Bài "Đọc thơ Nguyễn Thanh Giang"

tác giả Lê Minh Phúc

Liên hiệp Khoa học Địa Vật lý-Địa chất    

Nguyễn Thanh Giang có thơ đăng báo từ những năm 50. Những năm chống Mỹ thơ anh xuất hiện khá đều đặn trên các báo trung ương và địa phương, nhiều nhất ở báo Văn Nghệ, kể cả ở Tác Phẩm Mới. Thơ anh đã từng được in chung vào một số tuyển tập như : Ngọn đèn đứng gác, Sức mới, Hai bàn tay ta, Đỉnh Hàm Rồng ... Hầu hết được gom lại trong một tập mang tên “Những Mẩu Quặng dọc đường” với bút danh Thanh Giang.

 

Đọc “ Những Mẩu Quặng dọc đường ” biết anh đã từng :

                 Sớm ghé Đông Khê còn âm vang tiếng súng

                 Chiều dừng Bông Lau vọng tiếng hát mừng công

                 Phăng Si Păng ngút ngàn vòi vọi thác mây tuôn

                 Nghe mỗi bước nước non thầm nhắc nhở

                                                      ( Những dặm đường

Lẽo đẽo theo anh là chú ngựa thồ với lỉnh kỉnh

    

                 Nào búa, choòng, xoong bát, chiếu chăn

                 Nào mẫu quặng ngày thêm đầy túi

 

Vậy mà “ thầy trò ” vẫn

 

                  Lên đèo Chẹn cỏ gianh trùm lấp lối

                  Dốc Lũng Pô chùn gối vẫn còn xa

                  Đường Xưa Teo chân bấm rách lần da

                  Đứt hơi thở vẫn cùng ta vượt tiếp

                                                    ( Bài thơ về chú ngựa thồ )

 

Giọng thơ anh vang lên chất anh hùng ca khi nói về “ người bạn đồng hành ” của mình

 

            Là con những đoàn thồ chân thép

            Đường tiếp vận xưa súng đạn nghìn cân           

            Đêm xuất quân vỗ móng hý vang rừng

            Rầm rập cùng cha anh đi mở đường thắng lợi           

 

            Nay lên giữa những ngày xanh vời vợi

            Ngựa rung bờm nổi gió cuộn mây theo

            Lưng nhẫy mồ hôi loang loáng nắng đỉnh đèo

            Đuôi phe phẩy, reo lá rừng xao xác

 

 

 

Cứ thế mà “ Bám vào gốc cây, với lên tầng mây ” để rồi đến lúc

 

            Tưởng chỉ còn kia sắc xanh thôi

            Chợt ngoảnh lại từ vắng im vũ trụ

            Đường mòn xuống bản dưới xa

            Cánh chim mời về tổ ấm

                                               dưới xa  

            Mảng mây trắng tuổi thơ hằng mong gửi cánh diều

            Dưới xa ...

                              ( Ghi chép trên một hành trình địa chất )

 

ở cái độ cao “ Sao nở trong tầm với ” ấy, trước mắt nhà thơ địa chất này là cả một vũ trụ đầy tài nguyên khoáng sản

 

            Này ngôi đỏ, rực lò gang đang sôi

            Này ngôi tím, biếc sắc thép tôi già

            Này viên ngọc xanh lung linh bên vành nón

            Này chiếc nhẫn vàng chưa ngón tay đeo

 

 

Thế rồi thực hư lẫn lộn và lãng mạn đến cái mức đang ngủ bỗng giật mình thấy

 

                     Chợt lưỡi liềm trăng móc căng dây lều

                                                           làm mọi người sửng sốt

 

Trong “ cái lạnh trên cao như kim châm vào da thịt ” ghê gớm thế mà chàng trai địa chất có lẽ không kém đa tình ngày nào còn mơ thấy dắt tay tiên nữ đi dạo suốt đêm bên luống cải sen đơm hoa vàng rực rỡ của mình

 

                    Trước lán trồng thêm luống cải sen

                    Bướm rừng lác đác đến làm quen

                    Giật mình, một sớm hoa vàng choé

                    Mơ, suốt đêm đi dạo với tiên

                                                         ( Luống cải sen )

 

Có lẽ chính anh chàng từng chuệnh choạng trước ánh mắt của cô gái Mèo bán đào và cũng đồng thời làm cô lúng túng đánh rơi tiền vào choé rượu

 

                   Cô gái Mèo bán đào bằng khoé mắt

                   Đánh rơi tiền vào choé rượu trong veo

                   Tôi ngước nhìn PhăngSiPăng ngây ngất

                   Chuệnh choạng như bước ngựa lên đèo

                                                                    ( Sa Pa )

 

Nhưng rồi, da diết sao là nỗi nhớ.

