SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP VIỆT NAM

LÀ YÊU CẦU BỨC THIẾT

 

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa 12 đã khuyến cáo mạnh mẽ rằng không thể không tính đến việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong các lĩnh vực luật hóa cơ cấu Chính phủ và cải cách tư pháp.

 

Ông Nguyễn văn Hiện, cựu chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, hiện là Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương cũng cho rằng không sửa đổi Hiến pháp thì khó cải cách tư pháp. Ông nêu ví dụ là Nghị quyết 49 định hướng tổ chức lại ngành tòa án theo mô hình tòa sơ thẩm khu vực. Muốn thế phải sửa đổi Hiến pháp vì Hiến pháp hiện tại quy định Tòa án và Viện Kiểm sát được tổ chức theo địa hạt hành chánh mà điển hình là mỗi quận huyện có một tòa án.

 

Ông Nguyễn Đình Lộc – nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp – cũng phát biểu là đã đến lúc phải thay đổi Hiến pháp để xây dựng một nhà nước pháp qiuyền.

 

Trong khi đó, kết luận phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11 tháng 10 vừa qua, phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tuyên bố là Quốc hội kỳ này không thảo luận về vấn đề sửa đổi Hiến pháp mà cần chờ đại hội toàn quốc đảng Cộng sản Việt Nam để sửa đổi cương lĩnh ĐCSVN, trên cơ sở đó mới có thể đặt vấn đề sửa đổi Hiến pháp.

 

Giáo sư Hoàng Chí Bảo - Ủy viên Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương thuộc Bộ Chính trị - nhận định là “ Mọi điều chỉnh phải xuất phát từ thực tiễn. Chẳng hạn, nếu cải cách tư pháp, cải cách hành chánh, tổ chức lại bộ máy nhà nước đã cấp bách đến mức cần sửa Hiến pháp thì không cần chờ đến cương lĩnh chính trị ”.

 

Đề cập đến sửa đổi Hiến pháp tưởng chừng là điều cấm kỵ, thậm chí có thể bị coi là phạm pháp, nhưng nay đã được các cơ quan Nhà nước, các người có trách nhiệm ở tầng cao nói đến, quần chúng băn khoăn, bức xúc …Đây đó, có người còn quy kết mọi khó khăn trắc trở  của đất nước hiện nay đều bắt nguồn từ những bất cập của Hiến pháp hiện hành.

 

Bởi vậy, không thể không coi việc sửa đổi Hiến pháp là yêu cầu bức thiết hiện nay.

  

I – Những lý do đòi hỏi phải sửa đổi Hiến pháp –

 

1 – Ngày 9 tháng 11 năm 1946, quốc hội Việt Nam đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên cho một nước Việt Nam độc lập. Đây là một bản hiến pháp dân chủ đa nguyên, đã quy định những quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền bình đẳng về kinh tế, chính trị, văn hóa     ( điều 6 ), quyền bình đẳng trước pháp luật ( điều 7 ), quyền tự do ứng cử và bầu cử ( điều 18), Mặc dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo của chiến tranh, Hiến pháp 1946 cũng đã được ra đời bằng một thủ tục tương đối dân chủ với sự tham gia của mọi phe phái chính trị và tầng lớp nhân dân. Vì Hiến pháp 1946 là hiến pháp lập quốc, nên theo nguyên tắc lập hiến, các bản hiến pháp kế thừa phải tuân thủ các điều khoản cơ bản của hiến pháp nguyên thủy. 

 

2 -  Liên quan đến vấn đề sửa đổi Hiến pháp, Điều 70 Hiến pháp 1946 quy định :

 

“ Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây :

 

a)     Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu

b)     Nghi viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi

c)     Những điều thay đổi khi đã được Nghi viện ưng thuận thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết” .

 

Hiến pháp 1992 cũng như Hiến pháp 1959, 1980 về hình thức đã không theo quy định của Hiến pháp đầu tiên, mà có thiếu sót hết sức nghiêm trọng là không đưa ra “ toàn dân phúc quyết ”, tức là không “ trưng cầu dân ý ”.

 

3 -  Các bản Hiến pháp sau Hiến pháp 1946 đều được sửa đổi theo sự chỉ đạo dựa trên quan điểm nhận thức rất sai lầm của các nhà lãnh đạo ĐCSVN: “ Hiến pháp là đường lối chính trị và những chính sách lớn của Đảng được thể chế hóa ” ( Trường Chinh “ Báo cáo về Dự thảo Hiến pháp nước CHXHCNVN năm 1980 ”.

