HÃY CẢNH GIÁC !
- LỜI KHẨN BÁO TỪ CHÚNG TÔI -

 

Hồi ông Nông Đức Mạnh mới nhậm chức Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam năm 2001, cũng như nhiều người khác, người viết bài này từng cảm nhận một điều gì đó như là sự ngưỡng vọng hoan hỷ trước hình ảnh ông ta xúc động đặt tay lên ngực khi nói lời tuyên thệ. Nhìn gương mặt ông, lúc ấy, bất chợt tôi còn liên tưởng đến câu thơ “ Người đã chết hai triệu lần năm đói Một Chin Bốn Lăm ” của một nhà thơ Cuba khi viết về chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vậy mà ! Chỉ sau đấy hai ngày, công an Hải Phòng chặn đường bắt cựu chiến binh chống Pháp-chống Mỹ Vũ Cao Quận, dẫn độ ông về nhà khám xét rồi tống giam ông. Liên tục sau đấy là hàng loạt người bị câu lưu, bị tra vấn: Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn thị Thanh Xuân, Nguyễn Đắc Kính, Đào Quang Tiến, Hoàng Tiến, Dương Sơn, Dương Hùng, Nguyễn Đan Quế, Thích Quảng Độ, Lê Hồng Hà, Hà Sỹ Phu, Nguyễn Thanh Giang … Rồi Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Trần Dũng Tiến, Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn …. lần lượt vào tù. Không khí nồng nực đến nỗi một phật tử đã tự thiêu ngay dưới chân một tượng đài lớn ở thành phố Đà Nẵng. Tổ chức “ Quan sát Nhân quyền Quốc tế ” gửi thư đề nghị các nhà tài trợ quốc tế cắt giảm tài trợ đối với Việt Nam, hạ viện Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua Đạo luật Nhân quyền cho Việt Nam với kết quả đa số tuyệt đối … Từ đấy, Việt Nam bị xếp vào một trong 13 nước kém nhất về tự do báo chí, ngôn luận và bị đưa vào danh sách các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt vì thiếu sót về tự do tôn giáo ( CPC ) !

Đợt đàn áp mới này không kém phần dữ dội và còn đang diễn tiến khôn lường.

Đàn áp, đàn áp …lại đàn áp vốn là lẽ sống của một chính quyền lấy chuyên chính vô sản làm tôn chỉ. Tuy nhiên người ta không thể không đặt nhiều câu hỏi về lý do, mức độ, mục đích của cuộc đàn áp này.

Trước hết là vấn đề thời điểm.

Vì sao đem xử linh mục Nguyễn văn Lý và một loạt: Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, Hoàng thị Anh Đào, Lê thị Lệ Hằng ngay lúc Phó Thủ tường, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đang đi Mỹ để dàn xếp hai chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong khi đó, đoàn đại biểu Tòa thánh Vatican đang viếng thăm Việt Nam ?

Vì sao còng tay, tống giam nhà văn Trần Khẩi Thanh Thủy và bắt luật sư Lê Quốc Quân ngay sát trước ngày khai mạc cuộc Hôi đàm Nhân quyền Hoa Kỳ - Việt Nam tại Washington ?

Vì sao đã dự kiến chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước vào 22 tháng 6 năm 2007 mà trong tháng 5/2007, đầu tháng 6/2007 lại đem xử án hàng loạt: luật sư Nguyễn văn Đài, luật sư Lê thị Công Nhân, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, doanh gia Trương Quốc Huy và săn lùng tán loạn những: Trương Quốc Tuấn, Lê Trí Tuệ, Bạch Ngọc Dương … ?

Nét đặc sắc phi thường của đợt đàn áp này là người ta đã bành trướng trận địa, mở rộng đối tượng từ các “ con dân ” của mình, tiến sang vỗ thẳng cả vào mặt các quan chức ngoại giao nước ngoài.

