VỀ “PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM”

Tôi có chung nhận xét với tác giả Thanh Hương:

“Tôi đã đọc rất nhiều các tài liệu trong và ngoài nước. Tôi chưa bao giờ thấy được sự phân tích cốt lõi nào lại dễ hiểu và tác động đến nhận thức công bằng của người dân như vậy cả. Đứa con gái tôi mới 18 tuổi, khi tôi đưa nó đọc bài Quyền con người trong nhà nước pháp quyền và tôi hỏi có hiểu không. Nó trả lời rằng vậy lâu nay chúng ta bị tước đoạt sự công bằng từ gốc rồi mà mình cứ muốn có công bằng trên ngọn sao được.

Càng đọc tài liệu của PT CĐVN tôi càng ngạc nhiên. Tôi thấy là chưa bao giờ có môt chiến lược và cương lĩnh chính trị nào được chuẩn bị kỹ càng như vậy cả”.

Thật vậy, trong lịch sử Việt Nam cận-hiện đại sau Nhân văn-Giai phẩm, chưa có tổ chức chính trị đối lập nào (kiểu như: Khối 8406, Đảng Dân chủ XXI, Đảng Dân chủ Nhân dân, Hiệp hội Đoàn kết Công Nông …) ngay khi xuất hiện đã tỏ ra đàng hoàng, chững chạc, có tư thế đáng nể trọng như “Phong trào Con đường Việt Nam”.

Cùng với “Thư mời tham gia sáng lập Phong trào Con đường Việt Nam” tôi nhận được một loạt văn bản liên quan:

- Tổng quan về Phong trào Con đường Việt Nam.
- Quá trình hình thành CĐVN
- PTCĐVN – Quy chế điều hành tạm thời
- Quyền Con người trong nhà nước pháp quyền
- Quyền tự do truyền bá Tôn giáo và Đạo đức xã hội
- Các nhà báo hãy hành động vì tự do báo chí
- PTCĐVN – Nông dân và quyền công dân
- PTCĐVN – Công nhân và quyền tự do lập công đoàn
- Lời kêu gọi sinh viên, thanh niên chấn hưng Việt Nam vì hòa bình thế giới
- Lời kêu gọi doanh nhân chấn hưng Việt Nam vì hòa bình thế giới
- Lời kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Hiến chương Chấn hưng Việt Nam vì hòa bình thế giới của nhân dân Việt Nam
- Thư của PTCĐVN gửi các ông Trương tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Tô Huy Rứa …

Những người khởi xướng PTCĐVN tỏ ra đã có một “nông dân quan” thật sâu sắc, thật biện chứng, thật nhân bản (hơn hẳn Mao Trạch Đông):

“Sự phát triển sẽ không bao giờ tốt đẹp được và sẽ luôn bất ổn như hiện nay nếu nó không dựa trên nền tảng phát triển của 60 triệu nông dân chúng ta. Chỉ có sự hiện đại hóa nông nghiệp Việt Nam mới có thể tạo ra sự công nghiệp hóa hiệu quả cho đất nước này mà thôi. Mơ ước công nghiệp hóa để thay thế nông nghiệp đã cho thấy sự thất bại và hậu quả như ngày nay. Đất nước lấy đâu ra nguồn nhân lực cho những nền công nghiệp hiện đại có giá trị gia tăng lớn trong khi tuyệt đại đa số nhân lực là ở nông thôn và không có được những cơ hội tối thiểu và công bằng để học tập, đầu tư vươn lên? Chúng ta hãy biết rằng cuộc canh tân Minh Trị vĩ đại hồi giữa thế kỷ 19 đã đưa nước Nhật trở thành cường quốc trong 30 năm thì 10 năm đầu tiên là tập trung phát triển hiện đại hóa nông nghiệp. Nhờ vậy họ mới có nền tảng để phát triển công nghiệp nhẹ trong 10 năm tiếp theo. Và 10 năm cuối cùng là công nghiệp nặng. Đó là sự phát triển thần kì nhưng không phải là sự đi tắt đón đầu”(1).

