ĐỐI THOẠI BẤT ĐẮC DĨ

 

Đối thoại S

 

Anh Giang thân quý,

Có thể sẽ bị cho là “nhiều chuyện” khi tham gia luận bàn về chuyện giữa anh và anh Hoàng Tiến, nhưng vì một ai đó cứ gửi bài viết của các anh vào địa chỉ mail của tôi, lỡ đọc, nên cũng có một vài suy nghĩ hoàn toàn cá nhân muốn trao đổi với anh như sau:

Trước tiên, về bài phát biểu của anh, theo tôi quả thực có nhiều điểm thiếu chặt chẽ trong văn từ và một vài vấn đề được anh đề cập còn chủ quan trong đánh giá, thiếu căn cứ và mang nặng tâm trạng bi quan khi nhận định về cục diện tình hình. Chẳng hạn, khi anh muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc hội thảo, anh viết: “Bước chuyển hoá có thể diễn ra nhanh gọn và sau đó mở đường thênh thang cho Dân chủ tiến tới hay lại vật vã lê thê và để lại những hậu quả không mong muốn là nhờ một phần ở những hội thảo như thế này…”. Không biết người khác khi đọc đoạn văn này có cảm nhận như thế nào chứ bản thân tôi cảm nhận rằng: Phong trào dân chủ trong nước theo anh viết là đang vật vã, lê thê…và đang bế tắc, trông chờ vào những cuộc hội thảo (như thế này) để tìm ra hướng đi mới. Đồng ý là mục đích của anh chỉ để ca ngợi và khuyến khích có những cuộc hội thảo tương tự với mục tiêu tìm hướng đi đúng cho phong trào dân chủ, nhưng điều này sẽ là một xúc phạm cho những người đã, đang và sẽ dấn thân cho dân chủ. Thực trạng phong trào dân chủ trong nước quả thực chưa mấy sáng sủa, lực lượng dân chủ nếu đem so sánh với bộ máy cầm quyền của CS hiện nay thì không những không tương xứng mà là quá nhỏ bé… thế nhưng lực lượng dân chủ đang có được tinh thần hồ hởi, có được sự khuyến khích, động viên của dư luận trong nước và quốc tế, hơn hết, nó còn khẳng định một xu thế mà mỗi chúng ta đều có quyền tin tưởng... Khi anh nhận xét như thế thì khác nào đổ một gáo nước lạnh vào ngọn lửa đang cháy? Còn nữa, cũng như anh Hoàng Tiến đã viết, nếu anh cho rằng sau cuộc đàn áp của chính quyền thời gian vừa qua mà phong trào dân chủ trong nước “như đã tan tác” thì chủ quan quá!

Tôi đã đọc bài phát biểu của anh ngay sau khi hội thảo của AFVE diễn ra, mặc dù nhận ra những điểm chưa hoàn hảo trong bài viết nhưng thiết nghĩ đó cũng là một lẽ thường tình, một thiếu sót ngoài ý muốn và rất cảm thông với tâm trạng của anh. Chẳng qua cũng chỉ là một thiếu sót trong cách diễn đạt con chữ thôi phải không anh? Chúng ta càng phải rút kinh nghiệm để không còn để xảy ra những thiếu sót như thế nữa…

Điều tôi muốn nói qua bài viết này không phải là những thiếu sót đó, mà muốn đề cập đến là hành vi sử dụng con chữ một cách có ác ý của những người thiếu tinh thần xây dựng, nếu không xuất hiện bài viết của anh Hoàng Tiến thì có lẽ sự kiện hội thảo đã trôi qua, những gì có giá trị được đem đến từ cuộc hội thảo được người ta lĩnh hội, nhân rộng thành bài học cho thực tiễn và chắc chắn những thiếu sót nhỏ nhặt của anh sẽ chẳng ai màng tới…