 

Do bị chi phối bởi tư tưởng Mao Trạch Đông, thời kỳ đó, người ta đã quan niệm: “ Luật pháp là ý chí của giai cấp thống trị được điều văn hóa ”. Tức là, ý chí giai cấp thống trị phải được viết thành các điều khoản trong hiến pháp để ép buộc người dân mà không cần quan tâm gì đến ước nguyện và quyền lợi của nhân dân.

 

Sau này, ông Nguyễn Đình Lộc – cựu Bộ trưởng Tư pháp còn phụ họa và giảng giải rõ hơn:  “ Cả ba Hiến pháp ( 1946, 1959, 1980 ) đều được xây dựng theo sáng kiến của Đảng và dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mỗi Hiến pháp đều thể chế hóa, “ Nhà nước hóa ” đường lối của Đảng … Với ý nghĩa đó, mỗi Hiến pháp là hiện thân của đường lối, chính sách của Đảng, là hiện thân của quyền lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội …”.

 

Thế là, hiến pháp của toàn dân, là ý chí của toàn dân bị biến định thành ý chí của Đảng, lệnh của Đảng, làm ra theo ý của Đảng, buộc mọi người phải mặc nhiên chấp nhận, không được bàn cãi !

 

Các bản Hiến pháp sửa đổi sau này không chỉ tước bỏ một phần ưu việt của tinh thần “ Việt Nam-Dân chủ-Cộng hòa ” trong Hiến pháp 1946 mà còn có biểu hiện vi hiến rõ ràng ( không tuân thủ những quy định cơ bản của Hiến pháp nguyên thủy ).

 

Đó là những sai lạc về nội dung, về bản chất.

 

4 -  Sau các lần sửa đổi, như trên đã trình bầy, Hiến pháp hiện hành có nhiều khiếm khuyết về cả hình thức lẫn nội dung. Chẳng những thế, còn tự mâu thuẫn giữa điều khoản nọ với các điều khoản kia như:

           

   a - Điều 12 Hiến pháp 1992 quy định: “ Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

 

Tất cả những gì ghi trong Hiến pháp đã là luật pháp tối cao buộc nhà nước phải tuân theo đó mà quản lý xã hội. Vậy còn pháp chế xã hội chủ nghĩa là cái gì nữa. Phải chăng đây là một thứ luật pháp của Đảng trùm lên trên Hiến pháp, sẵn sàng dẫm lên Hiến pháp, làm vô hiệu hóa Hiến pháp.

 

   b - Điều 31 Hiến pháp 1992 ghi: “ Nhà nước tạo điều kiện để công dân phát triển toàn diện ….yêu chế độ xã hội chủ nghĩa, có tinh thần quốc tế chân chính ”.

 

Tại sao Nhà nước lại phải có nhiệm vụ giáo dục để ép buộc công dân phải yêu chủ nghĩa xã hội trong khi việc chọn một chủ thuyết, một tôn giáo nào để tôn thờ là quyền của mỗi người dân ?

 

Tinh thần quốc tế chân chính là cái gì ? Là phải xông lên tuyến đầu diệt Mỹ để bảo vệ các quốc gia thân hữu như Liên Xô, Trung Quốc hay phải xả thân giáng trả bọn khủng bố để bảo vệ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ ?

 

V v …

 

5 -  Từ chỗ Hiến pháp nhẽ ra phải là của toàn dân nhưng lại bị biến thành công cụ để Đảng thực thi quyền lực của mình. Hiến pháp hiện hành không thể không được xét định lại. Trong đó, nổi cộm nhất là Điều 4. Điều chắp vá tùy tiện khiên cưỡng này xâm phạm nặng nề tinh thần “ do dân, của dân, vì dân ” của chế độ chính trị.

 

Cho nên Điều 4 chính là tiêu điểm xét định khi sửa đổi Hiến pháp.

 

 

II – Về Điều 4 của Hiến pháp hiện hành –

 

A – Mâu thuẫn giữa điều 4 với chính Hiến pháp :

 

Phải nói Điều 4 Hiến pháp 1992 đã có “ đổi mới ” khá hơn Điều 4 Hiến pháp 1980.

