CÓ NÊN KIÊN ĐỊNH CON ĐƯỜNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA?
Đại hội XI đảng CSVN sẽ khai mạc trong quý 1 năm 2011. Nguy cơ tiếp tục đưa đất nước theo con đường XHCN, để qua bước quá độ này tiến lên Chủ nghĩa Cộng sản, hầu như vẫn là một khẳng định của những người lãnh đạo đảng CSVN. Bài viết này nhằm góp phần ngăn chặn nguy cơ đó.
I – HÌNH HÀI CNXH TRONG LỊCH SỬ HIỆN ĐẠI
Gương mặt CNXH từ buổi lọt lòng đến nay thật dữ dằn, nếu không muốn nói là ghê sợ. Nói về cái xấu, cái sai, cái tàn ác của CNXH đã diễn ra trong thế kỷ qua là chuyện tưởng đã nhàm chán bởi hai lẽ: Một là, vì những chuyện ấy có quá nhiều. Hai là, thực tế đã chứng minh quá rõ. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là, nhiều giới hữu quan vẫn cứ tuồng như không nghe, không thấy, không biết; cho nên ở đây, để làm cứ liệu cho việc bàn thảo, xin vẫn được lược qua đôi chút:
1 - Về chính trị
Được chỉ đạo bởi tinh thần đấu tranh giai cấp, lợi dụng chuyên chính vô sản, các nhà nước XHCN và đảng Cộng sản đã tiến hành nhiều cuộc thanh trừng nội bộ hết sức tàn bạo. Không kể chiến tranh giữa các nước, riêng các cuộc “cách mạng nội bộ” đã tàn sát hàng chục triệu người.
a - Ở Liên Xô
Với chủ trương quốc hữu hóa ruộng đất triệt để, Stalin đã lùa nông dân Nga vào các trại tập trung một cách dã man và khủng khiếp không thua gì các trại tập trung của Đức Quốc Xã ở Auschwitz Ba Lan.
Khoảng 61 triệu 911 ngàn công dân Liên Xô bị chết trong các trại tù Gulag của Liên Bang Xô Viết.
Lãnh tụ cộng sản không chỉ giết công dân mà giết cả đồng chí của họ, Khroutsev đã báo cáo trong phiên họp Đảng ngày 25 tháng 11 năm 1956: “Cuộc điều tra cho thấy: 98 người trong số 139 ủy viên TW chính thức và dự khuyết do Đại hội XVIII (năm 1934) bầu ra, tức là 70%, đã bị bắt và bị xử bắn (phần lớn vào những năm 1937 – 38 )… Không những các ủy viên TW mà đa số dại biểu dự Đại hội XVII của Đảng cũng chịu chung số phận. Trong số 1956 đại biểu chính thức và dự bị thì 1108 người (tức hơn nửa số đại biểu) bị bắt và bị ghép tội phản cách mạng”.
b - Ở Trung Quốc
Nhằm gò ép đất nước vào con đường XHCN theo cách hiểu, cách nghĩ của mình, Mao Trạch Đông đã tiến hành hàng loạt cuộc thanh trừng nội bộ qua những cái gọi là “Chống xét lại, phòng ngừa xét lại”, “Ngăn chặn diễn biến hòa bình”, “Tiếp tục cách mạng dưới nền chuyên chính vô sản”, “Ngăn chặn phục hồi chủ nghĩa tư bản”, “Chống phái đương quyền đi con đường tư bản chủ nghĩa trong Đảng”, “Lôi ra nhân vật kiểu Khrousev” ….
Riêng cuộc Đại Cách mạng Văn hóa tiến hành trong 10 năm đã giết chết 20 triệu người, 100 triệu người bị đem ra đấu tố. (Theo Diệp Kiếm Anh tiết lộ tại lễ bế mạc Hội nghị công tác Trung ương ĐCSTQ ngày 13/12/1978). Tám mươi phần trăm đảng viên cộng sản cương trung bị xử lý trong cuộc Đại cách mạng này. Từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa thành lập năm 1949 đến ngày Mao Trạch Đông chết (1976), không chính thức có nội chiến, không có thiên tai nghiêm trọng mà số người chết không bình thường lên tới 57,55 triệu. Lớn hơn rất nhiều so với số tử vong trên toàn cầu trong Đại chiến Thế giới thứ hai.
Chế độ độc tài toàn trị kiểu Cộng sản cho phép các “lãnh tụ tối cao” không chỉ tàn sát dân lành mà cả các đảng viên của Đảng. Không chỉ đảng viên thường mà cả các lãnh tụ khác. Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ cũng bị Mao Trạch Đông hạ sát rất thê thảm.
Lâm Bưu, người từng được Mao hứa truyền ngôi song chỉ vì dám làm phật ý, đã bị cho nổ máy bay chết tan xác cùng vợ, con trên đường trốn chạy.
c - Ở Campuchia
Quan triệt tinh thần cách mạng triệt để, cách mạng vô sản phải thông qua bạo lực tiêu diệt toàn bộ những tàn tích các chế độ cũ, xây dựng một thiên đường cộng sản hoàn toàn mới, chính quyền cộng sản Camphuchia trong thời gian cai trị từ 14/04/1975 đến 07/01/1979 đã tàn sát 2.035.000 người dân Campuchia vô tội. Tuân theo giáo huấn của “Tuyên ngôn ĐCS”: “Chủ nghĩa Cộng sản phải xóa bỏ buôn bán, xóa bỏ chế độ sản xuất tư sản, xóa bỏ ngay cả giai cấp tư sản nữa”, đối tượng tiêu diệt của chính quyền Cộng sản Campuchia gồm:
- Bất cứ ai có liên hệ đến chính quyền cũ hay các chính quyền ngoại quốc.
