BIA SÁCH ĐÊM DÀY LẤP LÁNH

 

PHẠM ĐÌNH TRỌNG

 

Đêm Dày Lấp Lánh là tập sách thứ chín của nhà khoa học tự nhiên, tiến sĩ địa vật lí Nguyễn Thanh Giang.

 

Sau những năm tháng hăm hở lặn lội lên rừng xuống biển, sờ tay bắt mạch nhịp đập, lắng nghe hơi thở của đất, dò tìm mạch vỉa địa tầng, thế đất, tiến sĩ địa vật lí Nguyễn Thanh Giang có tập sách khoa học Từ Trường Trái Đất.

 

Sau những khoảnh khắc bâng khuâng cùng gió núi mưa ngàn, buồn vui cùng những mảnh đời, phận người, trên đường đi tìm ngôn ngữ, xác minh lí lịch của đất lại phát hiện ra những mẩu quặng trong lòng người. Viết về những khoảnh khắc buồn vui, viết về những mẩu quặng âm thầm sâu kín trong lòng người, nhà khoa học địa chất Nguyễn Thanh Giang đã có tập thơ Những Mẩu Quặng Dọc Đường.

 

Tri thức và sự mẫn cảm của nhà khoa học cho cái tầm. Hồn Việt của một nhân cách văn hóa cho cái thế. Có được cái tầm và cái thế không thể thiếu của người viết chính luận, hơn 20 năm

qua tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã có những bài chính luận kịp thời, thấu đáo và mạnh mẽ về những vấn đề đặt ra của thời cuộc, của đất nước. Những bài chính luận mang tư thế của nhân dân, của lịch sử Việt Nam, có tầm vóc của thời đại đó đã được tập hợp trong những tập sách ghi dấu ấn của một thời khắc khoải nhất trong lịch sử Việt Nam, thời người dân Việt Nam đau khổ, tay trắng và trần trụi giữa bạo lực chuyên chính vẫn bền bỉ đấu tranh thoát khỏi ách nô dịch cộng sản, giành lại những giá trị làm Người: Khát Vọng Ngàn Đời. Suy Tư Và Ước Vọng. Nhân Quyền Và Dân Chủ Ở Việt Nam. Giữa Đông Và Tây. Sứ Mệnh Công Dân . . .

 

Chính luận Nguyễn Thanh Giang tạo nên vóc dáng nhà chính trị Nguyễn Thanh Giang mà những nhà chính trị chuyên nghiệp, những chính khách cộng sản đang nắm vận mệnh đất nước Việt Nam hôm nay cũng không có được. Vừa được Quốc hội theo lệnh đảng cộng sản bầu làm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng liền đi China trình báo với Thiên triều cương vị mới của mình. Trong khi ở Bắc Kinh, chính khách Nguyễn Phú Trọng với tầm vóc của nhà chính trị nhỏ nhoi đã không ngần ngại bộc lộ tấm lòng bề tôi khi hí hửng khoe với thiên triều rằng chuyến xuất ngoại đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam là đến ngay chầu thiên triều China. Thì ở Hà Nội những người Việt Nam có lòng tự trọng đọc tin về ứng xử đó của chính khách Nguyễn Phú Trọng đều ngao ngán lắc đầu rồi cúi mặt xuống ê chề. Còn nhà chính luận Nguyễn Thanh Giang thì có ngay bài viết phê phán tầm vóc bé nhỏ thảm hại của nhà chính trị Nguyễn Phú Trọng. Cái sự khoe lòng dạ bề tôi của ông Chủ tịch Quốc hội nhà nước cộng sản Việt Nam với thiên triều China cũng giống như đứa bé đi mẫu giáo được phiếu bé ngoan tối về nhà hí hửng khoe với mẹ! Đứa bé khoe phiếu bé ngoan với mẹ đáng yêu bao nhiêu thì đường đường phương diện quốc gia lại đi khoe cái phận bề tôi càng đáng tủi nhục, đáng quở trách bấy nhiêu. Và nhà chính trị có tầm vóc lớn Nguyễn Thanh Giang đã phải quở trách cái hình hài bé mọn của nhà chính trị tầm thường Nguyễn Phú Trọng.