 

Điều 4 Hiến pháp 1980 quy định: “ Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiền phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân, được vũ trang bằng học thuyết Mác-Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội, là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam …”. 

 

Điều 4 Hiến pháp 1992 ghi: “ Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội ”.

 

Lược bớt hai chữ “ duy nhất ” cho đỡ trắng trợn, song tinh thần chung thì vẫn thế.

 

Về điểm này, nhà cách mạng kỳ cựu Trần Độ đã viết trong bài “ Một chiến lược dân chủ hóa để chống tham nhũng ”: “ Lập ra bộ máy nhà nuiớc để quản lý xã hội thì bộ máy đó phải có quyền lực. Nhưng mà dân làm chủ thì phải có cơ chế cho dân giám sát và kiểm sóat quyền lực đó … Thế mà ngược lại, Hiến pháp lại ghi ở Điều 4: “ Đảng Cộng sản Việt Nam … là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội ”. Thế thì chỉ có Đảng là trên cả Nhà nước, trên cả nhân dân, và đó là nguyên lý phản dân chủ lớn nhất ”.

 

Điều tệ hại là, Điều 4 còn dẫm đạp lên nhiều điều khác trong chính bản Hiến pháp 1992:

 

   1 - Đối với Điều 2 – Điều 2 ghi : “ Nhà nước CHXHCNVN là nhà nước pháp quyền XHXN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân ”

 

Điều 2 xác định Việt Nam là một nước dân chủ theo định nghĩa của tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln: “ Một quốc gia dân chủ là một quốc gia mà chính quyền của dân, do dân, vì dân ”. Điều 4 khẳng định “ Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội ”. Vậy tức là đảng chủ, là chính quyền của Đảng, dân của Đảng, dân phải vì Đảng. Rõ ràng Điều 4 chống lại Điều 2.

 

   2 - Đối với Điều 15 – Điều 15 ghi: “ Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách phát triển kinh tế thị trường …” trong khi Điều 4 ghi: “ Đảng CSVN theo chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ….”.

 

Kinh tế thị trường là kinh tế hàng hóa phát triển ở trinh độ cao trong khi chủ nghĩa Mác nói chung không thừa nhận kinh tế hàng hóa và chủ trương xoá bỏ sở hữu tư nhân. Rõ ràng Điều 15 “ bất đồng chính kiến ” với Điều 4.

 

   3 - Điều 17 ghi: “ Phát huy mọi năng lực sản xuất, mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài …  ”.

 

Điều 21 ghi: “ Kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân được chọn hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, được thành lập doanh nghiệp, không bị hạn chế về quy mô hoạt động …”.

 

Cùng với Điều 15, hai điều này không thể thích nghi Điều 4,hoặc là Điều 4 là cái cùm gông xiềng ba điều 15, 17, 21.

 

   4 - Đối với Điều 83 – Điếu 83 ghi: “ Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước CHXHCNVN ”. Thế là, Điều 83 cùng với Điều 2 hoàn toàn phủ định Điều 4, hoặc là Điều 4 chống lại Điều 2 và Điếu 83.

 

   5 - Đối với Điều 101 –  Điều 101 quy định:quyền hạn của Chủ tịch nước: “ Chủ tịch Nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước CHXHCNVN về đối nội và đối ngoại ” trong khi Điều 4 xác định đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Hai điều này chồng chéo dẫm đạp lên nhau, nói khác đi, cũng chống nhau.

 

V v …..

 

B -  Điều 4 biểu hiện Đảng toàn trị chứ không phải Đảng lãnh đạo -

 

1 – Khi đặt ra Điều 4, Đảng chỉ nhìn thấy mặt lợi là dựa vào đấy để giữ “ ổn định chính trị ”,

củng cố vị trí độc tôn, vĩnh viễn của Đảng.

Song, mấy chục năm qua, thực tiến đã trả lời: Điều 4 đã làm tha hóa Đảng rất tai hại. Không ai, kể cả những người cầm đầu Đảng, không dễ dàng nhận rõ được rằng Đảng ta đã và đang suy thoái trầm trọng.

 

Đảng suy thoái như thế nào ?, ở điểm nào ?, ở đâu ?, người ta đã nói quá nhiều, thiết tưởng không cần nhắc lại ở đây.