Đã lâu, trong “giới” đấu tranh cho dân chủ không thấy xuất hiện tên nhà văn Hoàng Tiến, ngoài cái tên hữu danh vô thực trong danh sách Ban biên tập tờ báo “Tự do ngôn luận” thì tên anh Tiến không hề được nhắc đến. Ngay cả trong hàng ngũ “tổ chức đảng” của anh Tiến, có người đồng chí của anh ấy (xin phép không tiện nêu tên) khi nhắc đến đã phải thốt lên rằng anh Tiến là  người “bạo mồm nhưng nhát gan”. Thế nhưng, tại sao sau khi bài phát biểu của anh được công bố thì nhà văn Hoàng Tiến cũng đồng thời xuất hiện, phải chăng nhà văn chỉ chờ có thế…

Với những lời lẽ, cách dùng ngôn từ của nhà văn Hoàng Tiến, ngay cả những người có trình độ hiểu biết bình thường cũng có thể nhận ra sự ám thị có chủ đích, người ta có thể hình dung ra một Hoàng Tiến đang ra sức mắng chửi Thanh Giang cho hả giận chứ không đơn thuần là một sự góp ý với mục đích xây dựng cho nhau. Và chúng ta cũng có thể khẳng định một điều rằng, sau bài viết này của ông Hoàng Tiến thì giữa Hoàng Tiến và Nguyễn Thanh Giang sẽ mãi mãi không thể nào “ngồi cùng mâm” được nữa…

Tôi không phủ nhận những viện dẫn của anh Hoàng Tiến, và cũng không muốn đi vào tình tiết cụ thể…nhưng sau hết của mọi viện dẫn đó nhằm mục đích gì, có phải nhà văn Hoàng Tiến muốn thẳng thừng loại bỏ Nguyễn Thanh Giang ra khỏi hàng ngũ “các nhà dân chủ trong nước”?

Trong khi phong trào dân chủ trong nước đang gặp phải không ít những thăng trầm, ai nấy đều ý thức được rằng cần phải đoàn kết, cần phải chung sức để tạo nên sức mạnh chung. Thì cũng như trước đây, nhà văn Hoàng Tiến lại tung ra một đòn chí mạng, “đánh” cho Nguyễn Thanh Giang “đau” mà không thể kêu được. Tôi biết, về học thuật thì giữa nhà văn Hoàng Tiến và Nguyễn Thanh Giang khó có thể so sánh rạch ròi, nhưng về khả năng viết lách thì nhà văn Hoàng Tiến dĩ nhiên phải nhuần nhuyễn hơn, ông đã không dùng cái hơn của mình để giúp người mà dùng để lăng nhục, xúc phạm người khác thì thật đáng trách.

Đã là con người thì không ai toàn bích cả, thấy sai thì sửa, có sửa thì mới dần hoàn thiện. Đáng lý ra, nếu có thiện chí thì nhà văn Hoàng Tiến nên góp ý riêng với Nguyễn Thanh Giang, khi Nguyễn Thanh Giang phủ nhận và phản bác thì nhà văn hãy tranh luận công khai, như thế có lẽ vẹn tròn hơn. Đằng này, với cách cư xử “đánh một đòn chết tươi” này e rằng dù anh em dân chủ có cố gắng hoà giải đến mấy cũng vô ích mà thôi.

Anh Giang ạ, rồi mọi người sẽ hiểu ra thôi, về phần anh tốt nhất là nên cẩn trọng hơn, vì một khi có một  “đồng minh” luôn cố tình “dòm ngó” khuyết điểm của mình thì có là thánh cũng phạm phải lỗi lầm thôi anh ạ…

Vài lời chia sẻ, chúc anh chân cứng đá mềm…

 

Nguyễn Văn Sáu

                                                                       *

Đối thoại G

 

Thưa quý anh

 

Cảm ơn quý anh đã vì quan tâm đến công cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước mà khắc khoải vì câu chuỵện giữa tôi với Hoàng Tiến.

 

Tôi nhiều đêm không ngủ được, cứ trăn trở suy nghĩ xem mình đã có lỗi gì trong việc gây nên mối hận thù giữa Hoàng Tiến với mình mà chưa thành khẩn tự phê bình được.