- Những người trí thức hoặc chuyên gia, nhất là những người có đeo kính vì cho rằng họ đã đọc nhiều!
- Những người thuộc sắc tộc Việt Nam; những người theo Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo và các tu sĩ Phật giáo.
- Tiểu chủ, thương nhân… vì bị coi là những người không có khả năng sản xuất ra của cải vật chất
d - Ở Việt Nam
Không kể cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn vì ý thức hệ, cuộc chiến tranh không phải “vì ta ba chục triệu con người”, mà “vì ba ngàn triệu trên đời” (Thơ Tố Hữu) đã tiêu phí 1,1 triệu liệt sỹ, 559 200 thương bệnh binh, hơn 300.000 người mất tích, hơn 2 triệu dân thường bị chết, hơn 2 triệu người lớn và trẻ em bị tàn tật, nhiều cuộc đàn áp phi nhân tính đã diễn ra, nhiều vết thương tinh thần còn xiết đau tâm can dân tộc không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai:
- Học tập cách mạng thổ cải của Trung Quốc, Cải cách Ruộng đất ở Việt Nam đã treo cổ, chôn sống, xử bắn, đầy đọa cho đến chết hàng loạt người dân Việt Nam không chỉ vô tội mà còn là những nhân tài kinh tế nông nghiệp bị quy địa chủ, phú nông. Không ai đếm xuể và ước định chính xác được con số thảm họa này. Mười lăm ngàn theo tuần báo Times ngày 1 tháng 7 năm 1957 hay 500.000 người theo nhà văn-nhà báo Pháp Michel Tauriac. Thống kê chính thức của nhà nước Việt Nam được đăng trong cuốn “Lịch sử kinh tế Việt Nam” (tập hai) cho biết là đã có 172.008 người bị quy vào thành phần địa chủ và phú nông mà theo quan điểm của những người thực hiện cuộc cải cách ruộng đất lúc bấy giờ, đây là những người bị xếp vào loại kẻ thù của nhân dân, bị "đào tận gốc, trốc tận rễ". Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể bị bắn tại chỗ hoặc bị lãnh án tù rồi chết trong nhà giam.
- Chỉ vì đòi được tư do tư tưởng để tinh thần văn nghệ sỹ có cơ hội thăng hoa trong tác phẩm, đòi văn nghệ được thoát khỏi xiềng chính trị, đòi trả văn nghệ về phục vụ cho nhân dân chứ không chỉ phục vụ Đảng mà văn nghệ sỹ, trong đó có cả những đảng viên Cộng sản kỳ cựu, những trí thức tiền bối của cách mạng bị quy chụp, bị mạt sát là “ một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, trốt-kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm…. đủ mặt các loại "biệt tính": từ bọn Phan Khôi, Trần Duy mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thụy An, từ bọn trốt-kít Trương Tửu, Trần Đức Thảo đến bọn phản Đảng Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt” (**).
Họ là những trí thức tài ba, giầu lòng yêu nước, từng có công đầu đối với cách mạng nhưng hoặc bị cách mạng “ăn thịt”, hoặc bị đầy đọa đằng đẵng.
- Chỉ vì đấu tranh chống lại việc áp dụng CNXH theo Mao-ít, một vụ đàn áp trí thức dã man lại được lãnh đao đảng CSVN xúc tiến dưới tên goi “Vụ án Xét lại Chống Đảng”. Trong vụ này, nhiều công thần cách mạng như Dương Bạch Mai, Bùi Công Trừng, Lê Liêm, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Nguyễn Minh Cần, Ung văn Khiêm, Trần Minh Việt, Hoàng Minh Chính, Nguyễn văn Vịnh…; nhiều học giả, nhà văn, nhà báo trứ danh như Nguyễn Kiến Giang, Phạm Viết, Hoàng Thế Dũng, Văn Doãn, Vũ Thư Hiên, Minh Tranh, Đào Phan, Bùi Ngọc Tấn… hoặc bị giết hoặc bị đầy đọa khốn đốn.
2 - Về kinh tế
Sau Đại chiến Thế giới lần thứ Hai, trừ Mỹ, tất cả các nước đều phục hồi đất nước theo con đường kinh tế TBCN. Không kể Nhật Bản từ đống tro tàn của mấy quả bom nguyên tử đã vươn cao vời vợi thành một trong hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, tất cả các nước TBCN ngày nay không chỉ dân chủ hơn, công bằng hơn mà còn giầu mạnh hơn, văn minh hơn các nước XHCN.
Trong khi đó, Cuba khi mới gia nhập gia đình XHCN đã mang theo một La Habana hoa lệ nổi tiếng toàn cầu, đời sống nông dân không kém các nước TBCN là bao, thế mà nay, phải ngửa tay xin cái anh bạn nghèo Việt Nam mấy tấn gạo, vài cái computer ....
Triều Tiên xác xơ đến nỗi nhân dân tìm mọi con đường trốn khỏi đất nước không chỉ để thoát khổ nghèo mà còn để thoát khỏi cái địa ngục tinh thần XHCN ấy. Trong khi đó Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của ĐCS đang trở thành “kẻ cố cùng” đem vũ khí nguyên tử ra quấy rầy cộng đồng quốc tế, để ân vòi, ăn vạ và dọa phá bĩnh !
