PHẢI THẬT SỰ ĐỔI MỚI CUỘC BẦU CỬ QUỐC HỘI KHÓA 12 Cần xây dựng bộ luật bầu cử mới, đưa ra lấy ý kiến của nhân dân Nên hoãn kỳ bầu cử này it nhất một quý và phải tiến hành rất khẩn trương, chu đáo Những người quan tâm việc nước không khỏi thất vọng và bức bối khi thấy các nhà lãnh đạo tỏ thái độ không nghiêm túc và có chủ trương không được đúng đắn đối với cuộc bầu cử Quốc hội khóa 12 sắp tới. Đối với cuộc bầu cử quan trọng này, tại sao chỉ thị của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam chỉ nêu tiêu chí cơ bản là : “ Dân chủ, An toàn và Tiết kiệm ” ? An toàn và tiết kiệm là những nhắc nhở thông thường cho mọi hoạt động xã hội, chẳng nhẽ về cuộc bầu cử mang ý nghĩa trọng đại đối với vận mệnh quốc gia này mà lại không có tiêu chí nào lớn lao hơn cần nêu lên để chỉ đạo thực hiện cho bằng được hay sao ? Nguyên phó thủ tướng Nguyễn Khánh không phải không có lý khi phát biểu : “ Cái mà Quốc hội Việt Nam đang thiếu không phải là đoàn kết, không phải là dân chủ mà chính là trí tuệ ”. Điều mà nguyên phó thủ tướng Nguyễn Khánh trăn trở cũng chính là điều day dứt đã được chúng tôi nêu trong bài “ Để lựa chọn được người xứng đáng vào cơ quan đại biểu câo nhất của nhân dân ” về tình trạng quan trí thường thấp hơn dân trí trong xã hội ta. Nhận định này của chúng tôi được phụ họa bởi ý kiến của ông Nguyễn Đình Hương – nguyên ủy viên Trung ương Đảng, phó ban Tổ chức Trung ương - trong Hội nghị bàn tròn trực tuyến do VietNamnet tổ chức ngày 27 tháng 2 vừa qua : “ … nhiều đại biểu Quốc hội trình độ quá kém, chưa kể nhiều người về phẩm chất tư cách đều không xứng đáng là đại biểu của nhân dân ”. Và, khi trả lời câu hỏi cuả nhà báo Nguyễn Anh Tuấn : “ Nhiều năm nay nước ta có phát sinh nhiều thứ giả như bằng giả, thuốc giả, hàng giả … Trong đó có ý kiến cho rằng đại biểu Quốc hội thật nhưng chất lượng cũng giả ”, ông Nguyễn Đình Hương đã khẳng định : “ Đó là phản ánh một sự thật ! ”. Có tình trạng đó là do những cuộc bầu cử trước đây ( trừ cuộc bầu cử khóa 1 năm 1946 ) đã tiến hành không tốt, không có tự do dân chủ thật sự mà chỉ có “ Đảng cử dân bầu ” với những thủ đoạn man trá. Cho nên tiêu chí cuộc bầu cử khóa 12 này, nên chăng, cần được sửa lại là : “ Đổi mới phương thức ứng cử và bầu cử, phát huy tự do dân chủ thật sự để bầu được một Quóc hội xứng tầm với tình hình và nhiệm vụ mới ” . Tiết kiệm được thì tốt, nhưng tốn kém bao nhiêu mà bầu được một quốc hội xứng tầm thì vẫn rất cần thiết. Chi phí cho mỗi ngày họp Quốc hội khoảng gần hai tỷ đồng. Quốc hội không có chất lượng trí tuệ cao thì không những lãng phí gấp nghìn khoản chi cho bầu cử mà còn nguy hại cho đất nước. Vì tư tưởng chỉ đạo thông qua các tiêu chí đặt ra không đúng cho nên ngay kết quả Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất vừa qua đã thể hiện rất nhiều bất cập. Từ đấy dấy lên rất nhiều phản ứng bất đồng sâu sắc trong xã hội mà báo chí và các phương tiện truyền thông chỉ mới phản ảnh được phần nhỏ qua các ý kiến của : nguyên ủy