 

Lúc ở rừng thì :

 

                    Ta nằm đây ngửi mùi lá mục

                    Nhớ mùi bùn sực nức những mùa chiêm

                    Con đường nhỏ trên đồng quê tít tắp

                    Rơm rạ rải đầy quấn quýt chân em

 

                    Đêm ngủ điếm canh tuần trăng đẹp

                    Nhớ bờ xa con cá chép vượt đăng

                    Trong đầm lầy tiếng ai xua két

                    Lưới dựng ngang trời đón cả tia trăng

                                                          (  Nhớ  )

 

Và :

                    Cho anh gửi lòng về xóm cũ

                    Nơi bóng dừa rủ mát những tuổi thơ

                    Nơi bờ dâu ôm ấp những con đò

                    Dòng nước mặn thấm đôi bờ cát đỏ

                                                   ( Nhớ về xóm cũ )

Khi xa đất nước thì :

      

             Mùa xuân đi xa nhớ mầu xanh Tổ quốc

             Tháng giêng chao cánh én trong hồn

             U-ran đội mây như dáng người trầm mặc

             Ơi hoàng Liên Sơn, ơi Ngũ Hành Sơn !      

 

             Xa cánh rừng dầy xào xạc tre bương

             Nhớ một vắt cơm lam chia năm bẩy đứa

             Thung lạnh thiếu chăn ôm nhau nằm không ngủ

             Nghe nai gọi bạn tình heo hút rừng đêm

                                                   ( Đêm xa cách )

 

Khi đứng trước thung lũng Silicon ở California thì :

 

                  Mênh mông Thung lũng Hoa Vàng

             Ngỡ sim biền biệt đồi hoang bên trời

                  Dẫu vàng rơi. Dẫu vàng rơi

             Vẫn ngan ngát tím một thời nhớ nhau

                                          ( Mầu xưa )

 

 

Nỗi nhớ thật là khắc khoải mà cũng thật là bền bỉ. Vượt qua cả sự úa vàng của thời gian, đạp lên cả sức cám dỗ của bạc vàng : “ Dẫu vàng rơi. Dẫu vàng rơi ” …

 

Khi về thành phố thì

 

              Nhớ ngây ngây mầu nắng ươm bản Thổ

              Sương trắng giăng êm ả mái tranh Mèo

              Nhớ suối dẫn đường róc rách vui reo

              Tiếng gió hát ru mỗi đêm rừng thao thức

 

Và, đây nữa, có phải chính là cô gái đã từng vẫy theo nhắn mời : “ Cán bộ đi tối về nhớ chơi em nhé ! ” không ? ( Câu này đã được dịch đúng nghĩa là : cán bộ đi làm việc tối về nhớ qua nhà em chơi nhé ! )

 

              Cô gái Chiềng Ngàm vẫn lên núi ư em ?

              Những quặng đẹp trong đời không hiếm

              Sao nhớ riêng một sắc trời tim tím

              Mẩu quặng em tìm từ một hố bom

 

Hẳn là anh đã phải phấn đấu gian khổ biết chừng nào để vượt qua được nỗi nhớ khi phải xa cái miền quê mà

 

                      Lắm lúc tưởng không rời xa được

                      Ôi cát sông Tuần như miết dưới chân

                      Ôi nước giếng Chùa giờ còn thấm ngọt

                      Nắng cồn Gồng vẫn ấm sau lưng

                                                                     ( Nhớ )

 

ở đấy không chỉ có họ hàng, thân quyến mà còn có những em học sinh cũ ngày nào của anh nay bỗng được đọc tên trên báo như những anh hùng

 

                      Công việc bộn bề ít khi hồi tưởng lại

                      Nay bỗng gặp em trên dòng báo đơn sơ

                      Tên mỗi đứa, anh bồi hồi gọi mãi

                      Nhớ các em … ngan ngát một rừng dừa

 

                      ừ nhỉ ! các em giờ đã lớn

                      Tuổi các em, tuổi chị Tuyển, chị Hằng

                      Xưa học sử, mến yêu Trần Quốc Toản

                      Nay các em theo anh Trỗi, chị Vân

                                                     ( Nhớ về xóm cũ )

 

Và thế là hình ảnh xóm quê nhỏ bé ngày nào bỗng rực sáng lên

                  

