SỬA ĐỔI ĐƯỜNG LỐI ĐỂ CHỐNG THAM NHŨNG
Tham nhũng là bệnh thâm căn của nhân loại. Tham nhũng xuất hiện từ khi có sự phân chia quyền lực trong xã hội và hình thành nhà nước.
Không thể không nhìn nhận rằng tham nhũng đã và đang tồn tại trong mọi xã hội,.mọi hệ thống chính trị, ở mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tham nhũng đến mức người ta ngờ rằng ở đâu không có tham nhũng mới là bất bình thường.
Ngày 8 tháng 7 năm 2009, trong phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, ông Vũ Tiến Chiến, chánh văn phòng của ban này nói “ Trong tình hình hiện nay, cần phải xem xét đánh giá một cách thận trọng trước các báo cáo của địa phương chưa phát hiện đựoc vụ việc tham nhũng để xử lý ”
Trong một bài trả lời phỏng vấn với báo New York Times của Hoa Kỳ, tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cũng từng nói ” Tôi cho rằng chỉ có năm phần trăm của tảng băng được đưa ra ánh sáng ”. Nghĩa là, 95% các vụ tham nhũng chưa được phanh phui.
Hồi kháng chiến chống Pháp đã có vụ Trần Dụ Châu, hồi 1975 có vụ phi tang 16 tấn vàng từ ông Nguyễn Văn Thiệu để lại. Dẫu sao, so với bây giờ, tham nhũng thuở ấy còn thưa thớt. .
Nguòi phát ngôn Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, 6 tháng đầu năm 2009 chỉ riêng thanh tra 8 cơ quan gồm: Tổng cục Thuế, Dự án khu đất tam giác Trần Hưng Đạo – Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Thái Hoc, tp HCM, Cổ phần hóa doanh nghiệp tại Thanh Hóa ... đã phát hiện sai phạm lên đến 11 tỷ 130 triệu đồng và 149.889 USD.
Hôm 1 tháng 7 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết cũng trong 6 tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng của thành phố đã phát hiện tổng tài sản tham nhũng trị giá 487 tỷ 160 triệu đồng.
Tham nhũng là bất liêm, không phải chỉ Khổng Tử nói: “Người mà không liêm, không bằng súc vật ” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng viết: “Tham ô là trộm cướp... “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội, của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng mà nó nằm trong tổ chức của ta để làm hỏng công việc của ta.” “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ ‘giặc ở trong lòng’.
Nặng lời hơn, Cụ còn xỉ vả: “ Tham ô là một hành động xấu xa nhất của con người, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội ”.
Để góp phần tích cực chống tham nhũng, ngày 7/11/2006 Bộ chính trị đã ban hành Chỉ thị số 06/2006/CT-Bộ chính trị tổ chức vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ”.
Nhưng, việc này có tác dụng hiệu quả nào không ? Vì sao tham nhũng vẫn không giảm ? Đảng đã thực sự quyết tâm chống tham nhũng chưa ?
Luật Phòng Chống Tham nhũng buộc cán bộ từ phó trưởng phòng của ủy ban nhân dân huyện, thậm chí một số cán bộ, công chức tại xã, phường cũng phải kê khai tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên.
Nhưng, cho đến nay chỉ mới có 28 bộ ngành, cơ quan TƯ và 17 tỉnh, thành phố báo cáo hoàn thành việc kê khai tài sản thu nhập của năm 2008. ( Liệu báo cáo có đầy đủ không ? kê khai có đúng không ? ).
Ông Vũ Tiến Chién – Chánh văn phòng TƯ ban chỉ đạo chống tham nhũng thì khích lệ theo cái kiểu nhắc nhở các cơ quan thông tấn báo chí như sau: “ Trong 6 tháng đầu 2009, việc phản ánh và đưa tin việc phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng của báo chí đã có phần thận trọng hơn”.
Điều thật mỉa mai là, người ta lợi dụng luôn cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ” để … tham nhũng ! Người ta chen chúc nhau, móc ngoặc với nhau nặn ra hết đề tài vô nghĩa này đến chương trình vô lý khác để đào khoét ngân khoản quốc gia hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ đồng mà chia chác. Không cần người có hàm, có chức, bất cứ ai, không gì dễ bằng việc đề xuất một đề tài, một show diễn liên quan đến chủ đề đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh. Thế rồi, tuyển tập xào xáo này - vài tỷ. Công trình nghiên cứu kia chẳng có tư liệu, diễn giải, phân tích gì mới - vài chục, vài trăm triệu. Bài báo dăm bẩy trang vô hồn không chứa đựng chút tư duy nào - dăm bẩy triệu ….
