NHỮNG VÌ SAO TRONG ĐÊM DÀY

 

Chủ trương tích hợp môn lịch sử với giáo dục công dân và an ninh quốc phòng đang trở thành thời sự nóng hổi được bàn thảo sôi nổi ở Quốc hội. Căn nguyên vần đề là ngành giáo dục muốn giải thoát tình trạng lâu nay học sinh chán học lịch sử. Tiến sỹ Địa Vật lý Nguyễn Thanh Giang, trong lời nói đầu tác phẩm “Đêm Dày Lấp Lánh” đã giải thích hiện tượng này như sau:

 

«Người ta cứ chê học sinh Việt Nam bây giờ rất dốt về sử, trong khi đầu óc các em bị nhồi nhét ngổn ngang không biết bao nhiêu địa danh chiến trận: xưa là Ải Chi Lăng, Gò Đống Đa ..., nay là Nà Ngần, Đông Khê, Vạn Tường, Đồng Xoài …; không biết bao nhiêu anh hùng, tướng sỹ: xưa là Hai Bà Trưng, Trần Quốc Tuấn…, nay, không chỉ Võ Nguyên Giáp mà phải nhớ cả Phan Đình Giót, Lê Văn Tám, Nguyễn Chí Thanh …

 

Sao lịch sử Việt Nam chủ yếu lại chỉ là lịch sử của mấy ông vua (ngày xưa), mấy lãnh tụ (ngày nay) và mấy ông tướng cùng với các trận đánh ?!».

 

Ông phàn nàn: «Tạc sâu vào tâm trí học trò nếu không phải là những trận chiến chống ngoại xâm cam go thì cũng là chuyện thóan đoạt vương triều: Thái sư Trần Thủ Độ ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng, diệt Lý lập Trần …; chuyện nội chiến: Trịnh Nguyễn phân tranh …. Trong khi đó những cải cách xã hội qua từng triều đại, kể cả cuộc cải cách toàn diện đầu tiên trong lịch sử của Hồ Quý Ly với các chủ trương hạn điền, hạn nô … nhằm xóa bỏ đặc quyền và thế lực của tầng lớp quý tộc mở đường chấn hưng đất nước cũng rất mờ nhạt trong ký ức học trò».

 

Nguyễn Thanh Giang đòi hỏi phải nghiên cứu, phải dạy những vấn đề lịch sử chứ không phải giản đơn những sự kiện lịch sử, những nhân vật lịch sử.

 

Ông dày công xây dựng tác phẩm «Đêm Dày Lấp Lánh» đồ sộ với ý tưởng làm cơ sở cho việc hình thành bộ sách lịch sử về «Tiến trình Dân chủ hóa Việt Nam»   

 

ĐÊM DÀY LẤP LÁNH hiện đang nằm trong tủ sách ở Quốc Hội Hoa Kỳ, trong thư viện Hàn Lâm New York, trong thư viện trường đại học Sorbone, đại học Paris Pháp.

 

Tác phẩm vô cùng quý giá nhưng chưa được nhà nước cho phép xuất bản chính thức nên tình cờ mãi hôm nay tôi mới được tiếp cận. Tôi đã phải dành khá nhiều thời gian đọc toàn bộ rồi lại đọc lại từng phần. Choáng ngợp trước kho tư liệu đồ sộ, mệt nhoài với kiến thức uyên thầm, xúc động trước lòng nhân ái cao cả của tác giả, dù không đủ trình độ để khảo luận, tôi vẫn thấy không thể không viết ra đây vài cảm nhận nho nhỏ gửi đến bạn đọc gần xa.

 

Những nhân vật cuốn sách đề cập tới là những trí thức đích thực đã từng quả cảm dấn thân  trong sự nghiệp dân chủ hóa đất nước. Họ là những người hoạt động xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, tuổi tác khác nhau, nhưng có chung một hoài bão lớn làm cho Tổ quốc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu. Xét theo viến kiến ấy, thời xa xưa, những cống hiến cho đất nước của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Trường Tộ, Phan Châu Trinh không hề kém vĩ đại hơn Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung …; thời nay, Trần Độ rất đáng tôn vinh như Võ Nguyên Giáp.