Sự tương phản oái oăm giữa CNTB và CNXN càng phơi bày trực diện hơn ở các nước bị chia cắt hai miền.
Nếu Hàn Quốc chưa được là thiên đàng thì Triều Tiên là địa ngục.
Thu nhập bình quân đầu người ở Tây Đức gấp 4 lần Đông Đức. Đến năm 1961 dã có 2,7 triệu người Đông Đức bỏ đi hoặc chạy trốn sang Đông Đức, phần vì tỵ nạn chế độ chính trị hà khắc, phần vì không chịu được cuộc sống nghèo khổ do chế độ XHCN đem lại. Ngày mới sáp nhập hai nước, giá trị sản phẩm của Tây Đức chiếm 93% trong toàn bộ, Đông Đức chỉ có 7%.
“Chế độ XHCN bạo lực – giai đoạn đầu của chủ nghĩa Cộng sản – trải qua hơn 70 năm nỗ lực hết sức mình để đuỏi kịp và vượt các nước tư bản chủ nghĩa, chỉ riêng Liên Xô và Trung Quốc đã phải trả giá 50 triệu người chết đói (Liên Xô 13 triệu, Trung Quốc 37 triệu) mà cũng không đuổi kịp các nước TBCN chủ yếu trên phương diện “sản xuất và tái sản xuất trong đời sống hiện thực” (*).
“GDP của Trung Quốc năm 1955 chiếm 4,7% thế giới, năm 1980 tụt xuống 2,5%; năm 1955 gấp 2 lần Nhật Bản đến năm 1980 chỉ còn bằng 1 phần tư. GDP bình quân đầu người năm 1955 bằng một nửa Nhật Bản, đến năm 1980 còn chưa được một phần 20. Năm 1960 GDP Trung Quốc chỉ kém Mỹ 460 tỷ USD, đến năm 1980, con số này vọt lên tới 3.680” (*).
“Mao phát động phong trào Đại tiến vọt và Công xã hóa, tiến hành cuộc thực nghiệm CNXH không tưởng lớn chưa từng thấy và cũng gây ra tấn thảm kịch lớn chưa từng thấy trong lịch sử loài người: 35,55 triệu người chết đói”(*). “Nạn ăn thịt người đã diễn ra ở Tứ Xuyên và nhiều nơi khác: khi chôn người chết chỉ vùi nông, tối đến bới lên xẻo lấy thịt ăn, hoặc tang chủ đã lóc thịt thân nhân trước khi mai táng.... Kẻ nhẫn tâm thì làm thịt con ngay tại nhà mình. Kẻ mềm yếu hơn thì “gạt nước mắt đánh đổi với hàng xóm”, trao con mình cho người khác ăn, mang con người khác về làm thịt”(*).
Trong khi nền kinh tế Phương Tây chưa phát triển đáng kể thì Việt Nam đã có Kinh Kỳ, Phố Hiến, tuy nhiên nói đến sự tụt hậu quá xa so với thế giới ngày nay, người ta thường ngụy biện đổ lỗi cho chiến tranh, nhưng, hết chiến tranh rồi mà năm 1975 Sài gòn có tiềm lực kinh tế ngang với Băng Cốc, và được xem là Hòn Ngọc của Viễn Đông, thì 20 năm sau, Sài Gòn tụt hậu so với Băng Cốc 20 năm. Đây là nhận xét của ngài Lý Quang Diệu – người được lãnh đạo Việt Nam mời làm cố vấn một cách rất cung kính.
II - AI ĐƯA VIỆT NAM VÀO CON ĐƯỜNG XHCN?
“Một số người cộng sản ngày nay nói một cách khẳng định rằng: “chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là sự lựa chọn của nhân dân Việt Nam”. Đúng thế chăng? Tôi xin phép được nghi ngờ. Có lẽ không có gì rõ hơn sự lựa chọn của nhân dân Việt Nam trong thời kỳ cách mạng Tháng Tám. Hồi đó, nhân dân lựa chọn cái gì? Lựa chọn độc lập, tự do, hạnh phúc, lựa chọn Nhà nước cộng hòa dân chủ, lựa chọn Việt Minh như một mặt trận thống nhất dân tộc thật sự với những thành viên khác nhau của nó, lựa chọn những người có đức có tài lãnh đạo quốc dân. Lựa chọn bằng những cuộc khởi nghĩa tháng Tám đầy khí thế. Lựa chọn bằng tham gia Giải phóng quân, Vệ quốc đoàn, Nam tiến… Lựa chọn bằng Tổng tuyển cử (6/1/1946) một cuộc bầu cử hoàn toàn tự do, có sự tham gia của nhiều tổ chức và cá nhân thuộc những xu hướng chính trị khác nhau. Lựa chọn bằng Hiến pháp thật sự dân chủ tháng 11/1946 do Quốc hội đầu tiên thông qua”.
Đấy là ý kiến của học giả Nguyễn Kiến Giang trong tiểu luận “ Nhìn lại quá trình du nhập chủ nghĩa Mác-Lenin vào Việt Nam”.
Đại văn hào Pháp Victor Hugo đã rất đúng khi ông nói: “Chủ nghĩa Cộng sản là giấc mơ của một vài người, nhưng là cơn ác mộng cho mọi người”.