 

Hoàng Tiến hơn tôi 2 tuổi. Trong quan hệ xã hội, tôi thường chủ yếu nệ vào tuổi tác chứ không vào chức tước hay cái gì khác. Bởi vậy, trước đây tôi thường tỏ ra kính nể Hoàng Tiến. Thấy số phận hẩm hiu của anh ta tôi cũng có phần thương cảm nên đã giúp đỡ anh ta ít nhiều. Tuy nhiên, do thói gia trưởng và cao ngạo, anh ta tự cho mình là bề trên mà tôi phải cúi đầu tôn kính.

 

Không phải như bây giờ, bố trí một cuộc gặp mặt với dân biểu Hoa Kỳ Lorreta Sanchez cách đây non chục năm ( năm 2000 ) là việc làm rất nguy hiểm. Cho nên không thể tham được. Do vậy tôi chỉ mời Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương. Không ngờ tình cảnh ngặt nghèo không thể vượt qua đó lại tạo nên sự khinh suất khiến Hoàng Tiến thù ghét tôi đến thế.

 

Đối với nhiều lời chê bai, phê phán nặng nề, nói chung tôi đều có thể tiếp thu để suy ngẫm hoặc tự sửa đối nhưng tôi phẫn nộ đến tột độ khi bị ai bảo mình là gian dối, xảo trá. Vậy mà hơn một lần, Hoàng Tiến đã xúc phạm tôi đau đớn đến mức không đời nào tôi còn có thể nhìn mặt anh ta. Tôi ân hận rằng đã không có điều kiện để so gươm, đấu súng với anh ta, lấy cả mạng sống ra để bảo toàn danh dự.

 

Trước đây, anh ta đã nói, đã viết, trong bài vừa qua anh ta lại đay lại: “ Ông Giang bịa ra chuyện 30 vị lão thành yêu quý ông Giang làm sinh nhật cho ông, chứ ông không có thích làm sinh nhật bao giờ. Ông đưa lên mạng Đối Thoại để quảng cáo cho mình. Ở xa nào ai biết gi. Thực ra ông Giang bỏ tiền làm sinh nhật, và chỉ có 19 người đến dự ( có chụp ảnh ) trong đó không có ai là lão thành cách mạng cả ”.

 

Lúc tôi 69 tuổi tây 70 tuổi ta, một số cụ, đặc biệt là ông Trần Đại Sơn gợi ý nên tổ chúc mừng thọ để lấy cớ tụ tập nhau ( Để thăm hỏi, động viên nhau. Bức xúc lắm thì cũng chỉ phê phán Đảng chứ không bàn cách chống Đảng, lật đổ Đảng ). Tôi bảo tùy các cụ, muốn mời ai thì mời, cụ Sơn chủ trì, tôi chủ chi. Ngoài 3 người bạn riêng, chỉ cụ Sơn mời chứ tôi không mời ai cả. Chiều hôm đó, tình cờ RFA phỏng vấn cụ Trần Đại Sơn về chuyện khác nhưng cụ Sơn đem khoe ngay buổi họp mặt khi trưa và nói con số khoảng ba chục người dự. Sau đó, RFI lại hỏi đại tá Pham Quế Dương. Đại tá cũng nói thế. Lúc chụp ảnh, có người đã về trước, có người đang đi toa let. Vậy mà Hoàng Tiến lùng cho được tấm ảnh, đếm được 19 người rồi bảo tôi khuếch đại con số. Hoàng Tiến tất sẽ bảo, tôi đổ tội cho cụ Trần Đại Sơn vì cụ đã khuất bóng. Tuy nhiên, việc này, không chỉ còn đại tá Phạm Quế Dương mà một vài lão thành cách mạng trong số người đến dự cũng biết.

 

Ngày 6 tháng 7 vừa qua, một vài anh em trẻ lại đến đề nghị tôi tổ chức sinh nhật để lấy cớ tụ họp nhưng tôi trả lời: “ Bia và đồ nhậu thì các cậu đến giờ nào cũng có nhưng làm rùm beng tớ sợ công an một phần nhưng sợ loại Hoàng Tiến nhiều hơn”. Vậy là anh em chỉ đến lẻ tẻ từng tốp chứ không tụ hội nhau được. Anh em Hải Phòng thì chỉ gửi hoa qua bưu điện đem đến.

 

Đám tang thân phụ tôi, anh em dân chủ cũng tự ý rủ nhau đến. Sau tang lễ Trần Độ, tang lễ thân phụ tôi là dịp tụ hội anh em dân chủ và bà con dân oan đông đủ nhất, không chỉ ở Hà Nội mà cả từ các tỉnh xa. Bà Hồng Ngọc, vợ ông Hoàng Minh Chính cũng đến. Trần Dũng Tiến cũng đến. Chỉ riêng Hoàng Tiến không.   

 

Linh mục Nguyễn văn Lý ba lần gọi điện thọai cho tôi, nói rất dài, cố thuyết phục tôi đứng ra lãnh trách nhiệm đứng đầu khối 8046. Tôi đã đinh ninh không muốn nhận những việc như vậy, nhưng sau lần thuyết phục thứ hai của linh mục, nể lòng, đâm ra phân vân, nên tôi đã đem chuyện đó trao đổi hỏi ý kiến anh Lê Hông Hà và một vài anh khác ( chứ truyệt nhiên không hề công bố ở đâu ). Hoàng Tiến viết “ Ông Nguyễn văn Lý không thừa nhận ” là hoàn toàn bịa đặt. Hẳn là Hoàng Tiến không có lý gì mà dám hỏi Cha Lý: “ Ông có mời ông Nguyễn Thanh Giang không ?”. Linh mục Nguyễn văn Lý chắc sẽ có ngày được trả tự do và cuộc đối chất giữa tôi với ông về việc này có thể là nên thực hiện để vừa bảo vệ danh dự cho tôi, vừa bảo vệ danh dự cho linh mục.

 

Hoàng Tiến viết: “ Ông ta còn có tính hay viết bài tự khen mình rồi ký tên người khác ”. Chắc chắn tôi không ( hay ít ra là chưa ) làm việc này bao giờ. Hầu như các bài viết về tôi đều có địa chỉ cụ thể rõ ràng, trừ bài “ Nguyễn Thanh Giang – tên một dòng sông đẹp ”, ký tên Lê Nguyên bị Hoàng Tiến đổ riệt là bài của tôi. Sự thực, bài đó là của Lê Nguyên Sang. Thế nào Hoàng Tiến cũng quay quắt nói rằng tôi lợi dụng Lê Nguyên Sang đang trong tù mà đổ vấy. Nhưng, tôi có nhân chứng. Người đưa bài đó cho tôi và nói là của Lê Nguyên Sang đang sống ở Hà Nội. Chuyện này trước đây phải dấu diếm, nhưng nay bản án cho Lê Nguyên Sang đã được xác định nên việc công khai này không ảnh hưởng gì. Hy vọng mọi người sẽ có dịp hỏi trực tiếp Lê Nguyên Sang về chuyện này.

 

Đề nghị treo giải 100 triệu đồng cho Hoàng Tiến nếu anh ta tìm được một bài ca ngợi Nguyễn Thanh Giang nào mà có thể chứng minh được tác giả là tôi.

 

Hoàng Tiến viết : “ Xin tìm đọc ba bài của nhà văn Hoàng Tiến, và một bài của nhà văn Dương Thu Hương chửi ông Giang một trận thậm tệ đau như trời hoạn, mà ông Giang không cãi lại được câu nào”.

 

Việc tôi không nên tiếp tục đôi co với Hoàng Tiến thì chắc nhiều người đồng tình. Nhưng, vì sao lại có chuyện “ Dương Thu Hương chửi ông Giang một trận thậm tệ đau như trời hoạn ” ?

 

Dương Thu Hương vốn định kiến rằng : một người như Nguyễn Thanh Giang có nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, thân thiết với Trần Đức Lương, đi Mỹ và đi nước ngoài như đi chợ …thì chỉ có thể là công an trá hình để len lỏi váo hàng ngũ dân chủ. Sự việc bác sỹ Bùi Minh Tâm từ Mỹ về nước móc nối với Duong Thu Hương từng trở thành bài học “ kinh khung chi điểu ”. Lợi dụng tâm lý ấy, Hoàng Tiến dẫn Trần Dũng Tiến đến tố cáo tôi là công an, kích động Dương Thu Hương. Ngay từ trước lúc Dương Thu Hương công bố một bài viết dài, Hoàng Tiến sau khi xin được một mảnh viết tay nhỏ của Dương Thu Hương lăng mạ tôi đã lật đật đưa ngay lên mạng Đàn Chim Việt.