 

Phải nói rằng nước ta đã có rất nhiều anh hùng lẫm liệt, những tướng lĩnh tài ba chống ngoại xâm nhưng lại quá hiếm hoi những trí thức kiệt xuất dấn thân giải phóng dân tộc thoát khỏi đêm dày nô lệ của các triều thần độc tài, độc đoán, phi dân chủ. Xưa là các triều đại phong kiến, nay là chế độ cộng sản. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thú nhận với một nhà cách mạng lão thành Pháp: “Độc lập đã dành được, thống nhất đã thành công, nhưng vấn đề dân chủ vẫn nguyên vẹn chưa được giải quyết“, trong khi rất nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam ngày nay vẫn huênh hoang một cách kệch cỡm: “Chế độ XHCN của ta dân chủ gấp triệu lần TBCN’’.

 

Trong bài tiểu luận nẩy lửa “Đảng Cộng sản và dân chủ ở Việt Nam” Trần Độ đã vạch trần sự thật: “Đảng cộng sản lãnh đạo đã tạo ra và hình thành một xã hội dối lừa, làm ăn giả dối, bằng cấp giả dối, đến gia đình cúng lừa dối, lễ hội lừa dối, tung hô lừa dối, hứa hẹn lừa dối”.

 

Những trang viết của Nguyễn Thanh Giang đã cho tôi thấu hiểu để thêm tôn kính và ngưỡng mộ một vị tướng văn võ song toàn không chỉ lẫm liệt trong trận chiến chống ngoại xâm mà hơn thế nữa đã dũng cảm giương cao ngọn cờ dân chủ. Trong “Nhật ký Rồng Rắn” ông đã thốt lên đau đớn trước sản phẩm xã hội do chính ông tích cực tác tạo: “Đây là nỗi niềm cay đắng của một cuộc cách mạng và của một kiếp người” và đã gửi nỗi niềm cay đắng ấy vào bốn câu thơ:

 

“Những mơ xoá ác ở trên đời

Ta phó thân ta với đất trời

Ác xoá đi thay bằng cực thiện

Tháng ngày biến hoá ác luân hồi”.

 

Đọc xong ĐÊM DÀY LẤP LÁNH tôi đã trả lời được câu hỏi: Vì sao những người cộng sản nòi như Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Trần Đại Sơn, Nguyễn Hộ, Nguyễn Hữu Vinh, Vi Đức Hồi, Bùi Tín, Dương Thu Hương, Trần Anh Kim…lại quay lưng với đảng, phê phán đảng quyết liệt? Vì họ đã nhìn ra chân tướng chế độ hiện hành do ĐCSVN xây dựng như kết luận của tướng Trần Độ: “Cái chế độ XHCN Việt Nam tàn bạo hơn Tần Thuỷ Hoàng, dã man hơn phát xít Hit-le”.

 

Đọc ĐÊM DÀY LẤP LÁNH tôi càng trân trọng các nhà văn nhà thơ Trần Dần, Bùi Minh Quốc,  Trần Mạnh Hảo, Dương Thu Hương, Trần Khải Thanh Thuỷ….Những tác phẩm của họ vắng bóng trong các hiệu sách, trong các thư viện ở Việt Nam là sự thiệt thòi cho độc giả Việt Nam.

 

Trần Dần đã khẳng định và thiết tha kêu gọi: “Điều kiện tiên quyết để Sáng tạo là Tự Do”. Bùi Minh Quốc chia xẻ nỗi cay đắng và đau xót với Trần Độ:

 

“Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt

Lại đúc nên chính cỗ máy này”

 

Và biểu đồng tình cùng Trần Dần:

 

“Sống trong tôi là triệu người đã khuất

Đang thét đòi món nợ Tự Do”

 

Giáo sư Phan Đình Diệu, nhà toán học, đại biểu Quốc hội thì nêu một phương trình rất ấn tượng: “Nước ta có một thứ toán học kỳ lạ: Tổng các số dương bằng một số âm…. Đó là bệnh thành tích dối trá đã trở thành “đạo lý” để thăng quan tiến chức của Nhà nước này”.