Các nhà lãnh đạo đảng CSVN ngày nay hết vu vạ cho nhân dân, lại “đổ tội” cho Cụ Hồ là người đã chọn con đường XHCN nhằm gỡ thế bí trước cả thực tiễn lẫn lý luận, đồng thời để làm khiên chắn cho mình,.
Kể ra thì cũng có những sự thực trớ trêu như:
Trong báo cáo chính trị đọc tại Đại hội 2 (tháng 2 năm 1951) Hồ Chí Minh từng thành thực giãi bầy: “Cách mạng Việt Nam phải học nhiều kinh nghiệm của cách mạng Trung Quốc. Kinh nghiệm và tư tưởng Mao Trạch Đông đã giúp chúng tôi hiểu thấu đáo hơn học thuyết của Mác-Anghen-Lênin-Stalin”.
Trong “Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1959” Cụ cũng khẳng định: “chế độ ta phải xóa bỏ các hình thức sở hữu không XHCN, làm cho nền kinh tế gồm nhiều thành phần phức tạp trở nên một nền kinh tế thuần nhất dựa trên chế độ sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể”.
Tuy nhiên, trong buổi nói chuyện ngày 11 tháng 4 năm 2001 tại Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục, nhà văn Sơn Tùng lại cho rằng: “Bây giờ họ sai lầm đến mức nói đi theo con đường Bác Hồ đã chọn, có đi theo Bác đâu. Bác Hồ là đảng Lao động, là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa….. Thế rồi từ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại đổi thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, rồi đảng Lao động thành đảng Cộng sản… những cái mà Bác Hồ đặt ra thì người ta xóa bỏ. Và năm đó, họ định sau Đại hội 5 sẽ rời thủ đô vào Đắc Lắc. Đó là chuyện của ông Lê Duẩn”.
Quả đúng như vậy. Cụ Hồ đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cho đến ngày Cụ qua đời, nước ta vẫn là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Kết thúc bản di chúc, Người chỉ dặn dò tha thiết: “ Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập dân chủ và giầu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới ”.
Người không dặn phải xây dựng CNXH.
Trong suốt thời kỳ nước ta bị Pháp đô hộ, tinh thần chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc không ngừng âm ỷ và đã từng bùng phát qua nhiều phong trào: phong trào Cần Vương (1885-1912), phong trào Văn Thân (1907-08), phong trào Đông Du (1905-39) và Việt Nam Quốc dân Đảng (1925-22 và 1945-46)..
Phong trào Cần Vương bao gồm nhiều vụ nổi dậy vũ trang như: vụ Tôn Thất Thuyết chống Pháp và mang vua Hàm Nghi ra khỏi kinh thành (1885-88), vụ Phan Đình Phùng khởi nghĩa (1885-95), vụ Bãi Sậy (1885-89), vụ Hoàng Hoa Thám lập chiến khu ở Yên Thế (1890-1913). Tất cả những vụ này đã nổ ra liên tiếp và có khi đồng thời nhưng rời rạc không liên kết, và đã lần lượt thất bại.
Phong trào Văn Thân, tiêu biểu là Phan Chu Trinh, tin rằng bằng cách đề huề hợp tác với Pháp, khai dân trí, chấn dân khí thì có thể canh tân được xứ sở và dân chủ hoá được chế độ. Tuy nhiên, mặc dầu lời kêu gọi của Cụ được giới trí thức nhiệt liệt hoan nghênh, nhưng kết quả đấu tranh chưa buộc người Pháp nhân nhượng được là bao thì tiếc thay cụ đã qua đời.
Phong trào Đông Du tin tưởng ở tinh thần đoàn kết Á Châu, dưới sự lãnh đạo của |Nhật Bản có thể vũ trang vùng dậy giành lại chủ quyền. Tuy nhiên sau khi lãnh tụ Phan Bội Châu bị bắt thì phong trào cũng tan rã.
Dựa vào tinh thần dân tộc được khơi dậy mạnh mẽ qua các cuộc bãi khóa khi cụ Phan Bội Châu bị bắt năm 1925 và bùng phát khi nhiều học sinh, sinh viên bị đuổi khỏi trường và cấm không được thi cử vì tham gia phong trào để tang Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học - một sinh viên Đại học Sư phạm - đã lập nên Việt Nam Quốc dân đảng. Số đảng viên đã từng lên tới hàng ngàn nhưng phần đông là trí thức, học sinh, sinh viên, tiểu thương, tiểu chủ và hạ sĩ quan trong quân đội. Thế mà, sau tiếng bom Phạm Hông Thái vang rền, phong trào cũng vỡ theo.
Trước ngổn ngang những con đường đã dẫn những người đi trước đến thất bại đau lòng, Nguyễn Ái Quốc bật khóc khi lần đầu tiếp cận được với luận cương cách mạng của Lênin. Ông nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” (***)
Năm 1960, nhân dịp sinh nhật thứ 70, Người tâm sự: “Lúc đầu, chính chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế Thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lê, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Trong bài viết “Niềm tin và nỗi lo” nhà báo, nguyên ủy viên Ban Bí thư TW ĐCSVN Hoàng Tùng kể rằng: “Lê văn Lương nói với tôi: Trong những tháng nằm giường bệnh, Bác Hồ dặn lại ông: Mình không có điều gì ân hận, chỉ tiếc không loại trừ được ảnh hưởng của chủ nghĩa tả khuynh của Liên Xô và Trung Quốc vẫn còn kéo dài trong nội bộ Đảng ta. Nhờ đường lối độc lập tự chủ mà ta đã tập hợp được lực lượng của toàn dân tộc, đưa cách mạng nước nhà đến những thắng lợi vẻ vang. Do tác động từ bên ngoài, ta đã phải chịu đựng những tổn thất to lớn. Vì cuộc kháng chiến còn kéo dài, tôi chưa thể nêu vấn đề này ra. Sau này các chú phải làm cho được”.
