiết chảy bỗng bị chặn dòng, chắn lối, bị bôi nhọ, đánh lén, khuấy bùn.. ông bị bắt vào trại giam B14 Thanh Liệt, Hà Nội,  nơi đã từng giam hãm bao nhiêu con người ưu tú của đất nước như Hoàng Minh Chính, Lê Hồng  Hà, Hà Sĩ Phu, Phạm Quế Dương v.v
 Tại đây đảng dùng chiến dịch tẩy não ông, bắt ông phải kiên trì với định hướng xã hội chủ nghĩa, tin vào các học thuyết lỗi thời, cùng các thành tích ảo của đảng.hòng lấy làm gương cho lớp trẻ, hy vọng qua sự nhượng bộ của ông mà ru ngủ cả dân tộc trong  nghèo đói, lạc hậu...
Ngay sau ngày ông bị bắt, nguyên thủ quốc gia của  22 nước đã đồng loạt đứng tên đòi nhà cầm quyền ung nhọt, thối nát phải  thả ông vô điều kiện , thả ngay tức khắc
Quá hốt hoảng trước uy tín nghề nghiệp cũng như trách nhiệm công dân của ông trong   lĩnh vực khoa học, cũng như không thể nào dập tắt ánh sáng trí tuệ trong tư tưởng,việc làm của ông trong bóng  tối độc tài, đảng đành phải coi như việc bắt ông là một sự nhầm lẫn đáng tiếc và phóng  thích ông vô điều kiện, kèm bao lời dụ dỗ ngon ngọt, trí trá dối lừa
 Trở về với đội ngũ, ông tiếp tục phất cao ngọn cờ dân chủ cho nước nhà, vừa viết bài chỉ ra những yếu kém sai lệch trong đường lối chủ trương chính sách của đảng, vừa phát tán những tư tưởng tiến bộ, hợp thời trong lòng quần chúng u mê, đồng thời phát hiện dìu dắt những nhà dân chủ trẻ để họ tiếp nối con đường mà ông, bạn bè và dân tộc phải đi
Thời điểm này phong trào dân chủ bị đánh phá nặng nề. Sợ mầm mống dân chủ lan rộng ra trên toàn quốc, ăn sâu vào đầu óc, chí hướng lớp trẻ, nhà cầm quyền Việt Nam  ra sức bắt bớ, hoành hành, đốn chặt các mầm dân chủ ngay từ khi còn là đọt măng trên  đất mới. Một loạt tên tuổi vừa kịp nổi lên đã phải vào tù, từ Nguyễn Vũ Bình, Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn...và ông, đau lòng trước số phận ngang  trái của họ, trong  thời buổi nhiễu nhương, con lìa cha, vợ lìa chồng đã đi lại chăm sóc, an ủi động viên, chia xẻ với cả người trong tù cũng như ngoài nhà tù , từ cuốn sách học tiếng Anh, tiếng  Trung Quốc đến những việc cần làm trong quãng đời tù khốn khổ dằng dặc để họ không xao lòng, bại chí, tận dụng được thời gian tối đa trong việc thu nạp kiến thức nhân loại, cả trong chuyên sâu cũng như văn hoá, xã hội cho mình
Dịp sinh nhật ông vừa rồi, cánh anh em trẻ đã âm thầm chuẩn bị bánh trái, rựơu bia, hoa quả đến nhà ông vào chủ nhật (6-7) thì chiều 2-7 ông phải vào bệnh viện hữu nghị Việt Xô cấp cứu, nguy cơ vỡ bàng quang ngay lập tức được giải thoát nhờ các bác sĩ đâm xông vào, để hút ra 2,7 lít nước tiểu 
 Trước đó , ngày  1-7, cánh công an đã gọi điện thoại nheo nhéo:
 - Sắp tới 6-7 rồi , sinh  nhật này bác có định tổ chức gì không?