                       Con sông Tuần, con sông xưa nho nhỏ

                       Trên bản đồ chưa đủ một nét ghi                      

                       Nay dào dạt lòng anh sóng vỗ

                       Mỗi gợn lăn tăn loé một ánh sao khuya    

 

Tuy nhiên, anh không chỉ nhớ với thương, đôi khi anh cũng suy tư, cũng triết lý bằng những chất liệu địa chất. Hãy nghe anh nói về những viên đá thường :

                      

                        Em có bao giờ suy nghĩ để yêu hơn

                        Những viên đá thường, đâu cũng gặp

                        Cái lớp rắn bao ngoài Trái Đất

                        Giữ ta dứng vững dưới trời trong   

                                       ( Nói với em về viên đá thường )

 

Cái lớp rắn gồm quảng đại những “ viên đá thường ” đó có tất cả những đức tính tốt đẹp của quần chúng, của nhân dân : đức khiêm nhường, sức bền bỉ, tính hợp quần :

 

                        Đá rải đường và đá dựng lầu trang

                        Kiên nhẫn, miệt mài cùng im lặng

                        Nối với mây hay đứng bên đầu sóng

                        Mầu lành không phai trước thời gian

 

                        Dù là từ ruột đát trồi lên

                        Dù tự thiên hà nào bay đến

                        Đá rắn khoẻ với đá già bở vụn

                        Tất cả đều khiêm tốn lẫn vào nhau

 

Trong cái hợp quần quảng đại này thì những

 

                        Viên đá trẻ thường vuông thành sắc cạnh

                        Soi phía nào cũng thấy mặt hồi quang

 

Mỗi cá thể đều lấp lánh sắc mầu, nhưng tất cả khi hợp nhất thì trở thành một hoà đồng bình dị, chắc khoẻ.

 

                        Đá trăm sắc như chim ca trăm giọng

                        Mà thoáng qua tưởng nghe một âm trầm

 

Cho nên, em phải biết trân quý cả những viên đá thường . Bởi vì

                        Hòn đá xám lẫn trong mầu cỏ

                        Trong trời chiều bề bộn núi non xa

                        Mà em nhỉ, nếu biết yêu mầu xám ấy

                        Bao giờ ta cũng có lời ca

 

Anh làm thơ chủ yếu chỉ để giãi bầy xúc cảm, bộc bạch tâm tư, ít gọt rũa, không kỹ thuật, tuy nhiên, đôi khi sự hình tượng hoá, nhân cách hoá, tráng ca hoá xuất phát từ xúc cảm mạnh đã bột khởi thành tính nghệ thuật, tính tư tưởng rất cao.

 

Hãy xem anh tạc lên khung trời hùng vĩ chiếc máy khoan địa chất thô sơ của mình

 

                      Như chiếc com-pa mở trong lưng chừng gió

                      Ghếch bên trời, đo mãi tận xa xưa

 

                      Lực lưỡng quá, những đòn ngang, ống chống

                      Mầu sắt nâu vạch nét đậm trong mây

                      Tiếng búa, tiếng clê vang đầy thung lũng

                      Cánh ban mềm xoè nõn những vành tai   

                                               ( Tháp khoan trên chóp núi )

 

Hãy chiêm nghiệm một bức tranh sung mãn của mùa màng

 

                      Chim bay lên, hạt vàng vương trong cánh

                      Hạnh phúc theo đi trang trải trăm miền

                                                  ( Đất châu thổ )

 

Hãy nghe anh kể về một bữa liên hoan “ mộc tồn ”

            

                      Bấy lâu măng chấm muối vừng

                      Bữa nay riềng mẻ thơm lừng suối khe

                      ......

                      Trở mình nghe cộm dưới lưng

                      Cầm lên mẩu quặng còn thơm mùi riềng 

                                          ( Tết trong thung lũng )

 

Có lẽ trong văn chương Việt Nam, đây là bài thơ thịt chó thanh lịch duy nhất. Không hề nói đến thịt chó nhưng người đọc vẫn cảm thấy đậm đà hương vị, thấy toái loái, đã đời, mà... không hề quên nghề nghiệp.

