Đảng Cộng sản Việt Nam bị chính giới cách mạng kỳ cựu tố cáo là ''mềm yếu'' trước Trung Quốc
Ngày mồng 3 tháng 2 vừa qua, Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ niệm 80 năm ngày thành lập. Nhân dịp này, hãng tin AFP đã tìm hiểu tâm trạng của một số nhân vật cách mạng kỳ cựu. Họ cảm thấy chua xót và bất bình trước thái độ "mềm yếu" của giới lãnh đạo Việt Nam đối với Trung Quốc.
Theo AFP, nhận định của nhiều người đối với Đảng Cộng sản vào lúc này, thật rõ ràng : họ rất chua xót trước tình hình tham nhũng và lên án giới lãnh đạo làm nhơ nền độc lập vốn đã phải khó khăn lắm mới giành được. Một trong những nguyên nhân chính khiến những chiến sĩ cách mạng lão thành này bất bình là thái độ bị đánh giá là quá mềm yếu của giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay đối với Trung Quốc.
Người đầu tiên được AFP trích dẫn là Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, sinh năm 1916, nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1974 đến năm 1989, hiện vẫn còn sinh hoạt đảng. Trả lời AFP ông nói : ''Ngày nay, Đảng Cộng sản Việt Nam có khoảng ba triệu đảng viên, nhưng họ không còn sức mạnh, uy lực và lòng tin như trong quá khứ''.
Thái độ qua mềm mỏng trước chính quyền Trung Quốc
Theo ông Vĩnh, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng Cộng sản không có bao nhiêu người nhưng đã đủ sức lãnh đạo cuộc nổi dậy và giành lại được độc lập. Cùng với một số người khác, tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cho rằng người dân đã mất đi nhiều sự tin tưởng đối với Đảng vì cho rằng giới lãnh đạo hiện nay quá mềm mỏng trước Bắc Kinh.
Hãng tin Pháp đã nhắc lại sự kiện chính quyền Việt Nam đã làm dấy lên cả một phong trào phản đối trong dư luận vào năm ngoái khi cho một công ty Trung Quốc khai thác mỏ bauxite trên Tây Nguyên. Rất nhiều người, thuộc mọi giới, đã cho rằng tác hại môi trường và xã hội vượt xa các lợi ích về kinh tế. Các hiểm họa về an ninh quốc gia đối với Việt Nam cũng được nêu bật.
Theo AFP, nhân vật nổi bật nhất trong phong trào chống khai thác bauxite là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã giúp Việt Nam chiến thắng Pháp trong trận Điện Biên Phủ vào năm 1954.
Bên cạnh vấn đề khai thác bauxite, công luận Việt Nam, chủ yếu là trên mạng internet, cũng đã phê phán điều được một số người cho là phản ứng yếu ớt của chính quyền Việt Nam trước các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại hai vùng Hoàng Sa và Trường Sa.
Giới lãnh đạo Việt Nam tấn công vào những tiếng nói tố cáo Trung Quốc
Giới ly khai trong nước và ngoài nước, như đại tá Bùi Tín, đang sống lưu vong ở Paris, đã chỉ trích thái độ mà ông cho là ''mập mờ'' của giới lãnh đạo Việt Nam trên vấn đề Trung Quốc. Theo ông, trước đây đảng Cộng sản đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc đòi độc lập, nhất là từ tay chế độ thực dân Pháp. Thế nhưng ngày nay, giới lãnh đạo lại tấn công vào những trí thức lên tiếng tố cáo các mối đe dọa đến từ Trung Quốc đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Còn ở trong nước, nhà địa vật lý Nguyễn Thanh Giang, nay đã về hưu, cũng cho rằng các lãnh đạo Việt Nam có dấu hiệu sẵn sàng hy sinh dân tộc và đất nước để nhận sự trợ giúp của Trung Quốc nhằm duy trì quyền lực độc tôn.
AFP đã nhắc lại một loạt những vụ xử diễn ra trong thời gian gần đây nhắm vào một số nhà ly khai bị buộc tội có hành động chống chính quyền trong đó có việc treo biểu ngữ đòi dân chủ. Các khẩu hiệu này còn gợi đến vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển với Bắc Kinh.
Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã lên tiếng khẳng định rằng Đảng sẽ ngăn chặn không cho các thế lực thù địch lợi dụng dân chủ và nhân quyền phá hoại cách mạng của dân tộc.
Thế nhưng, theo hãng AFP, những người phê phán hiện nay đã cho rằng chính các lãnh đạo Việt Nam là tác nhân bóp méo di sản của cách mạng khi sử dụng quyền lực phục vụ lợi ích cá nhân và làm tổn thương nền độc lập của đất nước bằng việc kết thân với Trung Quốc.
Trọng Nghĩa
|