Tác hại của đàn áp Báo Le Paria số 16 ra tháng 7 năm 1923 có đăng bài “Tệ độc đoán ở Đông Dương - Người được bảo hộ và người đi bảo hộ” của Nguyễn Ái Quốc. Nguyên văn như sau: “Ông Cẩm Đà Lạt (Trung Kỳ)” có một cách hiểu vai trò khai hóa của mình đến là hay. Một hôm, người cộng tác rất xứng của ông Xarô này cần đến ván gỗ. Ông ta sai một người đến kiếm ván ở nhà một người bản xứ làm nghề buôn bán. Nhà buôn này đòi phải trả tiền rồi mới được mang hàng đi. Nghe lời yêu cầu này, ông Cẩm nổi giận, phái ngay lực lượng vũ trang đến với nghiêm lệnh là dù “sống hay chết” cũng phải bắt cho được tên An Nam đó về sở. Để tránh cơn giận của vị đại diện cho nước bảo hộ, nhà buôn không kể gì đang ốm cũng đành phải bỏ cả nhà cửa quê hương lánh sang tỉnh khác. Một thầy thuốc người Âu chứng kiến tấn trò kể trên đã can thiệp để bênh vực nhà buôn bản xứ. Vụ can thiệp “chướng tai gai mắt” này làm cho viên thầy thuốc bị đổi đi, bị đầy lên Kon Tum, một nơi nước độc mà người Âu rất sợ… (bỏ bớt một đoạn) Còn nhà buôn An Nam thì ra sao? Anh ta bị ghi tên vào sổ những người bị tình nghi, liệt vào hạng “chống Tây”, vào số những kẻ cần theo dõi. Một bầy mật thám Pháp và An Nam bám riết, theo gót anh ta. Nhiệm vụ của bọn này là ghi từng giờ từng phút mọi hành động cử chỉ của anh ta, và tô đen tất cả mọi ý định của anh. Công cuộc theo dõi này được tiến hành một cách khá lộ liễu để làm cho bạn bè quen thuộc người An Nam này phải chùn lại không dám lai vãng nhà anh nữa, đến nỗi đời sống của anh trở nên hết sức khó khăn. Bất cứ thế nào cũng không một người bản xứ nào dám đến nhà anh. Hoàn toàn bị cô lập với đồng bào của mình, nhà buôn này chỉ còn có hai con đường: hoặc đi ăn cướp, hoặc đi ăn mày. Nhưng cái nghề thứ hai này có thể lại làm cho anh đáng khả nghi hơn vì kiếp sống lang thang”. Bài báo trên gần đây được viết lại như sau: “Mấy ông lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam có cách hiểu về chuyên chính vô sản đến là hay. Một số trí thức nọ vì quá tin vào lời tuyên bố “Dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra công việc của Đảng”, rằng “Dân chủ xã hội chủ nghĩa gấp triệu lần hơn dân chủ tư sản” đã hăng hái vắt óc suy nghĩ, người thì soát xét lại các điểm đúng sai trong đường lối chính sách, người thì nhắc nhở về những cơ hội đã bị bỏ lỡ cho nên nay phải nắm bắt để khai thác cho được thời cơ vàng đang hiển hiện. Nói chung, họ là những đại biểu tinh hoa, dám dũng cảm nói lên những suy tư và ước vọng của nhân dân Việt Nam. Nhưng…! Mấy ông lãnh đạo kia không biết nghe, không dám nghe, rất sợ nghe nên trợn trừng mắt quát tháo: “Đồ Nhân văn–Giai phẩm, đồ xét lại chống Đảng, đồ cấp tiến phản động, đồ “diễn biễn hòa bình”, đồ chống chủ nghĩa xã hội, đồ gián điệp…” vân vân và vân vân… Để tránh cơn giận của Đảng cầm quyền, một số không kể