YÊU CẦU VIETCOMBANK TRẢ TIỀN KHÁCH  HÀNG

                                                                                                 Luật sư Lê thị Công Nhân

Ông  Nguyễn Thanh Giang – sinh năm 1936, tiến sỹ vật lý địa chất nghỉ hưu, trú tại số 5 ngõ 341 quận Nam Từ Liêm (trước là số 6 tập thể Địa Vật lý Máy bay, phố Trung Văn, Thanh Xuân), bị Vietcombank không trả tiền trong tài khoản của ông. Sự việc cụ thể như sau:

Năm 1995 ông Thanh Giang mở tài khoản tại Vietcombank tại Sở Giao dịch chính trên phố Ngô Quyền. Khi có chi nhánhVietcombank Thanh Xuân 448 Nguyễn Trãi (nằm cùng phía trường Đại học Quốc Gia/Tổng hợp cũ, cách ngã tư Khuất Duy Tiến khoảng 200m) thì ông giao dịch tại chi nhánh này cho gần nhà.

Mọi việc bình thường đến cuối năm 2011, bỗng dưng chi nhánh này không cho ông rút tiền mà không có lý do chính đáng nào được đưa ra một cách nghiêm túc tối thiểu (tức là bằng văn bản). Cả chục lần ông tới chi nhánh đều quay về trong tức tưởi. Nhân viên ngân hàng luôn nói làm “Theo lệnh cấp trên.” thỉnh thoảng có nhân viên lại nói “Theo lệnh Bộ Công An.” (Bộ Công An thì liên quan gì ở đây? Hay như vụ Chặt cây Hà Nội, dở hơi dở hồn ra lệnh cho Trường Đại học Lâm nghiệp cấm giảng viên, nhân viên trường nói về vụ Chặt cây, rồi sau này chối bai bải để lại thất đức cho con cháu!). Họ bảo ông lên Trụ sở chính Vietcombank mà hỏi. Dù ông yêu cầu thế nào chi nhánh này cũng nhất quyết không lập bất kỳ biên bản làm việc hay ghi giấy giới thiệu ông đến gặp “cấp trên” hay “Bộ Công An” thần bí nào đó để làm việc, nếu như chi nhánh này không làm gì sai.

Sự việc cứ thế kéo dài suốt 5 năm! Ông Nguyễn Thanh Giang tuổi cao sức yếu, cũng chưa cần cấp số tiền này (khá nhỏ), và phải nói là ông quá nhẫn nhịn, nên không đưa sự việc ra công luận. Cách đây vài ngày, ông lại đến chi nhánh yêu cầu rút tiền và nhân viên vẫn trả lời nội dung cũ, theo cách cũ - nói mồm!

Ông rất mệt mỏi, phẫn nộ và bế tắc đến nỗi gửi chi nhánh 1 lá thư tuyên bố nếu chi nhánh không trả tiền cho ông và vẫn cứ im lặng khinh thường, vô luật với khách hàng như vậy thì ông sẽ đến chi nhánh ngân hàng này tuyệt thực cho đến khi nào họ giải quyết hoặc đến chết !

Biết tin này, chúng tôi rất shock và phẫn nộ, không tưởng tượng nổi ngân hàng Vietcombank lớn, chuyên nghiệp và uy tín nhất nước, giao dịch toàn cầu lại hành xử như vậy. Sáng thứ 6, 8.4.2015 đến thăm ông, gặp một số người khác ghé chơi, chúng tôi khuyến khích ông phải kiên quyết làm sáng tỏ vụ việc. Chúng tôi gồm: nhà văn Phạm Thành, học giả Nguyễn Hoàng Đức, kỹ sư Hoàng Văn Hùng, biên tập viên Nguyễn Lê Hùng, nhà báo tự do J.B Nguyễn Hữu Vinh và vợ chồng tôi Nhân-Quyền bé Lucas cùng đi với ông đến chi nhánh lạ lùng này để yêu cầu họ lần cuối cùng - có trả tiền cho ông Nguyễn Thanh Giang hay không. Nếu không trả thì phải làm giấy giới thiệu nói rõ phải đến chỗ nào đề đòi.