viên Trung ương Dảng Nguyễn Đình Hương, nguyên phó thủ tướng Nguyễn Khánh, nguyên đại biểu Quốc hội, giáo sư- tiến sỹ Phan Đình Diệu, nhà báo lão thành Thái Duy, nguyên vụ trưởng vụ Nghiên cứu Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Khắc Mai … Tại sao lại ấn định tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng chỉ được 10% trong khi số người ngoài Đảng chiếm tới hơn 90% mà đảng viên chỉ khoảng chưa đầy 4% dân số ? Đây là biểu thị sự khinh miệt nhân dân hay sự ngạo mạn quá đáng của những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam ? Quốc hội này là quốc hội của cả nước hay chỉ của đảng Cộng sản Việt Nam ? Điều 53 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định : “ Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương …”. Điều 63 còn bổ sung thêm : “ Công dân nam nữ có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình ”. Ba triệu đảng viên được quyền chiếm 450 ghế Quốc hôi, trong khi khoảng 50 triệu cử tri ngoài Đảng chỉ được 50 nghế. Có nghĩa là mỗi đảng viên được hưởng quyền “ tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước ” lớn gấp ( 450/3 triệu : 50/50 triệu = ) 150 lần một công dân ngoài đảng. Thế thì còn gì có “ quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị … ” như điều 63 của Hiến pháp quy định ! Riêng trong lĩnh vực này đã thấy Đảng ngang nhiên vi phạm Hiến pháp để tự cho mình mặc sức tham nhũng quyền lực. Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất cũng dành quá nhiều thời gian để bàn về cơ cấu số lượng đại biểu Quốc hội. Nào là khối Đảng phải được bao nhiêu người, Mặt trận Tổ quốc được bao nhiêu, các đoàn thể bao nhiêu …Khối báo chí thông tấn thì nhất thiết chỉ được bầu cho ứng cử viên của báo Nhân Dân, báo Quân đội Nhân dân … Thế thì còn gì là quyền tự do lựa chọn của cử tri. Rõ ràng ở đây lại thể hiện sự áp đặt trắng trợn! Chủ trương xem nặng cơ cấu đã đẻ ra thảm cảnh này : một đại biểu Quốc hội tâm tình với một đại biểu Quốc hội khác : “ Em muốn xin thôi làm đại biểu Quốc hội có được không ? Có làm sao không ? Chứ mỗi kỳ họp Quốc hội là em sợ lắm. Lên đây em không hiểu cái gì. Không phát biểu được cái gì ! ” ( Theo ông Trần Quốc thuận – phó Chủ nhiệm thường trực văn phòng Quốc hội - ) Rõ ràng vấn đề cơ cấu không thể đặt trên, đặt trước vấn đề chất lượng đại biểu Quốc hội. Vì lệ thuộc vào cơ cấu mà phải đưa cả những người kém phẩm chất vào thì cơ cấu có hợp lý đến mấy Quốc hội cũng không vận hành tốt được, nhưng nếu có những bậc tài trí, uyên thâm, uyên bác trong Quốc hội rồi thì việc sắp xếp lại để thích ứng với cơ chế hợp lý sẽ không khó khăn gì. Cho nên, điều quan trọng là phải đưa ra được những quy định rõ ràng, chặt chẽ nhưng thông thoáng và đồng đều để mọi người có tài đức và xứng đáng đều có thể được đưa vào danh sách đề cử và ứng cử viên. Quy định rõ ràng, chặt chẽ đề hạn chế tình trạng ứng cử xô bồ, gây khủng hoảng thừa trong danh sách ứng cử viên, với sự hiện diện cả nhiều ứng cử viên kém phẩm chất. Quy