Từ ngày 5 đến 7 tháng 4 năm 2007, Đoàn Hạ viện Hoa Kỳ do hạ nghị sỹ Solomon Ortiz- chủ tịch Tiểu ban Ứng phó thuộc Ủy ban Quân lực dẫn đầu sang thăm Việt Nam nhằm trao đổi về các vấn đề liên quan đến quan hệ hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực tìm kiếm người Mỹ mất tích ( MIA ), kinh tế và thương mại. Trong đoàn có dân biểu Loretta Sanchez.

Ngoài giờ làm việc, 5 giờ chiều ngày 5 tháng 4/2007, vị dân biểu này đến nhà đại sứ Hoa Kỳ Michael Marine để dự tiệc trà với 5 người phụ nữ Việt Nam: Trần thị Lệ, Bùi thị Kim Ngân, Vũ Thúy Hà, Vũ thị Minh Khánh, Nguyễn thị Thu Hiền.

Tại sao người ta lại bắt công an phải dàn trận ngay trước cửa nhà vị Đại sứ để ngăn cản quyết liệt. Chủ nhà đã ra cửa can thiệp: “ Những người này là khách của tôi, tôi mời họ, yêu cầu cho họ vào”. Vậy mà đám tay sai vẫn túm giật, xô đẩy, thô bạo đến mức ông đại sứ phải quát lớn : “ Người ta là phụ nữ, các anh không thể đối xử với phụ nữ như vậy ! ”. Bà Loretta Sanchez thì mô tả : “ Tôi thấy khoảng 15 người, sắc phục công an có, thường phục có, chặn họ lại. Họ vẫn cố gắng vào thì những người này dùng vũ lực ngăn cản họ. Họ hành xử như côn đồ ( nguyên văn: gooms ) ”.

Nhẽ ra, ta phải thấy xấu hổ, biết ân hận và chỉ đạo uốn nắn ngay những hành vi tồi tệ này. Đáng tiếc là sau đó, hàng loạt báo của Đảng lại xơi xơi xỉ vả bà Loretta Sanchez. Họ suy diễn, truy chụp: “ Đây thực ra là cuộc gặp vụng trộm ”. Họ hạnh họe vô lối: “ Theo thông lệ quốc tế, bà Sanchez và Đại sứ muốn gặp các công dân Việt Nam thì phải báo cho các cơ quan hữu trách Việt Nam biết ” ( bài của Hồng Thái – Hà Trình trên báo Công an Nhân dân ra ngày 12/4/2007 ).

Người ta còn nhớ, mùa thu năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đem theo một thư ký sang Liên Xô làm việc tay đôi không chính thúc với nhiều nhà cách mạng lão thành Liên Xô để trao đổi về quan hệ Việt Xô và mối bất hòa Xô- Trung.

Thu đông 1946, sau Hiệp định Sơ bộ Mồng 6 tháng 3, chủ tịch Hồ Chí Minh sang ở Pháp suốt 5 tháng trời, gặp gỡ đủ các loại chính khách thuộc đủ các phe đảng của Pháp mà không hề phải “ báo cáo ” ai.

Trong khi đang đánh nhau, chủ tich Hồ Chí Minh, vẫn cho thành lập “ Ủy ban đoàn kết với nhân dân Mỹ ”, với khẩu hiệu: đánh thực dân Pháp nhưng đoàn kết với nhân dân Pháp, đánh đế quốc Mỹ nhưng đoàn kết với nhân dân Mỹ.

Càng ngạc nhiên khi thấy bà Tôn Nữ Thị Ninh cũng hồ đồ: “ Bà Loretta Sanchez chưa bao giờ đến Việt Nam với một thái độ cởi mở, khách quan, thực sự nhìn nhận toàn cảnh tình hình Việt Nam ”. Phụ họa với luận điệu lạm dụng sự phê phán chủ trương can thiệp quốc tế thô bạo của Mỹ, bà Ninh còn cao giọng răn dạy một cách ngớ ngẩn: “ Hoa Kỳ nên chăm lo đến bản thân mình hơn là can thiệp vào chuyện của nước khác ”.