Nông dân hẳn sẽ nhiệt liệt hưởng ứng Phong trào khi thấy mình được suy tôn thật thấu lý đạt tình:

“Từ lúc đất nước gia nhập WTO đến nay, lực lượng sản xuất kinh doanh có thể chứng tỏ được khả năng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam lại chính là nông dân chứ không phải của các ngành công nghiệp dịch vụ được nhà nước bảo hộ. Nhờ khả năng này mà nông dân đã giúp đất nước chống chọi được phần nào tác động của khủng hoảng kinh tế trong khi bao nhiêu ngành công nghiệp được hưởng đặc quyền thì ngã lăn ra đè gánh nặng cho cả nền kinh tế và 86 triệu người dân” (1).

Một thế giới quan rất sáng suốt cũng đã được trình bày thật khúc chiết:

“Đang càng có nhiều nguy cơ đe dọa hòa bình quốc tế rõ rệt hơn bao giờ hết. Chủ nghĩa khủng bố khắp nơi, hạt nhân ở Iran và Bắc Triều Tiên, dân chủ thụt lùi ở Nga, sự trỗi dậy của Trung Quốc và những tranh chấp trên biển Đông Việt Nam chỉ là những phần nổi của tảng băng vốn thực sự là một cuộc chiến ở giai đoạn khởi đầu để tranh giành ảnh hưởng và lợi ích giữa các siêu cường. Điều này rất giống với tình hình trước hai cuộc chiến tranh Thế giới thứ I và thứ II đã hai lần mang đến những sự đau đớn khôn cùng cho nhân loại. Chúng tôi nhận thấy trong những cái trên, sự đe dọa nhất và cận kề nhất đến từ khu vực châu Á Thái Bình dương” (2).

“Sự nổi lên của Trung Quốc và khát vọng vươn lên của người dân nước này là chính đáng và rất có giá trị đối với an ninh và sự ổn định quốc tế. Nhưng nếu những điều này phát triển trong một môi trường dân chủ thấp giống tình trạng ở Đức và Nhật vào đầu những năm 1930 thì những điều đó sẽ chắc chắn mang đến một cuộc chiến thảm họa khác cho thế giới chúng ta, dù rằng tuyệt đại đa số nhân dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình. Nhân dân Đức và Nhật cũng vậy. Nhưng quyền lực nhà nước đã không thực sự thuộc về họ trước Thế chiến II” (2).

Lâu nay người ta cứ nghĩ Việt Nam chỉ có thể chuyển hóa khi Trung Quốc chuyển hóa (cái đầu có quậy, cái đuôi mới vẫy), những người khởi xướng PTCĐVN đặt vấn đề ngược lại: cái bánh lái Việt Nam sẽ bẻ hướng con tàu Trung Quốc:

“Chúng tôi cũng tin rằng nếu Việt Nam trở thành một nền dân chủ tự do thì điều đó sẽ khích lệ và củng cố niềm tin trong người dân Trung Quốc và thế giới rằng Trung Quốc sẽ nhanh chóng tham gia thế giới tự do dân chủ vì mô hình của Việt Nam không khác mấy so với Trung Quốc. Điều đó sẽ truyền cảm hứng cho nhân dân Trung Quốc và thúc đẩy xu hướng tiến bộ vì tự do, dân chủ và hòa bình của họ vốn đang cần rất gấp những sự hỗ trợ hiệu quả để thắng được xu hướng dân tộc hiếu chiến ngược lại đang nổi lên nhanh ở Trung Quốc” (2).