Vậy là chủ yếu Nguyễn Ái Quốc chỉ muốn sử dụng chủ nghĩa Mác-Lenin như một phương tiện để chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc. Sau này Cụ cũng có lúc nói đến CNXH nhưng không nhiều, cũng không sâu sắc mặn mà lắm.
Có thể nói, Hồ Chí Minh đã góp phần du nhập chủ nghĩa Mác vào Việt Nam, nhưng tập đoàn Lê Duẩn- Lê Đức Thọ mới là người chính thức đưa nước ta vào con đường XHCN !
Sự thực là, Hồ Chí Minh cũng chưa có điều kiện để đọc nhiều và tìm hiểu tường tận chủ nghiã Mác-Lênin. Điều này không có gì lạ cả, chủ nghĩa Mác vốn đã mù mờ, sau đó lại còn bị Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông … bẻ quẹo đi rất nhiều.
Nó mù mờ đến nỗi, ngay từ năm 1936 Stalin đã dám ngang nhiên tuyên bố: Liên Xô đã xây dựng thành công CNXH. Có lẽ Stalin còn tin rằng ngay trong kiếp sống của ông, ông đã có thể đưa Liên Xô vào thiên đường Cộng sản. Bởi vì, Lênin đã định chuẩn một cách dễ dàng: “Chủ nghĩa Cộng sản là chính quyễn Xô viết cộng với điện khí hóa toàn quốc”.
Trong bài “Những trang nhật ký của một nhà chính luận” Lênin còn giảng giải: “Chúng ta không kỳ vọng rằng Mác hay những người theo chủ nghĩa Mác đều hiểu biết mọi mặt cụ thể của con đường tiến lên CNXH. Như thế là phi lý. Chúng ta chỉ biết phương hướng của con đường đó và những lực lượng giai cấp nào dẫn đến con đường đó; còn như về cụ thể và trên thực tế con đường đó ra sao, thì kinh nghiệm của hàng triệu con người sẽ chỉ rõ, khi họ bắt tay vào hành động”.
Hãy văn học hóa lời giảng giải kia bằng mẩu chuyện sau:
Cắm một ngọn cờ bằng kim cương óng ánh trên một đỉnh núi cao ngàn mét rồi hỏi: Ai muốn lên chiếm lĩnh ngọn cờ vinh quang và quý báu đó? Tất cả đều trả lời muốn. Lại hỏi, làm thế nào để lên được? Mọi người, kể cả các lãnh tụ tài ba, các trí thức uyên thâm còn đang suy ngẫm lao lung thì cậu bé lên ba trả lời ngay, trèo! Lại hỏi, trèo theo phương hướng, đường lối nào? Cậu bé nhanh nhảu: toán học đã dạy, đường thẳng là đường ngắn nhất, cứ theo đường nối từ chân cháu lên lá cờ mà trèo! (bỏ qua phát triển tư bản). Lại hỏi: ai trèo?, “lực lượng giai cấp nào dẫn đường”? Cậu bé lên ba: Ông cháu là lão nông đã ngoại tám mươi dẫn đường cho cháu trèo!
Cho nên chính tổng bí thư ĐCS Liên Xô Brezhnev từng nói với em trai mình: “Chủ nghĩa Cộng sản cái quái gì, đều là những lời nói trống rồng lừa bịp” (Theo Hồi ức của Liuba, cháu gái Brezhnev).
III - CHỦ NGHĨA XÃ HỘI NÀO?
Nói Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông đã bẻ quẹo chủ nghĩa Mác là mới nói nửa chừng. Thực tế, Lênin, Stalin và đặc biệt Mao Trạch Đông đã chống lại Mác. Đến lượt mình, chính Mác già đã phủ định Mác trẻ.
Trong cuốn “Mao Trạch Đông ngàn năm công tội” Tân Tử Lăng có kể một truyện cười chính trị: “Một người Trung Quốc đến thăm nơi ở cũ của Mác tại thành phố Trier hỏi người giữ của: “Nước Đức các ngài sản sinh ra Mác, vì sao không tôn thờ chủ nghĩa Mác?” Người gác cửa nói: “Mác là người học vấn uyên thâm, để lại cho đời hai cuốn kinh điển, một cuốn chủ nghĩa Mác nghèo và một cuốn chủ nghĩa Mác giầu. Nghe các cụ già nói thế kỷ trước, có một người tên gọi Lênin rất lợi hại, ông ta cướp mất cuốn chủ nghĩa Mác nghèo, chúng tôi chỉ còn lại cuốn chủ nghĩa Mác giầu, cũng chẳng chính thống gì, nhưng cuộc sống thật dễ chịu”,.( * ).