Marx-Engels hô hào “ Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại ! ”, chủ tịch Hồ Chí Minh sang Liên –Xô để tác động vào mối quan hệ Xô-Trung và thành lập tổ chức đoàn kết với nhân dân Mỹ để chống Mỹ … cũng là “ can thiệp thô bạo ”, là “ chọc tay vào chuyện nước khác ” đấy chăng ?

Chẳng nhẽ chỉ vì được ban thưởng cho cái chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội mà bà Ninh tình nguyện từ bỏ quá triệt để cái gốc gác Tôn Nữ và đã được đào tạo ở Anh Quốc đến thế chăng? Bà Ngô Bá Thành trước đây đã từng cương cường đến thế, nhưng chỉ vì đáp nghĩa “ ăn cây nào, rào cây ấy ” mà cuối đời dã bị những người phũ miệng gọi là “ con điếm chính trị ”.

Cộng sản gộc, thượng tướng, thứ trưởng Công an Nguyễn văn Hưởng thì lại tỏ ra mềm mại, khôn khéo hơn khi cam đoan với phó đại sứ Hoa Kỳ Johnathan Aloisi rằng “ Quan điểm của Hoa Kỳ và Việt Nam về tự do ngôn luận, hội họp không khác biệt đáng kể. Việt Nam chưa bao giờ ngăn cản người dân thực hiện quyền tự do phát biếu quan điểm của mình, dù trên báo chí, các diễn đàn công khai hay bất cứ đâu, ngay cả khi họ có ý kiến chỉ trích Chính phủ ”, và, : “ Các trường hợp bị án phạt tù mà phía Hoa Kỳ quan tâm, đề nghị tha, đến nay cơ bản đã được giải quyết ”.

Ngày 23 tháng 4 vừa rồi, một nhà báo ở cấp lãnh đạo hăm hở thông báo với tôi; “ Bọn này vừa được lệnh “ phang ” cho đại sứ Michael Marine mấy gậy. Lão già này ngoan cố quá, hôm qua hắn lại tự tiện mời vợ Nguyễn Vũ Bình, vợ Phạm Hồng Sơn … đến nhà ” .

Không hiểu sao, ngay lúc ấy, tôi bật dậy như phản xạ vô điều kiện, chỉ vào mặt anh ta: “ Anh về bảo bọn nào chủ trương ngu như thế phải dừng ngay lại ! ”.

M. Marine đã có nhiều công tích rất đáng kể đối với Chính phủ và đảng Cộng sản Việt Nam qua việc tổ chức tốt đẹp chuyến viếng thăm của tổng thống Bush vừa rồi. Ông tỏ ra rất thiện cảm khi nói: “ Về quan hệ hai nước trong năm 2007, tôi trông đợi xu hướng tích cực tiếp tục diễn ra, và chúng ta sẽ mở rộng nhiều lĩnh vực như hợp tác trong y tế và quân đội hai nước. Năm 2007, tôi tiên liệu sẽ có bước nhẩy vọt về đầu tư của Mỹ tại Việt Nam và tăng trưởng cao trong thương mại hai chiều giữa hai nước”.

Trong buổi đối thoại trực tuyến trên mạng Vietnamnet ngày 1 tháng 2 năm 2007, trả lời câu hỏi một nam thanh niên 21 tuổi ở Thủ Đức – Thành phố Hồ Chi Minh: “ Gần đây trên internet xuất hiện nhiều khẩu hiệu chống phá Việt Nam. Được biết những phần tử này được nhiều sự hậu thuẫn của các thế lực nước ngoài, trong đó có những thế lực của Hoa Kỳ. Ngài có thể chia sẻ những nhận định của mình về vấn đề này ? ”, Đại sứ chân tình nhưng cũng rất thẳng thắn : “ Tôi không nghĩ điều bạn nói là một thực tế, bởi không lý do gì, lợi ích gì cho Mỹ khi ủng hộ những hoạt động phản đối như thế. Nhưng chúng tôi lại ủng hộ tự do ngôn luận, và internet là nơi họ có thể tự do biểu đạt những suy nghĩ và quan điểm của họ thông qua một số trang web ” .