Cộng đồng quốc tế cũng sẽ bị PTCĐVN cuốn hút khi nhận ra được rằng Việt Nam cần thiết như thế nào trong việc ngăn chặn “họa Đại Hán” cho nhân loại:

“Do vậy, chúng tôi tin rằng chỉ khi nào quyền lực tuyệt đối của Trung Quốc thuộc về nhân dân của họ thì thế giới chúng ta mới có thể ngăn ngừa được cuộc chiến thảm họa đó. Và nếu quyền lực tuyệt đối của Việt Nam thuộc về nhân dân Việt Nam thì nhân dân hai nước sẽ chọn chung sống và phát triển trong hòa bình. Đây là một nhân tố rất thiết yếu để duy trì an ninh, ổn định và hòa bình cho khu vực. Và bởi vì, như đã được thừa nhận rộng rãi, khu vực này sẽ xác định chủ yếu liệu thế giới phía trước sẽ được ghi dấu bởi tiến bộ và hợp tác hòa bình hay xung đột và thống khổ, nên hòa bình và sự thịnh vượng của nó sẽ tất yếu đảm bảo những điều tương tự cho thế giới của chúng ta” (2).

Dễ gì có được những chính trị gia dày công quan sát, suy tưởng để tạo lập luận sử dụng làm thuyết pháp thông minh và uyên thâm như vậy.

Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm sau đây của PTCĐVN:

“Phong trào Con đường Việt Nam ủng hộ sự thay đổi từng bước theo quy luật phát triển khách quan dựa trên nền tảng là sự tăng cường ý thức làm chủ đất nước của nhân dân và tôn trọng nhân dân. Nhờ vậy sự thay đổi này tuy là từng bước nhưng nhanh và bền vững” (3).

“Phong trào Con đường Việt Nam phản đối những sự thay đổi mang tính cách mạng loại trừ và mọi sự áp đặt từ trên xuống mà không thông qua sự thuyết phục nhân dân vì kiểu thay đổi này có thể lóe sáng nhưng mau chóng bất ổn và dẫn đến sụp đổ, gây tác hại lặp đi lặp lại cho nhân dân” (3).

Quan điểm trên chỉ có thể được hình thành trên cơ sở một nhân sinh quan bác ái, hoàn toàn tin vào xu thế thiện của nhân quần trong trạng thái tự do:

“Và khi đó, thật hiệu quả và rất tự nhiên, đạo đức xã hội sẽ được tự điều chỉnh tốt đẹp và ngày càng văn minh thông qua sự vận động của các tổ chức dân sự hoạt động vì các chuẩn mực đạo đức xã hội mà ở đó các tổ chức tôn giáo luôn đóng vai trò nổi bật và không thể thiếu. Đây chính là sự vận hành của một xã hội dân sự, hay xã hội công dân – nơi mà công dân có tự do sử dụng đầy đủ các quyền Dân sự của mình nhằm tạo ra ảnh hưởng đối với xã hội theo quan điểm của anh/chị ta cho là đúng. Trong một môi trường công bằng như vậy thì những quan điểm nào thuyết phục được nhiều người sẽ trở thành xu thế. Do vậy, dù xã hội luôn tồn tại những cá nhân xấu thì tuyệt đại đa số người dân vẫn chọn cái tốt để tạo ra những xu thế áp đảo cái xấu nên xã hội luôn tiến bộ, đạo đức và văn minh hơn. Đây là một cơ chế tự động điều chỉnh các quan điểm cá nhân và các mối quan hệ xã hội giữa những người hoặc nhóm người khác nhau để đạt đến một trạng thái cân bằng về chuẩn mực của xã hội được gọi là Lương tri quy ước (conventional wisdom) mà nó luôn thay đổi theo chiều hướng ngày càng tốt hơn. Đó là lý do vì sao mà pháp luật không thể và không bao giờ theo kịp để điều chỉnh các quan điểm và quan hệ xã hội luôn biến động như vậy (4).