 

Nhưng có thể khái quát là tín nhiệm của Đảng đã sa sút, nội bộ Đảng đã bị lũng đoạn, sức mạnh Đảng đã suy giảm đến mức báo động. Biết bao nhiêu nan đề: giao thông ách tắc, môi trường hủy hoại, giầu nghèo doãng xa, tham nhũng tệ hai, văn hóa suy đồi …! Điều 4 có trách nhiệm gì ở đây ? Đảng toàn trị có phải là nguyên nhân ?

 

2 -  Đảng toàn trị làm Đảng suy yếu. Tác động của Đảng làm nẩy sinh tiêu cực trong nhân dân. Sự thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiện … là các tệ đoan tầm thấp. Cao hơn là chà đạp lên văn hóa dân tộc, gian dối lừa đảo, bức hại người lành, tội phạm tràn lan …. Đảng khống chế và chi phối xã hội. Đảng suy thoái làm cho xã hội suy thoái. Đấy là hậu quả tai hại của đảng toàn trị do Điều 4 gây ra ?.

 

Điều 4 nguy hại như vậy, cho nên đặt vấn đề xem xét, nghiên cứu, giai tỏa Điều 4 là điều cần làm và cần làm ngay.

 

Giải tỏa Điêu 4 là vấn đề hệ trọng, bao trùm lên tất cả. Bởi vậy nó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân thực sự đề cao tinh thần trách nhiệm vì nhân dân, vì Tổ quốc mà dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám dũng cảm đương đầu.  

 

III – Sửa đổi Hiến pháp như thế nào ?

 

1 -  Tình hình một đất nước luôn biến đổi đòi hỏi hiến pháp phải được sửa đổi, tu chính cho phù hợp là tất nhiên.  

 

Những điều trình bầy trên cho thấy Hiến pháp 1992 tồn tại rất nhiều nghịch lý và bất cập, trong đó, nổi cộm nhất, nhức nhối nhất là Điều 4. Cho nên, tốt nhất là viết lại Hiến pháp. Nếu chỉ sửa đổi thì trước hết phải hủy bỏ Điều 4.

 

Từ lập quốc đến nay, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã 4 lần sửa đổi hiến pháp.

 

Ngày 14 tháng 3 năm 2004, Quốc hội Bắc Kinh đã thông qua bản Hiến pháp Trung Quốc sửa đổi lần thứ tư.

 

Trong 14 điều tu chính người ta chú ý đến những điều khoản có liên hệ đến kinh tế thị trường và những điều khoản liên quan về chính trị.   

 

Về kinh tế thị trường, tu chính chú trọng đến việc bảo vệ quyền sở hữu cá nhân hợp pháp, trong đó có quyền sở hữu đất đai và chính sách đối với các ngành kinh tế tư nhân.. Về phương diện chính trị, Hiến pháp 2004 có hướng đến tôn trọng và bảo vệ nhân quyền, cải thiện hệ thống an ninh xã hội, quy định về việc ban bố tình trạng khẩn cấp và quyền hạn của Chủ tịch Nước, nhiệm kỳ của chính quyền ở cấp thành phố …

 

Khoản 2 điều 11 Hiến pháp sửa đổi của Trung Quốc ghi: “ Nhà nước bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh và kinh tế phi công hữu …”.

 

Điều 13 ghi: “ Tài sản tư hữu hợp pháp của công dân không thể bị xâm phạm. Nhà nước bảo vệ, chiểu theo quy định pháp luật, quyền có tài sản tư hữu và quyền kế thừa của công dân …”.

 

Điều 33 ghi: “ Mọi người có quốc tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là công dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Mọi công dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo vệ nhân quyền ”.

 

Hệ quả của bản sửa đổi Hiến pháp 2004 cho phép ngày 15 tháng 11 năm 2007 Trung Quốc đã cho ban hành sách trắng về “ Chế độ chính đảng của Trung Quốc ”. Sách trắng giải thích rất chi tiết về sự hình thành đặc điểm, sự phát triển và vai trò của chế độ hợp tác đa đảng trong quá trình phát triển xã hội và kinh tế của Trung Quốc.

 

Chúng ta thường quan tâm đến việc tham khảo kinh nghiệm Trung Quốc, thiết nghĩ việc sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc 2004 và tinh thần sách trắng nêu trên càng rất đáng để ta phải xem trọng.

 

2 -  Về quy phạm sửa đổi hiến pháp ta đã không theo lề lối của thế giới mà cũng không theo các điều khoản khoản hiến định trong Hiến pháp 1946.