 

Tôi có ông bạn nhà báo chuyên viết phóng sự, kí sự có chút tiếng tăm. Ngòi bút phóng sự, kí sự viết cho báo chí lề đảng khi về hưu liền làm thơ và viết chính luận cho các trang mạng lề dân. Viết phóng sự, kí sự ông kể về những con người, những sự việc của cuộc sống đang diễn ra. Viết chính luận ông thay những con người, những sự việc bình thường của cuộc đời bằng những người nổi tiếng từ quá khứ đến đương đại, từ Khổng Khâu đến Nguyễn Khắc Viện. Cuộc sống cho ông những trang phóng sự sinh động, tươi tắn. Về hưu, không còn tiếp cận được với cuộc sống sinh động, tươi tắn đó ông phải mượn hồn mượn cốt, mượn ý mượn lời của những Khổng Khâu, Nguyễn Khắc Viện, ông phải tựa lưng vào Khổng Khâu, vịn tay vào Nguyễn Khắc Viện để đứng được ở trang chính luận. Tôi phải có chút liên tưởng dông dài này để thấy rõ và ghi nhận sự bình dị, tự nhiên của chính luận Nguyễn Thanh Giang.

 

Không lên gân lí luận, không hôn mê những thuật ngữ mòn cũ khô xác như những tu sĩ tôn giáo Mác xít Lê nin nít, những giáo sư tiến sĩ ở viện kinh sách giáo điều nọ, ở hội đồng lí luận xơ cứng, sáo rỗng kia, không mượn hồn vía những tên tuổi để phô trương, làm dáng, chính luận Nguyễn Thanh Giang là tư thế công dân làm chủ đất nước, là sự nhạy cảm nghệ sĩ trước mọi biến động của đất nước, của thời cuộc, là vốn sống, vốn văn hóa dày dặn có sẵn trong người nên khi viết ra thật nhẹ nhàng, tự nhiên như không. Chính luận Nguyễn Thanh Giang dung dị như cuộc sống đời thường mà vẫn lấp lánh như tia nắng chiếu làm nổi rõ những hạt bụi trong không khí, làm lấp lánh những hạt sương mai và làm cho màu xanh của cỏ cây như bừng sáng lên.

 

Khẳng định được mình, viết được tên mình trong lịch sử khoa học địa chất Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cũng khẳng định được mình, viết được tên mình trong dòng văn chương

chính luận Việt Nam. Nhạy bén phát hiện vấn đề, lập luận chặt chẽ, tinh tế, mạnh mẽ, câu văn mang hồn cảm xúc, những trang chính luận Nguyễn Thanh Giang thực sự là văn chương. Chính luận như một mạch vỉa tầng tầng lớp lớp trầm tích trong Nguyễn Thanh Giang. Chỉ một thể loại chính luận đã tạo lên nhà văn Nguyễn Thanh Giang có phong cách, có giọng điệu, có cá tính sáng tạo riêng, có sức vóc chững chạc và tưởng Nguyễn Thanh Giang sẽ dừng lại với chính luận. Nhưng cùng với một địa tầng chính luận dầy dặn Nguyễn Thanh Giang còn có một mạch ngầm lặng lẽ, trong trẻo: kí sự chân dung chính trị. Và tập sách thứ chín của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang là tập chân dung chính trị Đêm Dày Lấp Lánh.

 

Đại tá từng nhiều năm là Tổng biên tập tạp chí Lịch Sử Quân Sự Phạm Quế Dương coi Đêm Dày Lấp Lánh là sách bia. Sách bia khắc ghi 65 gương mặt nhân văn, 65 tấm lòng yêu thương

con người, 65 nhà hoạt động chính trị vì những giá trị làm người. Vì yêu thương con người, vì những giá trị làm người mà những con người đó dấn thân vào cuộc đấu tranh với bạo quyền độc tài đòi dân chủ, giành lại quyền con người.

 