định phải tạo điều kiện thông thoáng một cách đồng đều để công dân không ngại ứng cử và không bị gây khó dễ nếu “ không hợp cơ cấu ”. Rỡ bỏ tình trạng “ bao cấp ”, “ kế hoạch hóa cứng nhắc ” trong nhân sự, chính trị-xẫ hội, trên cơ sở tin tưởng nhân dân, tôn trọng nhân dân, mạnh dạn ứng dụng “ cơ chế thị trường tự do có lãnh đạo ” cả trong lĩnh vực này, thực sự đổi mới cuộc bầu cử sắp tới là yêu cầu bức thiết không chỉ cho nhu cầu phát triển của đất nước mà còn vì sự tồn vong của đảng Cộng sản Việt Nam. Tạo nên một “ sân chơi phẳng ” trong cuộc bầu cử sẽ giải quyết êm thấm sự đôi co, mặc cả bao nhiêu phần trăm đảng viên, bao nhiêu phần trăm người ngoài Đảng được “ cơ cấu ” vào Quốc hội. Quy định 10% đại biểu là người ngoài Đảng đã quá chừng phi lý, nhưng cơ sở nào để đòi phải nâng lên hai phần ba, hay chỉ … 30%, 20% đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng ? Hơn một lần, xin cứ được tha thiết nhắc lại : Hãy thực sự tin tưởng váo nhân dân đi, có chăng chỉ một vài người, vài nhóm người chứ nhân dân sẽ không dễ dàng bị lung lạc bởi những “ thế lực thù địch ” đâu, nhân dân sẽ không bao giờ để Đảng bị thiệt thòi đâu. Cách đây 50 năm chủ tịch Hồ Chí Minh đã quả quyết : “ Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn ( như đảng CSVN chẳng hạn – người viết thêm vào ) nghĩ mãi không ra … Đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay so sánh. Họ so sánh bây giờ và họ so sánh với thời kỳ đã qua. Họ so sánh từng việc và họ so sánh toàn bộ phận … Dân chúng so sánh đúng, giải quyết đúng là vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. Vì sự so sánh kỹ càng đó mà cách giải quyết của dân chúng bao giờ cũng gọn gàng, hợp lý, công bình ”. Không chỉ dân chúng mà tất cả những đảng viên chân chính đều so sánh mà thấy rằng những cuộc bầu cử gần đây không nbững không nghiêm túc, công khai, công bằng mà còn sử dụng nhiều thủ đoạn man trá, lừa bịp nhân dân. Nếu cứ tiếp tục “ bỗn cũ ”, không chịu đổi mới thực sự thì nguy cơ bị tẩy chay thẳng thừng là có thật. Có thể sẽ không có tiếng nổ, không có biểu tình và rồi các cơ quan truyền thông của Đảng vẫn nhơn nhơn tuyên truyền rằng cuộc bầu cử thành công tốt đẹp nhưng sự tẩy chay về tinh thần, sự thương tồn lòng tin nặng nề mới đáng sợ hơn. Tình trạng tẩy chay trong tinh thần đã từng xẩy ra bằng biểu lộ sự không quan tâm, bằng hiện tượng một người đi bỏ phiếu cho cả nhà hoặc không đi bỏ phiếu. Luật sư Trần Lâm trong bài “ Suy nghĩ về cuộc bầu cử Quốc hội ” đăng trên tập sn Tổ Quốc số 7, ra ngày 15 tháng 12 năm 2006 cũng đã viết : “ Nếu chúng ta không thay đổi tận gốc nhiệm vụ, mục đích, phương pháp để có một cuộc bầu cử đích thực thì cuộc bầu cử 2007 sẽ đi vào bế tắc. Tuy chưa có gì để quả quyết rằng sẽ có những cuộc phá hoại nổi dậy, nhưng dấu hiệu “ tẩy chay ”, “ bất hợp tác ” là một dự đóan có cơ sở. Xã hội hiện đang tích lũy nhiều bức bối, nếu lại thêm bức bối này nữa thì mọi người sẽ uể oải, chán nản. Một xã hội mất lòng tin và chứa đựng