CỤ TRẦN LÂM ỐM NẶNG

Luật sư Trần Lâm sinh ngày 10 tháng 6 năm 1925. Tính tuổi ta, năm nay Cụ đã hưởng thọ Chín mươi.

Sinh tại Nho Quan, Ninh Bình, nhưng Cụ đã từng tham gia Ban Tuyên huấn tỉnh bộ Việt Minh Lạng Sơn, làm trưởng ty Thông tin Tuyên truyền tại Hải Phòng và Hồng Quảng từ năm 1950-1951 và được bổ nhiệm làm giảng sư chính trị trung cao cấp chính ngạch từ năm 1962.

Cụ đã từng đi tuyên truyền giảng dạy chủ nghĩa Mác ở Việt Nam từ khi nhiều vị giáo sư – tiến sỹ Mác Lê hiện nay còn ở Mẫu giáo và là một đảng viên Cộng sản kỳ cựu. Vậy mà, những năm gần đây Cụ xót xa phàn nàn: “Có người cho rằng không còn ĐCS, chỉ có Đảng của những người cầm quyền! Họ thuộc giai cấp nào? Họ thuộc ‘giai cấp cầm quyền’! Họ sở hữu gì? Họ sở hữu quyền lực! Họ sản xuất kinh doanh gì? Họ kinh doanh quyền lực! Ngành nghề cụ thể? Xoay sở đất đai, mua bán côta, mở các dự án, chạy tội, chạy việc! Vốn của họ? Vốn vô hình, nhưng lãi vô kể!”

(Tất cả những lời trích này đều dẫn từ cuốn “Những dòng Suy nghĩ từ Đại hôi đến Quốc hội” của Trần Lâm)

Như một họa sỹ, Cụ phóng bút phác họa chân dung Đảng của Cụ: “Đảng ta như một kỵ sỹ mệt mỏi; bộ máy Đảng và Nhà nước thì như con ngựa bất kham, què quặt. Trong tay kỵ sỹ có bản vẽ chỉ đường nhưng xem mãi vẫn thấy như không phù hợp với thực địa. Trời thì đã về chiều, làm sao về đích được trước khi trời tối!”

Đấy là cận cảnh, viễn cảnh thì càng khủng khiếp hơn: “… nay Đảng như một ‘Achile mới’, moi đất ở dưới chân mình, mỗi ngày một tý, và càng ngày cái hàm ếch càng sâu hơn, rộng hơn… sự nguy hiểm càng gõ cửa…, dẫu rằng trước đây Đảng đã từng như Achile, bất khả chiến bại vì bàn chân để trên Đất Mẹ, đó là Nhân dân.”

Cái viễn cảnh khủng khiếp đó là di họa của một quá khứ đầy những chủ trương đường lối sai lầm: “Từ sau kháng chiến chống Pháp đến gần đây, ta bị các nước lớn chi phối và lợi dụng. Ta non kém và cả tin. Ta lại du nhập và thực hiện học thuyết sai lầm: Vô sản chuyên chính, đấu tranh giai cấp, lãnh đạo tập thể; lại có luật đất đai là sở hữu của toàn dân, kinh tế quốc doanh là chủ lực. Nạn tham nhũng tràn lan. Tất cả như nhấn chìm chúng ta xuống bùn đen không ngóc đầu lên được.”

Lắng nghe đâu đó từ quảng đại nhân dân, Trần Lâm loan báo: “Có cái gì như thầm lặng nói lên là Đảng ta tiếp tục cầm quyền là khiên cưỡng; không ai trong nhóm cầm quyền có những tố chất của một chính khách; toàn Đảng hiện nay lỏng lẻo đến mức chỉ còn là những người cầm quyền; bao nhiêu năm vẫn giữ đất nước trong vòng lạc hậu; nếu để tiếp tục cầm quyền thì nhất định nước ta sẽ bị nước ngoài thôn tính…”.

Như một người cha, một người anh lớn Cụ khẩn khoản khuyên nhủ: “Trước mắt 15 người khổng lồ, cái bàn cờ độc lập và dân chủ đã bày rõ: đi với Trung Quốc thì mất nước, còn Đảng, còn quyền nhưng lại là đầy tớ, đi với phương Tây thì mất quyền nhưng còn nước, chỉ mất thân phận tôi đòi. Mà đi với phương Tây thì phải dân chủ, dân chủ thì phải phát động quần chúng, giao quyền cho quần chúng. Một sự lựa chọn khó khăn cho người này, rõ ràng, dứt khoát cho người kia.”