“Pháp luật chỉ nên và chỉ có thể tham gia vào quá trình trên bằng cách đảm bảo một môi trường bình đẳng tuyệt đối – tức là quyền con người của từng mỗi người phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng – để xã hội dân sự sẽ tự hình thành nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cơ bản để hỗ trợ cho những xu thế tốt tạo ảnh hưởng mạnh trong việc hình thành nên Lương tri quy ước – chính là sự bình đẳng phổ biến”(4).

Nhân sinh quan ấy, quan điểm ấy chỉ có thể được nung nấu từ những con người tử tế, thực tâm vì đồng bào, đồng loại.

Trong thư gửi tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, các tác giả PTCĐVN đã tỏ ra rất “cương”:

“Nếu như ông đã phản đối mạnh mẽ điều mà ông cho là sự áp đặt công thức "dân chủ tự do" của phương Tây (như ông phát biểu tại Cuba ngày 9/4/2012) thì chúng tôi cũng đồng ý rằng mọi sự áp đặt đều không đúng và sẽ phản đối tới cùng nguyên tắc "tập trung dân chủ" mà đảng Cộng sản Việt Nam áp đặt lên toàn dân tộc” (5).

Song, tôi lấy làm thú vị và xin tán dương sách lược này:

“Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tìm ra những giải pháp tốt nhất cho Nhà nước: những cách thức có thể giúp đảng Cộng sản Việt Nam mau chóng hiện thực hóa lý tưởng của mình thành những giá trị thực tế mà người dân hưởng thụ được trong cuộc sống hiện tại của họ, thay vì phải tuyên truyền những viễn cảnh để tìm kiếm niềm tin của họ. Cá nhân tôi tin rằng nếu có một tư duy thực chứng như vậy thì đảng Cộng sản Việt Nam đã có thể làm cho đất nước tốt đẹp như lý tưởng mà mình mong muốn từ lâu lắm rồi, thay vì phải mất bao nhiêu công sức hàng chục năm trời để lý luận chứng minh rằng tương lai sẽ tốt đẹp như vậy” (5).

Sao lại không thể/không đành hợp tác với ĐCSVN khi mà chưa thể làm khác được.

Dẫu ĐCSVN như một cơ thể đang bị hủy hoại bởi nhiều mầm bệnh quái ác nhưng, lấy lực lượng nào để có thể quật đổ được họ.

Trong các lực lượng đối kháng có thể có nhiều bậc trí giả có tâm, có tầm, có tài, có đức nhưng chưa có điều kiện và chưa nhìn thấy người vừa có đủ uy tín, vừa có khả năng tổ chức và tập hợp quần chúng. Chưa kể rằng! thực tế cho thấy trong các lực lượng này ô hợp cả những phần tử cơ hội mạt hạng đã dễ dàng bị các thế lực chống dân chủ hóa sử dụng các thủ đoạn xảo trá, quỷ quyệt biến thành lính dõng lưu manh, gian ác đánh phá tan hoang từ bên trong !

Thể nào là dân chủ cuội?, thế nào là dân chủ cò mồi?

Cách đây nhiều năm tôi đã khuyến khích ông Hoàng Minh Chính cho phục hoạt Đảng Dân chủ. Phải đến ba bốn năm sau đó đề xuất của tôi mới được thực hiện nhưng do cách làm chưa đúng nên chưa thành.

Tôi cũng đã ra sức khuyến khích ĐCSVN nên chủ động thiết lập chế độ đa nguyên đa đảng bằng cách tự “đẻ” ra một vài đảng anh em thân thiết của mình. Theo cung cách đó ĐCSVN có thể vẫn tồn tại nhưng xã hội nhất định sẽ chuyển hóa nhanh hơn, vững chắc hơn mà ít khả năng xẩy ra những cuộc tàn sát trong nội bộ quốc gia.

Không lo các đảng do ĐCSVN “đẻ” ra sẽ mãi mãi là đảng cuội. Xu hướng phân hóa tất yếu sẽ hình thành yếu tố đối lập tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt nhưng lành mạnh như hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã cùng tồn tại lâu dài trong chính trường Hoa Kỳ.