Nói về sự bẻ quẹo chủ nghĩa Mác của Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông e lại rơi vào chuyên “nói xấu” CNXH, mà đây là chuyện “khổ lắm, biết rồi, nói mãi”, bây giờ xin nói qua về sự phủ định chủ nghĩa Mác của chính Mác-Anghen.
Về quyền tư hữu của con người, Tuyên ngôn ĐCS viết: “Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xoá bỏ chế độ tư hữu”. Mác xem tư hữu là “vật đáng ghét nhất” và nhiệm vụ cơ bản của cách mạng vô sản là xóa bỏ tư hữu. Nhưng trong tiểu luận “Tư hữu và khát vọng cá nhân”, Vũ Cao Quận lại cho rằng “… phải đến khi khác với các loài vật đi kiếm ăn bằng các sản vật tự nhiên, các cụ tổ ngày xưa đã biết gieo trồng, cấy hái…. để có của ăn của để và làm kho cất dấu để dự trữ. …. Với riêng tôi, tôi xin viết hoa hai chữ “Tư Hữu”, là sáng tạo vĩ đại để từ con vật tiến lên thành con người ngày càng giầu có. Hai anh em: “Động lực Cá nhân” và “Tư Hữu” chính là “Động lực phát triển của xã hội loài người” …. “Tư Hữu” được các cụ loài vượn của chúng ta phát minh ra và “vác” chúng trên vai lừng lững đi trên con đường tiến hóa nhân loại, xuyên qua bao chế độ xã hội, bao thể chế chính trị, đưa cuộc sống từ hồng hoang man dại đến văn minh hôm nay”.
Đòi tiêu diệt chế độ tư hữu, tiêu diệt giai cấp tư sản, chấm dứt phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tuyên án tử hình ngay chủ nghĩa tư bản là sai lầm lớn của Mác-Anghen. Đành rằng Mác là một trong những bộ óc vĩ đại của nhân loại, nhưng khi công bố “Tuyên ngôn ĐCS” Mác mới có 30 tuổi, cho nên rất có thể lúc ấy, ở Mác còn rơi rớt cái tuổi xốc nổi.
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1866 các công ty cổ phần và các ngân hàng đầu tư quy mô lớn ra đời, tích lũy tư bản không còn dựa vào các chủ xí nghiệp tự tập hợp vốn qua tiết kiệm và dự trữ mà dựa vào dự trữ của toàn xã hội. Các công ty cổ phần ra đời dựa vào quy trình thu hút vốn xã hội để xây dựng xí nghiệp. Thực trạng đó đưa Mác đến nhận định rằng các công ty cổ phần “đã từ bỏ sản nghiệp tư hữu của CNTB trên cơ sở bản thân hệ thống TBCN”. Nhà tư bản không còn xí nghiệp tư nhân, mà chỉ có tài sản tư nhân, phần tài sản tư nhân này là bộ phận tài sản xí nghiệp được lượng hóa bằng tiền. Việc tách quyền sở hữu và quyền quản lý là một cuộc “cách mạng” hòa bình, tạo khả năng quá độ hòa bình sang một chế độ mới. (*)
Công ty cổ phần ra đời khiến Mác chẳng những tìm được hình thức coi tư liệu sản xuất “là tài sản chung của những người cùng sản xuất, tài sản xã hội trực tiếp”, mà còn tìm được điểm quá độ “tư bản chuyển hóa thành sở hữu của người sản xuất” (*).
Anghen cho rằng: “Sản xuất TBCN do các công ty cổ phần kinh doanh, không còn là sản xuất tư nhân, mà là sản xuất mưu lợi cho rất nhiều người kết hợp cùng nhau”.
Ngay trong “Tư bản luận” tập Một, Mác đã đã phủ định luận điểm xóa bỏ chế độ tư hữu trong “Tuyên ngôn ĐCS” bằng câu: “thiết lập lại chế độ sở hữu cá nhân, trên cơ sở cùng chiếm hữu tư liệu sản xuất”.
Về vấn đề xác định lực lượng sản xuất tiên tiến của xã hôi, Tân Tử Lăng cho rằng: “Lực lượng sản xuất” và “lực lượng sản xuất tiên tiền” là hai khái niệm khác nhau. Lực lượng sản xuất duy trì dây chuyền sản xuất vận hành cân bằng theo tiêu chuẩn chất lượng và số lượng nhất định; lực lượng sản xuất tiên tiến phải phá vỡ sự cân bằng cũ, tạo ra tiêu chuẩn chất lượng và số lượng mới, nâng sản xuất lên một mức thang mới. Công nhân đại diện cho lực lượng sản xuất, nhưng không đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến; người đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến là nhà tư bản. Đó là điều đã được lịch sử phát triển lực lượng sản xuất chứng minh”. (*).
Muốn tiên tiến trong sản xuất phải coi trọng sáng kiến, phát minh và máy móc mới. Vì sợ mất ổn định cuộc sống, sợ việc ứng dụng phát minh và máy móc mới sẽ buộc phải ngừng việc để đi hoc thêm, phải đổi nghề hoặc mất việc, công nhân thậm chí thù ghét máy móc mới. Chính Mác đã nói: “Máy móc không những là người cạnh tranh rất hùng mạnh, lúc nào cũng có thể khiến công nhân làm thuê trở nên dư thừa, mà nó còn được các nhà tư bản công khai tuyên bố là lực lượng thù địch công nhân, và ra sức lợi dụng. Máy móc trở thành vũ khí mạnh mẽ nhất đàn áp bãi công tức những cuộc bạo động mang tính chu kỳ của lao động phản kháng ách chuyên chế tư bản…. Có thể viết cả một pho sử chứng minh rằng nhiều phát minh từ 1830 đến nay chỉ nhằm bảo hộ nhà tư bản đối phó với các cuộc bạo động của công nhân” (*).
