SAO NỞ TRONG TẦM VỚI
(Đọc tập thơ “Những Mẩu quặng dọc đường” của Nguyễn Thanh Giang)

Nguyễn Thanh Giang là một nhà khoa học. Suốt đời anh giành cho việc nghiên cứu, khảo sát, đặc biệt là ngành địa chất.

Vậy mà anh lại yêu thơ và làm thơ. Tập thơ “Những mẩu quặng dọc đường” có đủ nghĩa đen và nghĩa bóng. Tập thơ có ba phần: Những mẫu quặng đời – Quê hương và đất nước – Hành trình địa chất. Thơ có bài ngắn, bài dài, viết về quá khứ, hiện tại, về những người xưa và những người hôm nay.

Hẳn anh đọc nhiều. Trong tập có những bài viết về Đoàn thị Điểm, Tản Đà, Nguyễn Khuyến, Bà Huyện Thanh Quan, Tú Xương, Nguyễn Bính, Văn Cao, Xuân Quỳnh vv …

Có bài vẽ được chân dung và thêm những tứ bay bướm:

NHỚ TẾ HANH

Ông có về lại vườn xưa hái quả
Thăm con sông từng tắm mát đời ta
Chú còng gió giương càng chào biển cả
Những mảnh hồn làng phấp phới tận Hoàng Sa

NHỚ NGUYỄN BÍNH

Em đi gánh nước sông Hàn
Sao còn tưới được xanh giàn mồng tơi
Bươm bướm trắng cũng bay rồi
Tơ hong bạc phếch nhớ người sang ngang
Nặng lòng với quê hương, tứ thơ đằm thắm, nhớ về những con người, những sự kiện trong những năm chiến tranh chống Mỹ:

Cho anh gửi lòng về xóm cũ
Nơi bóng dừa rủ mát những ngày thơ
Nơi bờ dâu ôm ấp những con đò
Dòng nước mặn thấm đôi bờ cát đỏ

… Phải em đấy không? Những em nào nữa?
Kháng chiến năm xưa mới thoát vỡ lòng
Lớp học giữa đình bàn kê cánh cửa
Mắt mở tròn nghe kể Triệu Trinh Nương

… Anh muốn về thăm nơi nặng tình nặng nghĩa
Nơi mẹ già cho bát cháo hành dăm
Nơi các em dựng trường bằng tiền mót khoai xúc tép
Vào lớp ngồi bùn còn bết đầy chân
(Nhớ về xóm cũ)

Thơ thắm thiết viết về đồng bằng với những ấn tượng khó phai. Chất đồng quê êm đềm mà thuần hậu:

Đất châu thổ phù sa ai bồi đắp
Thuở Âu Cơ bùn lấm đến bây giờ
Để trăng cứ trong như bát ngát
Để đồng vàng thơm hương vị hoang sơ

… Mà ầu ơ, tiếng ầu ơ man mác
Cứ lim dim heo hắt mấy canh đèn
Xa xăm lắm những vì sao thao thức
Nghe trẻ học vần từ đất Văn Lang.
(Đêm châu thổ)

Tuy nhiên, với những kẻ có tâm địa bành trướng, anh thật quyết liệt:

Tôi không muốn gọi đấy là cái lưỡi bò

Những chú bò nhuộm vàng chân đê
Những chú bò giúp tôi xung trận
Giả làm Đinh Tiên Hoàng

… Tôi không muốn gọi đấy là cái lưỡi bò
Đấy là cái lưỡi của con rắn độc
Ngo ngoe dọa người

Nhân dân tôi sẽ cắt lưỡi nó
Bẻ răng nó
Vắt lấy nọc
Tọng vào mồm đứa nào chiếm Hoàng Sa
(Về chuyên cái lưỡi bò)

Là nhà địa chất, anh đi nhiều. Thơ còn nhắc đến những miền đất đi qua, đầy ân tình; đầy cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, con người đôn hậu:

Hôm nay lại lên đường sang Tây-Bắc
Quặng đầy ba-lô níu nặng bước chân
Chim bay theo nhắn "khắc phục khó khăn!"
Mây trắng đón lưng đèo trùm bóng mát

… Nhớ Việt-Bắc những bản làng xanh biếc lá
Trắng hoa mơ và tươi đỏ hoa đào
Những mế hiền luôn thân thiết mời chào
Những ánh mắt ném theo tua còn rực rỡ