Trong đêm dày trung cổ chỉ có cá nhân của những kẻ có quyền và có của, những lãnh chúa, chủ đất, còn lại chỉ là đám đông, là bày đàn, không có cá nhân. Con người đám đông chỉ là vật sở hữu, là công cụ bạo lực của lãnh chúa và công cụ lao động của chủ đất, như con ngựa chiến, như chiếc xe song mã, như cái cuốc, cái cày. Cá nhân không được nhìn nhận, tất nhiên quyền của những cá nhân, quyền con người cũng không được nhìn nhận. Chỉ đến khi loài người bước vào thời văn minh công nghiệp mở đầu bằng cách mạng dân chủ tư sản Pháp với bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789, xác nhận quyền con người, quyền công dân, cũng là xác nhận nền dân chủ tư sản, xác nhận sự có mặt của những cá nhân trong xã hội, trong cuộc đời, loài người mới từ đêm dày trung cổ bước ra ánh sáng công nghiệp, ánh sáng văn minh. Con người mới từ bày đàn tách ra thành những cá nhân với cái “Tôi” lừng lững. Tôi là một cá thể riêng biệt và duy nhất. Tôi cần được thể hiện sự có mặt của tôi trong cuộc đời và xã hội cần phải nhìn nhận sự có mặt đó. Tôi có quyền sống. Tôi có quyền tự do đi lại trên đất nước tôi. Tôi có quyền nói chính kiến của tôi và tôi cũng có quyền im lặng. Tôi có quyền làm chủ cuộc sống của tôi và làm chủ đất nước của tôi vì thế tôi phải có quyền ứng cử và bầu cử người quản lí lãnh đạo đất nước. Tôi có quyền được biết những gì liên quan đến vận mệnh đất nước tôi . . . Mác: “Đến chủ nghĩa tư bản, con người mới có ý thức về mình” Và “Ý thức về cá nhân là đóng góp vĩ đại của chủ nghĩa tư bản đối với lịch sử”.

 

Nhưng thật oái oăm, con người thông minh, uyên bác nhận rõ vai trò lịch sử của ý thức cá nhân, nhận ra bước tiến vĩ đại của sự kiện con người được giải phóng khỏi bầy đàn để ra đời cái “Tôi” cá thể, lại là người có luận điểm sai lầm, lú lẫn và tệ hại: đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy xã hội phát triển!

 

Từ luận điểm lầm lẫn đó, Mác đưa ra học thuyết đấu tranh giai cấp: Đảng cộng sản của giai cấp công nhân dùng bạo lực chuyên chính vô sản tiêu diệt mọi mầm mống của giai cấp tư bản bóc lột. Học thuyết đấu tranh giai cấp đã đưa đảng cộng sản lên vị trí của lãnh chúa thời trung cổ và tạo điều kiện cho người đứng đầu đảng cộng sản trở thành bạo chúa. Bạo chúa Stalin. Bạo chúa Mao Trạch Đông. Bạo chúa Pôn pốt. Bạo chúa Ceausescu . . . Chỉ trong đêm dày trung cổ mới có lãnh chúa và bạo chúa.

 

Học thuyết đấu tranh giai cấp đẩy người dân lại trở về bầy đàn, không còn cái “Tôi” cá thể, không còn những quyền con người, tuy những quyền đó vẫn được ghi đầy đủ trong Hiến pháp nhà nước cộng sản nhưng khi bạo chúa đang ngự trị và đảng lãnh chúa đang nắm quyền sinh quyền sát thì quyền của người dân chỉ có trên giấy, chỉ là bánh vẽ. Mọi việc đã có đảng và nhà nước lo. Người dân chỉ còn là công cụ lao động và công cụ bạo lực của đảng lãnh chúa.

 

Theo Mác, đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy xã hội phát triển nhưng học thuyết đấu tranh giai cấp của ông đã kéo lùi tiến trình lịch sử lại vài trăm năm, đẩy loài người vào những cuộc chiến tranh liên miên đẫm máu giữa các dân tộc và thảm sát, diệt chủng ngập xương ngay trong lòng từng dân tộc. Khi loài người bước vào thời ánh sáng công nghiệp, con người vươn vai đứng dậy làm chủ cuộc đời, làm chủ xã hội, quyền con người được pháp luật bảo đảm và được nhà nước pháp quyền tư bản nghiêm túc, tự giác thực hiện, mọi nhu cầu của con người được thỏa mãn ngày càng cao thì người dân các nước cộng sản thống trị lại phải sống trong đêm dày trung cổ tăm tối, ngột ngạt không còn cái “Tôi” thiêng liêng. Những quyền cơ bản của con người cũng không được nhà nước cộng sản đếm xỉa đến! Sự mất mát và nỗi đau này của người dân Việt Nam trong nhà nước độc tài cộng sản tôi đã lí giải kĩ hơn trong bài Bi Kịch Việt Nam mấy năm trước.