 

Cách đây ít lâu, một người yêu dân chủ đã lập một thư viện Nguyễn Thanh Giang trên mạng      ( www, nguyenthanhgiang.com ). Tôi đề nghị đưa cả ba bài chửi của Hoàng Tiến vào mục          “ Những bài viết về Nguyễn Thanh Giang ” trong thư viện đó để lưu danh thiên cổ, nhưng bạn đó chỉ đưa bài của Dương Thu Hương

 

Vì sao Trần Dũng Tiến bỗng trở thành đồng minh chí cốt với Hoàng Tiến quyết tâm diệt tôi ?

 

Trước đây, Trần Dũng Tién hầu như tuần nào, thậm chí ngày nào cũng đến nhà tôi. Ông đã từng viết bài và hăng hái tuyên truyền miệng, ca ngợi tôi hết lời và quá mức. Khi Trần Dũng Tiến vào tù, Hoàng Tiến vừa vì quá sợ hãi vừa vì vô trách nhiệm với bạn bè đã không đoái hoài, không dám bén mảng nhà Trần Dũng Tiến. Riêng tôi phải chạy đi chạy lại thường xuyên an ủi gia đình, giúp viết đơn thư tố cáo, gửi quà cáp chăn áo cho Trần Dũng Tiến. Ra tù, nghe vợ con kể, người đầu tiên mà Trần Dũng Tiến đến thăm là tôi. Ông rưng rưng gạt nước mắt nói : “ Cả đời, tôi sẽ không quên Thanh Giang về sự chăm sóc tôi và gia đình trong những ngày tù tội vừa qua ”.

 

Tuy vậy, thời kỳ Trần Dũng Tiến sắp vào tù, đã nổ ra một số cuộc tranh cãi đập bàn to tiếng giữa hai chúng tôi. Trần Dũng Tiến bảo là tôi sợ công an. Tôi nói: chúng ta không phải chỉ biết sợ công an mà chính là phải sợ người đọc mình và yêu cầu Trần Dũng Tiến hạn chế việc chửi bới nặng lời. Lợi dụng sự kiện đó Hoàng Tiến rỉ tai ra sức chứng minh rằng sở dĩ Trần Dũng Tiến bị đi tù là do tôi. Ba lý do khiến tôi đưa Trần Dũng Tiến vào tù là : 1) Cho bõ tức sau những buổi tranh cãi mà Trần Dũng Tiến không chịu nghe  2 ) Lập công với công an để tôi được yên thân  3) Có thể chính tôi là cộng tác viên của công an ( Rất tiếc rằng điều này được Hoàng Minh Chính cũng xác quyết. Một người ở Mỹ ( hoàn toàn chắc chắn không phải là công an) đã nghe điều xác quyết rằng tôi là công an của HMC ở Mỹ, kể lại với tôi ). Từ chỗ ca ngợi quá mức, đến chỗ vì ngộ nhận rằng tôi là kẻ thù đưa ông ta vào tù, Trần Dũng Tiến đi khắp nơi tố cáo, chửi bới tôi thậm tệ .

 

