TỰ TRUYỆN NGUYỄN THANH GIANG

KHẮC HỌA MỘT Ý CHÍ KIÊN CƯỜNG

 

        Vừa được đọc cuốn “Đêm dày lấp lánh.”, biên niên sử khắc họa chân dung các nhà dân chủ Việt Nam lại được tiếp tục đọc phần đầu của cuốn “Tự truyện Nguyễn Thanh Giang.”. Viết tự truyện, cứ nghĩ tác giả đã rẽ sang viết văn, nhưng thực ra vẫn là ngòi bút chính luận Nguyễn Thanh Giang. Phải chăng vì nó ngắn gọn, súc tích, không tả tình cảm dài dòng, không hư cấu, hoặc theo lối tư duy chủ quan, suy diễn.

      Từng trang viết cuốn hút người đọc bởi nó đầy ắp kiến thức xã hội, kiến thức lịch sử, địa lý, các phong tục tập quán vùng, miền hết sức phong phú, sinh động. Qua “Tuổi thơ lang bạt” của tác giả, ta thấy một dòng chảy lịch sử của dân tộc, hòa bình và chiến tranh cảnh dân “chạy loạn”, nạn đói năm 1945 len lỏi vào từng nhà … Hình ảnh quê hương, đất nước hiện lên rõ mồn một trải dài hành trình từ trước năm 1945, rất nhiều chất sử thi và nhân văn, đầy ắp tình đời…

    Cậu bé Nguyễn Thanh Giang lớn lên trong nghèo khó, thiếu tình thương của người mẹ hiền, rất thông minh, yêu quý bạn bè nhưng tinh nghịch vào loại “Nhất qủy, nhì ma, thứ ba học trò”, chọc ghẹo bạn, thậm chí lấy cứt dê khô, trộn đường mời bạn ăn. Khi ông cụ thân sinh chuyển về Hà Nội, cậu dám trốn gia đình trên chuyến phà qua sông để ở lại quê nhà Thanh Hóa kháng chién… Ông bố la hét tuyệt vọng, tưởng con mình bị rơi xuống sông. Cho rằng đứa con “bất hiếu” đã bỏ mình, nhưng khi gặp lại thấy con đã trưởng thành ông lại tự hào …

       Có nhiều đoạn rất cảm động như đoạn tác giả (năm học đệ tam, cấp 2 bây giờ) mạo hiểm một mình cuốc bộ 50 km đi tìm mẹ đẻ ở Cầu Quan, Nông Cống.Trên đường đi đầy gian truân, khổ ải, đói khát, cậu bé Thanh Giang đã gặp 2 người đàn bà và một em bé. Đó là ba người trong một gia đình, ba mẹ con phải dắt nhau đi ăn mày vì ông bố bị qui Quốc Dân Đảng nên uất ức, thắt cổ tự vẫn. Họ phải lẩn trốn cái bi kịch ấy.

      Trong cái điếm canh đê, bà mẹ tốt bụng đã cưu mang cậu bé Giang. Trong lúc cậu bị sốt hạch hiểm nghèo, bà mẹ đã cho cậu ăn, giặt giũ chăm sóc cậu chẳng khác gì người thân. Sau này, có dịp gặp lại cô con gái của bà mẹ, Thanh Giang chết lặng vì biết bà mẹ bị rắn cắn chết …

      Vốn là nhà khoa học (TS vật lý), lối viết của cậu rất khoa học, khúc triết, ngắn gọn, có sao nói vậy, không nói lấy lòng và không sợ mất lòng.