gì đang ốm cũng đành phải bỏ cả nhà cửa quê hương lánh sang nước khác. (Không may thì làm mồi cho cá biển. May thì trở thành Việt kiều yêu nước trở về xây dựng quê hương.) Còn những kẻ ở lại thì sao? (Đến đây, xin được lắp nguyên xi đoạn văn của ông Nguyễn Ái Quốc từ chỗ “Anh ta bị ghi tên vào sổ…” đến chỗ “kiếp sống lang thang” vào chỗ này.) Người đang viết rất thần phục và thấm thía lời của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Anh sững sờ thấy như Nguyễn Ái Quốc sống lại để kể về thân phận của những người như mình hiện nay. Cũng “bị ghi tên vào sổ những người bị tình nghi, liệt vào hạng “chống Tây” (ở đây xin đổi là chống CNXH), vào số những kẻ cần theo dõi. Một bầy mật thám Pháp (hiện nay không có mật thám Pháp) và An Nam bám riết, theo gót anh ta. Nhiệm vụ của bọn này là ghi từng giờ từng phút mọi hành động cử chỉ của anh ta, và tô đen tất cả mọi ý định của anh. Công cuộc theo dõi này được tiến hành một cách khá lộ liễu để làm cho bạn bè quen thuộc người An Nam này (đổi lại là, người công dân nước CHXHCNVN này) phải chùn lại không dám lai vãng nhà anh nữa, đến nỗi đời sống của anh trở nên hết sức khó khăn. Bất cứ thế nào cũng không một người bản xứ nào dám đến nhà anh. Hoàn toàn bị cô lập với đồng bào của mình, nhà buôn này (đổi lại là người tạm gọi là trí thức này) chỉ còn có hai con đường: hoặc đi ăn cướp, hoặc đi ăn mày. Nhưng cái nghề thứ hai này có thể lại làm cho anh đáng khả nghi hơn vì kiếp sống lang thang”. (Người công dân này không đi ăn cướp, cũng không đi ăn mày nên không đi lang thang nhưng vẫn cứ bị khả nghi hơn.) Thực tế đang khốn khổ gấp mấy nhà buôn thời Tây kia, người trí thức XHCN này còn bị tù biệt giam, bị khám nhà và tịch thu tài sản bốn năm lần, bị báo chí của Đảng xuyên tạc, vu khống, bôi bẩn, bị cắt điện thoại, bị ném đá vào nhà, bị tông xe giữa đường, bị đưa ra phường đấu tố, bị bọn đầu gấu được chính quyền thuê giả danh thương binh xông vào tư thất thóa mạ và gây sự hành hung… Vậy mà, nhờ ơn Đảng đèn giời soi xét, anh chàng này vẫn được sung sướng hơn nhiều người khác. Nguyên Chánh văn phòng Bộ Công an, đại tá Lê Hồng Hà bị tù hai năm, tiến sĩ sinh vật học Hà Sĩ Phu bị biệt giam một năm chỉ vì dám cầm đọc bức thư của thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị ĐCSVN. Nguyễn Vũ Bình chỉ vì nộp đơn xin thành lập Đảng Tự do Dân chủ, Nguyễn Khắc Toàn chỉ vì đưa giúp đơn kêu oan, Phạm Hồng Sơn chỉ vì dịch tài liệu “Thế nào là dân chủ”, Lê Chí Quang chỉ vì kêu gọi “Hãy cảnh giác với Bắc triều” mà đều bị tù ba bốn năm. Đại tá Phạm Quế Dương chiến tích đầy mình cùng nhà giáo kỳ cựu Trần Khuê chỉ vì nộp đơn xin thành lập “Hội nhân dân Việt Nam ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng” mà cũng bị bỏ tù ngót nghét hai năm… Nói là đưa ra phường đấu tố nhưng cách đây mươi