Trần Dũng Tiến ra tù được ít lâu thì Human Rights Watch hỏi tôi có nhận giúp được khoản tiền thưởng 2000 USD cho ông không ? Không chỉ vợ con tôi kịch liệt phản đối việc nhận hộ mà khi hỏi ý kiến, anh Lê Hồng Hà cũng khuyên hãy khoan khoan đã. Tuy nhiên, phần vì vẫn thương Trần Dũng Tiến, phần không muốn để bên ngoài biết quan hệ xấu giữa chúng tôi. Hôm đến nhận tiền, TDT lại rưng rưng xúc động. Vậy mà, chỉ hai ngày sau, gặp Hoàng Tiến ở nhà Hoàng Minh Chính, Trần Dũng Tiến đem khoe khoản tiền này. Ông ta liền được giải thích rằng: Giải thưởng thì phải được trao vào lúc ông viết được nhiều bài đấu tranh dân chủ quyết liệt chứ đâu mãi bây giờ ông đang nín thinh mà lại được trao. Nguyễn Thanh Giang đã định ỉm đi để ăn chặn nhưng nay vì đang bị Hoàng Tiến đánh cho tơi bời đành phải nôn ra để bịt miệng ông. Nhưng, hắn vẫn còn tham lam, giải của HRW, như chúng tôi đều được trao từ 4000 USD trở lên mà Nguyễn Thanh Giang chỉ đưa cho ông 2000 USD là sao ? Thế là, Trần Dũng Tiến lại xót của, lại đi khắp nơi rêu rao chửi bới tôi. Cho đến khi HRW phải gửi giấy xác nhận ngày giờ và số tiền đã gửi.

 

Sau này, một đôi lần Trần Dũng Tiến có đến nhà tôi nhưng vợ con tôi thì tỏ thái độ xua đuổi, tôi vì quá ghê tởm nên tỏ ra rất hững hờ.

 

Nếu không có sự xúc xiểm độc địa của Hoàng Tiến, phá tan nát mối quan hệ gắn bó giữa Trần Dũng Tiến với tôi thì đến nay Trần Dũng Tiến vẫn còn tồn tại trong đội ngũ đấu tranh, chứ không đến nỗi ra đi không kèn không trống như vậy.

 

Không chỉ đâm bị thóc, chọc bị gạo, kích hận gây thù, độc ác đến mức Hoàng Tiến còn tố cáo khéo ( bằng văn bản ) rằng trong nhà tôi có máy photocopy chuyên photo tài liệu để tán phát.  

 

Hoàng Tiến viết : “ Ông Giang vừa muốn được tiếng là nhà đấu tranh dân chủ hàng đầu, vừa muốn được bảo đảm an toàn tuyệt đối với chính quyền ”.

 

Vế thứ hai, HT nói gần đúng, chỉ thừa chữ tuyệt đối. Tôi không chỉ muốn mình mà muốn mọi người, đặc biệt là anh em trẻ được an toàn để mà đấu tranh lâu dài chứ không phải vào tù. Tôi muốn hướng anh em tiến hành cuộc đấu tranh có chiều sâu và thường gàn họ, không muốn họ diệu võ dương oai, thách đố chính quyền. Tôi muốn họ trở thành những anh hùng thật sự, chứ không phải những yêng hùng. Tôi phẫn nộ và khinh bỉ tất cả những ai trong nước cũng như ở nước ngoài, vì không hiểu tình hình, vì hận thù cuồng nộ, vì vô lương tâm mà khua chiêng, gióng trống hò hét hối thúc anh em trong nước làm những việc lợi bất cập hại.

 

Đối với vế thứ nhất. Hỏi rằng, bằng cách nào Hoàng Tiến có thể đi guốc vào trong bụng để biết tôi muốn được tiếng là nhà dân chủ hàng đầu. Dòng chữ nào, câu nói nào của tôi thể hiện ra điều đó ? Hay là ai, hay là từ đâu mách bảo cho Hoàng Tiến điều đó ?

 

Gần hai mươi năm kiên gan phát biểu về các vấn đề dân chủ, trên báo của Đảng hay dưới hình thức tán phát tự do, dưới các bài viết tôi đều ghi địa chỉ rõ ràng, nhưng bên cạnh tên thật không hề có tước danh. Không giống như Hoàng Tiến, bao giờ cũng xưng danh rất đĩnh đạc: Nhà văn Hoàng Tiến. Trong khi hầu hết mọi người, từ già đến trẻ đều có chức vị dân chủ, có người đến bốn năm chức vi, nào chủ tịch đảng, chủ tịch phong trào, chủ tịch hội … “ Khiêm tốn ” như Hoàng Tiến cũng xưng danh “ Tổng Biên tập báo Tự do Dân chủ ”. Chỉ riêng tôi, không hề có chức vị Dân chủ nào. Thế thì làm sao được xem là nhà dân chủ hàng đầu được.  