      Qua từng trang viết, người đọc dễ dàng cảm nhận ông rất tự hào về quê hương Thanh Hóa, vùng đất địa linh, rất nhiều nhân kiệt: Bà Triệu, Lê Hoàn, Hồ Qúi Ly, Lê Lợi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Hoàng …. Nay ông lại tự hào vì có cựu TBT Lê Khả Phiêu và 2 ủy viên BCT: Phạm Quang Nghị Bí thư thành ủy Hà Nội, Tô Huy Rứa Trưởng ban Tổ chức TW. Nghe tin TBT Nguyễn Phú Trọng dự kiến giới thiệu ông Phạm Quang Nghị làm TBT nhiệm kỳ 2016-2021, tác giả Thanh Giang rất tán thưởng, tự hào về người “Quê choa”, ông cho rằng Phạm Quang Nghị là nhân vật nổi trội so với các Uỷ viên khác trong BCT. Tuy nhiên sau chuyện ông Phạm Quang Nghị đi Mỹ tặng quà cho Thượng nghị sĩ John McCain, mà tác giả cho rằng đây là món quà “quái dị” thì tác giả không yêu mến, ủng hộ ông Nghị nữa, mà quay ra …phê phán …và quả nhiên uy tín của ông Nghị xuống rất thấp, thể hiện ở cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày 10-01- 2015, ông Nghị xếp thứ 19/20! kể cả người giới thiệu ông cũng bị tụt hạng .

      Là người xứ Thanh, ông Giang yêu nhân vật Trạng Quỳnh huyền thoại, một danh sĩ thời Lê-Trịnh. Phải chăng vì Thanh Giang có nét giống Trạng Quỳnh?

       Đọc Thanh Giang, tôi thấy văn phong của ông mang dáng dấp Trạng Quỳnh, không cần phải hoài nghi, nó làm cho người đọc thích thú bởi tính hài hước, dí dỏm … chả thế mà ông nhắc lại bài vè: Thanh Hóa quê ta, Khu 4 gạt ra - Khu 3 đuổi vào – phải chạy sang Lào – Lào không thèm nhận …nó biểu lộ khí phách và chất trào lộng của Trạng Quỳnh thủa xưa.

       Rất nhiều nghịch cảnh và chướng ngại trên đường đời. Nhưng hình như trời Phật thươngThanh Giang, để đền bù cho những nghịch cảnh,Trời Phật đã cho Thanh Giang gặp rất nhiều may mắn và gặp nhiều “Qúy nhân.” sẵn lòng giúp đỡ cậu!

        Như một sự sắp đặt của ông Trời, anh chàng huynh trưởng của Đội thiếu nhi Tháng Tám thuộc Đoàn Thanh Niên Cứu Quốc đã gặp lại cô thiếu nhi mà mình phụ trách tai Đại hội đại biểu sinh viên Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Hà Nội, làm nên một thiên diễm tình trong sáng và thơ mộng giữa đời thường. Chính bà Tuyết Mai, người vợ đảm, tài năng và chung thủy đã thực sự là điểm tựa giúp ông Giang vượt qua muôn vàn khó khăn, kể cả những lúc tưởng chừng không vượt qua nổi và không gượng dạy được.

      Ông Giang, thuộc nhóm các nhà Dân chủ, ông khao khát đóng góp cho Dân chủ và Nhân quyền ở Việt Nam nên nhiều khi gặp trở ngại trên đường đời, bị qui là phản động, chống CNXH. Lẽ dĩ nhiên vợ ông bị ảnh hưởng về sự nghiệp, nhưng bà không hề kêu ca, phàn nàn. Bà tin tưởng chồng nên luôn tự bằng lòng, biết chấp nhận hoàn cảnh, biết động viên, chăm sóc ông. Vì thế, tuy đã về già, cặp vợ chồng này vẫn hạnh phúc,vẫn tràn đầy tình yêu như thời son trẻ. Những trang viết về cuối phần đầu cuốn tự truyện làm cho người đọc cảm động, ngưỡng mộ gia đình ông Thanh Giang và bà Tuyết Mai.

     Đọc tự truyện, thấy cậu bé Thanh Giang từ nhỏ đã quá chìm nổi, lênh đênh, vất vả. Nhưng chính sự chìm nổi với những thử thách nghiệt ngã, những buồn vui thế thái nhân tình đã trui rèn nên một Nguyễn Thanh Giang bản lĩnh và nghị lực, cứng rắn và nhân ái, buông xả để yêu thương. Tác giả viết: “Sự cực khổ khiến con người có sức mạnh ghê gớm” để nói về mình.

      Còn tôi thì nghĩ đến câu nói của nhà văn Xô Viết Ôstơrôpski trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”: “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh ,thép trở nên cứng rắn hơn bao giờ hết …”

     Và tôi muốn giành câu nói đó cho tác giả Nguyễn Thanh Giang .

 

                                                                        Nhà báo Khúc Nga

                                         (Nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô)