Tổ Quốc ta ơi!
Ta yêu người mãi mãi !
Việt Hoàng
Ai cũng có một quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, cho dù có đi đến đâu thì nơi ta sinh ra và lớn lên vẫn là nơi thiêng liêng nhất. Chúng ta vẫn gọi đó là “Tổ Quốc”! Tổ Quốc là danh từ chung rộng lớn bao gồm tất cả những gì quí báu nhất của chúng ta. Tổ Quốc là cái mà ta có thể hy sinh vì nó, Tổ Quốc cũng là cái làm cho ta phải đau khổ khi bị hắt hủi bởi những kẻ nhân danh Tổ Quốc. Nhưng dù thế nào đi nữa thì ta vẫn yêu tổ quốc của ta đến muôn đời.
“Tổ Quốc” còn là một trong 4 tờ báo tư nhân đầu tiên và độc lập với chính quyền Việt Nam hiện nay. “Tổ Quốc” còn là “đứa con tinh thần” của một nhà yêu nước, một nhân cách lớn, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang. “Tổ Quốc” đã tròn hai năm tuổi, dù với một thời gian rất khiêm tốn nhưng “Tổ Quốc” đã trở thành một diễn đàn hữu ích, một sân chơi rộng lớn cho những ai quan tâm đến tương lai của đất nước.
Đứa con tinh thần của tiến sĩ Nguyễn Thang Giang đã được “đỡ đầu”, nuôi dưỡng và chăm sóc bởi bàn tay thương yêu đầy trách nhiệm của một học giả tận tâm và tận lực đó là ông Trương Nhân Tuấn từ Pháp quốc. Suốt hai năm qua báo “Tổ Quốc” vẫn “ra lò” đúng ngày đúng giờ và những người trong ban biên tập thì luôn được vinh dự đọc nó trước mọi người từ 5 đến 7 hôm. Quả thực đây là một cố gắng rất lớn của ông Trương Nhân Tuấn.
Tổ Quốc là một diễn đàn rộng mở dành cho tất cả mọi người Việt Nam không phân biệt trong hay ngoài nước, thế nhưng không hiểu vì uy tín của ông Nguyễn Thanh Giang hay là vì lý do gì đó mà “Tổ Quốc” luôn dành được sự yêu mến và gửi bài rất thường xuyên của các tác giả trong nước, từ khắp mọi nơi. Đã có lần người viết gửi bài nhưng báo đã hết chỗ, phải để lại kỳ sau.
Nhân dịp báo tổ quốc tròn 2 tuổi tôi xin gửi lời chúc mừng đến ông Nguyễn Thanh Giang, ông Trương Nhân Tuấn và tất cả mọi người đã tham gia viết bài, cổ vũ và ủng hộ cho “Tổ Quốc”. Tôi tin và cầu chúc cho “Tổ Quốc” mãi mãi là người bạn đồng hành với chúng ta, với những người ưu tư với vận mệnh của Tổ Quốc và cũng là điểm dựa cho phong trào dân chủ Việt Nam.
Chúng ta, những người Việt Nam hôm nay đang sống trong những thời khắc rất khó khăn nhưng cũng rất ý nghĩa. Chúng ta đã, đang và sẽ chứng kiến những thay đổi vĩ đại của lịch sử, trang sử vĩ đại đó là sự chuyển tiếp những chế độ từ độc tài toàn trị sang các thể chế đa đảng và dân chủ. Đây là bước ngoặc vĩ đại của đời người, nhất là với những người chưa từng được sống trong dân chủ và khát khao sự công bằng, yêu chuộng lẽ phải như dân tộc Việt Nam.