 

Từ trước tới nay, Hiến pháp nước ta đều do Quốc hội soan thảo và thông qua, mà Quốc hội chỉ là cơ quan lập pháp trong khi lập hiến có chức năng riêng và quyền lập hiến là một quyền riêng.

 

Luật gia Thomas Jefferson, tác giả của bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ 1776 là người có công thúc đẩy hình thành tư tưởng hiến trị. Trong đó quyền lập hiến được đặt cao hơn quyền lập pháp. Từ đấy bảo đảm cho hiến pháp không bị cơ quan lập pháp làm biến chất. Đề xuất nâng quyền lập hiến thành quyền riêng cao hơn quyền lập pháp đòi hỏi phải thành lập cơ quan lập hiến gồm những đại biểu không chỉ gồm các đại biểu quốc hội.

 

Những người làm cuộc cách mạng 1789 của Pháp cũng như những người làm cuộc cách mạng 1776 tại Mỹ đều chủ trương phải phân biệt quyền lập hiến ( quyền làm và sửa đổi hiến pháp ) với quyền lập pháp  ( quyền làm luật ). Giáo sư George Vedel, trong giáo trình về luật hiến pháp đã chỉ ra rằng quyền lập hiến là một “ thẩm quyền đặc biệt ”. Quyền này là một biểu hiện của chủ quyền quốc gia nên nó là một quyền “ nguyên thủy ”. Do vậy, về mặt pháp lý, nó không thể bị hạn chế bởi bất cứ quyền nào khác.

 

Làm lại hay sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam cũng nên giao cho một cơ quan quyền lực kiểu như thế .

 

*

 

Tóm lại, cần kíp thời làm bản Hiến pháp mới cho một nước Việt Nam sau khi đã gia nhập WTO và đang quyết tâm xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ; một nước Việt Nam đã trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hơp Quốc và cam kết ngày càng tôn trong nghiêm chỉnh hơn các công ước quốc tế. Hoặc ít ra, phải sửa đổi Hiến pháp 1992 một cách cơ bản.

 

Để làm việc này, phải thành lập một Ủy hội Lập hiến gồm các chính khách, các trí thức tên tuổi, các đại biểu xuất sắc thuộc mọi thành phần xã hội không chỉ là đại biểu Quốc hội hay đảng viên đảng CSVN. Bản Hiến pháp mới hay Hiến pháp 1992 sửa đổi, nhất thiết phải được đưa ra cho nhân dân phúc quyết.

 

Dứt khoát gạt bỏ Điêu 4 Hiến pháp 1992 khỏi Hiến pháp mới hoặc Hiến pháp sửa đổi. Gạt bỏ Điều 4 chính là phương sách cứu chữa và vực đảng CSVN dậy.

 

Tuyên bố: “ Đảng ta bỏ Điều 4 là tự sát ” phải chăng là câu gở miệng. Hãy nhớ, ngày 20 tháng 11 năm 1989 trong cuộc họp Bộ Chính trị đảng Cộng sản Liên Xô, ông Michail Gorbachev vừa dóng dả: “ Phải giữ cho được điều 6 Hiến pháp ( tương tự Điều 4 của Việt Nam ), đó không phải là tình trạng cứu hỏa và cũng không phải là tình trạng đặc biệt ” . Oái oăm thay, đấy lại chính là “ Tiếng chuông nguyện hồn ai ” bi thảm, cáo chung đảng Cộng sản Liên Xô liền ngay sau đó. Đó là gương tầy liếp buộc người có trách nhiệm ở Việt Nam phải cảnh tỉnh.

 

Một lần nữa, chúng tôi xin nhắc lại, hãy kíp thời hủy bỏ Điều 4 Hiến pháp, làm cơ sở hủy bỏ Điều 88 Bộ Luật hình sự, nhằm giúp đảng CSVN còn có cơ tồn tại và ra sức vươn lên đặng sánh vai cùng các đảng khác trong một chế độ dân chủ đa nguyên, đa đảng, ngõ hầu xây dựng được một nước Việt Nam mạnh giầu, nhân dân được hưởng tự do, hạnh phúc.  

 

                                                               Hà Nội ngày 20 tháng 11 năm 2007

                                                  Ls Trần Lâm và Ts Nguyễn Thanh Giang