 

ĐÊM DÀY LẤP LÁNH còn biểu dương lớp trí thức trẻ mặc dù bị nhồi nhét mụ mỵ đầu óc với những lý thuyết Mác Lenin, những công lao trời biển của Đảng Bác … vẫn tỉnh táo cảm nhận sự bức bối ngột ngạt và đã dũng cảm đứng lên đòi quyền tự do, dân chủ và nhân quyền cho nhân dân như Lê Thị Công Nhân, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Chí Quang, Huỳnh Thục Vy, Phạm Thanh Nghiên, Phạm Hồng Sơn … Nhà báo Nguyễn Vũ Bình thì tự vấn: “Tự do hay là chết”. Anh đứng ra thành lập đảng “Tự do- Dân chủ”. Nhà toán học Ngô Bảo Châu mong ước: “Người anh hùng của hiện tại trước hết phải là người có trí tuệ, có trái tim, có tầm vóc văn hoá và có kỹ năng đối thoại với thế giới”. Luật sư Nguyễn Văn Đài đòi bỏ Điều 4 trong Hiến Pháp. Luật sư Lê Quốc Quân yêu cầu Nhà nước: “Đừng lũng đoạn luật pháp”. Luật sư đã phát hiện một tấn trò đời trong xã hội ta: “Điểm khác nhau giữa giang hồ và công chức là giang hồ không treo mặt nạ đạo đức giả”. Bắt chước Nguyễn Ái Quốc, ông vẽ bức tranh ai oán minh họa cho tờ Le Paria ngày nào: “Ta có thể hình dung Mẹ Việt Nam hằng ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng lại phải cõng trên lưng hai người rất béo, rất khoẻ và ông nào cũng đòi lãnh đạo”.

 

Thật vậy, chỉ có những trí thức đích thực có tâm và có tầm mới thấu hiểu nỗi khổ của nhân dân Việt Nam ngày nay đang phải một cổ hai tròng, nuôi một đội ngũ công chức rất đông đảo không chỉ của chính quyền cồng kềnh mà còn của Đảng đồ sộ. Những kẻ chức quyền không chỉ lương to bổng hậu mà còn tham nhũng vô độ. Vây quanh Đảng là đủ các hội, các đoàn: đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công đoàn, mặt trận, ban dân vận…. Họ làm được những gì cho nhân dân? Họ mang danh đảng của giai cấp công nhân nhưng cái QĐ 176 ngày 9/10/1989 đã sa thải 855 000 lao động có công một cách nhẫn tâm, phi lý đến mức phải xem là hết sức dã man, tàn bạo. Ở các nước dân chủ văn minh xã hội làm ra luật để bảo vệ con người có hiệu quả (Society makes laws to protect the people - xã hội làm ra luật để bảo vệ con người), còn ở Việt Nam pháp luật không bảo vệ lẽ phải, không tôn trọng thực chứng nên oan khiên thường giáng lên đầu hàng vạn người chỉ vì ra sức bảo vệ cái chót sai của một vài người.

 

Nhà văn Phạm Đình Trọng gọi ĐÊM DÀY LẤP LÁNH là cuốn sách bia. Sách dựng 62 tấm bia, tương tự 52 bia Tiến sỹ ở Quốc Tử Giám để vinh danh những vì sao lấp lánh ánh sáng dân chủ, văn minh trong bầu trời Việt. Khoảng trống đáng tiếc của cuốn sách là đã bỏ sót một ngôi sao vào hàng sáng nhất trong các ngôi sao. Đó chính là tác giả, người mà tôi rất yêu mến, kính nể. Trong Nguyễn Thanh Giang có rất nhiều “nhà”, nhà Địa Vật lý, nhà chính luận, nhà thơ, nhà dân chủ, nhà nhân văn, “nhà” nào cũng tầm cỡ. Sự nghiệp khoa học tự nhiên của ông có một công tích lớn là đã phát hiện khả năng chứa uranium của tầng than Nông Sơn. ĐÊM DÀY LẬP LÁNH cũng là một công tích tương xứng trong khoa học xã hội và nhân văn. Đây là một biên niên sử có giá trị trong kho tàng sử sách nước nhà. Nhờ uyên thâm, uyên bác, nhờ tư chất khoa học, văn chính luận trong tập sách hàm súc và có sức thuyết phục cao. Chẳng những thế, tinh thần nhân văn và tình yêu thương thấm đẫm qua từng nhân vật trong tác phẩm đã làm tác phẩm có sức hấp dẫn cao. Mong sao ĐÊM DÀY LẤP LÁNH sớm được xuất bản công khai để đông đảo độc giả cùng được chiêm nghiệm một tác phẩm mang tầm lịch sử.  

 

                            Hải Dương ngày 18 tháng 11 năm 2015

                                     Nhà giáo Phạm Tuấn Xa

             31/207 Trương Mỹ, P. Phạm Ngũ Lão, Th phố Hải Dương

                                     Mobi: 01644996929