Suốt chiều dài 4000 năm lịch sử cho dù rất khát khao nhưng dân tộc ta chưa từng được sống dưới một chế độ dân chủ thật sự. Cuộc cách mạng vĩ đại Tháng Tám mùa Thu năm 1945 đã bị đảng cộng sản “cướp đoạt”. Bằng chứng hùng hồn nhất của sự cướp đoạt này là đã 63 năm trôi qua nhưng các quyền tự do căn bản của con người vẫn không được nhà nước Việt Nam thực thi, mặc dù nó được viết rất trang trọng và đầy đủ trong Hiến Pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Bằng chứng là việc hai công dân Việt Nam là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và cô Phạm Thanh Nghiên từ Hải Phòng “xin phép” biểu tình bị từ chối.
Nếu họ tự ý biểu tình sẽ bị chính quyền buộc tội là “biểu tình trái phép”, nay họ làm đơn “xin” biểu tình thì bị chính quyền từ chối, khi bị từ chối thì họ khởi kiện chính quyền ra tòa án thì tòa án trả lời họ là “tòa” không có thẩm quyền giải quyết! Như vậy điều 69 Hiến Pháp “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật” chỉ là trò bịp bợm.
Câu nói cách đây 63 năm của Hồ chủ tịch “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…” vẫn chỉ là bánh vẽ! Và vẫn đang nằm trên giấy. Đương nhiên vì vậy mà “cuộc cách mạng Tháng Tám vẫn đang tiếp diễn” đúng như bác sĩ Phạm Hồng Sơn nói.
Trào lưu dân chủ hóa là một trào lưu tất yếu và không thể đảo ngược của lịch sử, đó là kết quả của quá trình đấu tranh bền bỉ của những người yêu chuộng tự do trên toàn thế giới và nó hoàn toàn phù hợp với ước nguyện của tất cả mọi người sống trên trái đất, từ Châu Phi hay Châu Mỹ, Châu Á.
Những người đấu tranh cho dân chủ hoàn toàn có thể tự hào và hãnh diện bởi sự dấn thân của mình cho sự nghiệp dân chủ hóa đất nước. Một cuộc cách mạng dân chủ sẽ là cuộc cách mạng cuối cùng trong lịch sử phát triển của bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Sau cuộc cách mạng dân chủ sẽ không còn một cuộc cách mạng nào khác. Đây là thời khắc quyết định, đúng đắn và duy nhất để mỗi người trong chúng ta có thể làm được một điều gì đó cho bản thân, gia đình và xã hội.
Cơ hội là điều kiện quan trọng để thành công, thế nhưng cơ hội đến mà không chủ động nắm bắt thì cơ hội sẽ mất đi. Quan trọng hơn nữa là phải chuẩn bị để đón nhận cơ hội. Sự chuẩn bị đó chính là khâu “tổ chức”. Chỉ có một “tổ chức chính trị” rộng lớn, đoàn kết và tổ chức chặt chẽ mới có thể nhận lãnh trách nhiệm hướng dẫn quần chúng. Những cá nhân hoạt động chính trị đơn lẻ, vô (không) tổ chức, không có kỷ luật chỉ làm rối rắm, phức tạp tình hình chứ không hề thúc đẩy dân chủ. Cách mạng Tháng Tám đã bị những người cộng sản cướp đoạt vì chỉ có họ (khi đó) là có tổ chức và kỉ luật chặt chẽ.
Một người rất bình thường, ít có năng lực nổi bật nhưng có thể “chịu đựng” được các qui định, điều lệ trong sinh hoạt của tổ chức chính trị (một cách tự nguyện) sẽ được đánh giá cao hơn (vì có tác dụng lớn hơn) những người uyên bác nhưng không chịu nổi sự gò bó của bất cứ tổ chức. Mà đã là một tổ chức thì bắt buộc phải có nội qui và điều lệ của tổ chức.