Đúng 11h sáng chúng tôi đến chi nhánh Vietcombank Thanh Xuân. Đầu tiên ông Nguyễn Thành Trung (ban đầu còn không xưng tên) - Phó phòng Giao dịch, nói là “Theo lệnh Bộ Công an.” Sau đó, ông Viễn (xưng tên cộc lốc, hỏi họ tên đầy đủ thì không nói) - Phó Giám đốc chi nhánh, nói “ Trụ sở chính Vietcombank khóa tài khoản. Chi nhánh không liên quan gì và không làm gì được.” Khi chúng tôi hỏi tại sao anh Trung kia lại nói là “Theo lệnh Bộ Công an.”, ông Viễn luống cuống đáp “Làm gì có lệnh Bộ Công an nào.” trong khi anh Trung vẫn đứng ngay đấy. Mãi sau, ông Viễn mới đưa chúng tôi xem một công văn của chi nhánh này gửi Trụ sở chính Vietcombank, trong đó ghi rõ việc khóa tài khoản là theo lệnh Bộ Công an. Tôi đọc văn bản này cho mọi người nghe, chưa kịp chụp ảnh thì ông Viễn vội vã lấy lại tờ công văn.

Sau đó ông Ngô Quốc Kỳ - Giám đốc chi nhánh Vietcombank Thanh Xuân xuất hiện và cũng từ chối đưa bất kỳ văn bản hay giấy giới thiệu nào để khách hàng tới nơi có thẩm quyền làm việc. Đến 1h trưa, chúng tôi rất đói, bàn nhau gọi cơm rang, bánh mì mang đến ăn trưa. Bác Giang nói ăn ngoài tốn kém, để gọi người nhà mang cơm đến, dù gì nhà cũng gần đây. Sau đó 15 phút ông Ngô Quốc Kỳ đem ra một giấy mời, mời bác Thanh Giang 4h chiều thứ 3 ngày 12.5.2015 tới làm việc tại chính chi nhánh này (trong khi trước đó tất cả họ đều nói là theo lệnh cấp trên và Bộ Công an còn họ không liên quan gì!).

Phải nói thêm một chút, toàn bộ cuộc gặp, dù là ông Trung – Phó phòng, ông Viễn – Phó Giám đốc hay ông Kỳ - Giám đốc, tất cả đều chỉ chăm chăm bảo chúng tôi ra ngoài, hỏi giấy ủy quyền đâu mà lại đến đây, lấy đó làm cớ không cho chúng tôi nói và không trả lời chúng tôi, rồi không cho chúng tôi quay phim chụp ảnh với lý do là phải xin phép họ, rằng đây là ngân hàng của họ. Trời! Những nhân viên ngân hàng này ngang nhiên vi phạm nhân quyền và còn đem phòng Pháp chế ra dọa chúng tôi. Buộc lòng chúng tôi phải giải thích cho họ rõ từng vấn đề. Ví dụ:

 

1-    Đây đúng là ngân hàng “của họ” nhưng đây là nơi công cộng, mọi người đều có quyền vào đây để giao dịch và khiếu nại về những việc liên quan;

 

2-    Ông Giang hoàn toàn có quyền đi với nhiều người khác đến đây để làm việc về vấn đề của ông Giang, nguyên tắc làm việc bên này có bao nhiêu người thì bên  kia có bấy nhiêu người, và thậm chí là nhiều hơn nếu không gây ảnh hưởng đến buổi làm việc;

 

3-    Phòng tiếp khách của ngân hàng không phải là nơi cấm quay phim chụp ảnh. Những nơi cấm quay phim chụp ảnh phải có lý do chính đáng và có quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trở lên và phải có thời hạn về việc cấm quay phim chụp ảnh. Chứ không phải nhà mình, công ty mình thì thích là dựng biển cấm quay phim chụp ảnh trước cửa;