 

Ông Nguyễn văn Sáu viết: “ Tôi biết, về học thuật thì giữa nhà văn Hoàng Tiến và  Nguyễn Thanh Giang khó có thể so sánh rạch ròi, nhưng về khả năng viết lách thì nhà văn Hoàng Tiến dĩ nhiên phải nhuần nhuyễn hơn, ông đã không dùng cái hơn của mình để giúp người mà dùng để lăng nhục, xúc phạm người khác thì thật đáng trách ”.

 

Ông Sáu đúng, đặc biệt là đọan tôi gạch dưới. Do nhuần nhuyễn mà Hoàng Tiến đã xuyên tạc được phát biểu của tôi và thu phục được nhiều người chấp nhận sự xuyên tạc đó.

 

Hãy thử xét một vài đoạn trong bài phát biểu của tôi ở Hội thảo của AFVE.

 

Tôi đã phát biểu: “ Cuộc đàn áp dữ dội vừa qua của chính quyền làm cho người ta thấy lực lượng Dân chủ ở trong nước như đã tan tác”.

 

Câu này khác câu “ Cuộc đàn áp dữ dội vừa qua của chính quyền làm cho người ta thấy lực lượng Dân chủ đã tan tác ”.

 

Cũng khác câu: “ Cuộc đàn áp dữ dội vừa qua của chính quyền làm cho lực lượng Dân chủ ở trong nước như đã tan tác ”.

 

Hoàn toàn khác câu: “ Cuộc đàn áp dữ dội vừa qua của chính quyền làm cho tôi thấy lực lượng Dân chủ ở trong nước đã tan tác ”. Hoặc, “ Cuộc đàn áp dữ dội vừa qua của chính quyền làm cho lực lượng Dân chủ ở trong nước đã tan tác ”.

 

Người ta thấy, tức là chỉ biểu kiến. Biểu kiến thì có thế đúng bản chất, có thể không.

 

Như đã, tức là không khẳng định. Có thể đúng như vậy, có thể thấy vậy mà không phải vậy.

 

Tôi cũng đã phát biểu: “ Tuy nhiên, trong bước chuyển hóa vào giai đọan có tính chất quyết định đang tới, việc bàn thảo để làm sao nhận định cho đúng tình hình và đưa ra được những giải pháp tối ưu là rt quan trọng. Bước chuyển hóa có thể diễn ra nhanh gọn và sau đó mở đường thênh thang cho Dân chủ tiên tới hay lại vật vã lê thê và để lại những hu quả không mong muốn là nhờ một phần ở những hội thảo như thê này ”.

 

Ở đây phải hiểu là xã hội chuyển hóa, đất nước chuyển hóa. Đất nước chuyền hóa hợp quy luật, nền chính trị chuyển hóa nhanh gọn sẽ mở đường thênh thang cho Dân chủ tiến tới, nếu không đất nước sẽ phải vật vã lê thê như trong non thế kỷ qua. Khi tôi phát biểu như vậy là tôi đang     “ Tưởng niệm con đường Phan Châu Trinh ”, đang đau lòng duyệt lại non một thế kỷ máu xương của dân tộc ta. Tôi hoàn toàn không có ý nào nói như ông Nguyễn văn Sáu hiểu. Phong trào dân chủ trong nước theo anh viết là đang vật vã, lê thê…và đang bế tắc ”.

 

Tôi luôn nghĩ rằng chúng ta nói, viết hay mở hội thảo là để bàn về việc nước chứ không nên chỉ bàn về cái gọi là lực lương dân chủ, duyệt xét xem nó đang cố kết chặt chẽ hay lục đục rã rời, đường bệ tiến tới hay vật vã lê thê….