 

Hãy nghe anh tả cái nóng

 

                     Sàng Thần cao hơn mặt biển trên ngàn mét

                     Nắng trưa như áp sát mặt trời

                     Hoa lau nở bung ra hết

                     Ve rang đỏ lá rụng tơi bời

 

Nóng đến nỗi :

                          

                           Chú ngựa tải lương đêm qua đã chết

                           Da bọc vào xương như chiếc khăn vắt kiệt

                           Máng nước đầu nhà chỉ tý tách rơi

                           Tiếng hoẵng dội về khô khốc

 

Vậy mà sự sống về đêm ở đây vẫn ướt át đến “ lăn lóc đá, mê mẩn đời ”.

 

                    Măng rất đắng, rau tầu bay rất chát

                    Nhưng sao cứ phừng phừng hoa anh túc

                    Để đêm đêm sương bải hoải rơi

                    Và sáng sáng ai phơi váy Mèo trắng triền đá xám

                                                ( Nghịch lý ở Sàng Thần )

 

Có cái hơi nồng rươu thịt ở “ Tết trong thung lũng ”, có cái trăng hoa bên “ Luống cải sen ”, có cái không khí “ sex ” trong “ Nghịch lý ở Sàng Thần ” nhưng bản thân tác giả thì vốn sống  đạm bạc và luôn hướng thiện. Có lần anh trồng một cây bầu. Cây bầu lớn nhanh quá. Anh vui mừng làm giàn cao cho bầu leo lên song không quên dặn dò :

 

                                Chưa đến trăng đâu

                                Vòm sao xa lắm

                                Chỉ vàng thêm nắng

                                Lộng thêm gió trời

 

Và anh chỉ thực sự vui mừng khi thấy

 

                                 Thoáng đâu hiên ngoài

                                 Xôn xao lá rợp

                                 Đường xa ai mệt

                                 Ghé ngồi thảnh thơi

                                   ......

                                 Yêu sao dây bầu

                                 Lên tới giàn cao

                                Lá xoè bóng mát

                                Ruột càng trắng phau

                                    ( Cây bầu lên giàn )

 

Bài thơ này anh đề tặng : “ Viết cho con ”.

 

Tuổi trẻ, anh                 

                     

                           Ước làm một nhịp cầu

                           Dù trưa mai đổ gục

                            Đêm nay trăm toa tầu

                            Lao trên mình xầm xập

                                      ( Thư gửi bạn ở chiến trường )

 

Về già, anh muốn xoè bóng mát để đường xa ai mệt, ghé ngồi thảnh thơi

    

Những người từng gần gụi, từng công tác với anh đều thấy anh là người đôn hậu có cái tâm rất trong sáng. Anh ít ham vật chất, ít kêu ca phàn nàn về những khó khăn, trắc trở nhưng lại rất ưu thời mẫn thế. Chính vì thế mà trán người ưu tư phơi trắng cả hoàng hôn

                   

                        Mây đã bạc đầu

                         Chiều đã rêu phong

                        Thầm thĩ mãi tiếng rì rầm suối nhỏ

                        Thao thức mãi tiếng ầm ào thác đổ

                        Trán đá phơi trắng cả hoàng hôn

                                              ( Tâm tư chiều )

 

Chính vì thế mà anh thấy mình chưa thể già được

 

                       Sớm thơm trinh bạch khi nhài nở

                       Chiều chưa nhạt được huệ đương hương

                                                     ( Hoa-anh-tìm )

 

 

Cho nên đến Đà Lạt, anh càng ngẩn ngơ khắc khoải

 

                 Hồ vẫn Xuân Hương, đầu đã bạc

                 Thác Prenn trắng xoá vẫn còn reo

                                                              ( Đà Lạt )

 

Bài thơ sau đây có thế xem là tuyên ngôn về cuộc sống của anh :

 

                     Nghe Chim

                        

                Rừng gần đầy hoa

                Rừng xa đầy chim

                Giọng thấp giọng cao chen nhau trong gió

                Hoạ My Đất mừng những tay búa vừa tìm thấy than     

                Sáo Nâu mừng tìm thấy sắt

                Hoàng Yến mừng tìm thấy vàng

                Bạch Yến mừng tìm thấy thiếc

                Vàng Anh mừng tìm thấy đồng

                ... và Liếu Điếu, Bồ Nông

                và Chào Mào, Sáo Đá  ...

 

                                    *

                Ai qua suốt rừng gần

                Thấy hoa đỏ thấm vào hơi thở

                Ai đi hết cánh rừng xa

                Sẽ nghe lòng đầy ắp chim ca

 

Thanh Giang đã qua suốt rừng gần nên hoa đỏ đã thấm vào hơi thở. Anh vẫn còn đầy nghị lực và đang đi hết cánh rừng xa để được nghe lòng đầy ắp chim ca .