Vì sao quá nhiều ngườii bị bắt vì tội “xâm phạm an ninh quốc gia”?

 

Liên tục trong nhiều tháng qua, chính quyền Hà nội đã bắt giữ một số lớn nhân vật bất đồng chính kiến hoặc có tham gia một đảng phái nào đó nhằm tranh đấu cho dân chủ nhân quyền cho Việt Nam.


Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo (phải) trao đổi với Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng tại Đại sảnh đường nhân dân ở Bắc Kinh hôm 22-10-2008.

Những nhà hoạt động này bị quy tội xâm phạm nền an ninh quốc gia và đang chờ ngày xét xử. Tội danh này còn được áp dụng cho hai nhân vật khác mặc dù họ không phải là các nhà tranh đấu cho dân chủ.

Hai người bị bắt chỉ là một blogger bình thường dưới cái tên Người Buôn Gió và người kia là nhà báo Phạm Đoan Trang, một phóng viên cho tờ báo mạng nổi tiếng nhất Việt Nam, cũng với tội danh xâm phạm an ninh quốc gia.

An ninh quốc gia?

Sau làn sóng bắt giữ nhiều nhà hoạt động cho dân chủ, nhân quyền trong nước vì tội xâm phạm an ninh quốc gia dư luận không ngớt phân vân về cách luận tội của ngành tư pháp Việt Nam. Sau khi phát đi lời khai của họ trên hệ thống truyền thông đại chúng thì việc nhận tội chống lại nhà nước cách này cách khác của các nhà tranh đấu đã minh họa cho các cuộc bắt giữ này là phù hợp với điều luật “An ninh quốc gia” theo cách mô tả của truyền thông nhà nước.

Nếu cho rằng quan hệ Việt Trung là tinh thần hữu nghị tôn trong lẫn nhau, thì cần phải giải thích rõ rằng. Chừng nào cuộc cướp bóc diễn ra còn êm thấm, kẻ bị cướp còn khoanh tay chịu đựng bị tước đi từng thứ một. Chừng ấy quan hệ Việt – Trung, quan hệ giữa kẻ cướp và kẻ bị cướp vẫn được gọi là hữu nghị.
blogger Người Buôn Gió


Không lâu sau đó, một diễn tiến khác đe dọa giới bogger và nhà báo trong nước qua việc bắt giữ ông Bùi Thanh Hiếu, tức blogger “Người Buôn Gió,” vào ngày 27 tháng 8. Ông Hiếu cũng bị công an bắt giữ để điều tra những việc liên quan đến “an ninh quốc gia.”

Ông Bùi Thanh Hiếu, cư ngụ tại phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội, là blogger có ngòi bút sắc bén, với những bài nhận định về các sự kiện như biểu tình phản đối Trung Quốc, các việc liên quan đến giáo xứ Thái Hà, Tam Tòa, và có lẽ bài viết quan trọng nhất dẫn đến việc ông bị bắt là bài viết có tựa đề “Không thể bàn cãi” nói về mối quan hệ hai nước Việt - Trung trong đó có đoạn ông viết rằng:

“Nếu cho rằng quan hệ Việt Trung là tinh thần hữu nghị tôn trong lẫn nhau, thì cần phải giải thích rõ rằng. Chừng nào cuộc cướp bóc diễn ra còn êm thấm, kẻ bị cướp còn khoanh tay chịu đựng bị tước đi từng thứ một. Chừng ấy quan hệ Việt – Trung, quan hệ giữa kẻ cướp và kẻ bị cướp vẫn được gọi là hữu nghị.”

Ngôn ngữ sắc bén này của Người Buôn Gió ngay sau đó loan truyền trên internet như một vết dầu và sau đó ít lâu ông bị bắt.

Yếu tố Trung Quốc

Nhận định của nhiều giới quan sát quốc tế cho rằng việc bắt giữ hàng loạt những người có phát biểu thẳng thắng liên quan đến chính sách nhà nước là do sự có mặt của ông Tô Huy Rứa, người được xem là đang nắm giữ đường lối chính trị của Đảng hiện nay.