 

Cai trị đất nước bằng lừa dối và bạo lực. Cả một hệ thống tuyên giáo đông đúc vận hành hết công suất để bưng bít sự thật, ngăn chặn ánh sáng của những giá trị nhân văn. Bộ máy công cụ đàn áp phình lớn đến cực đại. Đơn vị dân cư nhỏ nhất là thôn ấp cũng có ban an ninh. Nhưng cướp của giết người là chuyện thường ngày. Lừa đảo, trộm cướp hoành hành như ở nơi không có pháp luật. Những việc phạm pháp ngang nhiên diễn ra nhưng người dân làm điều pháp luật cho phép là biểu tình chống Tàu xâm lược thì hàng chục công an đến chặn cửa không cho người dân ra khỏi nhà đi biểu tình. Cái “Tôi” không có. Quyền con người không được nhìn nhận. Giả dối và bạo lực ngự trị. Hành vi man rợ diễn ra thường ngày. Mạng sống con người quá mong manh, rẻ rúng. Nhân cách, phẩm giá con người không được nhìn nhận. Đó là đêm dày tăm tối.

 

Nhưng trong đêm dày tăm tối và bầy đàn vẫn lấp lánh những vì sao, vẫn lóe lên những điểm sáng của những trí tuệ và khí phách đã hiên ngang nói lên cái “Tôi” đòi những giá trị làm người cho người dân, đòi tự do dân chủ cho đất nước, chấp nhận mọi bạo lực đàn áp của nhà nước độc tài. Sách bia Đêm Dày Lấp Lánh khắc ghi sáu mươi nhăm trí tuệ và khí phách đó. Trong đó có bốn tên tuổi là những nhà khoa bảng sống trong xã hội phong kiến, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Trường Tộ và trong chế độ thực dân, Phan Châu Trinh, những tấm lòng vì dân vì nước vẫn còn khắc khoải đến hôm nay. Còn lại sáu mươi mốt tên tuổi là những con người đương đại đang sống trong nhà tù lớn, nhà tù tinh thần và nhiều người trong số đó còn bị đày ải, hủy hoại thân thể ở nơi tăm tối nhất là những nhà tù nhỏ, nhà tù thân xác để khí phách họ càng bừng sáng lên.

 

Cùng với những trang chính luận điềm tĩnh, dung di mà thấu đáo, Đêm Dày Lấp Lánh là nhân cách, là tầm vóc con Người, là tấm lòng, là tình yêu của tiến sĩ Nguyễn Thnh Giang với nhân dân, đất nước, là một mẩu quặng tài năng và tâm hồn Nguyễn Thanh Giang.

 

Tuy nhiên, tôi còn chút băn khoăn. Mác còn có nhận định sai lầm nữa khi coi tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân mà Mác không biết rằng chính học thuyết đấu tranh giai cấp đầy hấp dẫn với lớp người nghèo khổ nhưng vô cùng lầm lẫn, độc hại của ông mới là thứ thuốc phiện liều cao, là heroin, ma túy đá đã đẩy một phần loài người vào cơn hoang tưởng, điên loạn hận thù giai cấp, coi giai cấp vô sản là ưu tú, đưa giai cấp vô sản ưu tú lên thống trị thế giới bằng cách tiêu diệt các giai cấp khác. Như thời Đức quốc xã tự coi chủng tộc Aryan là ưu tú, đưa chủng tộc ưu tú Aryan lên thống trị thế giới bằng cách tiêu diệt các chủng tộc khác. Dưới con mắt hoang tưởng say heroin đó, mọi giá trị bị đảo lộn. Giả dối và bạo lực lên ngôi.

 

Thời xã hội còn yên ả, nền nếp, chưa có cơn điên loạn của bạo lực và sự đảo lộn của các giá trị, con người hầu như đều sống thật, sống đúng mình và cuộc sống cũng đơn giản, rõ ràng. Vậy mà các cụ nhà ta vẫn phải thận trọng, kĩ càng khi nhìn nhận, đánh giá về con người. Cái quan luận định, chỉ khi đậy nắp áo quan lại cho một con người mới có thể luận định được về người đó.

 

Đêm Dày Lấp Lánh là đêm dày cộng sản đang trong cơn say ma túy đấu trarnh giai cấp. Trong cơn say đó, rất nhiều giá trị giả đã được tạo ra. Những người cộng sản cũng là bậc thầy trong việc cài cắm đặc tình, cài cắm nội gián vào hàng ngũ đối thủ. Đối thủ thực sự của nhà nước cộng sản Việt Nam hôm nay là nhân dân đang đấu tranh đòi dân chủ, đòi quyền làm người, là những nhà dân chủ đi đầu trong cuộc đấu tranh đó, những ngôi sao lấp lánh trong đêm dày cộng sản. Mong trong những ngôi sao lấp lánh đó, không có những ngôi sao đặc tình.