nhiều phản kháng sẽ nhận chìm tất cả ”. Dứt khóat không thể xem thường nhân dân, không thể cậy quyền ỷ thế mà làm bừa, làm lấy được. Hãy đừng để lời cảnh báo của chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành hiện thực: “ Chúng ta đã hy sinh làm cách mạng thì nên làm đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần … ” . Trong ba chức năng của quốc hội, thứ nhất, quốc hội là cơ quan lập hiến, lập pháp cao nhât; thứ hai, quốc hội là cơ quan giám sát tối cao mọi hoạt động của nhà nước thì chức năng thứ ba, quốc hội là cơ quan cao nhất quyết định các vấn đề trọng đai quốc gia đòi hỏi đại biểu quốc hội phải là những chính khách sáng giá. Tình hình thực tế ngặt nghèo chưa cho phép hy vọng những người như nghiên cứu sinh Nguyễn Tiễn trung, luật sư Lê thị Công Nhân, bác sỹ Phạm Hồng Sơn, kỹ sư Nguyễn Phương Anh … có thể được đưa vào danh sách bầu để trúng cử đại biểu Quốc hội mặc dù quả nhiên họ là những người có tư chất chính khách, có lòng ưu tư quốc sự mãnh liệt, nhưng, những người như: tiến sỹ Nguyễn Quang A, tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nhà báo Phan Thế Hải, tổng giám đốc cà phê Trung Nguyên … rất xứng đáng và cần thiết được tham gia vào cơ quan đại biểu cao nhất của nước ta hiện nay. Trong quá trình hội nhập thế giới tiên tiến gần đây, phía Nhà nước và Chính phủ, lãnh đạo bởi chủ tịch Nguyễn Minh Triết, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thể hiện tư duy đổi mới tương đối tốt và có những bước đi ngoạn mục thông qua các sự kiện : Trao giải thưởng Nhà nước cho các ông Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Lê Đạt; xã hội hóa nghĩa trang quân đội Sài Gòn; thăm Tòa thánh Vatican; cho phép tăng đoàn Làng Mai do thiền sư Thích Nhất Hạnh dẫn đầu về lập đàn giải oan cho tất cả các vong linh bất kể đã đứng trên chiến tuyến bảo vệ chủ nghĩa cộng sản hay chống cộng, cả những oan hồn trong cải cách ruộng đất, trong “ Nhân văn gia phẩm ” … Đấy là những bước đi dù còn dò dẫm nhưng rất cơ bản nhằm hóa giải hận thù, tiến tới hòa giải hòa hợp và thâm nhập sâu vào thế giới tiên tiến. Tiếc rằng, phía Quốc hội, lãnh đạo bởi ông Nguyễn Phú Trọng vẫn còn quá trì trệ, lạc hậu, thể hiện rõ qua kỳ chuẩn bị bầu cử Quốc hội này. Nhất thiết cần nhanh chóng thật sự đổi mới tư duy trong việc tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội khóa 12 sắp tới. Chúng tôi khẩn khoản kiến nghị : 1 – Phải xây dựng ngay Bộ luật bầu cử mới đưa ra lấy ý kiến của nhân dân rộng rãi như đã từng làm với Bản báo cáo chính trị Đại hội X vừa qua. 2 – Để việc chuẩn bị chu đáo, tạo điều kiện bầu được một Quốc hội có chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, cần hoãn ngày bầu cử ít nhất một quý nưẫ chứ không phải ngày 20 tháng 5 năm 2007 như đã dự định. Mong sao, bầu cử Quốc hội kỳ này sẽ thực sự là ngày hội của nhân dân Việt Nam
Hà Nội ngày 12 tháng 3 năm 2007. Nguyễn Thanh Giang Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội Điện thoại : ( 804 ) 5 534370
|