Tuy nhiên nhận xét về việc này, TS Nguyễn Thanh Giang, một nhà bầt đồng chính kiền từng là thầy dạy cũ của ông Tô Huy Rứa đưa ra nhận xét:

“Có những người nói rằng đây là thời đại của Tô Huy Rứa nhưng theo ý của tôi thì anh Tô Huy Rứa cũng là một người có học hành có trí thức anh ta không đến nỗi quẫn trí như vậy. Tôi cho rằng đây có sự điều hành của bàn tay vô hình nào đó từ phương Bắc.”

Việc bắt giữ blogger Người Buôn Gió có yếu tố Trung Quốc, hay nói rõ hơn có sự tham dự tích cực của Trung Quốc nhằm tác động lên lãnh đạo Việt Nam hay không thì dư luận vẫn đang bàn cãi.

Thế nhưng việc bắt giữ tiếp nhà báo Phạm Đoan Trang là phát súng lệnh bắn đi tuyên cáo cho một chính sách mới đang chính thức áp dụng, chính sách này có khả năng bắt giữ bất cứ ai nếu họ tỏ ý chống lại nhà cầm quyền bằng bất cứ hình thức nào kể cả hình thức bất bạo động.

Nhà báo Phạm Đoan Trang được biết bị bắt cũng do vi phạm an ninh quốc gia, tội danh dùng chung cho tất cả các người bị bắt trong nhiều tháng qua. Chị là người có bài viết về Hoàng Sa, Trường Sa đăng trên Tuần Việt Nam, một chuyên trang của tờ báo mạng ViệtnamNet.

Trong thời gian gần đây, Phạm Đoan Trang có loạt bài viết về Hội Nghị Genève năm 1954. Trong loạt bài này chị đã trích dẫn giới nghiên cứu và quan sát cho rằng lợi ích của Việt Nam đã bị Trung Quốc bán rẻ vì quyền lợi quốc gia của chính họ.

Nhà báo Phạm Đoan trang cũng bị bắt dưới tội danh vi phạm an ninh quốc gia.

Quan điểm của các nước chuyên chính vô sản như Stalin, Lenin hay Mao Trạch Đông thì các điều này có liên quan đến an ninh quốc gia, tức là có những hành vi tuyên truyền chống đối phản cách mạng là không thể được.
LS Trần Lâm


“Xâm phạm an ninh quốc gia” là điều luật gì mà có thể áp dụng trong mọi trường hợp như vậy? liệu những việc bắt người này có phù hợp với hiến pháp Việt Nam hay không?

Luật sư Trần Lâm nguyên chủ tịch đoàn Luật sư Việt Nam trả lời câu hỏi mà rất nhiều người, cả trong và ngoài nước đều quan tâm này, ông giải thích:

“Quan điểm của các nước chuyên chính vô sản như Stalin, Lenin hay Mao Trạch Đông thì các điều này có liên quan đến an ninh quốc gia, tức là có những hành vi tuyên truyền chống đối phản cách mạng là không thể được.”

Việc bắt giữ những người chỉ phát biểu chính kiến của mình một cách ôn hòa cũng bị quy tội xâm phạm an ninh quốc gia theo luật sư Trần Lâm thì hoàn toàn phù hợp với hiến pháp Việt Nam ông giải thích:

“Nói về cái tội đó người ta căn cứ trên ba hành vi tức là dùng lời nói, chữ viết hay tranh ảnh có ý đồ chống đối là đủ để bị ghép tội.”

Sự giải thích này của luật sư Trần Lâm phần nào làm sáng tỏ việc bắt giữ hàng loạt người do công an thi hành. Thế nhưng dư luận cũng rất phân vân vì xét cho cùng thì động cơ khiến cho blogger Người Buôn Gió lẫn nhà báo Phạm Đoan Trang viết các bài viết chống lại sự đàn áp của Trung Quốc đối với Việt Nam là xuất phát từ lòng yêu nước.

Các bài viết của họ nếu có gây bối rối cho chính sách ngoại giao hay mất lòng nước lớn thì cũng không phải là cái cớ để họ bị trả thù một cách thiếu ngay thẳng thông qua điều luật an ninh quốc gia.

Mặc Lâm, phóng viên RFA
2009-09-03