**********************

Chiều nay tôi vừa cùng ông Ngô Xuân Mích, vợ chồng Lê thị Công Nhân và bé Thiên Ân (con gái của Nhân&Quyền) đến thăm luật sư Trần Lâm tại Viện Dưỡng lão Thiên Đức – xóm 3 Đông Ngạc – Từ Liêm – Hà Nội (Điện thoại: 0937 579 018) .

Cụ yếu lắm rồi, không trò chuyện được nữa, chỉ còn đáp lại được bằng cái gật đầu hoặc tiếng “Ờ”.

Lê thị Công Nhân khóc nấc lên khi nói: “Cụ ơi, cháu nhớ ơn Cụ lắm, Cụ đã hết lòng ra tòa bào chữa cho cháu”. Tôi cũng nghẹn ngào phải nuốt lại vài giây mới nói tiếp được mấy câu với Cụ.

Năm 1996 luật sư Trần Lâm đã từng đứng ra bào chữa cho vụ án xử Lê Hồng Hà và Hà Sỹ Phu. Năm 1999 Cụ lại sẵn sàng nhận biện hộ cho tôi. Bây giờ đã có khá nhiều luật sư dám nhận bào chữa cho các tù nhân lương tâm, cách đây 18 năm, ngoài Trần Lâm và Đàm Văn Hiếu, không luật sư nào dám nhận đương đầu trước những vụ án như thế.

Từ 1999 đến nay Cụ thường qua lại nhà tôi và chúng tôi trở thành thâm giao. Cụ đã nhận lời đứng tên trong danh sách Ban Biên tập đầu tiên của Bán nguyệt san Tổ Quốc và đã từng ăn ngủ ở nhà tôi để tận tình chăm chút cho Tập san này từ buổi sơ khai. Nhiều buổi trưa vợ tôi đã soạn phòng mời Cụ lên nghỉ nhưng Cụ nhất quyết chỉ ngả lưng trên chiếc divăng ở phòng khách. Trên chiếc đivăng ấy hồi ức của tôi về một Trần Lâm không chỉ cường tráng về tư duy mà cả vóc dáng. Vậy mà hôm nay, người ông đã teo tóp trong tấm chăn phủ nhỏ thó.

Không buồn sao được. Không khóc sao được. Tuần trước tôi mới vào thăm Lê Hồng Hà ở Phòng Hồi sức Cấp cứu ở Bệnh viện Việt Xô với trĩu nặng buồn lo.

Lẽ nào những người bạn vong niên già chí tình, chí cốt của tôi cứ lần lượt bỏ tôi ra đi. Dẫu vẫn còn bên tôi họ hàng, vợ con và lớp lớp bạn vong niên trẻ tuổi cũng rất đáng trân trọng nhưng sao tôi vần thấy trống vắng tủi buồn quá.

Tôi sẽ tiếc thương Trần Lâm, Hồng Hà như đã từng tiếc thương Trần Độ, Trần Xuân Bách, Nguyễn Hộ …

Rồi đây Trần Lâm ra đi, không biết họ sẽ đối xử với Cụ như thế nào, chỉ biết Cụ đã dọn sẵn cho mình một chỗ nằm để cùng được “mọi người … cười vỡ bụng” như lời tâm sự sau đây của Cụ với nhà văn Tô Hoài:

“Cụ Tô Hoài theo Đảng, lúc Tây Bắc, lúc đồng bằng, ca ngợi Đảng hết lời, đột nhiên cho ra ‘Ba người khác’. Nếu cụ còn loại này, xin cụ kịp thời cho ra mắt bạn đọc để Đảng ghét cụ, cụ qua đời sẽ lờ cụ đi, mọi người sẽ đưa cụ đi an nghỉ nơi có côn trùng nỉ non, có hoa có lá, có trời xanh nước biếc và sẽ để bên cụ ‘Dế Mèn phiêu lưu ký’. Nếu cụ chậm chạp, Đảng vẫn mến mộ cụ, cụ mất, sẽ đưa cụ vào Mai Dịch, rồi con cháu cụ xuất bản di cảo; lúc ấy các vị nằm quanh cụ sẽ đánh đòn ‘hội chợ’ cụ và mọi người sẽ cười cả Đảng, cả cụ, một trận cười vỡ bụng.”

Hà Nội 27 tháng 3 năm 2014

Nguyễn Thanh Giang

Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội

Mobi: 0984 724 165