Nhớ ngây ngây màu nắng ươm bản Thổ
Sương trắng giăng êm ả mái tranh Mèo
Nhớ suối dẫn đường róc rách vui reo
Tiếng gió hát ru mỗi đêm rừng thao thức
(Những dặm đường)

Dọc hành trình địa chất anh đã nghĩ đến kết quả sau này sẽ khai thác, tạo ra nguồn của cải cho đất nước mạnh giầu:

… Sáu trăm mét
nắng lùa phanh áo ngực
Rừng già phơi đỉnh trọc cắt vào mây
Tám trăm mét
Toàn đá vôi trắng xám
Xin chớ buồn. Đây không gian thu

… Mỗi bước lên nghe nhịp tim càng rõ
Da căng như đầy ắp khí trời
Tưởng chỉ còn kia sắc xanh thôi
Chợt ngoảnh lại từ vắng im vũ trụ

… Sao nở trong tầm với
Này ngôi đỏ, rực lò gang đang sôi
Này ngôi tím, biếc sắc thép tôi già
Này viên ngọc xanh lung linh bên vành nón
Này chiếc nhẫn vàng chưa ngón tay đeo....

Chụm đầu bên nhau cho quên cái lạnh trên cao
như kim châm vào da thịt
Bồng bềnh trong mây
Rừng cây chập chờn như hư như ảo
Gió tung lên phần phật

... Chợt lưỡi liềm trăng móc căng dây lều
làm mọi người sửng sốt
(Ghi chép trên một hành trình địa chất)

Làm nhà địa chất leo núi, vượt ghềnh, lội suối, bỗng thấy mình là một nhà điền kinh thực thụ:

Lên cao, lên cao, lên cao
Đá dưới chân sụt lở ào ào
Bám vào gốc cây, với lên tầng mây
Luyện đôi chân và luyện đôi tay

Những bắp thịt săn tày thớ đá
Ngực căng phồng và tim giục giã
Ba-lô trĩu vai vẫn vượt Pia-Linh
Làm nhà địa chất, làm nhà điền kinh

Nghề chúng ta suốt đời vận động
Biển bạc rừng vàng, nắng mưa, gió lộng
Yêu cái nghề quen thử thách gian lao
Yêu cái nghề rất thể dục thể thao...
(Nhà điền kinh)

Tâm hồn địa chất đắm đuối đến nỗi nhìn gì cũng thấy ánh lên mầu kim khí:

Trước lán trồng thêm luống cải sen
Bướm rừng lác đác đến làm quen
Giật mình, một sớm hoa vàng chóe
Tưởng mạch quặng đồng mới nổi lên
(Luống cải sen)

Nguyễn Thanh Giang còn có phần thơ viết về gia đình, viết cho con cháu. Thơ cho cháu nội có những nét bất ngờ:

Mơ màng thấy nước biển dâng
Thuyền vào tận ngõ nhưng không còn mình
Tưởng đà qua mấy mươi năm
Tỉnh ra biết cháu đái dầm ướt lưng
(Nước biển dâng)

Chỉ một trò chơi bập bênh của lũ trẻ, anh vui theo và có những tứ lạ là chúng một mai sẽ làm chủ bầu trời cao xanh:

Bập bênh, bập bênh
Bên này nhẹ tênh
Bên kia nặng trịch
Chơi chẳng thấy thích
Bập mà không bênh

… Em chơi bập bênh
Cần có nhiều bạn
Chia đều hai bên
Ngồi cho thật vững
Bên chao, bên lượn
Như đàn chim xinh

… Nhìn trời trong vắt
Càng muốn lên cao
Tha hồ lượn nhào
Bay theo đàn “Mích”(*)

Nghe cười khúc khích
Biết bạn chờ em
Thôi nào em bập
Bạn ơi bênh lên
(Bập bênh)
Thơ viết tặng mình nhân ngày sinh nhật, thoáng chút buồn nhưng đâu đã tắt niềm vui:

Đã trọn bẩy mươi vòng cùng Trái Đất
Lẽo đẽo quay trong quỹ đạo Mặt Trời
Qua bao hạ oi nồng, bao đông giá ngắt
May vẫn còn một sắc thu xanh tươi
(Sinh nhật)

Vậy là với tập “Những mẩu quặng dọc đường”, Nguyễn Thanh Giang đã thổi hồn cho quặng.

Hà Nội, 25-6-2013

NGÔ VĂN PHÚ

Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012