Ngài Đại sứ này còn bộc lộ như một cán bộ tuyên giáo của đảng CSVN ( mà một lời tuyên truyền cho Việt Nam của M.Marine thì có tác dụng gấp nghìn lời của chính cán bộ tuyên giáo cua Đảng ) trong một câu trả lời khác: “ Một trong những thông điệp quan trọng nhất tôi nói với họ ( Việt kiều ) là hãy về Việt Nam để tự mình cảm nhận được sự thay đổi to lớn ở đất nước chứ không nên nghe theo lời kể của người khác hoặc dựa vào những hồi ức quá khứ. Để thúc đẩy hòa giải giữa cộng đồng Việt kiều với đất nước, tôi nghĩ Chính phủ còn có thể làm được nhiều hơn nữa. Chẳng hạn như một số quan chức Việt Nam đã có những hoạt động tiếp cận, giao lưu với cộng đồng Việt kiều ở Mỹ. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phải làm nhiều hơn thế ”.

Hồi đầu năm 2006, Micheal Marine đến thăm Trung tâm người tàn tật tỉnh Hà Giang. Sau khi nghe một cô gái có đôi mắt rất linh lợi kể về nỗi bất hạnh do di chứng sốt bại liệt mà suốt 21 năm trời chỉ có thể lết bằng tay vì hai chân đã bị teo và co quắp. Ông ôm lấy người con gái xúc động nghẹn ngào: “ Bác sẽ giúp cháu bước đi những bước chân đầu tiên trong cuộc đời và ngày cháu đi được, bác sẽ mời cháu đến thăm nhà bác ”. Lời ông như dao chém đá, và ông đã quyết tâm thực hiện lời hứa. Ông nhờ được một Tổ chức NGO của Đức đứng ra tài trợ rồi tự đi tìm một bác sỹ giỏi của Việt Nam tiến hành phẫu thuật. Ngày 15 tháng 3 năm 2007 vừa qua, cô gái Tày Nguyễn thị Hồng, sau 21 năm lê lết đã đứng lên đi được bằng chính đôi chân của mình đến thăm Đại sứ. Cô sung sướng nghẹn lời: “ Cháu đã được sinh ra một lần nữa và người hồi sinh cho cháu chính là bác sỹ Toàn và bác ”.

Có bao nhiêu quan chức Việt Nam nhân hậu được như thế ?

Vậy mà các quan “ liêu ” Việt Nam nỡ ra lệnh báo chí xỉa xói, mắng nhiếc ông ta như đã từng làm với nhiều công thần cách mạng trước dây và với bà Loretta Sanchez gần đây. Cũng may mà, hình như, nhà báo quan chức nọ đã biết tiếp thu ý kiến tôi, kịp thời phản ánh lên lãnh đạo nên cho đến hôm nay vẫn chưa thấy báo chí của Đảng “ ra roi ”đối với Đại sứ Hoa Kỳ.

Do tiêm nhiễm quá lâu tinh thần đấu tranh giai cấp mất còn. Nào “ chính quyền nở từ họng súng ”, nào “ cuộc đời đẹp nhất là ở chiến trường ” …, vũ trụ quan, nhân sinh quan ta trở nên quá chừng bệnh hoạn. Chúng ta không còn khả năng nhìn ánh sáng trắng tổng hợp mà chỉ có thể tiếp nhận các phổ mầu đen, đỏ. Trong bất cứ con người nào cũng đều có quỷ và có thần, có thiện và có ác nhưng ta chủ yếu chỉ nhìn thấy quỷ và ác.