Nhiều năm qua tôi cũng đã ra sức tìm đường phụ trợ cùng ông Võ Văn Kiệt phục hoạt Đảng Lao Động Việt Nam. Tiếc rằng do tài mọn, dũng khí lại chưa cao nên đến khi ông Kiệt đi xa rồi tôi mới dám bộc bạch ý đồ để chỉ còn nhận được tiếng cười mỉa mai. Cho nên tôi cảm thấy thật ngậm ngùi khi nhận được Thư Mời với những dòng thiết tha như dưới đây:

“Tôi tin rằng với sự cộng tác của Ông thì chắc chắn chúng ta sẽ làm được như thế - sẽ mở ra một con đường nhanh nhất đưa đất nước đến thịnh vượng và văn minh bằng sự giàu sang của mọi con Lạc cháu Hồng” (6).

“Chúng tôi đã dấn thân, nghiên cứu gần 10 năm qua và khẳng định rằng việc hình thành một phong trào và kêu gọi ra đời một hiến chương như thế này là hoàn toàn hợp hiến và không vi phạm luật. Đây là nguyên tắc Quyền con người trong nhà nước pháp quyền rõ ràng, đương nhiên và không thể bác bỏ mà ba người khởi xướng chúng tôi nguyện dành trọn phần đời còn lại của mình để tranh đấu cho nó trở thành một giá trị phổ quát và đương nhiên tại Việt Nam” (6).

“Tuy vậy, với thực tế trong việc hành xử pháp luật như hiện nay, tôi hoàn toàn ý thức rằng tôi có thể tiếp tục bị bắt bớ và đã sẵn sàng cho điều này như lần trước. Tôi chấp nhận cả những tình huống xấu nhất như thế với hy vọng rằng điều đó sẽ giúp dấy lên được một phong trào để mọi người suy tưởng và từ đó ý thức được những quyền cơ bản của mình và sử dụng chúng một cách tự tin theo đúng tinh thần pháp quyền” (6).

“Tôi kính mong Ông, nếu xảy ra những tình huống mà tôi bị tiếp tục tước đoạt quyền tự do, hãy giúp chúng tôi tiếp tục lãnh đạo phong trào Con đường Việt Nam đi đến kết quả cuối cùng thành công” (6).

Tôi rất muốn cùng ghé vai gánh vác với anh chị em trong PTCĐVN nhưng tiếc rằng tuổi đã cao, hơi đã tàn, sức đã kiệt, uy tín đã bị hủy hoại … chỉ còn lại “tuổi già giọt lệ như sưong”.

Nhưng, tôi tin ở những người khởi xướng và rất trân trọng những người được mời sẽ tham gia sáng lập Phong trào Con đường Việt Nam. Tin và cầu chúc cho đất nước tôi mau chóng đến “thịnh vượng, văn minh”, và không lâu nữa “Quyền con người trong nhà nước pháp quyền … trở thành một giá trị phổ quát và đương nhiên tại Việt Nam” bởi vì đã có lời hứa trên đây: “… ba người khởi xướng chúng tôi nguyện dành trọn phần đời còn lại của mình để tranh đấu cho nó …”.

Hà Nội 20 tháng 7 năm 2012

Nguyễn Thanh Giang

Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay

Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội

Mobi: 0984 724 165

Ghi chú:

(1) - PTCĐVN – Nông dân và quyền công dân
(2) - Lời kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Hiến chương Chấn hưng Việt Nam vì hòa bình thế giới của nhân dân Việt Nam
(3) - Tổng quan về Phong trào Con đường Việt Nam.
(4) - Quyền tự do truyền bá Tôn giáo và Đạo đức xã hội
(5) – PTCĐVN gửi TBT Nguyễn Phú Trọng
(6) - Thư mời tham gia sáng lập Phong trào Con đường Việt Nam