năm, Nguyễn Thanh Giang được ngồi trong hội trường trước chỉ khoảng ba chục người gồm chủ yếu tướng tá và cán bộ. Bây giờ, Trần Khải Thanh Thủy - nhà giáo (đã 11 năm đào tạo nên hàng trăm học trò XHCN, trong số đó nhiều người đã trở thành cán bộ Đảng, cán bộ Nhà nước), nhà văn (đã có hơn chục tác phẩm với hàng trăm bài viết đăng trên các báo của Đảng) - bị lôi ra giữa sân vận động cho mấy trăm người được tập trung đến để nghe các “chuỗi, rễ của Đảng” lên đấu tố, xỉ vả bằng những bài bản đã được bồi dưỡng trước. Cùng bị Nhà nước tổ chức cho bọn anh chị xông vào nhà hành hung nhưng Nguyễn Thanh Giang chỉ bị “tiếp” vài chục tên còn Trần Khải Thanh Thủy bị hàng trăm người xông vào giẫm sập giường, phá tan tành cửa sổ. Rồi, vả vào miệng, tát vào mặt vợ, túm tóc giật ngược mặt chồng ra đằng sau… Ông già ngoại 80 Hoàng Minh Chính thì bị ném mắm tôm pha dầu nhờn vào nhà. Phạm Hồng Sơn thì bị hô hoán vu cho là buôn bạc giả để bọn giả danh đầu gấu bóp cổ, đấm vào đầu. Mục sư thì bị nữ sĩ quan công an nắn bóp hạ bộ (thú thật riêng việc này rất khó tin)… Thật là “Chặt hết trúc Nam Sơn không ghi tầy tội ác. Múc cạn nước Biển Đông không rửa sạch oán hờn”. Đảng và Nhà nước làm như vậy để làm gì nhỉ ? Để tô thêm đẹp hai chữ vinh quang cho Đảng ư? Để giữ vững ổn định chính trị ư ? Để hòng ôm chặt được cái ghế ư ? Nhầm! Chính sự đàn áp thô bạo của nhà cầm quyền đã chuyển những thiện chí thành đối địch, ôn hòa thành nộ khí và dần dần xuất hiện những “quyết tử quân cảm tử cho tự do, dân chủ, nhân quyền quyết sinh”. Trước ngày bị vào tù, linh mục Nguyễn Văn Lý chỉ đấu tranh trong giáo phận Nguyệt Biều. Ra tù, ông trở thành một trong những ngọn cờ lớn đấu tranh cho tự do tôn giáo, tự do ngôn luận... Trước ngày bị vào tù, Nguyễn Khắc Toàn như một người rất nhát. Đến nhà những người hoạt động dân chủ anh thường nghiêng nghiêng ngó ngó mắt trước mắt sau làm cho ai cũng tưởng anh là công an giả dạng. Anh có viết một số bài đấu tranh dân chủ nhưng mỗi bài phải ký một mật danh. Cho nên, anh vào tù sau một thời gian dài mà rất ít thấy có tiếng nói bênh vực. Riêng mỗi tôi biết các mật danh của anh nhưng chỉ dám công bố sau khi tìm được cách hỏi ý kiến anh. Thế mà ra tù, anh vượt lên hàng đầu trở thành tấm gương dũng mãnh đạp qua sợ hãi cho cả một lớp trẻ ào ào noi theo. Đang trong thời gian bị quản chế nhưng anh ngang nhiên phá rào, công khai ra báo, công khai đứng lên thành lập và đảm đương vai trò thủ lĩnh Công đoàn Độc lập Việt Nam. Trước ngày bị khủng bố dữ dội, hầu như không ai biết những hoạt động đấu tranh cho dân chủ của Trần Khải Thanh Thủy. Càng bị đàn áp dã man, nhà văn này càng mạnh mẽ quật cường, càng trở nên bất trị đối với nhà cầm quyền. Những kẻ cay cú với cô gọi cô là “giặc cái”, những người cảm mến gọi cô là “anh hùng”. Thực ra không hẳn là cô đã