Sao chúng ta không nhận rằng chính người Mỹ đặt vấn đề tìm kiếm hài cốt chiến sỹ của họ như một gợi ý để ta dấy lên phong trào “ đi tìm đồng đội ”. Sao ta không suy ngẫm xem vì sao mà công phu thế, tốn kém thế nhưng họ vẫn chẳng nề, chẳng quản gian nan tìm kiếm tận rừng sâu núi thẳm, đào bới nhặt nhạnh từng mẩu xương tử sỹ đem về đất mẹ ? Ở nghĩa trang quốc gia Hoa Kỳ, mộ chiến sỹ vô danh được xây to hơn, lễ nghi viếng gác trang trọng hơn nhiều mộ các nhà lãnh đạo quốc gia. Trong khi, ở Việt Nam, từ lúc đất nước còn rất nghèo, nhân dân còn đói khổ, người ta dã đổ ra không biết bao nhiêu tiền của để xây và duy trì, bảo dưỡng lăng Hồ chủ tịch mà mãi sau đó lâu lắm mới dựng được cái đài liệt sỹ quốc gia bé tý.

Tôi cảm nhận như bà L. Sanchez rất ngậm ngùi khi phàn nàn với phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm: “Tôi có visa 2 ngày, và phải về Mỹ ngay, nhưng còn họ phải sống cả đời dưới áp bức thô bạo như thế ”. Chính vì thế , bà đã gay gắt căn vặn phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm. Khi bà kể chuyện công an xô đẩy các phụ nữ, không cho họ vào dự tiệc trà tại nhà đại sứ Marine, ông Khiêm nói lảng sang chuyện Việt Nam có luật và những ai vi phạm luật thì vào tù. Bà chất vấn ngay rằng các phụ nữ ấy được mời đến uống trà thì có tội gì ? Ông Khiêm bối rối, im lặng.

Trả lời câu hỏi của một phóng viên, bà Sanchez nói bà hoạt động nhân quyền thì không có gì là chính trị hết, bà đã lên tiếng đòi hỏi nhân quyền ở cả nhiều nước khác nhưng bà dặc biệt hãnh diện ở nơi có nhiều cư dân gốc Việt và bà thấy gần gũi với cộng đồng dân Mỹ gốc Việt hơn.

Nếu Loretta Sanchez gặp trực tiếp những Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn …. thì đành một nhẽ, đằng này bà chỉ muốn gặp mẹ và vợ những “chiến sỹ dân chủ ” đang chịu hoạn nạn. Phụ nữ thương cảm nhau, gặp gỡ nhau để thăm hỏi, an ủi động viên là thể hiện tình cảm thiêng liêng lắm chứ. Bà Loretta Sanchez có là một dân biểu Hoa Kỳ sắc sảo đi nữa thì dưới cái đầu chính trị lạnh lùng, ở bà vẫn còn một trái tim phụ nữ. Sao ta không biết trân trọng để ngõ hầu có thể tranh thủ mà cứ khăng khăng chọc khoét vào cho cháy bừng thành lửa hận !

Loretta Sanchez sinh năm 1960 nhưng tháng 10 năm 1996 bà đã được bầu làm Hạ nghị sỹ quốc hội Hoa Kỳ và tái đắc cử nhiều khóa. Tại hạ viện Hoa Kỳ, bà được giao đảm nhiệm “ Ủy ban Giáo dục và Nhân lực ”, chuyên theo giõi các vấn đề giáo dục và lao động nước ngoài. Ngoài ra, bà còn là thành viên của “ Ủy ban Quân dịch ”. Tháng 3 năm 1999, tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã bổ nhiệm bà làm chủ tịch “ Ủy ban Quốc gia Dân chủ ”. Bà rất có khả năng sẽ đảm nhiệm chức thống đốc bang Califorrnia, nơi trụ sở Tổng lãnh sự quán Việt Nam trú ngụ.

Trong thời đại thông tin @, mọi hình ảnh xấu đẹp của Việt Nam đều được quảng bá rộng rãi, tức thời trên đủ các loại báo, đài. Giả ví thử buổi gặp giữa bà Sanchez với mấy phụ nữ Việt Nam kia có góp phàn tố cáo thêm nữa thì có đáng kể là bao so với ta tự tố cáo ta qua cách hành xử côn đồ trước của nhà Đại sứ ! Nếu quả thực mục đích buổi gặp của bà Sanchez là nhằm bôi nhọ Việt Nam thì may chăng họ cũng chỉ quệt thêm được một chấm nhỏ, trong khi đó, hành động của ta hôm đó lại tự bôi thành một vết nhơ lớn gấp trăm lần lên bộ mặt Đảng và Nhà nước !