 Cho dù ông khẳng định cá nhân ông không định tổ chức gì, vì trong  người đang khó chịu lắm, nếu có ai có ý định tốt tìm đến ông vào dịp đó chắc ông cũng phải từ chối thôi, vì        " tấm thân rày có nhẹ nhàng " mới  vui vẻ , hoà đồng được chứ?
 Tuy thế chúng vẫn cứ vuốt đuôi ton hót:
 -  Dù thế nào bọn em vẫn cứ đến chúc mừng bác đấy nhé.
 Ông mệt mỏi buông máy vì biết thừa họ cử người đến chúc mừng ông thì ít mà làm nhiệm vụ trấn áp những nhà dân chủ- bạn bè, thân hữu đến gặp ông thì nhiều.
Tin ông ốm phải vào viện ngay lập tức lan ra khắp ngôi nhà dân chủ, 4 phương 8 hướng, nơi hải ngoại  xa xôi, tất cả  như một dịp để biểu thị tấm lòng của mình với một nhà dân chủ gạo cội hào hiệp, trong  sáng, vô tư, nhân cách lớn như ông, đã lũ lượt tìm vào, từ luật sư Trần  Lâm tận Hải Phòng, cựu chánh văn phòng bộ công an Lê Hồng  Hà, cựu viện  trưởng Học viện Thuỷ Lợi Nguyễn Cầm, đại tá quân đội Phạm Quế Dương, giảng viên âm nhạc Đào Quang Tiến, nhà dân chủ " mới ra lò" Vi Đức Hồi ( Lạng Sơn), Nguyễn Bá Đăng ( Hải Dương), thầy giáo Nguyễn Thượng Long, Vũ Hùng (Hà Tây) Dương Hùng, Nguyễn Phương Anh, Phạm Hồng  Sơn, Nguyễn Vũ Bình ( Hà Nội ) đại diện dân oan các tỉnh Vĩnh Phúc ( Nguyễn thị Huần) , Bắc Giang ( Nguyễn Kim Nhàn) Thái Bình ( Nguyễn văn Túc )  v.v ...đều có mặt
Thông gia của ông tất nhiên không thể thiếu mặt trong những ngày này, song điều đặc biệt là hàng xóm của họ, nghe tin ông nằm viện cũng dắt díu nhau vào thăm, vừa để động viên tinh thần ông, theo nghĩa cử cao đẹp của đạo lý cha ông, vừa nghe ông phân tích tình hình thời sự Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ, Phương Tây, nhất là sau chuyến đi của Nguyễn Tấn Dũng, Nông Đức Mạnh, Trương Tấn Sang...
 Giữa bạn bè, người thân, ông hồn nhiên,vui khoẻ lại.Tuổi già cần tình cảm như tuổi trẻ cần tình yêu. Ông đã sống vì mọi người, vì độc giả khắp nước, nên khi ông vừa "chết giả" anh em bạn hữu đã biết tin  mà lũ lượt  tìm vào.
 Tất nhiên những cái đuôi định hướng cũng theo dấu chân của các nhà dân chủ tìm đến, đem hoa quả, phong bì, vừa là để  thực thi nghĩa vụ với người bệnh đặc biệt cứng đầu, cứng cổ như ông, vừa muốn xoa dịu để làm giảm nhiệt huyết của ông trong những bàiviết, cũng còn nhằm vào một mục tiêu thứ 3, tung tin tới những kẻ xấu bụng, rằng ông là người của họ, là thân tín, tay sai, thậm chí là dân chủ cuội v.v .. để hạ uy tín của ông giữa lòng độc giả
Trước đông đủ " văn võ bá quan ”, nhân viên y tá của bệnh viện, ông chủ động hỏi:
Các cậu đọc bài : "Nguy cơ Lê Chiêu thống hiện đại" của tớ chưa?
Cánh "nạn dân" khép nép:
 - Chúng tôi  đọc rồi !
Ông thẳng  thừng:
- Các cậu không định bắt tớ đấy chứ?