Phát minh, sáng chế của các nhà khoa học nếu chỉ dừng lại trên văn bản thì không thể hình thành lực lương sản xuất. Do được thôi thúc bởi lợi nhuận siêu ngạch, các nhà tư bản trở thừnh những người nhiệt tình nhất, tích cực nhất, dù phải chấp nhận rủi ro để thử nghiệm rồi chuyển hóa thành quả nghiên cứu thành lực lượng sản xuất.
Là người phổ cập hóa kỹ thuật mới, máy móc mới, vật liệu mới, các nhà tư bản là người nắm vị trí chủ đạo trong xí nghiệp hiện đại, họ mới chính là người đại diện cho quan hệ sản xuất tiên tiến, đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, chứ không phải giai cấp công nhân.
Giai cấp công nhân không nên và không thể thông qua đấu tranh giai cấp để đào mồ chôn giai cấp tư bản.
Ngày 6 tháng 3 năm1895, trong lời nói đầu cuốn “Đấu tranh giai cấp ở Pháp”, Anghen đã viết: “Lịch sử chứng tỏ chúng ta từng mắc sai lầm, quan điểm của chúng ta hồi đó chỉ là một ảo tưởng. Lịch sử còn làm được nhiều hơn: không những đã loại bỏ được những sai lầm mê muội của chúng ta hồi đó, mà còn thay đổi hoàn toàn điều kiện đấu tranh của giai cấp vô sản. Phương pháp đấu tranh năm 1848 nay đã lỗi thời về mọi mặt… Không có cái gọi là mục tiêu lớn “Cộng sản chủ nghĩa”, đây là mệnh đề mà người sáng lập chủ nghĩa Mác nêu ra khi còn trẻ và từ bỏ lúc về già”.
Ở tuổi 73, trong lời phát biểu với phóng viên báo Le Figaro Pháp ngày 11 tháng 5 năm 1893 ông càng khẳng định đoạn tuyệt với Chủ nghĩa Cộng sản: “Chúng tôi không có mục tiêu cuối cùng, chúng tôi là những người theo thuyết không ngừng phát triển, chúng tôi không tính chuyện áp đặt cho loài người quy luật cuối cùng nào”.
IV - VÌ SAO CẦN PHẢI TỪ BỎ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI?
Vào khoảng cuối thập kỷ 70, thế kỷ trước, phó thủ tướng phụ trách công nghiệp Trung Quốc Vương Chấn sang thăm Vương quốc Anh, trở về, ông phát biểu: “Tôi thấy nước Anh làm hay lắm, vật chất cực kỳ dồi dào, ba chênh lệch lớn cơ bản không còn nữa, xã hội công bằng, phúc lợi xã hội được tôn trọng, nếu cộng thêm đảng Cộng sản cầm quyền thì nước Anh là xã hội Cộng sản chủ nghĩa trong lý tưởng của chúng ta”.
Câu nói đó bộc bạch tâm can của những “nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc thông minh”:
Hãy xây dựng xã hội tư bản dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ và gọi đấy là Chủ nghĩa Cộng sản.
Muốn duy trì được quyền cai trị của ĐCSTQ hãy cứ hô cộng sản nhưng phải dốc lòng xây dựng chủ nghĩa tư bản.
Đây chính là sách lược “Bật tín hiệu rẽ trái, bẻ tay lái sang phải” của “những nhà cải cách thông minh” Trung Quốc.
Thực tế cho thấy Trung Quốc đã từ bỏ CNXH.
Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa 14 ĐCSTQ do Giang Trạch Dân chủ trì đã quyết định loại bỏ kinh tế kế hoạch, thực hiện kinh tế thị trường.
Tháng 3 năm 2004, Hồ Cẩm Đào vừa nhậm chức, kỳ họp thứ 2 quốc hội Trung Quốc khóa 10 đã đưa tư tưởng quan trọng “Ba đại diện”, và điều khoản quan trọng bảo vệ chế độ tư hữu vào Hiến pháp.
Hiến pháp sửa đổi đã bẻ quặt hẳn tay lái ĐCSTQ khỏi đường lối chính trị cũ:
- Khôi phục cơ sở chính trị kiến quốc, thừa nhận và bảo vệ chế độ tư hữu, khôi phục chính sách hợp tác với giai cấp tư sản.
- Thừa nhận chủ xí nghiệp tư nhân (giai cấp tư sản) là lực lượng xây dựng CNXH. Họ không còn bị xem là giai cấp bóc lột, chỉ được tồn tại trong thời gian nhất định rồi sẽ bị tiêu diệt.
- Thừa nhận lực lượng sản xuất do phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tạo ra là lực lượng sản xuất tiên tiến, các xí nghiệp tư nhân đại diện cho quan hệ sản xuất tiên tiến.
Sau những chiến dịch cách mạng XHCN Đại nhảy vọt, Đại Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông làm cho Trung Quốc sắp hấp hối, khẩu lệnh cứu nguy “Mèo trắng, mèo đen, miễn bắt được chuôt” của Đặng Tiểu Bình lúc bấy giờ có thể hiểu là: TBCN hay XHCN, miễn Trung Quốc thoát đói khổ, tiến lên no ấm; XHCN hay TBCN miễn cứu được ĐCSTQ.