thu phục được mọi người. Nhưng rồi, ngay cả nhiều người vốn không đồng tình với cách viết chát chúa của cô cũng quay lại đứng hẳn về phía cô để che chở cô, để tôn vinh cô vượt mức, như một cử chỉ chống trả tương thích sự tàn bạo quá mức của nhà cầm quyền đối với cô. Trường hợp Hoàng Minh Chính cũng vậy. Đảng đang được tiếng độ lượng khi cho Hoàng Minh Chính sang Mỹ chữa bệnh trong khi uy tín Hoàng Minh Chính đang giảm xuống rất thấp vì những tuyên bố hớ hênh trên đất Mỹ thì hành động tạt nước pha át xít vào nhà, đập chai nhựa vào đầu ông làm cho niềm thương cảm cháy lên hừng hực, tỏa hào quang vào ông. Trong nước càng đàn áp mạnh thì đồng bào Việt Nam ở nước ngoài càng ghê tởm chính quyền cộng sản Việt Nam, càng trực tiếp tố cáo dồn dập với các tổ chức quốc tế, với chính phủ các nước, làm cho bộ mặt giới lãnh đạo càng trở nên nhem nhuốc trước nhân loại, dẫn đến những tẩy chay, những trừng phạt từ mức độ này đến mức độ khác. Không biết rồi người ta có nghiêm chỉnh rút kinh nghiệm, có biết phân tích để có được bài học không nhỉ ? Thử hỏi, nếu thấy bất lực, không thể nào thuyết phục nổi thì hãy cứ đành để một Trần Khải Thanh Thủy ở mức nhà văn đối kháng là hơn hay cứ ra sức cưỡng bức cho cô phải trở thành “giặc cái” hay “anh hùng” là hơn đối với họ? Tự họ đã tạo ra tình huống trớ trêu này: không đàn áp thì hóa ra Đảng thua một người dám chống đối, mà sử dụng mọi mưu ma chước quỷ, cùng với vũ lực chuyên chính khổng lồ đề thỏa mãn uy nộ thì cũng có vẻ vang gì đâu, khi Đảng thắng được một người phụ nữ! Không kể rằng qua vụ này họ còn trở nên có tội lớn đối với cụ Hồ. Trước đây, khi phỉ báng cụ Hồ, Trần Khải Thanh Thủy phải lấy các bút danh khác như: Nguyễn Thái Hoàng, Nguyễn Quý Dân… Hầu hết người đọc nghĩ rằng đấy là một người đang ở nước ngoài (mà người ở nước ngoài thóa mạ cụ Hồ thì nhiều lắm, cho nên thêm Thái Hoàng hay Thoáng Hài gì nữa thì cũng thường thôi, mấy ai để ý). Nay công an ta công bố rõ ràng rằng ngay cả một cô giáo, một Hội viên Hội Nhà văn của Việt Nam, con một đảng viên kỳ cựu của Đảng Cộng sản Việt Nam (từ năm 1947) cũng căm ghét và phỉ báng cụ Hồ thậm tệ đến thế thì mức độ tai hại hẳn được nhân lên bội phần hơn chứ! Nói chung, tất cả những người bị tù đầy, bị đàn áp càng nặng nề đều trở nên càng quyết liệt hơn. Những đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp đã dựng nên những Nguyễn Trung Trực, Đội Cấn, Nguyễn Thái Học…, làm nổ ra những Khởi nghĩa Yên Bái, Xô Viết Nghệ Tĩnh rồi dẫn đến Cách mạng tháng Tám thành công. Một triết gia phương Tây có câu nói nổi tiếng: “Sự tàn bạo tự nó uống một phần lớn thuốc độc của nó”. (La méchanceté boit telle-même la plus grande partie de son poisons). Những người lãnh đạo ĐCSVN và nhà cầm quyền Việt Nam nên tâm niệm điều này. Hà Nội 6 tháng 11 năm 2006 Nguyễn Thanh Giang
|