Hỏi rằng ai có tội lớn hơn đối với đất nước này, nhân dân này, kể cả đối với đảng CSVN ?

Điều kỳ lạ là, không biết tại sao họ cứ như quá chén, như say máu. Hết kết tội Nguyễn văn Lý, Nguyễn văn Đài, Lê thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy … ,xỉa xói Loretta Sanchez, Michael Marine lại cảnh cáo Nguyễn Tiến Trung, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Gia Kiểng … và tâng đảng Việt Tân thành tổ chức khủng bố.

Ngạc nhiên hơn, họ còn coi “Tổ chức Ân xá Quốc tế” ( Amnesty International ) là thù địch.

Amnesty International là một tổ chức quốc tế trụ sở ở Anh, được thành lập từ 1961. Mục tiêu tổ chức này hướng tới “ thúc đẩy tất cả quyền con người đã được ghi nhận trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyên của Liên Hiệp Quốc ”. Năm 1977, tổ chức này đã được trao giải thưởng Nobel về hòa bình. Được thành lập từ năm 1961 do một luật sư người Anh tên là Peter Benenson, nhưng nay Amnesty International do bà Irene Khan người Bangladesh làm tổng thư ký, cho nên, chắc chắn tổ chức này không thành lập ra để chống Việt Nam và chẳng có lý gì để tổ chức này thù ghét một nước Việt Nam chân chính. Vậy mà báo An ninh thế giới viết những bài kiểu như “ Tổ chức Ân xá Quốc tế và hoạt động chống phá Việt Nam ” có nội dung rất vô chính trị.

Không biết đến bao giờ người ta mới biết tự gột rửa để chừa đi cái thói hợm hĩnh cuồng dại, hiếu thắng vụn vặt đã từng đẩy bạn thân thành sơ, bạn sơ thành kẻ thù và chọc cho đối thủ thành tử thù !

Người ta thường tự xưng là đội tiền phong của giai cấp công nhân nhưng tư tưởng lãnh đạo mãi vẫn cứ là anh nông dân vị ký, nhỏ nhen, hiếu thắng một cách trẻ con và dại dột. Chàng Chí Phèo rất khoái chửi bới. Chửi hết Bá Kiến, Lý Cường … đến cả làng Vũ Đại. Chửi luôn cả Thị Nở. Chửi được tức là thắng, đánh thắng lại càng đáng vênh váo. Có biết đâu, chiến thắng đôi khi chỉ đem lại hào quang cho một tập đoàn người nhưng lại đem hiểm họa cho cả dân tộc. Phải chi ta đừng thắng Pháp ( cụ Phan Châu Trinh đã vạch con đường giành độc lập mà không phải đánh Pháp ) thì ta đã không phải đánh Mỹ. Ta không phải đánh và thắng Mỹ thì ta đã không phải đánh Tầu.

Đợt đàn áp dữ dội và chửi bới vung vãi này, một lần nữa, đang đem nhiều hiểm họa đến cho đất nước, cho dân tộc:

  • Dân biểu Cộng hòa Chris Smith mới đây đã đệ nạp một Nghị quyết lên quốc hội Hoa Kỳ để lên án cuộc trấn áp và kêu gọi trả tự do ngay lập tức và không điều kiện cho những người bất đồng chính kiến, đồng thời cảnh cáo rằng nếu nhà nước Việt Nam vẫn gia tăng đàn áp dân chủ thì sẽ tác hại đến việc mở rộng quan hệ song phương với Hoa Kỳ. Nghị quyết này cũng nhằm đưa Việt Nam trở lại danh mục các nước gây quan ngại đặc biệt ( CPC ).
  • Bà L. Sanchez tuyên bố: “ Hiện nay Hoa Kỳ vẫn còn rất nhiều biện pháp có thể áp dụng đối với Việt Nam. Chúng ta có rất nhiều phần viện trợ và tài trợ cho Việt Nam, kể cả tài trợ huấn luyện quân sự. Hoa Kỳ có thể rút bớt phần tài trợ hoặc rút bớt sự ủng hộ đối với phần tài trợ qua các cơ quan quốc tế, hoặc nặng hơn nữa, có thể áp dụng biện pháp chế tài ”.
  • Không chỉ một mình bà L. Sanchez mà nhiều dân biểu khác cũng đang quan tâm và tỏ ra rất không hài lòng về tính trạng dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam : Frank Wolf, Chris Smith, John Kerry, Zoe Lofgren, Mike Honda ….
  • Hai thượng nghị sỹ John Kerry và Edward Kennedy thuộc đảng Dân chủ, vào ngày 9 tháng 4, đã có thư cho ngoại trưởng Condoleezza Rice đòi hỏi phải xét lại toàn bộ chính sách của Mỹ đối với Việt Nam về vấn đề nhân quyền.
  • Cùng ngày 9/4, dân biểu Zoe Lofgren cũng có thư gửi bà Rice yêu cầu đặt Việt Nam trở lại danh sách CPC.
  • Ngày 12 tháng 4 năm 2007, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Madelein Albright và thượng nghị sỹ John McCain ( vốn có cảm tình và bênh vực Việt Nam ) gửi thư cho chủ tịch Nguyễn Minh Triết đòi thả ngay, vô điều kiện luật sư Lê quốc Quân.
  • Ngày 19/4, Ủy ban Ngoại giao hạ viện Hoa Kỳ đã đồng thanh thông qua Nghị quyết HR 243 của dân biểu Chris Smith đệ nạp, đòi Việt Nam phải cải thiện tối đa chế độ nhân quyền.
  • Dân biểu Frank Wolf đòi sa thải đại sứ M.Marine vì không làm đủ bổn phận tranh đấu cho nhân quyền.
  • Đã có những vận động sơ khởi để tiến tới không cho đảng viên Cộng sản Việt Nam nhập cảnh Hoa Kỳ, cho dù có con cháu có quốc tịch Hoa Kỳ của họ bảo lãnh …
  • Ngày 25 tháng 4 năm 2007 Đại hội Quốc tế Nhân quyền họp tại thủ đô Lisbone của Bồ Đào Nha quy tụ 300 đại biểu thuộc 141 tổ chức nhân quyền trên khắp thế giới biểu quyết 29 nghị quyết về nhân quyền, trong dó có 2 bản về tình trạng đàn áp nhân quyền và bắt bớ các nhà dân chủ tại Việt Nam.

Cuộc đàn áp trong ngoài bất bình thường này có động cơ gì ? Ai chủ trương, chỉ đạo ? Thế lực nào kích động và giật dây ? Họ từ trong nước hay từ nước ngoài ?

Phải chăng họ đã lợi dụng chủ trương “bảo đảm an toàn cho kỳ bầu cử Quốc hội khóa 12” để lướt tới thực hiện những mục tiêu chiến lược khác ?

Hậm hực trước tình hình Việt Nam – Hoa Kỳ đang xích lại gần nhau, phải chăng thông diệp họ muốn tạo ra là: “ Nguy hiểm lắm ! Nhiều kẻ thù lắm ! Kẻ thù bên trong, kẻ thù bên ngoài. Mất Đảng đến nơi rồi ! Phải mau mau chui sâu vào ống tay áo Trung Quốc đi thôi ! Để có lực lượng bảo hộ mà giữ chặt ngai vàng, đàn áp nhân dân, chống lại toàn bộ thế giới còn lại ngoài Trung Quốc ! ” ?

Chúng tôi tha thiết kêu gọi toàn dân, toàn Đảng : Hãy tỉnh táo ! Hãy cảnh giác !

Hà Nội 1 tháng 5 năm 2007
Nguyễn Thanh Giang
Số 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Điện thoại : ( 04 ) 5 543470