Như mọi khi chúng trâng tráo trả lời :
 - Có bắt, cũng phải chờ anh ra viện đã chứ
Không một chút lưỡng lự, lúng túng, ông dồn:
- Các cậu cứ bắt và bảo họ đưa tớ ra toà đi. Trước toà tớ sẽ đưa ra 3 yêu cầu:
- Giải tán hoặc cải tổ triệt để tổng cục 2 vì đó chính là cánh tay Trung Quốc đang thò vào chọc ngoáy Việt Nam
 - Đuổi trung tướng Nguyễn Chí Vịnh về vườn và tổ chức canh gác hắn thật cẩn thận, kẻo nó nhảy sang Trung Quốc là nguy to đấy
 - Phế truất ngay tổng bí thư Nông Đức Mạnh bởi đó chính là Lê Chiêu Thống hiện đại của Việt Nam
Không để cho đám con cháu " bác " hoàn hồn, ông tiếp:
- Nếu bọn họ chặt đầu tớ thì ngày tàn của đám lãnh đạo cộng sản cũng chấm dứt, và nhân dân sẽ đời đời nguyền rủa chúng, trong khi đó con cái các cậu lại tự nguyện thờ cúng tớ .
Trước lời nói nửa đùa nửa thật đầy lập luận, lý lẽ của ông, cánh " nạn dân " cứng họng, đờ hàm, không nói được câu gì, đành cụp đuôi lủi thủi bỏ về
 Ai có vào bệnh viện thăm ông trong những ngày này, hẳn phải ngạc nhiên vì tính chất khác biệt của nó. Một phòng đầy hoa tươi và tấp nập người ra vào chúc mừng, thăm hỏi. Tiếng nói cười, không khí vui vẻ nhộn nhịp xoá tan đi sự u ám buồn bã, cố hữu của bệnh viện. Ông Bùi Thanh Chi - 76 tuổi, nguyên cán bộ của ban tổ chức trung ương đảng, nghỉ hưu từ văn phòng 10 của thủ tướng, hơn 15 năm nay, cũng là người theo sát tư tưởng hội nhập đổi mới, người đọc rất nhiều tác phẩm của ông cũng như những  nhà dân chủ trẻ, đã vui mừng biết bao khi vào bệnh viện lại được gặp ông,  được "tắm"  trong dòng  dân chủ xanh trong, mướt mát, là những tư  tưởng lớn của ông, cũng buồn bã  biết bao khi sau hơn một tuần điều trị ông lại trở về cùng công việc, gia đình. Cho dù bác sĩ cố giữ ông ở lại để điều trị đủ 15 ngày theo đúng phác đồ điều trị cũng là tiêu chuẩn chế độ ông được hưởng sau 55 năm trời cống hiến, nhưng tờ tập san Tổ Quốc thứ 45 đang đợi ông, bao nhiêu người bạn ở bên kia bờ biển đang đợi ông,ông lại tiếp tục vùi đầu vào công việc cho phong trào đấu tranh dân chủ ở nước nhà, ngăn chặn tệ nạn Lê Chiêu Thống  hiện  đại ở Việt Nam
 72 tuổi, 72 mùa xuân  của cuộc đời, dòng  sông ông càng ngày càng xanh trong , tươi mới,  ngập tràn phù sa, xoá đi bao bãi bờ khô cằn, hoang hoá ...Giữa  đất cằn lạc hậu, tăm tối, những hạt phù sa của ông quả là nặng tình, nặng nghĩa, là kẻ thù của sa mạc, là nguy cơ của độc tài, giúp cho những mầm chồi dân chủ nhỏ nhoi yếu ớt vươn lên,  phủ kín mặt  đất cỗi cằn,  hoang hoá, ô nhiễm vị đảng,  mỗi khi dòng  chảy của ông đổ về, tràn qua...

Hà Nội 7-9 -2008
TKTT