Tay lái ngoằn ngoèo của Đặng Tiểu Bình tài ba ở chỗ ông dùng giọng cộng sản để hô lớn: “Một yêu cầu đặt ra trong quá trình lâu dài của công cuộc xây dựng CNXH là phải cho phép một số người và một số địa phương giầu trước, người giầu trước lôi cuốn người giầu sau, cuối cùng tất cả cùng giầu”.
Đấy là cách nói lái của nội dung sau: phải để cho giai cấp tư bản phát triển rồi mới xây dựng được CNXH.
Trung Quốc cũng giỏi ở chỗ biết dõng dạc tuyên bố: Xây dựng CNXH mang đặc sắc Trung Quốc. Độ mở của lời tuyên bố này rất rộng, cho phép họ muốn làm gì thì làm, muốn na ná XHCN cũng được, muốn giống hẳn chủ nghĩa tư bản hiện đại cũng chẳng ai dễ dàng bắt bẻ.
Trong khi đó, ở Việt Nam, người ta muốn nói dối cũng không biết đường nói dối!
Cũng phải thôi. Trong khi Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào …. đều có trình độ học vấn cơ bản tương đối cao thì các Tổng Bí thư của ta chỉ tương đương tiểu học, trung học! Cầm đầu công tác lý luận của Đảng lại nếu không phải hai cụ tiểu học, trung học chỉ được học lỏm về Mác -Lênin thì cũng chỉ mấy ông thư lại viết mướn diễn văn cho các cụ, được các cụ sơn vẽ cho mấy cái tước danh giáo sư tiến sỹ nhưng, mấy ông này, đến thực tế cuộc sống xã hội cũng không có chứ đừng nói đã qua trui rèn cách mạng.
Sao lại cứ phải là “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” nhỉ? Trong tâm khảm mọi người bốn chữ XHCN có tốt đẹp gì đâu, hấp dẫn gì đâu. Cụ Trần Độ vốn là người thích hài hước nhưng Cụ đã nói rất đúng: “Đinh hướng XHCN là định hướng vào chỗ chết thì định hướng làm gì!”.
Hãy bắt chước người ta mà tuyên bố “Xây dựng nền kinh tế thị trường XHCN mang đặc sắc Việt Nam” cũng được chứ sao. Rồi muốn vẽ rồng vẽ voi gì chẳng được. Tất nhiên chưa thể đủ tầm trí tuệ làm khác các nước tư bản hiện đại được đâu.
Có người bảo thôi đừng tranh luận làm gì, nhỡ mang vạ vào thân, họ nói gì mặc họ, họ đang làm tư bản đấy mà.
Không được.
“Kinh tế thị trường định hướng XHCN” là biểu hiện dốt nát của vài người này nhưng là sự gian ngoan, xảo trá của bọn người kia. Người ta lợi dụng kinh tế thị trường (không theo định chuẩn của kinh tế thị trường) để làm giầu bất chính và trở thành tư bản đỏ. Người ta lợi dụng định hướng XHCN để cướp đọat, bóc lột công nhân và nông dân tàn tệ hơn CNTB và đàn áp chính trị dã man kiểu chuyên chính vô sản.
“Định hướng XHCN” cho phép người ta đổ vô tội vạ xương máu, nước mắt, mồ hôi của nhân dân vào các doanh nghiệp nhà nước rồi đem chia chác tư bản cho nhau.
“Định hướng XHCN” cho phép người ta không cần đa dạng hóa sở hữu ruộng đất, cứ để vậy mà biếu xén, ban phát cho nhau; cho cả tư bản nước ngoài để được lại quả tỷ tỷ đồng! Dân lành bị cướp đất bỗng biến thành dân oan và bị trừng trị thẳng tay, bất kể cựu chiến binh, bất kể bà mẹ Việt Nam anh hùng!.
Còn đeo đẳng Mác-Lênin và CNXH thì nhiều cộng đồng dân lành vẫn có nguy cơ bị coi là kẻ thù của ĐCSVN. Làm sao mà hết Thái Hà đến Tam Tòa; hết Loan Lý đến An Hải… và nay lại đang Bát Nhã! Phải chăng trong đầu người ta vẫn còn lởn vởn lời dạy của Lênin: “Chúng ta phải đấu tranh với tôn giáo. Đó là điều sơ đẳng của toàn bộ chủ nghĩa duy vật và do đó của chủ nghĩa Mác”, bởi vì Lênin coi tôn giáo là “một trong những thứ đê tiện nhất đã từng có trên trái đất này”.
Có thể có câu hỏi: Không định hướng XHCN thì là cái gì? Câu trả lời sẽ phải bằng nhiều bài viết khác nữa.
Hà Nội 15 tháng 10 năm 2009 Nguyễn Thanh Giang Số 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội Điện thoại : 35 534 370
-----------------------------------------
(*) Rút trong cuốn “Mao Trạch Đông ngàn năm công tội” của Tân Tử Lăng (**) Trong cuốn Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại " Nhân Văn - Giai Phẩm" trên mặt trận văn nghệ, nhà xuất bản Văn Hoá, 1958. (***) Lời tựa viết cho bản tiếng Nga quyển “Hồ Chí Minh, Những bài viết và nói chọn lọc”
|