4-    Chụp ảnh, quay phim, ghi âm người khác thì phải xin phép, đó là khi cố ý chụp một người trong đời sống riêng tư và ở không gian riêng tư của họ. Ở đây họ đang làm việc trong không gian công cộng. Đương nhiên mỗi không gian công cộng lại có phạm vi hành xử khác nhau. Nhưng sự khác nhau này rất ít và tự nhiên đến nỗi hiếm có nơi nào trên thế giới này ghi thành  luật. Ví dụ: đều là không gian công cộng nhưng trong văn phòng ngân hàng thì không được đi xe máy hay cầm đao kiếm vào, trong bệnh viện thì không quan hệ tình dục, trước mồ mả (ông Hồ Chí Minh chẳng hạn) thì không được tổ chức thi hoa hậu bikini, trên quảng trường thì không được phóng uế ..v..v.. Ngay cả trong không gian công cộng thì vẫn có thể vi phạm một vài tiêu chuẩn nào đó, nếu cần thiết với lý do chính đáng.

Ngược lại với người dân/cá nhân được làm tất cả những gì không cấm thì nhân viên nhà nước và cả tư nhân chỉ được làm những gì luật cho phép họ được làm với tư cách trong công việc của họ. Ví dụ: Cảnh sát bỗng dưng (vì nếu trinh sát từ trước biết chắc đối tượng đang vận chuyển heroin là chất cấm, thì không nói làm gì) thổi 1 người đi đường dừng lại thì người này đương nhiên có quyền quay phim chụp ảnh toàn bộ cuộc làm việc và cả cận cảnh gương mặt viên cảnh sát này. Điều duy nhất viên cảnh sát nên làm là hành xử chuyên nghiệp, tử tế, tạo dáng cười tươi để có tấm hình đẹp. Lúc đó mà lên cơn kiêu ngạo, phản đối việc bị quay phim chụp ảnh thì sẽ được người hiểu biết chửi cho là ngu dốt, trọc phú, mông muội, là con người mà không biết quyền con người là gì.

 

Ngay cả khi cố ý chụp ảnh người khác trong lúc họ đang sinh hoạt riêng tư trong không gian riêng tư thì vẫn được nếu như cái sinh hoạt riêng tư đó là phạm pháp. Ví dụ 1: A biết X có vợ nhưng thấy X đi vào nhà nghỉ với Y, cửa sổ phòng nghỉ lại mở thì A có quyền chụp ảnh X Y đưa ra công luận. Vì luật pháp Hình sự và Dân sự Việt Nam ghi nhận rõ ràng quan hệ hôn nhân thì phải là 1 vợ 1 chồng. Vì thế, pháp luật quy định bằng chứng ngoại tình rất có giá trị thúc đẩy cuộc ly hôn được giải quyết nhanh chóng và hoàn toàn có lợi cho người bị phản bội. Ví dụ 2: Đồng chí Trọc Phú là quan chức hoành tráng, lén lút mở tiệc ăn thịt Hổ, uống sừng Tê giác trong phòng ăn nhà mình, người khác biết được đương nhiên có quyền quay phim chụp ảnh vụ việc đưa ra công luận. Vì tiêu dùng động vật quý hiếm trong danh sách bảo vệ  đặc biệt của Việt Nam và quốc tế là phạm pháp.

 

Chúng ta hãy ghi nhớ rằng pháp luật Việt Nam và thế giới đều ghi nhận bất kỳ người nào cũng có quyền tố cáo hành vi phạm pháp của bất kỳ ai. Và thu thập chứng cứ là quyền cụ thể để thực thi quyền tố giác tội phạm. Ấy là chưa nói người ta còn có quyền nặc danh (tức không nêu tên mình, còn mạo danh thì đương nhiên là không được) tố cáo, tố giác tội phạm, thậm chí không cần bằng chứng (với vụ việc hình sự, còn dân sự thì phải có bằng chứng, vì trong vụ việc hình sự thì xác minh điều tra là nhiệm vụ, nghĩa vụ của cảnh sát, thanh tra), miễn là không vu khống, bịa đặt;

 

