“TRÌNH LÝ LUẬN” CỦA CÁC NHÀ DÂN CHỦ

“Văn ta, vợ người”, tình cờ đọc bài “Người luôn không bằng lòng với thực tại” của TS Nguyễn Thanh Giang viết về BS Nguyễn Đan Quế, tôi mới nhìn lại khả năng viết lách cũng như viết cương lĩnh của một số dân chủ, trong đó có cả những nhà dân chủ gạo cội như BS Quế.

Mỗi một nhà dân chủ đều có quan điểm, phương pháp đấu tranh mà mình cho là phù hợp, không ai có thể ép buộc ai, trên cơ sở đó, thường thì các nhà dân chủ đều để lại dấu ấn của mình trong một tác phẩm hay chí ít cũng là cương lĩnh nào đó và xem như đó là linh hồn cho đường lối đấu tranh của mình hay tổ chức do mình dẫn dắt. Mỗi khi nhắc đến họ chúng ta hay nhắc đến tác phẩm của họ như TS Nguyễn Thanh Giang với Suy tư và Ước vọng, Hà Sỹ Phu với Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ, Trần Khuê với Đối thoại 2000, Nguyễn Gia Kiểng với Tổ quốc ăn năn, hay nhà dân chủ mới nối như Trần Huỳnh Duy Thức, trước khi bị bắt cũng đang manh nha với tác phẩm Con đường Việt Nam…

Tác phẩm hay cương lĩnh cũng chính là thước đo trình độ của mỗi nhà dân chủ, người có khả năng viết ra tác phẩm có một đẳng cấp cao hơn, đó là lý do tại sao có nhiều nhà dân chủ cố sáng tác một vài tác phẩm để lấy “số má” như kiểu ông Đỗ Nam Hải với 5 bài tiểu luận xào lại những quan điểm của người khác kèm một văn phong lủng củng, ai cũng thấy 05 bài tiểu luận đó cũng như các bài viết khác của ông Hải giống như bài tập làm văn của học sinh lớp 3! Trình độ lý luận của các nhà dân chủ được thể hiện qua cái cách họ thể hiện trước người khác, qua cái cách họ đấu tranh dân chủ, có nhà dân chủ có thể nói và viết với những lập luận thuyết phục, còn có nhà dân chủ thì chỉ có thể chạy lông nhông như một kiểu sai vặt, mỗi khi họ phát biểu hay viết thì cụt ngủn và có phần ngây ngô, thậm chí là “máu trên, máu dưới”. Những ai đã từng nhận được email của nữ luật sư Bùi Kim Thành đều cho rằng bà này bị… tâm thần, mỗi lần thấy email của bà Thành thì xóa ngay, không dám đọc.

Do vậy, tuy bất ngờ nhưng không có gì ngạc nhiên khi TS Nguyễn Thanh Giang đã chỉ ra sai sót căn bản của lộ trình dân chủ do BS Nguyễn Đan Quế viết ra. Và TS Giang đã cho thấy bản lĩnh của mình bằng việc công bố phát hiện lỗi ngôn ngữ sơ đẳng của một cương lĩnh đã tồn tại từ năm 2005 trong một bài viết dành phần lớn lượng chữ để ca ngợi. Tuy nhiên, ngay nhan đề của bài viết đã không phải là một sự ca ngợi mà có hàm ý khác, “Người luôn không bằng lòng với thực tại”, chữ “luôn” quả là đắc địa! Khi đi với câu khẳng định thì chữ “luôn” có ý nghĩa tích cực nhưng khi đi với câu phủ định thì nó có nghĩa tiêu cực. Tại sao nhan đề không phải là “Người không bằng lòng với thực tại” hay “Người luôn muốn thay đổi thực tại” ? Điểm nhấn của bài viết chính là đoạn TS Giang bình luận về lộ trình dân chủ 9 điểm của BS Quế:

“Đây là những yêu cầu thực thi để xã hội được xem là có dân chủ chứ đâu phải là một lộ trình. Lộ trình phải mang tính kế hoạch mà bước trước là tiền đề khai mở điều kiện cho bước sau. Ngay điểm 1 và điểm 2 đã có sự lẫn lộn. Tự do báo chí, tự do internet nằm trong chuỗi của điểm 2 hay nằm trong nội hàm của Tự do thông tin? Xóa bỏ điều 4 Hiến pháp (điểm 5) là tiền đề tạo điều kiện cho điểm 8: “Quốc hội soạn và thông qua Luật bầu cử đa nguyên, đa đảng” nhưng “Thả hết tù nhân lương tâm” (Điểm 4) cần làm trước hay “Tự do tôn giáo” (Điểm 5) cần làm trước … ?”.

Chỉ với đoạn nhận xét ngắn ngủi như trên, TS Giang đã chỉ ra cương lĩnh hành động của BS Quế, đồng thời là “linh hồn” của Cao trào nhân bản, thực sự cần nhanh chóng được cất vào kho. Làm như vậy, TS Giang đã luôn chứng tỏ mình là một cao thủ về lý luận cũng như đã dội một gáo nước lạnh vào nhiệt huyết đấu tranh dân chủ của người bạn già. Tôi thích cách làm đó vì TS Giang đã dám thẳng thắn phê bình dù biết đó là người thuộc phe mình. Dù gì, TS cũng đã thể hiện sự cao thượng bằng một bài viết ngợi ca BS Quế!

HOÀNG MINH