Một bức thư gửi từ Nghệ An

 

Nghệ An ngày 18-8-2008

Anh Thanh Giang kính mến !

    Gần đây, được đọc bài “Nằm bệnh viện vẫn sục sôi đất nước” của tác giả Nguyễn Thượng Long đăng trên Tập san “Tổ Quốc”số 46 ra ngày 1-8- 2008 mới hay tin anh vừa trải qua bạo bệnh và đã thoát hiểm. Tôi vội cầm bút ghi mấy lời thăm hỏi anh. Tôi và các bạn tôi hồi hộp lo lắng theo từng dòng chữ từ đầu đến cuối với lòng dạ bồn chồn, với tâm nguyện cầu khấn cho anh tai qua nạn khỏi. Mừng nhất sau cùng là biết anh từng bước bình phục và tờ “Tổ Quốc” mà anh là chủ nhiệm chắc chắn là vẫn đều đặn ra mắt bạn đọc đáp ứng mong mỏi của nhiều độc giả.

    Thưa anh,
    Nhân đây xin có mấy ý kiến nhỏ xin góp với “Tổ Quốc”:
    1 – Tập san ra đời đã đáp ứng đúng nhu cầu hiểu biết nắm bắt thông tin đa chiều, giúp bạn đọc nhận thức được thực trạng, bản chất, thực chất của nhiều vấn đề chính trị, xã hội đời sống đang nổi cộm, đang đặt ra bức bách, đang nóng bỏng đòi hỏi phải được tháo gỡ, những vấn đề mà từ lâu cho tới nay những người cầm quyền vẫn tìm đủ cách bưng bít vì những mục đích chính trị.
    “Tổ Quốc” đã đề cập đến những vấn đề liên quan mật thiết đến vận mệnh, đời sống, tiền đồ của đất nước, của mỗi người dân, của các thế hệ như vai trò của đảng cầm quyền, Nhà nước pháp quyền; xã hội dân sự; cải cách Hiến pháp; Kinh tế thị trường định hướng XHCN; Tự do dân chủ, Nhân quyền, chính sách đất đai; Suy thoái và khủng hoảng kinh tế; thực trạng nền giáo dục ; các quan hệ quốc tế… v.v… “Tổ Quốc” đúng là tiếng nói của Suy tư và Ước vọng của các tầng lớp nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước.
    “Tổ Quốc” qua 46 số đã ra mắt bạn đọc, thấy nổi lên khá nhiều bài viết có giá trị của những tác giả như Nguyễn Thanh Giang, Bùi Tín, Trương Nhân Tuấn, Như Hà, Hà sỹ Phu, Nguyên Ngọc, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Thượng Long, Vi Đức Hồi, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Khải Thanh Thuỷ, Phạm Hồng Sơn... Ở mỗi góc nhìn khác nhau, trên những bình diện khác nhau và ở những trình độ khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung cũng như xét từng bài, thấy đó là những bài viết khá công phu, có luận cứ minh xác, có nhận định khoa học có tư liệu cụ thể, rõ ràng, ý kiến có sức thuyết phục. Những bài báo đó cho thấy các tác giả theo rõi khá chặt chẽ diễn biến của thời sự, giúp người đọc thức tỉnh, đổi mới tư duy, bồi dưỡng khả năng độc lập suy nghĩ, nâng cao năng lực quan sát, cảm nhận để từ đó có thái độ đúng, có hướng sống tích cực hơn.

    2 – Tuy nhiên , “Tổ Quốc” cũng còn những hạn chế cần được sớm khắc phục.
    - Một số bài viết chưa thực sự có chất lượng, ý kiến chung chung, sơ lược, lặp lại mình, thiếu tìm tòi khám phá, chưa có những nhận định xác đáng, thiếu sự phân tích khách quan khoa học; hoặc dài dòng, dàn trải, sức khái quát yếu…
- Một số tập san “Tổ Quốc” có hiện tượng in nhầm từng trang bài (như số 44 gần đây) gây khó khăn, khó chịu lúc đọc.
- Tập san in ấn chưa đẹp, chưa chững chạc, khá nhiều số bị nhoè bẩn. Nên chăng, trong điều kiện có thể, Tập san có thể cải tiến khuôn mẫu, khổ giấy, trình bày. Bạn đọc có cảm tưởng như “Tổ Quốc” là một tài liệu bí mật thời xưa.

    3 – Cần nghiên cứu suy nghĩ làm thế nào để tờ “Tổ Quốc” có một chỗ đứng vững chắc trên bình diện công khai, thực sự bình đẳng với nhiều tờ báo hiện nay được Đảng bảo hộ như tờ Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Thanh Niên, Văn Nghệ, Đại đoàn Kết…v.v… Điều này không dễ, còn tùy thuộc vào tiến trình dân chủ phát triển đến đâu. Dù sao “Tổ Quốc” cũng phải phấn đấu thể theo nguyện vọng bức thiết của nhân dân. Tin rằng “Tổ Quốc” sẽ phát triển tốt và nhất định sẽ khẳng định được vị trí của nó.

    Anh Giang kính mến !
    Tôi xin phép anh được tạm dừng bút ở đây. Rất mong anh giữ gìn sức khoẻ.
    Kính chúc anh mau chóng bình phục. Qua anh cho gửi lời hỏi thăm chúc chị và các cháu.

    Thân kính,
    Nay thư !
    Khương Thế Hà