Chợt nhớ ông Trương Tấn Sang trước 30.4 thì ra rả chửi Mỹ, chửi Việt Nam Cộng Hòa, đến đúng 30.4 thì mất hút, nhường đoạn đầu đài cho đồng chí 3D đọc diễn văn-thế là 3D tha hồ chịu trận. Tôi thắc mắc chả lẽ 3D lại ngốc đến thế hay mơ tưởng chức Tổng Bí mù quáng đến mức chửi càn chửi vội trước đại hội 12, để lấy lòng Tàu khựa !? Lại lạc đề! (Tôi chỉ được mỗi cái là hay lạc đề). Chuyện của ông Sang là hồi vụ anh em Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng, đi đâu ông này cũng dạy bảo “Chúng ta làm việc là phải chuyên nghiệp, phải nhớ đấy là công việc, chứ không phải là chuyện cá nhân riêng tư của chúng ta. Đi bắt tội phạm là đi bắt tội phạm chứ lúc đó hoàn toàn không phải là em đi bắt anh hay người nhà đi bắt nhau. Nhầm lẫn các vấn đề như thế thì chết, các đồng chí ạ!”

 

   -    Câu chuyện Uỷ quyền: 3 vị cao cấp của Vietcombank chi nhánh Thanh Xuân liên tục bảo chúng tôi ra ngoài, không cho chúng tôi nói, lại còn tự tin cao giọng hỏi văn bản ủy quyền của bác Giang với chúng tôi đâu. Làm đến chức ấy, nhưng họ không biết (hay giả vờ không biết) một điều là ủy quyền trực tiếp và tại chỗ có giá trị tối cao so với mọi hình thức ủy quyền khác. Ví dụ: A ủy quyền bằng văn bản để B làm việc, tại bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn ủy quyền và dù ở đâu A đều có quyền hủy ngang việc ủy quyền bằng ngay cả lời nói miệng mà không cần bất kỳ lý do gì. Nếu B không làm gì sai vi phạm hợp đồng ủy quyền thì A phải thanh toán mọi quyền lợi cho B (nếu có).

 

Lần đầu tiên chúng ta có một vụ dân oan tài chính ngân hàng được đưa ra công luận. Rất mong nhận được sự quan tâm và chia sẻ của quý vị. Đồng tiền gắn liền khúc ruột! Sau đức tin, lý tưởng, tình cảm, sức khỏe thì đồng tiền là quan trọng nhất! Vậy mà ngân hàng hoành tráng nhất Việt Nam lại đối xử với khách hàng-là ân nhân, là thượng đế của mình như vậy!

 

Chúng ta hãy đồng hành cùng bác Thanh Giang trong cuộc hẹn 4h chiều ngày 12.5.2015 tại Vietcombank Thanh Xuân – 448 Nguyễn Trãi, Hà Nội và sẽ đồng hành đến cùng với bác trong vụ việc này. Chả có chính chị chính em gì ở đây hết. Đơn giản là rút tiền của mình ở ngân hàng mà thế này thì sợ quá. Ai trong chúng ta cũng đã, đang và sẽ có giao dịch tiền tệ tại ngân hàng. Đây là khuynh hướng tất yếu không thể đảo ngược của thế giới cũng như Việt Nam - khuyến khích giao dịch tiền tệ qua ngân hàng.

 

Ảnh chụp buổi làm việc và giấy mời làm việc 4h chiều ngày 12.5.2015 có thể tìm thấy trên mạng và FB của những người tham dự buổi làm việc hôm nay. Địa chỉ của bác Thanh Giang ghi trong giấy mời (Số 9, A13, Hòa Mục, Trung Hòa, HN) là địa chỉ theo đăng ký tài khoản hồi 1995.

Hà Nội, 8.5.2015

Ông Nguyễn Thanh Giang: 098. 4724.165

Bà Tuyết Mai vợ ông Thanh Giang: 016969. 414. 28

LTCN : 0120. 5115. 496 - p316-A7 khu VPCP, ngõ 4 Phương Mai, Hà Nội.