Người Việt chưa từng được sinh hoạt trong môi trường dân chủ bao giờ nên “văn hóa tổ chức” rất kém và sơ sài. Chúng ta chỉ thực sự đoàn kết khi chống giặc ngoại xâm còn trong các lĩnh vực khác rất là mất đoàn kết và vô tổ chức. Có lẽ vì thế mà ông bà đã khuyên rằng “một cây làm chẳng nên non”, “một con mãnh hổ không địch lại được bầy hổ” “bó đũa khó bẻ hơn một chiếc đũa”…
Những người đấu tranh cho dân chủ là những tinh hoa của dân tộc vì vậy phải đi tiên phong trong việc xây dựng “văn hóa tổ chức” cho bản thân, sau đó là cho tổ chức của mình.
Thế nào là người có “văn hóa tổ chức”? Theo tôi người có “văn hóa tổ chức” là “người có mong muốn và ý thức tham gia vào các tổ chức chính trị, muốn tạo ra sự thay đổi xã hội bằng các giải pháp chung thông qua một tập thể. Người có văn hóa tổ chức dễ dàng chấp nhận các điều lệ tôn chỉ của tổ chức, tôn trọng sự khác biệt chính kiến ngay trong nội bộ tổ chức, chấp nhận các quyết định của tổ chức, sẵn sàng thực thi những nhiệm vụ của tổ chức đề ra, quí trọng và luôn giúp đỡ mọi người trong tổ chức, không gây bè cánh và luôn vì lợi ích của tổ chức…”
Một ví dụ nữa để nhận thấy sự nổi bật và ưu điểm của người có “văn hóa tổ chức” đó là người đàn ông đã có vợ và những thanh niên đã đi bộ đội. Người đàn ông đã có gia đình (vợ con) luôn được mọi người đánh giá cao, và yên tâm hơn những người bằng tuổi nhưng còn độc thân. Rõ ràng là người đàn ông có vợ “mất tự do” hơn những người chưa vợ, đi đâu cũng phải “báo cáo”, chơi có vui đến đâu thì tối cũng phải về nhà ngủ… Một thanh niên đã qua quân đội cũng vậy, họ sẽ có kỷ luật hơn, ý thức hơn, nghiêm túc hơn những người chưa đi bộ đội. Chính vì sự “khắt khe” đó của người vợ, tính kỷ luật cao trong quân đội (cũng giống như những qui định của các tổ chức) mà người đàn ông có gia đình và đã qua quân ngũ luôn “chuẩn mực” hơn những người khác.
Người ta vẫn nói là “sau thành công của mỗi người đàn ông đều có một bóng hồng”, nếu thêm rằng “sau thành công của mỗi người còn có bóng dáng của tổ một tổ chức” thì cũng không sai, tổ chức đây có thể là tổ chức chính trị, hay ban giám đốc một công ty, một nhóm bạn bè thân thiết hay gia đình… Không thể có chuyện một người “một thân một mình” mà làm nên sự nghiệp nếu không hợp tác với ai.
Một điểm yếu của phong trào dân chủ cần phải khắc phục đó là “chủ nghĩa cá nhân”, một người tự cho mình là uyên bác và nghĩ rằng mình có thể làm được mọi việc mà không cần đến ai! Sợ phiền phức và khó chịu khi tham gia vào một tổ chức. Họ quên tự hỏi rằng “nếu mình không chịu được người khác thì người khác làm sao chịu được mình”?
Một đề nghị cho các tổ chức chính trị, hoặc các đảng phái có thể cầm quyền trong tương lai là kiên quyết từ chối và bất hợp tác với những cá nhân làm chính trị đơn lẻ. Dù người đó có tài giỏi đến đâu mà không chịu được sự ràng buộc của bất cứ tổ chức nào thì chỉ làm hỏng việc chứ không giúp được tổ chức điều gì.
Tuy nhiên tôi tin rằng điểm yếu này đang dần được khắc phục, bằng chứng là sự phát triển vững mạnh và liên tục của Khối Dân Chủ 8406 và tất nhiên là cả sự thành công của tâp san “Tổ Quốc”, tờ báo mà quí độc giả đang có trong tay, tờ báo đánh dấu hai năm ngày ra đời, tờ báo của mọi người và sinh ra để phục vụ mọi người…
Việt Hoàng