TỔNG BÍ THƯ CŨNG LẨY KIỀU!

 

Năm 2000, trong chuyến thăm Việt Nam, tại Quốc tử giám Văn Miếu, tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã lẩy hai câu Kiều làm xốn xang dư luận:

 

"Sen tàn cúc lại nở hoa,

Sầu dài ngày vắng đông đà sang xuân"

 

Không phải chỉ vì câu thơ hay mà còn vì nó được tấu lên rất hợp cảnh, hợp tình, làm tươi nở lòng người. Tổng thống vận cái trạng huống quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ vào quy luật tạo hóa. Sen tàn thì đến phiên cúc nở hoa. Bang giao Việt Nam – Hoa Kỳ được cải thiện sẽ đẩy lùi cơn “sầu dài” mùa đông đem xuân đến cho đất nước Việt Nam.  

 

Tối 7 tháng 7 năm 2015, trong buổi chiếu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lại tiếp tục lẩy Kiều:


“Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”

 

Như ai oán mối lương duyên giữa hai dân tộc Việt Nam – Hoa Kỳ đã từng chia biệt do ý thức hệ, ngày nào Thúy Kiều từng nức nở ”Ôi Kim lang, hỡi Kim lang/ Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”. Vậy mà, Trời còn để có cái ngày tan sương mù ảm đạm quá khứ để hôm nay ta được cùng nắm tay nhìn lên bầu trời mây đã vén.

 

Giá Nguyễn Phú Trọng đối đáp lại được bằng mấy câu thơ Mỹ nào đó, của Walt Whitman chẳng hạn, thì môn đăng hậu đối biết mấy. Hoặc ít ra ông ta cũng nối vận được hai câu Kiều tiếp sau câu Kiều Joe Biden vừa đọc:

 

“Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời

Hoa tàn mà lại thêm tươi
Giăng già mà lại hơn mười rằm xưa”

 

 

Tiếc thay, mang danh giáo sư-tiến sỹ-cử nhân văn chương mà Nguyễn Phú Trọng không thuộc Kiều mấy. Hình như ông ta cũng không hiểu Kiều lắm. 

 

Tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội sáng 8/12, sau khi nêu quan điểm về việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo Đảng: “Nguyên tắc cần đeo bám khi chọn cán bộ là phải có đức, có tài, nhưng chữ đức phải là gốc. Phải trung thành tuyệt đối, với dân, với chế độ, với Đảng, giữ cho được chế độ này, Đảng này, giữ cho được hòa bình ổn định để phát triển đất nước", Nguyễn Phú Trong cũng bắt chước lẩy Kiều:

 

 

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.    

Có tài mà cậy chi

Chữ tài liền với chữ tai một vần

 

Lẽ ra chỉ cần lẩy hai câu trên là đã đủ minh họa cái ý “đức phải là gốc”. Dấn thêm hai câu “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần” không những thừa, lạc lõng mà còn vô chính trị.

 

Hai câu cuối chỉ diễn tả cái thực trạng xã hội Nguyễn Du, cái “xã hội phong kiến thối nát” mà chủ nghĩa Mac- Lenin chủ trương phải tiêu diệt. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo tài tình của “ĐCSVN đạo đức, văn minh” thì làm gì còn cái nghiệp chướng “chữ tài liền với chữ tai một vần”. Nhắc lại ở đây, NPT muốn ám chỉ gì? Oán trách ai? Răn dạy ai?. Hay là ông ta muốn gợi lại những chuyện ai oán đối với Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trần Dần, Lưu Quang Vũ, Trần Độ, Trần Xuân Bách …gây nên bởi chính chế đọ cộng sản?

 

Tôi chợt nhớ lời Nguyễn Bá Học (*): “Phàm vật đã đến cực điểm thì hay giống nhau: cho nên người cực hiền giống như ngu; người cực gian giống như thật; cực nhã giống như tục; còn những kẻ tài sơ mới hay khoe tài khoe trí”.

 

Và Hồ Xuân Hương:

 

Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông 

Nó bảo nhau rằng “ấy ái uông”

 

                                                                                               Hà Nội 11 – 12 – 2015

Nguyễn Thanh Giang

Số nhà 5 ngõ 341 đường Trung Văn

Quận Nam Từ Liêm – Hà Nội

Mobi: 0984 724 165

 

 

(*) Nguyễn Bá Học (1857-1921) là một nhà văn Việt Nam. Cùng với Phạm Duy Tốn, ông được giới văn học đánh giá là một trong những cây bút đầu tiên viết truyện ngắn hiện đại bằng chữ quốc ngữ trong văn học Việt Nam. Ông là tác giả danh ngôn “Đường đi khó không vì ngăn sông cách núi mà vì lòng người ngại núi e sông”, sau này Hồ Chí Minh lặp lại, nhưng không hay bằng vì mang yếu tố huyễn hoặc: “Không có việc gì khó/Chỉ sự lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.

 

(Kháng chiến chống Pháp thắng lợi có thể xem là đào núi và lấp biển nhưng vì phá hoại thiên nhiên nên bị Trời phạt. Nước tụt hậu, dân mất tự do, dân chủ; thoát nô lệ này để chui vào vòng đô hộ khác tàn tệ hơn! )