 

Trong bài phát biểu của tôi tại Hội thảo AFVE còn có đoạn “ Hình như thời cơ lớn đang đến. Sự chống phá điên cuồng của các thế lực bảo thủ, lạc hậu được các “ đồng chí ” bên ngoài chỉ đạo đang kích động sự phản công không đặng đừng của các lực lượng tiến bộ xã hội cả trong quảng đại lẫn trong giới lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội và trong đầu não đảng CSVN có sức yểm trợ mạnh mẽ của nhân loại tiến bộ, đặc biệt là của chính giới Hoa Kỳ và bà con Việt Nam ở nước ngoài. Cuộc đấu tranh lần này càng quyết liệt càng hứa hẹn một tương lai mới tốt đẹp cho Việt Nam không còn xa nữa ”. Đoạn này cùng với bài viết “ Lịch sử cơ hồ sang trang ” tôi vừa công bố là dự phóng lớn lao về đất nước ( mà nếu đúng thí đấy là đại phúc cho dân tộc ). Bước tới thênh thang hay vật vã, lê thê là chuyện của đất nước, của dân tộc chứ không phải ám chỉ đội ngũ những người đấu tranh cho Dân chủ.

 

Trong một lần trả lời một giới chức, tôi đã nói: tôi viết báo, viết sách, chẳng qua chỉ như một nhu cầu sinh lý, hít vào thì phải thở ra, nghe thì phải nói, đọc thì phải viết, mọt sách thì phải làm ra sách. Thế thôi. Nhân đây, tôi muốn xin, từ nay đừng ai gọi tôi là nhà nọ nhà kia, cũng đừng kỳ vọng ở tôi điều gì nữa cả. Tôi muốn tuyên bố công khai rằng tôi chẳng là cái gì, chẳng liên quan đến sứ mệnh nào, chẳng đứng trong đội ngũ nào, chẳng muốn quan hệ với người nào, với thực thể Dân chủ nào …. Nhưng sợ như vậy nghe nó ngô nghê quá.

 

Đã ngoại bẩy mươi, không chỉ lực bất tòng tâm mà hoàn cảnh cá nhân cũng không có gì thôi thúc tôi cuồng nộ với công cuộc đấu tranh dân chủ hóa bởi vì tôi cũng như gia đình tôi không có quyền lợi riêng tư gì ở đó. Tôi không thể thụ hưởng thêm được bất cứ cái gì hơn những cái tôi đang có. Tôi không thể ở nhà rộng hơn, không thể ăn ngon và nhiều hơn. Thịt thà không chỉ phải tự hạn chế mà vốn tôi cũng không thích. Cá cũng chỉ muốn ăn cá nhỏ: trê, trạch, diếc hay trích, nục …Không thích lợn cả, cá to. Kho chứ không rán.

 

Không chỉ vì tôi quá ghê tởm sự ganh ghét đố kỵ, không hẳn là tôi thối chí hay thúc thủ mà vì tôi tự biết mình đã vãn chiều xế bóng, không còn đủ sức đảm đương bất cứ nhiệm vụ câu thúc nào; trong khi đó tôi hoàn toàn tin rằng anh em trẻ có khả năng gánh vác công việc tốt hơn chúng tôi rất nhiều.

 

Thư này tôi viết hơi dài, không hẳn vì để giải tỏa cái tâm thế hý hửng của Hoàng Tiến “ lại tung ra một đòn chí mạng,“đánh” cho Nguyễn Thanh Giang “đau” mà không thể kêu được ”, cũng không hẳn vì để bảo toàn uy tín mà chủ yếu vì để xóa nỗi nhục – cái nỗi nhục bị Hoàng Tiến vu cho là tôi gian dối -, bảo vệ lấy danh dự của mình. Tôi xin phép ông Sáu sẽ cho công bố rộng rãi bức thư này.

 

Tôi muốn cười mà không cười được, tôi muốn khóc mà không khóc được, chỉ cầu mong Trời Phật phù hộ cho tôi còn đủ nghị lực để không buông xuôi vì quá chán chường. Cầu mong Trời Phật phù hộ cho tôi còn có thể lực và trí lực dồi dào trong ít năm nữa để có thể đọc và suy luận một cách sáng suốt, đặng viết ra được những điều chí lý, góp phần nhỏ nhoi, tích cực cải tạo nhận thức xã hội một cách đúng đắn. Chỉ cần như vậy thì chắc hẳn mai sau có lẽ tôi sẽ được an vui ở chốn thiên đàng hay miền cực lạc..

 

Hà Nội ngày 5 tháng 8 năm 2007