Tháng 12 năm 2003, tại Merida, Mexico, đại diện chính quyền Việt Nam đã ký kết thỏa thuận tham gia Công ước Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc ( gọi tắt là UNCAC –United Nations Convention Against Corruption ).
Công ước này sẽ tạo ra một khuôn khổ pháp lý quốc tế trong việc chống lại tham nhũng, thu hồi lại những khoản tiền bị tham nhũng, thúc đẩy ngân hàng và các tổ chức tài chính có những hành động chống rửa tiền, cho phép các quốc gia thanh tra các công ty nước ngoài và cá nhân mà có dính dáng tới tham nhũng tại nước của mình, cấm việc đưa hối lộ của các quan chức nước ngoài.
Tháng 8 năm 2006, chính phủ Đan Mạch đã tài trợ để Việt Nam tổ chức một hội thảo nhằm thúc đẩy việc phê chuẩn UNCAC. Tại hội thảo này, bà Charlotte Laursen, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam đã khuyễn khích :
“ Việc Việt Nam phê chuẩn Công ước Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc sẽ tạo ra một thông điệp đối với cộng đồng quốc tế, thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam trong việc chống lại nạn tham nhũng trên mọi lĩnh vực ”.
Bà khuyên giải tận tình: “ Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để chống lại nạn tham nhũng. Tham nhũng ảnh hưởng đến người nghèo, đến sự phát triển kinh tế và cũng ảnh hưởng tới tất cả tiến bộ về kinh tế-xã hội của Việt Nam. Chống tham nhũng sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam, làm cho khu vực kinh tế công trở nên hiệu quả hơn và nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam ”.
Tháng 2 năm 2008, sau khi Liên Hiệp Quốc tổ chức một hội nghị chống tham nhũng ở Indonesia, ông Mai Quốc Bình, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ tuyên bố sẽ trình Chính phủ xem xét UNCAC trong qúy 1 năm 2008.
Vậy mà, cho đến ngày 3 tháng 7 năm 2009, Việt Nam mới ký phê chuẩn Công ước Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc, đứng thứ 141 trong danh sách các thành viên chính thức đã phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước này.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn ra thông báo bảo lưu không bị ràng buộc bởi khoản 2 Điều 66 của Công ước. Khoản này quy định nếu có tranh chấp về cách giải thích, áp dụng Công ước mà không thương lượng hoặc giải quyết bằng con đường trọng tài được thì thành viên Công ước có quyền đưa vụ việc ra tòa án tư pháp quốc tế để giải quyết.
Việt Nam cũng tuyên bố không bị ràng buộc bởi một số quy định mang tính tùy nghi, không bắt buộc áp dụng của Công ước. Chẳng hạn như hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, hành vi tham nhũng trong khu vực tư …. Ngoài ra, không coi Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ tội phạm về tham nhũng …
Tham gia Công ước quốc tế rôi, liệu công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam có sẽ đạt được thành quả nhân dân mong đợi không ?
Khó lắm !
Tham nhũng, theo cách hiểu thông thường, là việc sử dụng các quyền lực, uy tín và địa vị công cộng để chiếm đoạt các giá trị vật chất và tinh thần của xã hội hoặc của người khác.
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng hay tham ô là hành vi " của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân ".
Đối với Việt Nam, không chỉ có vậy. Tham nhũng ở Việt Nam còn được dung dưỡng, được bao che bới chính đường lối, chủ trương của ĐCSVN.
Khi cơn suy thoái đã đẩy chế độ đến kỳ hấp hối, ĐCSVN buộc phải từ bỏ nền kinh tế chỉ huy tập trung quan liêu bao cấp để xây dựng nền kinh tế thị trường. Song le, vẫn nhất quyết ngoan cố đeo đẳng cái đuôi “ Định hướng XHCN ”. Cho nên, cứ nhất quyết kinh tế quốc doanh phải là chủ đạo. Nhất quyết đất đai phải là công hữu ….
Về kinh tế quốc doanh, cách đây 13 năm, người viết bài này đã từng phát biểu: “ Nhiều doanh nghiệp nhà nước đang là các bầu sữa tong teo của nhân dân bị vắt ra đau đớn để nuôi béo một bọn người vừa bất tài, vừa vô trách nhiệm, vừa phi nhân bản ” ( Bài “ Thế nào là định hướng đúng ” in trong tập sách “ Khát vọng ngàn đời ” ). Năm 2000, trong bài “ Về vấn đề vai trò của doanh nghiệp nhà nước ” ( in trong tập sách “ Suy tư và Ước vọng ” ), tác giả lại nhắc: “ DNNN là cái bồ sứt cạp thủng đáy; phía trên là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân đang được mạnh tay đổ vào; phía dưới, ngoác ra hàng loạt cái mồm khốn nạn chen nhau nhồm nhoàm nhai nuốt ” .
Về đất đai, dưới danh nghĩa công hữu, đất đai ở Việt Nam hầu như là vô chủ, tạo điều kiện cho những kẻ có quyền, có thế mặc sức cướp đoạt, ban phát, chia chác …..
Cuộc điều tra do Ban nội chính Trung ương và Cơ quan Phát triển quốc tế Thụy Điển tiến hành từ tháng 3 năm 2005 ở 7 tỉnh đã nêu danh 10 cơ quan tham nhũng nặng nề nhất, đứng đầu tất cả là địa chính nhà đất.với các vụ việc như: cán bộ lãnh đạo thị xã Đồ Sơn - Hải Phòng mang hàng chục mảnh đất có giá trị tiền tỷ đi chia chác và làm quà xã giao; vụ siêu lừa Nguyễn Đức Chi cùng dự án Rusalka và những sự “ ưu ái ” khó hiểu từ phía tỉnh Khánh Hòa;
Đất rừng tại huyện ngoại thành Sóc Sơn (Hà Nội) bị băm nát. Rừng không để trồng cây mà được chia lô cho các quan và bọn tư bản đỏ xây nhà hàng, biệt thự, nhà nghỉ, làm trang trại;
Dự án sân golf Tam Đảo được tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép với diện tích 137 ha, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Tam Đảo đã dành tới quá nửa diện tích ( 90 ha ) làm biệt thự. Trong 90 ha chủ đầu tư chia thành 290 lô đất, mỗi lô đất có giá khoảng 1 tỷ đồng. Tính ra, 290 lô đất công ty đã thu về khoảng 300 tỷ đồng, trong khi dự toán đầu tư cho toàn bộ dự án sân golf chỉ khoảng 400 tỷ đồng.
Sáu dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước vào các dự án sân golf ở Lâm Đồng có tổng diện tích trên 5.000 ha. Trong số này,người ta chỉ giành cho sân golf 991 ha. Hơn 4 phần 5 diện tích còn lại lọt vào túi cá nhân.
Báo Lao Động ra ngày 15 tháng 7 năm 2009 có bài đăng trên trang nhất mang tiêu đề lớn: “ 61% diện tích ( đất ) bị sử dụng sai mục đích ”.
Báo Lao Đông ra ngày 16 tháng 7 năm 2009 lại có phóng sự điều tra về “ Gần 3,7 triệu mét vuông đất bị đem cho thuê giá “ bèo ” ”.
Vân vân và vân vân …
Các tác giả trong cuốn sách “ Công cụ hỗ trợ cho tính minh bạch trong công tác cai trị ở địa phương ” ( Tools to support transparency in local governance ) đã đưa ra biểu thức sau:
Tham nhũng (Corruption) = Độc quyền (Monopoly) + Bưng bít thông tin (Discretion) - Trách nhiệm giải trình (Accountability).
Đối chiếu Việt Nam, ta thấy: độc quyền “ rất to” cộng với bưng bít thông tin cũng “ rất to ” trừ đi trách nhiệm giải trình “ rất nhỏ ” thì tất nhiên hiệu số tham nhũng “ rất to ”, rất nặng nề là phải.
Cho nên, muốn chống tham nhũng có hiệu quả ở Việt Nam cần thực hiện 4 việc sau đây:
1 - Đường lối, chủ trương của Đảng cần được sửa đổi hợp lý: đất đai phải đa sở hữu, trong đó có sở hữu tư nhân một cách chính thức; các thành phần kinh tế phải được đối xử bình đẳng, không ưu tiên, ưu đãi thành phần kinh tế quốc doanh một cách bất hợp lý.
2 - Hạn chế độc quyền của ĐCSVN. Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc phải có độc lập tính, phải thực thi đầy đủ quyền và trách nhiệm giám sát thực sự đối với ĐCSVN. Tiến bước thận trọng nhưng nhanh chóng đến chế độ đa nguyên, đa đảng.
3 - Bảo đảm cho được tính minh bạch, tính công khai của xã hội, thông tin phải được cởi mở, báo chí phải được tự do thật sự.
4 - Các cơ quan của Đảng, của Nhà nước, của Chính phủ phải có trách nhiệm giải trình đầy đủ trước Quốc hội, trước nhân dân, đảm bảo cho được khẩu hiệu “ Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra ” công việc của Đảng, của Nhà nước. .
Hà Nội 25 tháng 7 năm 2009
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hanoi
Điện thoại : 35 534 370
|